Ở chỗ đó ngày
xưa là con lộ đất đỏ chạy ngoằn ngoèo theo triền dốc dẫn xuống một lũng hẹp nằm
kẹp giữa hai sườn đồi, một dốc đứng đầy đá tảng và những bụi sim gai mọc lúp
xúp, một thoai thoải hơn, là những thửa vườn cằn khô ít được chăm sóc và
ngăn dậu sơ sài bằng những thân cây khô kết hợp với đá, với rào kẽm gai; xa
hơn một chút, từ đỉnh đồi chạy vào sâu hơn nữa về phía bên kia sườn dốc là ngút
ngàn rừng cao su. Nhà của ông nằm cuối con lộ, xem như gần tận đáy cái lũng hẹp
ấy, vì chỗ thấp nhất là cái khe đá cuồn cuộn nước vào những lúc mưa nhưng cạn
trơ lòng ngay lập tức khi trời vừa tạnh ráo. Căn nhà gạch cũ chỉ có hai gian,
phần bếp và kho được dựng thêm vào, lắp ghép tạm bợ bằng ván ép và tôn cũ,
nhìn từ xa, đặc biệt là từ đầu dốc, nó giống hệt một con tàu nhỏ ọp ẹp với mũi
tàu là cái mái tôn nhọn chĩa ra ở phía mặt tiền chỗ cửa ra vào, phần còn lại
như đang chậm chạp chìm xuống và rệu ra thành từng mảng với tất cả
sự thảm hại mà phần đuôi chắp vá của nó đang phơi bày. Tôi gọi căn nhà là
con-tàu-chìm - và ông M. - chủ nhân của căn nhà ấy cũng thích thú với cách gọi
như vậy: một con-tàu-chìm!
Tôi biết ông M.
trong một dịp khá tình cờ. K. và Bình Hippy, hai người bạn văn nghệ tôi quen
khoảng giữa những năm 80, một khuya kéo qua Đakao tìm tôi. Đó là chỗ tổ hợp hóa
dược của bà cô họ mà tôi đang làm việc và nhận trực thêm vào ban đêm để kiếm tiền
ăn học. Thời ấy tôi chưa biết uống rượu nhưng lại thích mê việc được ngồi cà kê
dê ngỗng chuyện nghệ thuật trên rừng dưới biển với bạn bè. Cả bọn rủ nhau ra
cái hẻm nhỏ trước cửa chợ Đakao lai rai gỏi vịt - món nhậu vỉa hè quen thuộc thời
bao cấp đói nghèo luôn đi kèm với thứ rượu gớm chết: rượu cây lý!
Đã khuya, quán vắng
teo. Chưa kịp ngồi vào bàn thì đã nghe tiếng ới gọi tên Bình, một gã thanh niên
trạc tuổi tôi, tóc tai bù xù kính cận dày cộp đi cùng một người đàn ông cỡ
ngoài bốn mươi mặc áo sơ mi vạt bầu bỏ ngoài dài thõng trên xe đạp cũng vừa trờ
tới. Tôi thấy Bình reo lên, Trúc cận Trúc cận, hay quá, vào đây luôn đi! Tay
thanh niên có biệt danh Trúc cận vui vẻ tấp vào, người đàn ông mặc áo vạt
bầu đi cùng cũng lẳng lặng vào theo. Và đó là ông M. - người sẽ trở thành người
bạn vong niên của tôi trong một khoảng thời gian không ngắn mà cũng chẳng dài,
sau này.
Tôi nói sau
này, vì tối hôm ấy, ông M. chẳng trò chuyện gì nhiều với tôi cả! Ngoài dăm câu
giao đãi, phần lớn thời gian ông chỉ lặng im uống rượu. Chỉ sau này tôi mới
biết ông là một tay chơi dương cầm có hạng. Chỉ sau này tôi mới biết ông là một người
rất đỗi tài hoa. Chỉ sau này, những nét phác mù mịt về cuộc đời ông mà tôi nghe
ra từ những tâm sự rời rạc ông vô tình thố lộ trong rất nhiều cuộc rượu giữa những
cơn say mới dần được hình thành. Mồ côi cha mẹ sớm, một người họ hàng xa có thế
lực đã gởi ông vào nội trú trong một tiểu chủng viện. Ở đó, ông được dạy dỗ ăn
học đàng hoàng, người ta muốn hướng ông theo con đường tôn giáo, trở thành linh
mục. Nhưng ông bảo, ông thấy mình quá thiếu vắng đức tin để có thể trở thành một
người đi rao giảng Phúc âm. Ông bỏ ra ngoài làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Dạy nhạc,
chơi đàn, yêu đương, thất tình, đi lính, vỡ mộng, sầu u, bất đắc chí… Và những
gì gì nữa? (K. bảo dừng tin những gì ông M. kể, vì quá kiêu ngạo nên chắc ông
ta chỉ nói về chiếc bóng to của mình ở trên vách. K. có vẻ không ưa ông M.).
Khoảng hơn tuần
lễ sau đêm rượu trước cửa chợ Đakao, Bình kéo Trúc cận và ông M. ghé nhà tôi
chơi. Ông nghe tôi hát một vài ca khúc mới viết, gật gù chẳng nói gì, nhưng ông
rủ, khi nào rảnh lên nhà ông chơi, vào trong vườn ở tận Đồng Nai. Tôi nhận lời,
mà nghĩ, chắc chẳng có dịp nào! Nhưng rồi sau đó, cứ mỗi lần xuống
Sài Gòn, ông M. lại tìm tôi, khi ghé nhà Thủ Đức, khi ở chỗ tôi làm gần chợ
Đakao. Có tí tiền thì đi uống rượu, không thì cà phê hoặc chỉ ngồi nói chuyện
suông. Ông M. uống rượu như hũ chìm, tôi mới lẫm chẫm tập uống chẳng phải đối
tượng thích hợp để đối ẩm với ông, thế nhưng chẳng hiểu sao thời gian đó ông cứ
hay thích rủ tôi đi cùng. Tôi nghĩ, có lẽ ông quý tôi, vậy thôi!
Về phía mình, dù
giao du thân thiết với ông M. nhưng lắm khi tôi vẫn cảm thấy ông quá kỳ khôi,
xa lạ và bất toàn, thậm chí có lúc tôi còn thấy sợ ông. Ở ông, kể cả những lúc
bình thường nhất, vẫn có cảm giác ông đang phải kiềm chế một nỗi bức bối vô
hình nào đó đang cựa quậy vùng vẫy trong tâm hồn mình, hoặc giả, sự cố tỏ ra
mình mạnh mẽ, mình có thể vượt qua mọi lỗ hổng đen ngòm của niềm cô độc cứ
thường trực mở ra trước mắt, nên đôi khi trông ông có vẻ nặng phần trình diễn. Người
ta bảo con người thường bị giăng mắc bởi những tấm lưới rối rắm phiền muộn do
chính mình dệt nên rồi lại tự mình đánh lưới chính mình. Phải chăng ông M. đã tự
mắc vào tấm lưới ấy của mình? Có lần tôi rủ ông đến tham gia CLB Sáng tác trẻ với
tôi cho đỡ buồn. Ông và Trúc cận từ Đồng Nai xuống từ sớm. Ngồi xem sinh hoạt của
CLB trong khán phòng Hội quán sinh viên xong ra ông nói với tôi: “Em chui vào
chốn ấy làm khỉ gì? Vui chơi thôi, chứ nghệ thuật thì nhất quyết không thể bầy
đàn như vậy”. Ông làm tôi cụt hứng và thấy mình quê một cục!
Lần đầu tiên tôi
được nghe ông M. chơi đàn là ở nhà ông, trong con-tàu-chìm, đấy cũng là lần đầu
tiên tôi và Bình Hippy đến đó. Căn nhà nhỏ của người đàn ông độc thân không bừa
bộn như tôi nghĩ mà khá gọn gàng ngăn nắp. Bộ sofa bạc màu được giữ sạch,
những chồng sách xếp ngay ngắn trên bàn, cây đàn piano cũ không tí bụi, chiếc
thánh giá gỗ sáng bóng trên vách... Ông M. chiêu đãi chúng tôi cá nướng cùng
món rượu gừng do ông tự ngâm cay đến xé họng. Thứ rượu quái dị này khi uống vào
vị nồng xốc lên tận óc, chỉ ba bốn ly là bắt đầu thấy váng đầu hoa mắt. Ông M.
thì uống liên tục. Ngà ngà say, ông ngồi vào đàn. Tôi không nghĩ ông đàn
giỏi. Vì vậy, khi cây dương cầm cũ kỹ tuôn ra những dòng âm thanh chói lóa, thứ
âm nhạc mà sau này tôi mới biết là của Prokofiev - nhà soạn nhạc ông đặc biệt yêu
thích, tôi sững cả người. Không còn dáng vẻ u sầu bức bối như lúc bình thường nữa,
ông trở thành một con người khác: đầu ngẩng cao, mắt sáng rực, dáng vẻ hăm hở của
một con chim ưng đang bay thẳng vào trong gió lớn… Và ông quên hết thực tại,
quên cả hai thằng bạn nhỏ là tôi và Bình Hippy đang say rũ ngồi rúm ró trên
sofa ngó ông métamorphoser với cây đàn của mình!
Có bận thất nghiệp,
sầu thối, chẳng biết làm gì, tôi thường rủ Trúc cận gióng xe lên chơi với ông.
Khi thì ngồi bên hiên con-tàu-chìm hút thuốc nghe ông lèm bèm chuyện đời, khi
thì gầy cuộc rượu uống tràn cho đến say bét rồi leo lên sofa nhà ông ngủ vùi.
Đó là những tháng ngày bế tắt đến mụ mị. Tôi nhớ có lần cả bọn uống
say rồi ở lại nhà ông. Đêm giông bão mịt mù, mưa quất đinh tai nhức óc lên mái
tôn. Ông M. cứ ngồi lì bên dương cầm nốc rượu rồi gõ đàn như thể muốn
đua cùng tiếng mưa, như thể căn nhà nhỏ của ông quả là một con tàu đang chìm
tận đáy một xoáy nước khổng lồ giữa đại dương sâu thẳm mà tiếng đàn
của ông là những tín hiệu cầu cứu đang được gửi đi trong tuyệt vọng…
Rồi những hoạt
động âm nhạc cùng đám bạn mới trong nhóm sáng tác trẻ hút tôi đi, tôi ít gặp ông
M. hẳn. Thi thoảng tôi biết ông có ghé nhà tìm tôi mà không gặp. Có lần
ông để lại một tập thơ của François Villon, loại Livre de Poche, cùng mảnh giấy
nhỏ ghi: “Tặng S. cuốn thơ đọc chơi quên sầu!”. Thời đó cũng chẳng có điện
thoại gì để mà liên lạc hay gọi nói lời cảm ơn. Một khuya có lẽ đã say lem,
ông ghé lại, than buồn. Tôi kéo ông xuống chợ kiếm một quán cóc rồi ngồi tiếp
rượu ông cho đến gần sáng. Có lẽ đó là một trong những lần cuối cùng tôi ngồi uống
rượu với ông, tôi nhớ mang máng như vậy… Khoảng năm 1989 tình cờ gặp Trúc cận,
hắn bảo ông M. giờ tệ lắm, rượu chè say xỉn suốt, ông đã bán luôn căn nhà mặt
tiền phố lớn ở Biên Hòa mà cha mẹ để lại. Tôi thấy buồn buồn nhưng không ngạc
nhiên. Sự chọn lựa của mỗi con người trước định mệnh của mình đâu hàm nghĩa sự
thành bại của họ đối với cuộc đời. Với ông M., cái quan trọng hơn cả có lẽ nằm
trong cái hành động mà ông luôn khăng khăng cho rằng mình có quyền tự quyết: sống
cái cuộc đời bất cần đời đầy vẻ thê thiết của mình! Trước khi xuất cảnh đi Mỹ,
khoảng cuối năm 1991 hay 1992 gì đó, Bình Hippy có ghé tôi, hắn bảo nghe nói
ông M. say rượu té xuống sông chết đuối hồi giữa năm, trước lễ 30.4 ít ngày.
Tôi nghe mình thảng thốt buồn. Hỏi hắn biết mộ ông M. ở đâu không? Bình nói
không, rồi thở dài sườn sượt, ông ấy uống nhiều quá!
Ở chỗ là con lộ
đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn xuống cái lũng hẹp nhà ông M. bây giờ chẳng còn dấu tích
gì của ngày xưa cả. Mấy vạt đồi nhỏ ven quốc lộ được san phẳng làm khu công
nghiệp. Trên khu vực có thể là cái sườn đồi ngày trước có những thửa vườn hẹp
khô cằn của nhà ông M. giờ mọc lên những dãy nhà máy với ống khói vươn cao. Rừng
cao su ngút ngàn thuở nào cũng bị đẩy lùi vào tít những dãy đồi xa. Mấy lần có
dịp đi ngang chốn cũ, tôi chạy xe chầm chậm cố tìm lại những nét quen gợi nhớ ngày
nào. Nhưng chẳng còn gì cả. Chớp mắt mà đã trên ba chục năm trôi qua. Người xưa
bảo thương hải vi biến tang điền là vậy! Trong vũng tang thương dâu bể đổi dời
này, chìm đắm không biết bao nhiêu những con người với những tâm hồn tuyệt đẹp từng
qua lại xa gần với cuộc đời tôi. Ôi, ông M., căn nhà nhỏ và những cốc rượu gừng
cay xé họng, tôi nhìn xuống đáy sâu đại dương ký ức của mình, như vẫn nhìn thấy
nó giống lần đầu tiên đứng trên đầu dốc ngó xuống cái lũng hẹp hoang vắng và
nói với ông: căn nhà y hệt một con-tàu-chìm!
Còn ít ngày nữa
là đến 30 tháng 4. Tôi không biết rõ ngày mất của ông, nhưng nếu đúng như những
gì Bình Hippy kể lại năm nào, đó chắc là một trong những ngày này. Xin xem đây
là những dòng tưởng niệm gửi đến ông: Ông M., con-tàu-chìm và tiếng dương cầm
dưới đáy biển…
Trần Thanh Sơn (4.2019)
Ảnh trên: From “Sinking
Hat” (Dal Henderson)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét