Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Hãy thả trôi đi...

 
Đôi khi tôi quay trở lại chốn đó, một mình, trong những giấc mơ. Những con đường đá cũ lở loét chạy vòng quanh mấy phố lỵ buồn thiu. Mùa đông, gió điên gào thét suốt ngày trên những đồi phi lao xám ngoét vì giá rét, những hàng cột điện cũng u ú hú lên cùng gió. Trong mơ, tôi thấy tôi đạp xe ngược về hướng núi. Tôi đứng bên bờ sông. Tôi đi chân trần trên nền cát ẩm, nghe tiếng lao xao những đứa trẻ chơi đùa bên kia hàng rào dưới những lùm cây của khu vườn tối. Một đứa trẻ có gương mặt trông thật quen nhưng tôi không cách gì nhớ ra nó là ai. Thằng bé đứng bên bờ rào, nó ngước đôi mắt ướt sũng nhìn tôi như cầu cứu. Rồi gió nổi lên. Gió điên. Tôi thấy tôi tán loạn bay theo, không thể bấu víu vào đâu, như đám lá trong vườn nhà cũ, như đám cỏ gai lăn tròn trên bãi biển vắng không. Đôi mắt của thằng bé vẫn cứ nhìn theo tôi, ướt sũng…
 
Mưa suốt đêm và kéo dài cho đến gần sáng, gió đập liên hồi. Thức giấc và không ngủ lại được, tôi nghe lạnh. Có những nơi chốn dù chẳng phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng khi lìa xa cứ đi theo ám ảnh ta hoài. Thằng bé trong giấc mơ ấy, thức dậy giờ lâu tôi mới nhớ ra được tên của nó, thằng H. Nó là đứa giữa trong gia đình ba chị em mồ côi ngày xưa có một hồi sống ở khu phố phía trên nhà tôi. Những năm vừa sau giải phóng, ở các khu định cư gần đấy, người ta đua nhau dỡ nhà dỡ cửa hồi hương về cố thổ, nhưng trên những nền nhà chỉ còn trơ lại cái khung xương bằng gạch này lại có những gia đình cũng vì chiến tranh phiêu dạt vào ngụ cư bằng cách lợp tạm lên đấy mấy miếng tôn rách. Tôi không biết gia đình H. có thuộc diện này không, nhưng nhớ loáng thoáng mấy chị em nó sống trong căn nhà cũng tạm bợ như thế, trong nhà trống lốc chẳng có đồ đạc gì… Chị của thằng H là Q học chung với tôi năm lớp Bảy - cái lớp dồn chung học sinh từ nhiều trường trong năm học đầu tiên sau giải phóng trước khi được phân ra theo nhóm lớp ngoại ngữ Anh hoặc Pháp. Q dáng người dong dỏng cao, khá xinh, nhưng mặt buồn rượi. Thằng H hiền lành, đẹp trai, da trắng, lông mi dài như lông mi con gái...
 
Hình như có những giấc mơ đôi khi lại là cánh cửa tình cờ mở ra cho ta hàng đống những cánh cửa khác trong mê cung mụ mị của ký ức, những cánh cửa từ lâu đã bị chôn vùi dưới lớp lớp bụi mù quên lãng, mà chính ta, chủ nhân của cái mê cung đó cũng chẳng còn biết đến sự hiện hữu của chúng. Và như thể, đôi mắt ướt sũng trong mơ của thằng H đã đột ngột mở ra một ngách hẹp, dẫn tôi vào một vùng tối đầy những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui mà nơi sâu thẳm ý thức tôi muốn nhấn chìm chúng vĩnh viễn vào quên lãng. Tôi thấy lại những phố nhà buồn lụi xác xơ, những hàng sầu đông trụi lá lẩy bẩy trong gió mùa đông bắc. Tôi thấy lại những đêm tối đen không điện không trăng sao, thấy đám nhỏ trong đó có tôi mặt mày vêu vao vì đói ngồi tụ năm tụ bảy đầu đường. Ở đó có một vài đứa bạn thời tiểu học, những đứa bạn cùng khu phố, những bạn mới quen và cả đám loi choi nhỏ hơn, trong đó có thằng H.
 
Từ năm 1977, cái đói và thiếu thốn hậu chiến bắt đầu thật sự đập cửa mọi gia đình. Không còn gạo, thực phẩm được bán phân phối theo tem phiếu bây giờ là khoai mì - thứ khoai mì xắt lát phơi khô, to và cứng như một tấm đá lát vỉa hè, muốn nấu chín được những cục đá này phải ngâm chúng vào nước trước hằng mấy ngày. Nhưng rồi đến cả thứ lương thực ném chó chó chết đó cũng không có đủ để mà ăn, nhiều gia đình ngộ độc táng mạng vì phải ăn cả lá khoai mì luộc. Đói thường xuyên, thường trực, thường hằng. Để quên bớt cái đói, tôi đọc sách. Hết sách ở nhà tôi ngốn sạch luôn sách của thư viện trường. Nhưng thật đau khổ, đọc sách đôi khi lại càng khiến tôi thèm ăn hơn! Những trang sách miêu tả chuyện ăn uống đầy dẫy trong các tiểu thuyết nước ngoài: Tolstoi, Hemingway, Melville, trêu ngươi nhất là Remarque! Còn sách của Thạch Lam, Vũ Bằng thì khỏi nói… Than ôi, đói vì đọc sách thì thật là thảm hại!
 
Một trưa đi học về, tôi nghe em tôi nói thằng H bị đám con ông T hàng xóm bắt trói sau nhà từ khuya hôm qua vì dám chui vào vườn nhà ông đào trộm khoai. Nhà ông T đúng nghĩa tường cao vườn rộng hào sâu, ông và đám con trai của ông nổi tiếng dữ tợn và bạo ngược, nhà tôi cùng toàn bộ hàng xóm xung quanh bao lâu nay đều phải kiềng mặt ngán ngẩm chịu đựng bị hiếp đáp, thằng H gan cùng mình thì mới làm như thế! Tôi leo lên sân thượng nhìn sang vườn sau nhà ông thấy dáng thằng H thấp thoáng sau những tàng cây, nó bị xích chân vào một gốc mãng cầu. Trưa mẹ tôi từ cơ quan tạt về nhà, nghe chuyện, bà thở dài nói, nó đói quá mà, chỉ có củ khoai thôi làm gì dữ vậy, rồi bà dặn anh em tôi, tụi con đừng dòm dỏ thằng H, làm như không biết gì kẻo nó xấu hổ, tội nghiệp! Nghĩ lại, thời đại vô thiên vô pháp, thằng H bị xích đến tận sáng hôm sau, nhà ông T còn bắt nó phải dọn chuồng heo xách nước tưới cây cho đến tận chiều mới thả ra. Nghe lời mẹ, anh em tôi chỉ lén nhìn H qua khe cửa sổ. Thằng H cúi gằm mặt lầm lũi tưới cây, nhưng thỉnh thoảng, tôi thấy H len lén đưa mắt nhìn sang bờ dậu phía nhà tôi, như thể, nó sợ anh em tôi nhìn thấy nó như vậy, mà cũng như thể, nó mong có ai đó nhìn thấy nó mà mở lời xin xỏ giúp cho nó một câu chăng? Đôi mắt với hàng lông mi dài đẹp như của con gái của thằng H ướt sũng…
 
Chuyện của thằng H dù anh em tôi dấu kín nhưng hình như bọn trẻ trong khu phố đứa nào cũng biết. Thuở nhỏ, thằng nào mà chẳng từng nghịch ngợm leo vào vườn nhà người hái trộm trái ổi bẻ trộm cây mía, có lẽ đồng cảm với H nên sau đó tuyệt không đứa nào khơi gợi lại nỗi đau của nó cả. Nhưng thằng H thì khác, từ sau sự cố này nó không còn là nó ngày trước nữa. Đã ít nói H lại càng tỏ ra ít nói hơn, hỏi gì cũng lắc đầu và có xu hướng xa lánh mọi người. Ngồi tụm năm tụm bảy với bạn bè nhưng hồn nó để tận đâu đâu, đôi khi tôi thấy trong đôi mắt với hàng lông mi dài như con gái của nó thấp thoáng một vẻ gì như nỗi cay đắng, vẻ hiu quạnh chứa đựng cả sự khinh khỉnh mà nó vô tình để lộ ra nơi nét mặt. Ôi dào, dù gì thằng H cũng chẳng phải là bạn bè đồng trang lứa với tôi, lúc đó tôi nghĩ vậy, rồi mặc kệ chẳng thèm để ý đến nó nữa.
 
Bốn mùa cứ thản nhiên trôi trên sự kiệt cùng bế tắt của đời sống tỉnh lẻ. Chẳng có gì thay đổi cả cho đến ngày tôi rời thành phố ấy, nhìn lần cuối cùng hàng sầu đông gầy guộc đang lẩy bẩy run dưới mưa phùn và gió mùa đông bắc. Gần chục năm sau, một thằng bạn quen thời tụm năm tụm bảy vỉa hè phố lỵ ngày cũ có dịp đi Sài Gòn ghé vào tìm tôi. Trong cuộc chuyện trò, hắn kể tôi nghe khá nhiều về bạn bè, người quen lúc trước, và tình cờ, trong một mẩu chuyện, hắn nhắc đến thằng H, mi nhớ thằng H em con Q không, mấy chị em hắn sau này dọn về quê sống, thằng H đi tắm sông, chết đuối, giống y như mẹ nó, mà không, nghe bảo lúc xưa mẹ hắn tự trầm… Tôi bất giác nhớ đến đôi mắt ướt sũng của thằng H buổi trưa hôm nào trong vườn nhà ông T, nhớ lại vẻ hiu quạnh hàm chứa cả nỗi tuyệt vọng trong ánh mắt của nó khoảng thời gian sau đó rồi bỗng nghe lòng mình mặn đắng! 
 
Đêm rồi chẳng hiểu vì sao ánh mắt của thằng H lại trồi lên từ những vùng thẳm sâu của ký ức mà tôi tưởng rằng đã miên viễn mất tích, vẫn đôi mắt ướt sũng. Làm thế nào để có thể nhận biết được ánh mắt của một người đang muốn ta hãy để cho họ yên, với ánh mắt của một người đang cầu cứu? Trời ạ, tôi có cảm giác mình giống người nhà của Loth, đã trốn thoát được khỏi Sodome hủy diệt mà còn cứ ngu ngốc ngoái nhìn lại để bị biến thành tượng muối. Bạn bè xưa có người bảo tôi, hãy thả trôi, những gì khổ đau thì cũng đã khổ đau rồi, phải uống mừng vì chúng ta đã sống sót mới phải chứ. Chúng ta chẳng thể kết tội ai trong chuyện này. Mà có lẽ nên như vậy, hãy thả trôi đi, trôi đi, chúng ta còn có thể kết tội ai trong chuyện này? Tôi già và lẩm cẩm mất rồi...
Trần Thanh Sơn (6.2019)

Ảnh trên: From Mystery of the Street (Otto Umbehr) 
 


Không có nhận xét nào: