Lâu rồi chẳng có dịp ngồi ngắm mây bay. Không làm gì suốt cả
buổi chiều để chỉ lười biếng ngồi ngó những đám mây như lục bình xuôi về phía
trời xa là một trò tiêu khiển có vẻ chẳng còn thích hợp với lối sống vội
vàng gấp rút ngày nay, mặt khác lại còn có thể bị xem là mộng mơ vớ vẩn.
Cioran từng có một đoản ngôn vẻ đầy trêu ngươi liên quan đến chuyện ngắm nghía
mây bay như thế này: “Nếu tôi bị mù, điều khiến tôi buồn bực nhất có lẽ là sẽ
không còn được chằm chằm ngớ ngẩn ngó những đám mây trôi qua”. Với ông vua
không ngai của tư tưởng bi quan triết học hiện đại, thế giới xem ra chẳng có
cái quái gì đáng để chiêm ngưỡng cả, ngoài những áng mây!
Nhưng ở Sài Gòn bây giờ mà muốn ngắm mây thì cũng khó
rồi, trừ những bạn sống trên các tòa chung cư cao chót vót, tuyệt nhất có lẽ là từ một
căn penthouse (nhưng tôi không tin dân ở penthouse lại có thời giờ đi làm cái
chuyện ngu ngốc đó!). Lang thang ở Sài Gòn chỉ dễ thấy bụi, thấy kẹt xe, thấy tường bê
tông xám, thấy đám đông chen chúc đám đông, còn ngó mây thì xin can, vì
một là, ta có thể sẽ bị một thằng ranh nào đó bất ngờ phóng xe lên lề
va phải, sẽ bị nó văng cho mấy câu chưởi thề vào mặt, tệ hơn còn có
thể bị lụi cho một dao toi đời; hai là, có thể sẽ hình thành một đám đông
hiếu kỳ vây quanh ta há hốc miệng ngó lên trời vì tưởng có một tên ngáo đá
vừa leo cột điện, hoặc giả, một gã stress nào đó đang đứng trên nóc lầu cao đòi
nhảy xuống! Ngày-xưa-nhiều-mơ-mộng (1), mỗi lần muốn ngó mây bay, tôi đạp xe
lên thăm ông bạn vong niên ở tít mạn Đồng Nai, trèo lên sườn đồi phía sau nhà ông,
trải tấm áo đi mưa dưới một bụi cây dại nào đó rồi nằm lim dim ngó những áng
mây lững thững trôi về phía những vạt rừng cao su ngút ngàn xa xa,
tưởng tượng đủ điều từ những cụm khói trời đang chậm chạp biến
hình, đôi khi tôi ngủ quên ở đó đến tận chiều tối. Đây cũng là thời gian tôi
bắt đầu nghe và mê đắm Debussy (2): Prélude à l’après-midi d’une faune, La mer, đặc
biệt là Nocturnes với những đám mây âu sầu… Tình yêu dành cho đám mây trời
theo tôi khá lâu, cả đến thời vào học ở trường nhạc sau này. Tôi nhớ, lúc bắt
đầu phải lựa chọn chủ đề cho giao hưởng tốt nghiệp ở năm cuối, tôi trình cho
thầy hướng dẫn sáng tác phác thảo ý tưởng của mình: “Mây và những thứ (quái
quỷ) khác ở trên trời”! Vừa nhìn thấy cái tiêu đề, thầy hướng dẫn lập tức quạt
tôi một trận tơi bời hoa lá, mắng tôi không nghiêm túc và buộc phải chọn một
chủ đề khác. Cũng may là, tôi răm rắp vâng lời thầy, vì giờ nghĩ lại, tôi
thấy đó quả là một tiêu đề tác phẩm… kỳ cục và có phần lập dị! 😊
Vẫn là chuyện mây. Khoảng giữa thập niên 1980, thời tôi
còn đi làm cho tổ hợp hóa dược của bà cô họ ở Dakao. Sau một ca trực đêm,
sáng ra tôi thường nán lại làm một ly cà phê vỉa hè rồi mới ra về.
Ngày ấy, khu Dakao phía bên này Cầu Sắt là một cái chợ trời, sạp đồ
cũ và đồ trộm cắp tạp nham bày bán xen kẻ với những sạp quần áo, mỹ
phẩm ngoại nhập (hàng của các gia đình có thân nhân ở nước ngoài gửi
về đem ra bán lại); sự nghèo hèn, cũ kỹ và tiều tụy tồn tại sát
sạt với những thứ mới mẻ, thơm tho và sáng loáng. Cái quán cóc tôi hay ngồi
uống cà phê cũng vậy, nó vừa phục vụ cho các chủ sạp rủng rỉnh tiền bạc mà cũng
phục vụ cho cả đám chợ búa mánh mung, phu phen và công nhân lem luốc kiểu như
tôi. Nhìn chung, đó là một chốn nhộn nhạo, hỗn tạp. Vậy mà một sáng, giữa
chốn nhộn nhạo và hỗn tạp đó, đột ngột xuất hiện một cô gái xinh như
mộng! Dáng dong dỏng cao, thanh thoát, tóc suối bềnh bồng, cô như từ một cõi
khác đi lạc đến một chốn chẳng mảy may gì liên quan đến mình. Chị
chủ quán cà phê bảo cô là thợ học việc của tiệm may kế bên, hàng ngày đều sẽ ghé
sang đây để gửi xe đạp, rồi cười có ý ghẹo tôi, con cái nhà ai mà xinh thế nhỉ! Từ hôm ấy, ly
cà phê mỗi sáng của tôi còn có thêm nỗi hân hoan thầm kín là được nhìn thấy cô gái
ghé vào gửi xe, nhìn thấy cô luôn giản dị trong màu áo trắng, mắt sáng môi hồng,
cổ cao vươn lên như một ngó sen nhẹ nhàng đi lướt qua tôi. Các bác,
các anh lớn tuổi làm chung đều cho rằng tôi si tình cô gái và cười tôi sao quá nhút
nhát. Riêng tôi, tôi không nghĩ vậy. Tương lai đen thui, hiện tại bế tắt không lối
thoát, tình yêu đối với tôi là một thứ gì đó quá xa vời. Tôi giống một kẻ
đắm tàu tuyệt vọng ngắm nhìn một áng mây, cánh buồm xa xăm lướt ngang qua hoang
đảo cô độc của riêng mình, chỉ vậy, và chỉ vậy! Cũng có một đôi lần cô gái đi
sớm hơn mọi ngày, cô vui vẻ ngồi lại uống cà phê, nói chuyện với cô chủ quán,
và tôi, ngồi đó, cũng làm như bâng quơ, góp vài câu chuyện. Giọng nói của cô,
tôi còn nhớ, êm dịu và nhẹ nhàng. Chúng tôi nói chuyện gì? Tôi chẳng nhớ. Có
một đêm, một giai điệu tuyệt đẹp chợt đến trong đầu. Tôi ghi lại và dự định đặt
tên cho ca khúc mới của mình là “Áng mây dị thường”.
Nhưng rồi một sáng, cũng bất ngờ như khi xuất hiện,
áng mây đột ngột tan vào bầu trời, cô biến mất khỏi khu chợ,
biến mất vĩnh viễn, để lại sau lưng hàng đống những lời đồn thổi,
suy đoán. Mấy bà chủ sạp hàng nói cô đã theo gia đình đi xuất cảnh theo
diện HO (3), chị chủ cà phê thì bảo cô học xong rồi ra mở tiệm may riêng, mấy
chú làm trong tổ hợp thì cười khà khà nhìn tôi bảo chắc có thằng
nào “rước” cô ta đi rồi. Tôi cố tỏ ra bình thường nhưng sâu xa trong
lòng không khỏi cảm thấy trống vắng. Sài Gòn bắt đầu bước vào mùa
mưa, khu chợ bùn đen lem nhem bẩn. Cuộc sống ngày càng khó khăn bí bách đến ngộp thở. Tôi không uống cà phê ở quán cóc
quen thuộc mỗi sáng nữa. Bài hát viết dở dang cũng bị xếp lại, xếp
lại mãi mãi… Nhưng câu chuyện về áng-mây-dị-thường chưa dừng lại ở
đấy. Khoảng 5, 6 tháng sau, một bữa, bác N. (cùng làm ở tổ hợp) kể
đêm rồi có việc đạp xe về ngang khu LCC, đám gái đứng đường mời chào
khách ùa ra chặn cả xe đạp lại, bác thấy trong đám đó có đứa mặc áo
trắng giống hệt con nhỏ từng học may ở đây. Tôi không tin. Thế gian
thì người giống người cũng là chuyện thường. Nhưng không hiểu sao, lòng
cứ quặn lên, đau đớn. Rồi một đêm, tôi nhớ đó là một đêm gần cuối
năm, giáp Tết, sau một trận rượu ngà say, lòng buồn bã, rỗng không,
chẳng hiểu vì sao tôi bất giác nghĩ đến áng-mây-dị-thường. Rồi, cũng
chẳng hiểu vì sao, như người mộng du, khi lấy xe ra về tôi cứ nhằm
hướng LCC mà đạp tới. Chỉ đến lúc lảo đảo tấp xe vào cạnh vỉa hè tôi
mới như sực tỉnh, hốt hoảng khi thấy từ bóng tối 2, 3 cô gái túa về
phía mình. Qua lớp sương mù bềnh bồng không phải bởi cơn say mà bởi sự sợ
hãi, tôi gắng nhìn sâu hơn vào trong bóng tối, vào sát bờ tường lở lói, nơi ánh đèn đường xanh lét không
còn đủ sáng để soi rọi tới, như ở tận đáy một vực
thẳm, như chốn tận cùng của cõi trần gian, có một chiếc bóng nhỏ gầy gầy đứng ở đó, áo
trắng. Tôi đạp mạnh bàn đạp, ào phóng xe như là chạy trốn. Và khóc.
Lâu rồi chẳng có dịp ngồi ngắm mây bay. Ôi
những đám mây, hình quỷ ma hay hình thần tiên cũng là tùy tâm trạng. Tưởng sẽ tìm
thấy nỗi bình hòa khi ngó mây bay chẳng ngờ lại rơi vào bóng tối một nỗi buồn đã cũ. Vương
Duy viết “Bạch vân vô tận thì”, ngàn năm trước ngàn năm sau ngàn năm sau nữa sẽ vẫn
cứ trùng trùng như vậy (4), mây thản nhiên bay trên những hân hoan hay sầu thảm
của kiếp người. Lại nghĩ đến câu nói của Cioran nếu-tôi-bị-mù, có thật thế giới chẳng
có cái quái gì đáng để chiêm ngưỡng, ngoài những áng mây?
Ảnh trên: From “Paysage avec nuage rouge” (Piet Mondrian)
Trần Thanh
Sơn (1.2020)
(1) Lời ca khúc “Ngày xưa còn đi học” (Anh Huy) - Thời đi học ở Thủ Đức tôi có cô bạn cùng lớp tên Thanh Trang hát bài bài hay tuyệt. Cô ấy giờ về đâu nhỉ?
(2) Claude Debussy (1862-1918): Nhà soạn nhạc trường phái ấn
tượng Pháp.
(3) H.O. (Humanitarian Operation): Là một chương trình của
Hoa Kỳ cho phép các cựu tù nhân trại cải tạo người Việt Nam tỵ nạn nhập cảnh
vào Hoa Kỳ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc
(4) Tống biệt, Vương Duy (701-761)
Ảnh trên: From “Paysage avec nuage rouge” (Piet Mondrian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét