Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Nghe mưa

 
Chiều Chủ nhật nằm nghe mưa. Giữa lưng chừng giấc ngủ, trong giọt giọt ngắn dài mưa hiện tại như thể nghe cả tiếng mưa từ cổ độ. Có cái gì hằng cửu như mưa không nhỉ? Mưa reo gót chân trần thời thơ ấu, mưa trên vai áo tuổi học trò, mưa ướt đường lầy thời chân thấp chân cao mới chấp chững vào đời, mưa chan cốc rượu vỉa hè với bạn bè những ngày khốn khó, mưa hạnh phúc, mưa ly biệt… Khác gì? Từ cơn mưa “Dạ vũ trích thuyền bối/ Dạ lãng đả thuyền đầu” đến thứ mưa “Chung tiêu thính vũ thanh/ Tiêu hao kinh khách chẩm”, từ nỗi sầu “Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì” đến niềm man mác “Đêm mưa làm nhớ không gian”, mưa vẫn vậy, không đổi, chỉ hằng hà những kiếp người trôi qua và đắm vào quên lãng (1). Sực nhớ đến một từ khúc mà thuở vừa xong trung học, dù chưa có tí nào sự trải nghiệm mà bài thơ miêu tả, tôi đặc biệt thích và nắn nót chép nó vào một cuốn sổ với dự tính một ngày nào đó sẽ mang ra phổ nhạc. Thoắt một cái đã ngoài ba mươi năm trôi qua, “Thức dậy, cơn mưa vẫn còn đó” (2). Giờ phải chăng là lúc để chạm vào nó?
 
 
Thính vũ
 

Thiếu niên thính vũ ca lâu thượng
Hồng chúc hôn la trướng
Tráng niên thính vũ khách chu trung
Giang khoát vân đê
Đoạn nhạn khiếu tây phong
 
Nhi kim thính vũ tăng lư hạ
Mấn dĩ tinh tinh dã
Bi hoan ly hợp tổng vô tình
Nhất nhậm giai tiền
Điểm chích đáo thiên minh.
 
Tạm dịch nghĩa:
 
Tuổi niên thiếu nghe mưa rơi trên ca lầu, nến đỏ mờ mờ trong trướng gấm. Tuổi tráng niên nghe mưa rơi nơi thuyền khách, sông rộng mây sà thấp, tiếng nhạn lẻ loi vẳng trong gió Tây. Nay dưới lều tăng lại nghe tiếng mưa rơi, tóc đã pha mầu bạc. Tất cả những buồn vui tan hợp chẳng gì đáng phải bận tâm nữa, mặc cho trước thềm mưa từng giọt thâu đêm rơi cho tới sáng.
 
Bản dịch thơ của Xuân Diệu:
 
Trẻ nghe mưa gõ trên lầu hát
Trướng là mờ ánh đuốc
Nửa đời thuyền khách lại nghe mưa
Mây thấp trên sông, tiếng nhạn lẻ gió đưa
Nay nghe mưa tạt lều sư vắng
Tóc đã pha sương trắng
Buồn vui tan hợp thảy vô tình
Trước thềm, đến sáng, từng giọt điểm năm canh…
Trần Thanh Sơn (5.2019)
 
 
(1) “Dạ vũ trích thuyền bối/ Dạ lãng đả thuyền đầu”: Mưa đêm nhỏ giọt trên mui thuyền/ Sóng đêm đánh vào đầu thuyền (Chu trung dạ vũ - Bạch Cư Dị); “Chung tiêu thính vũ thanh/ Tiêu hao kinh khách chẩm”: Suốt đêm nghe âm mưa/ Tiếng rơi làm kinh động gối khách (Thính vũ - Nguyễn Trãi); “Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì”: Ở Ba Sơn mưa đêm làm ngập tràn ao hồ trong tiết thu (Dạ vũ ký bắc - Lý Thương Ẩn); “Đêm mưa làm nhớ không gian” (Buồn đêm mưa - Huy Cận)
(2) Nhại lại Augusto Monterroso - nhà văn Guatemala với truyện ngắn cực kỳ nổi tiếng chỉ có một câu: “Khi thức dậy, con khủng long vẫn còn ở đó”.
(3) Sách vở những năm trước 1990 đều cho bài từ theo điệu Mãn giang hồng chép trong tập “Mộng Mai từ lục” này là của Đào Tấn - nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng của Việt Nam (1845-1907). Các nghiên cứu gần đây lại chỉ ra đây là từ khúc Ngu mỹ nhân có tên “Thính vũ” của Tưởng Tiệp (1245-1301) nhà thơ Trung Hoa thời Nam Tống. Giữa hai bản có một số dị biệt nhỏ, chẳng hạn “Tráng niên thính vũ khách chu trung” với “Tráng niên thính vũ khách thuyền trung”, dù khác biệt nhưng đồng nghĩa.

Ảnh trên: From Painting (Cao Hành Kiện)
 


Không có nhận xét nào: