Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Tháng Tư


Hè năm 1981 tôi phải nằm Bệnh viện Bình dân hơn tuần lễ vì một khối u. Theo chẩn đoán của bác sĩ, đây là một u lành, nhưng do nằm ở vị trí có nhiều dây thần kinh quan trọng đi qua, để lâu không cắt bỏ sẽ chèn ép gây ảnh hưởng không tốt đến các cơ quan khác của cơ thể. Mẹ tôi lo quýnh. Bởi dẫu chỉ là tiểu phẫu nhưng nếu không khéo có thể gây ra biến chứng, thậm chí có thể làm liệt chân, méo miệng (!). Cũng may, những năm vừa sau giải phóng, số bạn bè đồng nghiệp quen biết với mẹ và các dì tôi từ trước 1975 ở các bệnh viện còn nhiều, tôi được một bác sĩ giỏi nhận đảm trách ca tiểu phẫu.

Bệnh viện Sài Gòn những năm đầu thập niên 80 chưa quá tải vì người tứ xứ đổ về trong bùng nổ phát triển như bây giờ, cái gọi là y đức cũng chưa bị phá hủy nhiều bởi đồng tiền và bởi sự xuống cấp vô phương cứu chữa của nền tảng đạo đức nói chung trong quan hệ giữa người với người. Nên ở một chừng mực nào đó, dù là chỗ của khổ đau bệnh tật giữa thời buổi khó khăn thiếu thốn trăm bề, vẫn có thể xem bệnh viện là một nơi chốn khả dĩ còn dung dưỡng được ít nhiều tình yêu thương, niềm trắc ẩn, trong một xã hội đang dần đi vào bế tắt, suy sụp, chìm trong oán hờn và chia rẽ, những đêm-trường-dạ trước khi bước vào thời kỳ đổi mới. Như người cắm đầu đi trong bóng tối mù mịt bất chợt được hưởng một thoáng ngừng nghỉ trong cuộc hành trình dằng dặc vô phương hướng của mình, tuần lễ nằm dài trên giường bệnh viện của tôi là thoáng ngừng nghỉ đó. Ngoài thời gian buổi sáng phải chờ đội ngũ y bác sĩ đến thăm bệnh, thay băng và chích thuốc, suốt ngày tôi được nằm dài đọc sách, nghỉ ngơi hoặc mơ màng sáng tác rồi ghi vào cuốn sổ tay nhỏ luôn mang theo bên người các phác thảo ca khúc vừa viết.

Nằm cạnh giường tôi là một anh lớn tuổi, tôi đoán tầm hăm chín ba mươi gì đó, da ngăm, khá đẹp trai, dáng vẻ phong trần. Thời trẻ, tôi giao thiệp cực kém. Trước người lạ tôi luôn e dè xa cách và không bao giờ chịu là người mở miệng làm quen trước. Ngoài những câu chào hỏi bắt buộc, thông thường tôi luôn giữ cho mình một khoảng cách đủ xa để khỏi phải chuyện trò tâm sự gì cả. Thế nhưng, anh lại là người bắt chuyện với tôi. Một trưa, anh xởi lởi bóc cam mời tôi ăn rồi vui vẻ hỏi: “Em chơi guitar classic phải không?”. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh giải thích: “Vì thấy móng tay phải của em để dài còn móng tay trái cắt ngắn, đây là kiểu móng của những người chơi guitar cổ điển”. Anh bảo, trước khi đi lính, anh cũng mê nhạc lắm, chơi guitar classic, tàm tạm thôi, giờ thì lo kiếm sống, chẳng còn đàn địch gì được! Nghe tôi kể gia đình từng ở Đà Nẵng, anh cười nói, vậy là anh em mình có mối liên hệ, vì trước 75 anh là lính trực thăng cũng đóng quân ở đấy. Chuyện nọ xọ chuyện kia, anh cho biết đến tận khuya 28 tháng Ba (đêm trước ngày giải phóng Đà Nẵng) anh vẫn còn phải kẹt lại ở sân bay Nước Mặn, Ngũ Hành Sơn. Rồi với ánh mắt xa vắng, anh khẽ khàng, như nói với chính mình: “Những tưởng anh bỏ xác ngoài biển rồi đấy…”.

Đêm trước ngày kết thúc đó, theo như lời anh kể, từ 8 giờ tối, những trận pháo kích kinh hoàng bắt đầu nã vào phi trường Đà Nẵng. Điện cúp tối om, chỉ có ánh chớp lòe và tiếng nổ rền vang của hỏa tiễn như xé màng tai. Khi đợt pháo ban đầu vừa tạm ngưng, nhận được lệnh, toàn thể phi công trực chiến (trong đó có anh) bất kể sống chết vội vàng lao ra các ụ parking của trực thăng, rồi ngay dưới tầm lửa đạn gào hú rợn người, từng tốp máy bay cứ thế bốc thẳng lên trời. Phi đoàn của anh đêm đó di tản an toàn sang phi trường Nước Mặn phía bên kia sông Hàn như có phép lạ! Và ngay trong đêm, lo lắng Nước Mặn sớm muộn gì cũng sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của hỏa tiễn, các tốp trực thăng lại được lệnh phải tiếp tục di tản vào phi trường Phù Cát. Do phải đợi một người bạn thân về đón gia đình, đến gần sáng trực thăng của anh mới cất cánh. Bay đêm, chở nặng vượt tải nhiều lần, lại gặp thời tiết xấu, anh bảo trực thăng của anh chỉ có thể bay ở tầm thấp bên trên lớp sương mù bao phủ dọc theo bờ biển. Xui xẻo tận mạng, chỉ vừa qua khỏi Sa Huỳnh thì máy bay trục trặc. Cấp báo cho mọi người biết tình hình và gắng giữ cho trực thăng “hoover” là là mặt biển trong chốc lát để mọi người nhảy xuống, anh cũng mau chóng rời bỏ chiếc máy bay hỏng. Nghĩ phen này bỏ xác ngoài biển vì số áo phao của trực thăng không có đủ cho số người quá tải, nhưng anh bảo, chắc là trời đất còn thương! Trời mới hửng sáng nhưng sương mù đã tan hết, một chiếc ghe chài cắm cờ xanh đỏ của Mặt trận giải phóng có lẽ nhìn thấy chiếc máy bay gặp nạn nên nổ máy trờ ngay đến. Anh và gần chục người được cứu, tuy vậy, hơn chục người khác, trong đó có cả người bạn thân mà anh đã chờ để đón đi vào những giờ phút sau cùng của Đà Nẵng, ghe chài không vớt kịp, họ mãi mãi ở lại với lòng biển sâu… 

Theo một số tài liệu cho biết, đã có khoảng 5.086 trực thăng các chủng loại bị phá hủy vì nhiều nguyên nhân trong chiến tranh Việt Nam, riêng số trực thăng UH-1 Huey bị phá hủy là 3.305 chiếc; tổng số phi công trực thăng các loại bị giết là 2.202 người, phi công trực thăng Huey là 1.074. Chẳng rõ, chiếc UH-1 chìm nghỉm dưới đáy biển cùng số bạn bè, chiến hữu và người thân của anh phi công tôi tình cờ quen biết ở bệnh viện Bình Dân năm xưa có được tính vào con số thống kê tổn thất lạnh lùng này không? Cùng những người sống sót trên chuyến trực thăng xấu số buổi sáng ngày 29 tháng Ba ấy, được ủy ban cách mạng lâm thời thả ra cho về đoàn tụ gia đình, anh nhập vào dòng người tị nạn đông như kiến cứ lầm lũi nhằm hướng Nam mà kiên trì bước tới. Chuyến đi bộ sau lưng thần chiến tranh, sau lưng những đoàn xe tăng và Molotova đang chuyển quân tiến như thác lũ về phía trước với hàng loạt những thành đô nối nhau thất thủ: Quy Nhơn 31.3, Tuy Hòa 1.4, Nha Trang 2.4, Phan Rang 16.4, Phan Thiết 18.4 , Long Khánh 21.4. Anh về tới Sài Gòn ngày 4.5.1975.

Bắt đầu bước vào tháng Tư. Tháng mà hầu như tất cả mọi phương tiện thông tin đại chúng ở ta lại bắt đầu buớc vào đợt cao điểm tuyên truyền kỷ niệm lần thứ x.x đại thắng mùa xuân 1975. Đêm qua trên một kênh truyền hình cấp tỉnh, người ta chiếu lại một cuốn phim tài liệu của nước ngoài nói về chiến tranh Việt Nam. Nhìn khói lửa, đạn bom và giết chóc trong phim, tôi như nghe thấy tiếng đập cánh quen thuộc của những chiếc trực thăng UH-1 Huey bay ngang ký ức mình trong những ngày ấu thơ ở thành phố Đà Nẵng chiến tranh thời xưa cũ, và cũng bất giác nhớ lại kỷ niệm nhỏ ở bệnh viện mùa hè năm 1981 này. Người phi công trực thăng tôi tình cờ quen biết năm xưa chẳng biết giờ ở chốn nào?
Trần Thanh Sơn (4.2019)

Ảnh trên: From "Untittle" (Frank Lobdell)

Không có nhận xét nào: