Bài hát cũ của Cimarosa qua giọng hát Marie Laforêt nghe trên xe không dưng làm tôi nhớ lại
những buổi chiều hoang vắng trong khu vườn ngôi nhà của gia đình ở vùng ngoại ô
Thủ Đức những năm tháng tuổi trẻ xa lắc. Tôi nhớ thứ bóng tối sền sệt như bùn
loãng trộn cùng làn hơi nước mụ mị đùn lên từ những vũng ao hồ um tùm lau sậy
và cỏ lác quanh nhà, những hàng cổ thụ, những gốc trâm già đứng chết im trong
bóng ngày chạng vạng... Sự ngưng đọng đến ngộp thở của thứ không gian
như bị quây kín bởi mùi mục ruỗng khiến căn phòng vốn là cái garage cũ tôi dùng
làm nơi chứa sách và để bàn viết đôi khi giống hệt một nấm mồ đang không ngừng bị chôn vùi
bởi sự lãng quên và rệu rã. Có những chiều, nằm trong bóng tối ấy, nghe hàng
vạn tiếng côn trùng vây bủa xung quanh, tiếng huýt sáo của đám rắn quăng mình
trong lá, tiếng gió và tiếng xào xạc chẳng nguồn cơn của cây cối trong
vườn, tôi có ảo giác rằng mình đã chết, một mình không người hay biết, và tất
cả những thanh âm buồn bã kia chính là khúc nhạc cầu hồn dành riêng cho tôi.
Cỏ hoang mọc khắp nơi. Từ khung cửa hẹp của căn phòng nhìn
ra phía cổng, cỏ lấp kín hai bên lối đi trồng đầy tràm bông vàng. Vào mùa
xuân, hoa tràm nở rộ rồi rụng xuống tạo thành một tấm thảm vàng
rực. Bạn bè đến chơi thường tấm tắc khen, ngõ nhà cậu thơ mộng nhỉ!
Nhưng tôi thì chẳng ưa cái màu vàng thảm thiết ấy. Chúng luôn làm cho
tôi có cảm giác bứt rứt, cảm giác khát nước, tệ hơn nữa, gợi những liên tưởng về một cõi
mộ địa của héo úa và lụi tàn. Mà nghĩ lại, những năm tháng đó, thế
giới quanh tôi thì khác gì mộ địa? Những chiều ngồi nhìn nắng vàng nhợt
nhạt trườn qua khu vườn hoang vắng, đầu óc và chân tay nhũn ra, như thể cùng
với ngày sắp hết, sự gỉ mục của thế giới đã ăn sang tôi, làm bản
thân tôi cũng vụn vữa theo. Mọi ngày đều giống hệt nhau với cảm giác tất cả
đã dừng lại trong cùng một trạng thái bị treo lơ lửng trên những sợi trói vô
hình. Không có chân trời nào để ta băng tới. Không có bầu trời nào để ta ngước
nhìn và định hướng. Như kẻ bị giam lõng bởi một mê cung đủ rộng, nơi hắn ta chỉ
có thể tự do tới lui và lang thang đến chết trong đó.
Nhưng nếu đi thì đi đâu? Tôi như thấy lại trước mắt mình con
đường Bình Triệu - Thủ Đức đầu thập niên 1980 nhỏ hẹp và buồn vắng vào những
chiều nhập nhoạng tối. Thi thoảng mới có người đạp xe ngang qua, dáng họ liêu
xiêu như những bóng ma, đầu cúi gằm xuống. Chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày
phun khói đen mù mịt, tiếng hô và đập thùng xe thình thình của người lơ xe lạc
lõng tan vào chiều im, như thể chúng lập tức bị những cánh đồng lúa, những
ruộng mía và dòng kênh tối u chạy cặp theo hai bên lộ nuốt chửng. Hầu như
không có đèn đường, chỉ có những đêm cúp điện nối những đêm cúp điện, hoang
vắng nối hoang vắng, và bóng tối. Để chạy trốn sự buồn bã vắng tạnh trong lòng
mình, nhiều khi cả tuần liền đêm nào tôi cũng xách xe đạp chạy lòng vòng:
Thủ Đức, Tam Hà, Phước Bình, rồi lại Phước Bình, Tam Hà, Thủ Đức... hoàn
toàn vô mục đích. Tôi nhớ có một khuya từ nhà một người bạn về, lúc đổ dốc
cầu Gò Dưa, mãi đuổi theo một ý nhạc bất chợt đến trong đầu, giữa đêm tối
mịt, chẳng hiểu xe đạp cán phải cái gì mà tôi thấy mình gần như bị hất tung
về phía trước. Đó là một cú té chí tử. Hình như tôi đã ngất lịm đi trong một
thoáng, chẳng biết là bao lâu, nhưng khi hoàn tỉnh, tôi thấy mình nằm dài
giữa đường, khắp người đau ê ẩm. Cứ nằm nguyên như vậy một lúc rõ lâu, đầu
óc rỗng không, tôi ngửa mặt ngó trời khuya tẻ nhạt vài tia sáng sao, nghe văng
vẳng bên tai tiếng dế rít lên đâu đó từ vệ cỏ ven đường và hơi ấm từ mặt đường
nhựa còn hâm hấp nhiệt phả vào lưng. Nằm chán, tôi lại lồm cồm bò dậy dựng xe đạp
lên rồi chầm chậm đạp về nhà. Cầu Gò Dưa bây giờ không dùng cho đi lại nữa, nó
trở thành chỗ đặt đường ống thủy cục và nhỏ xíu đến khó tin bên cạnh cây cầu
mới của đại lộ Phạm Văn Đồng chi chít người xe! Chẳng ai nghĩ té xe xong
có thể nằm đó mà ngắm sao trời!
Loanh quanh chán tôi lại đóng cửa ở rịt trong nhà hí hoáy viết
lách. Ngày ngủ, đêm thức, cứ thường xuyên như vậy, người gầy rộc đi, bạn
bè ghé chơi nhiều lúc tôi cũng chẳng mặn mà. Một người bạn, có lần bực
bội bảo tôi: “Để làm quái gì những bản nhạc thức suốt đêm sáng tác rồi
lại nhét vào gầm tủ?”. Tôi chẳng nhớ nổi nguyên do nào dẫn tới những lời cảu
nhảu của bạn, dù vậy, tôi vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn và tổn thương
của mình khi nghe câu nói ấy. Câu nói của bạn (dù không cố ý) đã vô tình đâm xuyên qua được tấm
vỏ bọc mà tôi đã cố tạo dựng để che dấu sự bế tắt và tuyệt vọng của mình. Những
thứ để “làm-cái-quái-gì”, ngày ấy, than ôi, lại chính là những thứ duy nhất
mà tôi có thể có và đang vin vào làm mục đích cho sự tồn tại đầy thảm
hại của mình!
Nghệ thuật hóa ra là thứ mà đôi khi
chúng ta - nơi tận cùng của tuyệt vọng - bịa ra, xem nó như là chiếc phao cứu
sinh cuối cùng của mình. Những đêm đen suốt sáng trong cái garage cũ của ngôi
nhà vườn ngày xưa ấy, tất cả những bản nhạc, những bài thơ mà tôi sáng tác, suy
cho cùng là những mảnh ghép của chiếc bè hy vọng mà tôi tự đan bện cho
chính mình hòng có thể sống sót và vượt thoát khỏi vực thẳm sâu hoắm của số
mệnh, hay nói cách khác, là sự nỗ lực kháng cự lại cái thế lực mù lòa
và vô tình đang dửng dưng xóa bỏ tư cách và phẩm giá làm người của mình. Có
một kỷ niệm nhỏ. Năm 1983, chiến trường Campuchia đẫm máu đang cần bổ sung
thêm nhân mạng. Thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 27 ở Sài Gòn được ráo riết
gọi nhập ngũ. Trên các ngã đường thành phố thường bất ngờ xuất hiện những
chốt kiểm soát giấy tờ để truy bắt những người trốn thi hành nghĩa vụ quân sự.
Tôi có anh bạn cũng bị gọi lính, anh nhờ tôi lấy xe đạp chở ra ủy ban làm
thủ tục. Lòng đang buồn chán cùng cực, ra đến đó, tôi lân la hỏi tay cán bộ huyện
đội đang ngồi nhận giấy tờ đăng ký khám sức khỏe rằng mình cũng muốn được
nhập ngũ. Tay cán bộ tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, hắn hất hàm hỏi tôi: “Thế cậu hộ
khẩu ở đâu?”. Tôi nói tôi không có hộ khẩu. Hắn khịt mũi, bảo: “Vậy cậu không
đủ tư cách công dân. Ai biết cậu là ai, cho vào quân đội để phá hoại à?”. Ra
vậy. Không hộ khẩu thì không đủ tư cách công dân. Không được đến trường.
Không được đăng ký dự thi đại học. Không xin được việc làm. Không được đi lính
(dù chỉ để đi vào chỗ chết). Không là cái chó gì hết. Một danh tính vô danh
tính, một nhân khẩu phi nhân khẩu trong lòng một quê hương, xứ sở. Vừa rồi đọc
báo, thấy thông tin có dự luật sẽ bỏ phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu,
sổ tạm trú sang quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tôi toát mồ hôi lạnh với những hồi ức về tờ hộ khẩu của mình, không tin được
rằng đã gần nửa thế kỷ trôi qua mà cơn ác mộng ấy vẫn còn làm tình làm tội
biết bao nhiêu con người!
Sát vách và liền mái với căn garage tôi ở ngày ấy là gian
nhà sau của ông cụ hàng xóm, vốn dân làng Tây - chủ cũ của khu đất rộng mà nhà
tôi đang ở. Nghe nói xưa cụ là một điền chủ giàu có tiếng, sau 1975 của cải
ruộng vườn dần hồi đội nón ra đi, những năm cuối đời cụ nhấn chìm
cuộc đời mình vào rượu. Cụ uống một mình, tì tì, say thì ngủ, dậy lại uống, bất
kể ngày đêm, cứ như thế. Thoặt đầu tôi không hề hay biết “đồng hành” với tôi trong
những đêm thức suốt còn có ông cụ ở sát vách nhà mình, dẫu thỉnh thoảng về khuya tôi vẫn thường nghe thấy tiếng của cụ vọng sang, khi thì hát, khi thì lảm
nhảm trò chuyện một mình cùng cơn say. Cho đến một đêm, khi đang ngồi đàn, tôi bất ngờ nghe cụ lớn tiếng gọi vọng sang: “Thằng nhỏ, mày chơi bài gì vui vui đi, nhạc nhẽo gì toàn bài buồn thiu!”. Dù ngạc nhiên nhưng không tránh được cảm giác buồn cười, tôi chiều theo ý cụ, bỏ bài hát mình đang viết dở chuyển sang đàn một “khúc gì vui vui”. Không nghe ông cụ phản hồi gì, có lẽ là cụ hài lòng. Rồi từ đó thành lệ, cứ khoảng nửa khuya, chừng nghe thấy tiếng cụ còn thức với chai rượu của mình là tôi đàn một vài vũ khúc giúp vui: Coste, Giuliani hoặc Carcassi. Nhiều bữa hứng chí cụ còn gõ bàn hát tướng lên, bài hát “tủ” và gần như là duy nhất của cụ: “Il était un petit navire, qui n'avait ja-ja-jamais navigué… Ohé! Ohé! Matelot, Matelot navigue sur les flots!...”. Lời bài hát khá dài nhưng tôi chỉ nhớ loáng thoáng như vậy! Rồi cụ ốm. Vợ chồng cô con gái không cho cụ uống nữa. Cụ giận, tuyệt thực, đòi rượu bằng được. Nghe con gái cụ kể, mười ngày trước khi mất, cụ không chịu ăn bất cứ một thứ gì nữa mà chỉ hoàn toàn sống bằng rượu. Duy nhất bằng rượu. Đám tang cụ tôi có sang nhà thắp hương. Hôm đưa tang, ban nhạc đám ma nhảy nhót đủ bài, buồn có vui có, riêng tôi, tôi thì thầm hát trong đầu: “Ohé! Matelot, Matelot navigue sur les flots!”...
Khu vườn ngôi nhà cũ sau này bị giải tỏa chẳng còn chút dấu
tích, nhường chỗ cho đại lộ Phạm Văn Đồng thênh thang rộng 12 làn xe chạy. Ngày
ngày đi làm tôi vẫn chạy xe ngang qua đó. Đôi khi tôi nghĩ mình đang
nhấn ga cho xe chạy trên những vũng ao hồ đầy lau sậy cỏ lác còn bốc hơi cỏ mục
sau một đêm mưa, nhấn ga cho xe chui vào những tàng cổ thụ xanh rợp bóng mát
những trưa hè nắng lóa, hay cho xe lướt ngang thềm nhà cũ để thấp thoáng nghe thấy
tiếng đàn non dại của chính mình từ thăm thẳm quá khứ vọng lại, những khúc hát u
sầu có, tươi tắn có, vụng về có, nhưng luôn chân thật tuôn ra từ trái tim không
qua tính toán, so đo hay lo sợ trước bất cứ một thế lực tối ám nào. Và có thể,
xe cũng đang lướt trên những đêm buồn bã, lướt trên cái mê cung đầy tuyệt vọng của chính lòng tôi, mà ở đó, từ dưới đáy giếng đêm, tôi từng lặng lẽ ngồi dệt những ảo mộng của mình thành những khúc hát, những bài thơ, đồng hành cùng tôi còn có cụ già nhà bên lúc nào cũng đắm mình trong cơn say với khúc hát mà đôi khi tôi tưởng chừng cụ chỉ dành riêng cho tôi: “Xưa có con thuyền bé, chưa bao giờ ra khơi. Này hỡi chàng thủy thủ, đang lướt trên sóng lừng... Xưa có con thuyền bé, chưa bao giờ ra khơi”...
Trần
Thanh Sơn (7.2020)
Ảnh trên: From “Little Big Adventure” (Evgeniya Abramova)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét