Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

Con chim ngoan một ngày ngừng hót


Sáng ra, nhận được tin nhắn của người bạn báo cho biết nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm đã mất. Như phụ họa cùng nỗi âu lo vì Covid-19 lại tái bùng phát, ảnh hưởng bão số 2, trời Sài Gòn bắt đầu mưa gió sập sùi. Tôi không thân với NS. Nguyễn Tôn Nghiêm và cũng không có nhiều kỷ niệm với anh, thế nhưng, đọc dòng tin nhắn lạnh căm mà người bạn vừa gửi cho trong cơn mưa rũ rượi sớm mai, chẳng hiểu sao tôi buồn buồn nhớ lại dáng ngồi của anh một trưa muộn nào đó ở quán 49 Lê Quý Đôn: cô đơn, nhỏ thó, gầy guộc, một mình một bàn - và, như anh nói với tôi khi tôi bước sang chào và chạm ly với anh: “Mình không muốn làm phiền mọi người...”.

Cùng thế hệ với các nhạc sĩ như Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Đoàn Đình Thạch… Nguyễn Tôn Nghiêm tham gia hoạt động âm nhạc trong phong trào văn nghệ sinh viên Sài Gòn từ những năm đầu sau 1975. Vào khoảng cuối thập niên 1980, khi tôi chỉ mới bắt đầu tập tễnh bước vào con đường văn nghệ thì anh đã nổi như cồn với khúc tango “Dòng thời gian” liên tục được phát sóng trên màn ảnh nhỏ đài truyền hình thành phố qua tiếng hát của ca sĩ Phương Thảo, và như tôi nhớ, ca khúc này còn được đưa vào làm nhạc chờ trước mỗi chương trình phát sóng chính thức hàng đêm của đài. Đây cũng là một trong số rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, dù là một bản tình ca mang âm hưởng buồn nhưng vẫn được đài truyền hình của thời kỳ “âm nhạc phải lạc quan và gắn liền với bối cảnh nhà máy, công trường, nông trường” cho lên sóng. Nghe danh Nguyễn Tôn Nghiêm là vậy, nhưng cũng phải nhiều năm sau tôi mới tình cờ được gặp mặt anh. Một buổi trưa, hình như sau một trận bia hơi ở sân khấu Trống Đồng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên kéo tôi đến một quán ăn nhỏ nằm trên đường Trần Cao Vân, anh bảo, mình đi uống tiếp, anh có hẹn với nhạc sĩ Tôn Thất Lập ở đó. Đến nơi, trên gác, tôi thấy anh Lập đang ngồi cùng dăm ba người nữa, trong đó, người mang kính trắng có mái tóc xoăn dài, vẻ chỉn chu đỏm dáng được giới thiệu là nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm. Anh Nghiêm có vẻ đã là ngà say, vỗ vai tôi, giọng hơi buông tuồng, anh bảo: “Đàn em Nguyễn Văn Hiên hả, ngồi xuống uống đi, cứ gọi mình là Nhím!”. Ngày ấy, một vài anh em trong nhóm sáng tác trẻ thường tỏ ý không thích Nguyễn Tôn Nghiêm (và ghét lây cả tác phẩm của anh) chỉ vì, họ bảo, anh làm ở Sở Nhà đất, lắm tiền, giao du với toàn những nhạc sĩ nổi tiếng nên thường tỏ ra phách lối, khó gần. Tôi thì chẳng mấy quan tâm đến những chuyện ngoài lề đó. Bài hát “Dòng thời gian” của anh, với tôi, là một bài hát quá đáng nể, nay gặp mặt thấy anh cũng dễ gần, vui vẻ và chan hòa, như vậy là đủ! Người Việt ta thường có thói quen quàng vào các tác phẩm nghệ thuật những thẩm định yêu ghét bao hàm cả những chi tiết râu ria thuộc về đời tư cá nhân người nghệ sĩ, để những đánh giá ngoại vi đó lấn át cả việc chính yếu là nhìn nhận những giá trị nào mà người nghệ sĩ ấy đã đóng góp được cho nghệ thuật. Đôi khi, người ta còn bỏ hẳn bóng chỉ để lăm lăm... đá người.

Vậy là tôi biết NS. Nguyễn Tôn Nghiêm. Nhưng như đã nói ở trên, tôi đã không trở nên thân thiết với anh dù con đường hoạt động âm nhạc mấy chục năm sau này tôi và anh rất nhiều lần gặp gỡ nhau: khi ở Hội Âm nhạc, khi ở Quán Nhạc sĩ, khi trong những chương trình tác giả - tác phẩm ở Nhà Văn hóa Thanh niên hay những kỳ đại hội nhạc sĩ 5 năm một lần ở Sài Gòn (hoặc Hà Nội), cũng có khi ở đâu đó trên đường, ngang qua, lướt qua, chưa kể khá nhiều những cuộc rượu tình cờ. Có giai đoạn, anh thường thích ngồi đến tận nửa đêm trong một nhà hàng nằm ở góc đường Hồ Xuân Hương và Cách Mạng Tháng Tám. Một tối, chẳng nhớ đi cùng những ai, tôi ghé vào đó uống bia, rồi cũng chẳng nhớ mọi người ra về lúc nào, và tại vì sao, đến tận nửa khuya, chỉ còn mỗi anh với tôi ngồi lại ở bàn. Anh có vẻ say, tôi cũng vậy, nhưng cứ như bị chi phối bởi quán tính, anh và tôi cứ uống tới tới chẳng đặng dừng… Một chai nữa thôi nhé, rồi lại một chai nữa thôi nhé! Chỉ uống, chẳng nói năng gì với nhau cả. Đèn đường qua ô cửa sổ kính lốm đốm vết ố rọi ánh sáng vào chỗ chúng tôi ngồi, vàng õng. Đến tận bây giờ tôi cũng chẳng biết đêm ấy mình đã về nhà như thế nào và bằng cách nào?

Rồi bẵng đi thật lâu tôi không gặp anh, cũng ít gặp bạn bè trong giới âm nhạc. Thời gian biểu của một viên chức với những vòng quay đều đều bất tận vốn dĩ của nó đẩy tôi sang một ngách khác của đời sống. Ngày tháng giản đơn và giống hệt nhau đến độ nghĩ về chúng trong tôi chỉ là một chuỗi những hình ảnh lộn xộn như hình ảnh của một đoạn phim câm được quay thật nhanh với những nhát cắt cúp, ráp nối ngẫu nhiên, vô nghĩa. Với đời sống đó, ta như là trôi đi! Một năm, hai năm, ba năm, năm năm, rồi mười năm, cho đến cái buổi trưa tôi gặp lại anh ngồi một mình ở Quán 49 Lê Quý Đôn. Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm đã già đi nhiều. Vẫn còn nguyên vẻ chỉn chu đỏm dáng bề ngoài, vẫn còn nguyên giọng nói vui vẻ và ánh mắt cười đầy diễu cợt đối với mọi sự đời, dù vậy, thấp thoáng bên dưới tất cả những thứ đó, tôi mơ hồ cảm nhận nỗi u sầu và sự cô đơn mà anh đang cố tình dấu kín cho riêng mình, nơi sâu kín, và có thể, ở đó, anh dấu cả sự mệt mỏi, chán chường trước mọi thứ nhân tình thế thái: “Mình không muốn làm phiền mọi người!”. Cuộc rượu sau chót mà tôi ngồi với anh có lẽ là buổi tiệc thân mật NS. Trương Quang Tuyến tổ chức nhân dịp được giải thưởng của Hội Âm nhạc. Anh ngồi đối diện với tôi, uống ít, nói chuyện là chính. Anh bảo những bài viết trên blog của tôi anh đều có đọc qua, anh thích cách viết của tôi, cá tính nhưng khiêm cung, biết trước biết sau. Anh nói về những dự định sáng tác của mình, rất nhiều dự định, chê tôi sao ít viết quá, rồi cười khé khé, “phải tiếp tục ngứa-cổ-hát-chơi đi chớ!”. Chúc mừng Trương Quang Tuyến xong, anh cáo về trước. Anh bắt tay mọi người. Bàn tay anh lạnh và khô, trong tay tôi. Đó là cái bắt tay cuối cùng.

“Con chim ngoan ơi, một ngày kia sẽ ngừng hót”, bài hát ngày xưa anh viết cho người mà có lẽ cũng là viết cho chính mình, cho tất cả những ai chọn lấy niềm hân hoan chẳng mấy nhẹ nhàng của việc ca hát dâng đời làm cuộc sống của mình. Tôi như thấy diễu hành qua mắt tôi biết bao nhiêu là những con người có tâm hồn tuyệt đẹp, những người từng là thầy tôi, ân nhân của tôi, là đàn anh, là bạn tôi, trong đó có cả anh, mắt sáng rực, tim tràn đầy niềm hy vọng ngông cuồng sẽ đem những giai điệu rực rỡ nhất của mình, những câu hát tuyệt vời nhất của mình làm đẹp cho thế giới này, an ủi cho những tâm hồn cô đơn, giúp vui cho những trái tim sầu muộn mà chẳng cần đến một sự đáp đền nào cả. Những con người từng xiết bao quen thuộc với tôi ấy, họ đi đâu cả rồi? Mới cách đây không lâu, nhạc sĩ Lam Duy đăng lên trang facebook của anh bức ảnh tập thể chụp tại buổi sơ kết Trại sáng tác khí nhạc - hợp xướng năm 1994 của Hội Âm nhạc. Tôi bâng khuâng nhìn bức ảnh cũ có mình đứng giữa những bạn bè nhạc sĩ, những người thầy, người anh, mà nhiều người trong đó nay đã khuất bóng: nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, không bao giờ nghĩ rằng, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm với nụ cười rạng rỡ (đứng ngay sau Lam Duy trong ảnh) sẽ ra đi sớm như vậy! “Con chim ngoan ơi, một ngày kia sẽ ngừng hót”, đó là lẽ thường tình, nhưng trong sớm mai này, trong cơn mưa rớt bão rũ rượi này, tôi bỗng ước rằng, sẽ không như lời bài hát của anh, thời gian trôi như dòng nước xuôi làm mờ phai bao hình bóng xưa” (1), cuộc diễu hành của những con người có tâm hồn tuyệt đẹp đó, họ không đi vào bóng tối quên lãng mà sẽ là tiến vào miền vĩnh viễn ánh sáng.
Trần Thanh Sơn (8.2020)
 

(1) Lời ca khúc “Dòng thời gian” (Nguyễn Tôn Nghiêm)

Ảnh trên: From “Pain Relief Series” (Ibrahim El-Salahi)


Không có nhận xét nào: