Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Một bài hát mùa hè

 
Rất nhiều người trong số chúng ta có thể cả đời chưa từng bao giờ nghe đến cái tên Gershwin, “Rhapsody in Blue” hay “An American in Paris”, nhưng chắc chắn không thể chưa từng một lần thấp thoáng nghe qua giai điệu da diết đầy cuốn hút của bài hát Summertime vang lên đâu đó quanh đời sống mình, hoặc giả, là vọng âm của nó trên câu mở đầu một ca khúc Việt nổi tiếng mà dù là người yêu nhạc hay không yêu nhạc, hầu như ai cũng biết: “Thế là hết nước trôi qua cầu, đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê…” (1).
 
Là bản aria mở màn cho vở nhạc kịch Porgy and Bess ra đời năm 1934 của nhà soạn nhạc George Gershwin (2), lấy cảm hứng trực tiếp từ nhạc Jazz, Summertime được thể hiện như một khúc hát ru viết cho giọng nữ cao ở điệu thức thứ dịu buồn và đầy chất hoài niệm. Có thể nói, với giai điệu tuyệt đẹp, cấu trúc đơn giản, lời hát ngắn gọn (phần lời thực hiện bởi DuBose Heyward), Gershwin đã pha trộn một cách hoàn hảo các yếu tố của hòa âm jazz, phong cách blues của người da đen ở đông nam Hoa Kỳ đầu thế kỷ XX vào hình thức cổ điển với dàn nhạc giao hưởng và lối hát trữ tình thính phòng. Summertime đã mau chóng nổi tiếng và trở thành tiết mục biểu diễn riêng lẻ được cover nhiều nhất trên thế giới. Người ta ước tính cho đến nay đã có tới gần 25.000 bản cover khác nhau ghi âm bài hát này (3). Đây có lẽ cũng là bài hát duy nhất trong lịch sử đã phá vỡ được ranh giới vô hình phân định giữa các thể loại âm nhạc. Các nghệ sĩ từ cổ điển đến nhạc nhẹ, từ  jazz đến rock, từ disco đến reggae, hip-hop… đều thích thú chọn đưa Summertime vào danh mục biểu diễn của mình.
 
Tôi biết Summertime từ lúc bé tẹo. Khoảng những năm 1973-1974, công việc làm ăn kinh doanh của gia đình tôi sa sút, để có thêm thu nhập, mẹ tôi đã dành ra một số phòng trong nhà cho đám lính kiểng, lính cậu đóng ở các căn cứ quân nhu gần đấy đến thuê trọ. Đây là đám lính con nhà giàu được gia đình lo lót chạy chọt về thành phố để tránh xa chiến trường máu me chết chóc. Các anh lính này đi lính mà cứ như đi chơi, quân phục lúc nào cũng ủi hồ láng cóng, suốt ngày billiard với cà phê. Trong số lính tráng ở trọ có một trung úy bác sĩ. Rất thích nghe nhạc, sáng Chủ nhật nào anh cũng mở cassette âm lượng thật lớn, nhạc mà anh hay nghe đa phần là nhạc Mỹ, trong đó có bài Summertime.
 
Đúng ra mà nói ngày ấy tôi chẳng biết sâm-mơ-tai sâm-mơ-tiếc là cái quái gì, chỉ biết đó là bài hát có giai điệu rất tuyệt, dễ nhớ dễ thuộc, đặc biệt là một kỷ niệm khá buồn cười gắn liền với bài hát này. Nhà tôi những lúc cao điểm có đến 5, 6 phòng cho thuê trọ, ở trọ có người độc thân nhưng cũng có người đã có gia đình. Anh trung úy bác sĩ thích nghe nhạc mà tôi kể ở trên còn độc thân và rất hay đi chơi về khuya, có khi đến tận sát giờ giới nghiêm. Ở trọ phía bên dãy nhà phụ của gia đình tôi có một anh trung sĩ đi “trấn thủ lưu đồn” mà còn kè kè mang theo một cô vợ trẻ. Do hai vợ chồng ở căn phòng phía ngoài cùng và giữ nhiệm vụ khóa cổng, cô vợ của anh trung sĩ thường bất đắc dĩ cứ phải dậy mở khóa cho chàng bác sĩ thích đi chơi khuya này. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu ông chồng trung sĩ đừng nổi máu ghen tuông bóng gió. Chẳng biết anh ta gằm ghè để ý theo dõi vợ mình thế nào, nhưng một buổi sáng, khi nghe cô vợ vừa dọn dẹp nhà cửa phòng ốc vừa ư ử cất tiếng  hát “Sâm-mờ-tái… en-đờ-li-vín… ni-i-zì…” (Summertime, and the livin’ is easy) thì anh nổi điên. Anh xông tới đá cô vợ lăn lông lốc, vừa đá vừa gào lên “Sâm-mờ-tai này… sâm-mờ-tai này!...”. Cô vợ trẻ cũng chẳng vừa, miệng tru tréo khóc lóc nhưng hai tay thì huỳnh huỵch thụi lại chồng. Than ôi! Sức ám ảnh kinh dị của bài hát Summertime là như vậy! Anh trung úy bác sĩ sau đấy phải chuyển sang nơi khác ở trọ cho êm chuyện, tránh những rắc rối không đâu vì thói ghen tuông vô lối của chàng trung sĩ.
 
Bản Summertime mà tôi hay được nghe thời thơ ấu đó sau này mới biết hóa ra là bản cover lừng danh của Ella Fitzgerald và Louis Armstrong. Còn Summertime trong nguyên bản opera đến tận giữa những năm 1980 khi tập tành chơi đĩa nhựa tôi mới có điều kiện được nghe. Có lẽ hơi muộn, nên dù khúc aria trong nguyên bản thật tuyệt diệu nhưng tình cảm của tôi đã trót dành cho Summertime của Ella và Louis mà mình được nghe lần đầu tiên trong đời mất rồi.
 
“Summertime,
And the livin' is easy
Fish are jumpin'
And the cotton is high”
 
Mùa hè, trong cái mền mệt uể oải của một trưa nằm nghiêng trong giấc ngủ lỡ, nghe Ella và Louis hát Summertime để được đưa về một sáng xanh mùa hè nào đó thời nhỏ dại.
 
“…One of these mornings
You're gonna rise up singing
And you'll spread your wings
And you'll take to the sky”
 
Thấy tất cả như vẫn còn ở phía trước, đồng xanh trời rộng đang chờ bước chân ta, không có mất mát, không có chia ly, không thứ gì có thể làm ta đau đớn tổn thương, chỉ vì một điều đơn giản, ta vẫn còn thơ ấu và vẫn còn được sống trong vòng tay chở che của cha mẹ mình, gia đình mình.
 
“But till that morning
There's ain't nothin' can harm you
With daddy and mamma standin' by”
 
Nào, thì mơ thêm một lần nữa!
Trần Thanh Sơn (5.2019)
 
(1) https://www.dongnhacxua.com/hoang-nguyen-cung-dan-tai-hoa-bac-menh
(2) George Gershwin (1898-1937): Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm người Mỹ, nổi tiếng với các tác phẩm như: Rhapsody in Blue, An American in Paris, I Got Rhythm, Porgy and Bess…
(3) Số liệu của English National Opera: www.eno.org

 
 
Ảnh trên: From Composition 1997 (Esteban Vicente)


Không có nhận xét nào: