Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Tiếng người

 
Là nhà soạn nhạc đương đại luôn được thính giả mộ điệu khắp năm châu ngóng chờ dõi theo từng sáng tác mới, ngày 31 tháng Bảy vừa qua, Max Richter đã chính thức công bố phát hành “Voices” - studio album thứ 9 của ông, có thời lượng 56 phút soạn cho dàn nhạc, dàn hợp xướng, âm thanh điện tử, giọng nữ cao, vĩ cầm và dương cầm độc tấu. 

Lấy cảm hứng trực tiếp từ bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, “Voices” tiếp tục mang hơi thở chính trị nóng bỏng như các nhạc phẩm từng tạo dựng nên tên tuổi Max Richter: “Memoryhouse” với cuộc xung đột Kosovo (2002), “The Blue Notebooks” với cuộc chiến Iraq (2004), hay “Infra” với vụ đánh bom khủng bố tại Luân Đôn năm 2005 (2010)... Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền được một nhóm các nhà triết học, nhà tư tưởng và nghệ sĩ do Eleanor Roosevelt chủ trì soạn thảo và đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua tháng 12.1948 (1). Hình thành trên bối cảnh hoang tàn của Châu Âu hậu thế chiến thứ II đẫm máu, tuyên ngôn được xem như một đáp từ cho những câu hỏi lớn của thời đại, đặc biệt, đối với những hành động man rợ chà đạp lên quyền con người của chủ nghĩa phát xít trong cuộc đại chiến vừa qua. Trong một phát biểu dành cho báo giới sau buổi công diễn đầu tiên giới thiệu “Voices” tại Barbican Hall, Richter cho biết, ông kỳ vọng tác phẩm lấy cảm hứng từ bản tuyên ngôn này sẽ đánh thức lại những giá trị tinh thần nền tảng về quyền con người từng được xác lập và khẳng định nhưng dường như đang bị chính con người hôm nay lãng quên, mang đến một cái nhìn lạc quan hơn cho thời kỳ đầy khó khăn và âu lo, nếu không muốn nói là đen tối của thế giới hiện tại, phục dậy niềm tin về khả năng sẽ có một thế giới tốt đẹp và công bằng.
 
Với biên chế dàn nhạc mang phong cách rất khác biệt mà Richter gọi là “negative orchestra” (đảm nhận vai trò chủ đạo trong dàn nhạc không phải các nhạc cụ có âm vực cao như violin hoặc kèn gỗ mà là các nhạc cụ có âm vực thấp như cello và double bass), dàn nhạc dùng cho “Voices” chỉ có 8 violin nhưng có đến 24 cello và 12 double bass! Đối trọng với dàn nhạc nghiêng về âm sắc trầm này là những-giọng-nói (không hát) kết hợp với dàn thanh xướng và giọng nữ cao không lời. Mở đầu tác phẩm, Richter đã sử dụng bản ghi âm giọng của chính Eleanor Roosevelt (2) đọc lời dẫn nhập tuyên ngôn trên nền tiếng đàn dây mỏng mảnh, buốt giá, gợi nghĩ đến những vọng âm của tiếng còi báo động thời chiến. “Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình…”, giọng nói pha lẫn tiếng nổ lách tách của những rãnh ghi âm bị trầy xước ấy, kế tiếp, được chuyển giao cho Kiki Layne (3), chỉ xướng đọc hai điều đầu tiên của tuyên ngôn rồi lập tức nhường chỗ cho dàn nhạc khởi một chủ đề trịnh trọng, đăm chiêu, hòa trong tiếng vĩ cầm độc tấu nhuốm đầy vẻ buồn rầu. Ngay từ khởi nhạc, người nghe đã mơ hồ cảm nhận dường đã có một hố ngăn cách mở ra giữa lời nói và nhạc điệu, giữa những tuyên triệu đầy lý tưởng với thực tế xám xịt và bất như ý. Cũng ở chương nhạc đầu tiên này, đối với người nghe Việt Nam, sẽ khá thú vị và cảm động khi được nghe thấy tiếng Việt - vinh dự xuất hiện chỉ sau tiếng  Anh của Eleanor Roosevelt và Kiki Layne - tuyên đọc Điều 3 của Tuyên ngôn, trước khi dàn “đại đồng ca của tiếng nói” trỗi lên.
 
Đó là hàng trăm giọng nói. Hàng trăm giọng nói xen vào nhau, lẫn vào nhau, chồng chéo lên nhau, tất cả đua nhau xướng đọc Tuyên ngôn Nhân quyền nhưng bằng tiếng mẹ đẻ của mình trên nền dàn nhạc khi lặng lờ bình thản, khi trào lên riết róng không ngừng. Để có được vật liệu xây dựng cảnh quan âm nhạc này, từ nhiều năm trước Richter đã đưa lên mạng xã hội lời kêu gọi người tham gia trên khắp thế giới thu âm giọng đọc của mình trên điện thoại hoặc bất kỳ dụng cụ ghi âm nào và gửi về cho ông. Hàng trăm giọng nói bằng đủ loại ngôn ngữ của nam nữ già trẻ lớn bé khắp năm châu đã được tập hợp lại, đây chính là chất liệu tuyệt vời để Richter tạo ra không khí kỳ lạ, độc đáo, biểu trưng cho tâm tư và khát vọng của đông đảo nhân loài. Có thể thấy sự tinh tế và sáng tạo của Richter trong việc phối trí những phức hợp giọng nói này trên từng trường đoạn âm nhạc của “Voices”. Hãy chú ý giọng đọc mang tính chất phân định các phần âm nhạc thường trở đi trở lại của Kiki Layne trên hỗn độn những giọng đọc đại diện cho mọi xứ mọi miền của thế giới. Có giọng đọc to, có giọng đọc nhỏ, có giọng thật tự tin, có giọng rụt rè sợ hãi, có giọng được đưa vào giữa, có giọng bị đẩy ra ngoài rìa đám đông âm thanh, nhưng nổi bật nhất vẫn là giọng Kiki Layne, đại diện cho tính nhân bản tuyệt đẹp gói trong những nguyên tắc đầy cảm hứng mà bản Tuyên ngôn Nhân quyền chứa đựng. Cũng hãy chú ý giọng đọc ấy, khi trang trọng tràn đầy sinh lực, khi lãnh đạm tẻ nhạt như đang đọc một bài báo cáo, khi là giọng của cuộc trò chuyện phiếm, khi cứng nhắc đầy tính chất bàn giấy, hoặc, đọc đi đọc lại đến lẩm cẩm, trước khi rút vào im lặng để dàn thanh xướng không lời cùng dàn nhạc đơn phương chiếm lĩnh hoàn toàn. Ấy là khi ngôn ngữ bất lực hay khi lý tưởng theo thời gian bạc màu và đành chịu giơ tay quy hàng?
 
Xuyên suốt cùng những giọng nói xôn xao ấy, xuyên suốt cùng cả những thứ âm thanh đời thực được trộn chung vào đó: tiếng xào xạc của lá, tiếng nước xuôi đời sông, tiếng mưa rơi, tiếng chim hót, tiếng xe về ngang phố, tiếng thời gian trong gió… luôn là những dòng giai điệu đẹp đến não nùng của âm nhạc Richter. Thứ âm nhạc ấy như cất lên từ đất, ngay dưới chân ta, khơi gợi một địa đàng đã mất, khơi gợi những trải nghiệm dưới lớp lớp tầng sâu của thứ ký ức đã vĩnh viễn mất đi nguồn cội. Nó vừa quen thuộc lại vừa xa lạ, là cõi chúng ta chưa bao giờ đặt chân tới nhưng cũng lại là một nơi chốn mà với chúng ta chỉ là sự trở về: tự do, những niềm khát vọng câm nín, giấc mơ xưa, những ảo tưởng, nỗi chán chường, sự tầm thường hóa những lý tưởng từng một thời cao đẹp, nỗi tuyệt vọng, cái chết… Ôi, Max Richter, trùng trùng tiếng người ấy, bài hát u sầu bi thiết ấy, tiếng dương cầm lơ đãng và uể oải ấy, giọng hát thiên thần trong mạch đập nặng nề của thời gian vô tình ấy, ông có thực sự nghĩ rằng chúng thắp được ánh sáng cho hy vọng, phục dựng trở lại niềm tin cho chúng ta về thế giới ngày mai của tốt đẹp và công bằng hơn hay không?
 
Bài song ca về lòng độ lượng của vĩ cầm và dương cầm trầm ngâm khép cửa, bỏ mặc tất cả mọi thứ bên ngoài: Coronavirus, chết chóc, chiến tranh, khủng bố, Black Lives Matter, bất công, tham nhũng, độc tài... Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần khúc hát tĩnh lặng sau cùng này của tác phẩm, tự nghĩ, nỗi bình hòa nào có thể tìm thấy được chúng ta sau tất cả những gì đã xảy ra? Đừng tin vào phép lạ, những giọt thanh âm kiệt cùng của vĩ cầm như bảo với tôi rằng, chẳng có phép lạ nào cả, chỉ thứ quyền con người duy nhất mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy là tự an trí mọi niềm khát vọng của cuộc đời mình vào một chỗ trong cõi quên lãng. Đó cũng chính là dư vị ngụm rượu cuối cùng trong bữa tiệc âm thanh mà Max Richter đã dọn cho người nghe, đắng ngắt!
Trần Thanh Sơn (8.2020) 

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Universal_Declaration_of_Human_Rights
(2) Anna Eleanor Roosevelt (1884-1962): Nữ chính khách Mỹ, từng là Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ, vợ Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Bà chủ toạ ủy ban soạn thảo và chuẩn thuận Bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
(3)  Kiandra Layne (1991-): Diễn viên người Mỹ, nổi tiếng với vai diễn đột phá trong bộ phim truyền “If Beale Street Could Talk”. Max Richter đã chọn mời cô làm người dẫn chính cho tác phẩm “Voices” của ông.
 
“Bài song ca về lòng độ lượng trầm ngâm khép cửa...”
(Mercy from Voices - Max Richter)
 

 
Note 1: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua với tên gọi Nghị quyết 217 vào ngày 10.12.1948 tại Palais de Chaillot, Paris. Theo tài liệu lưu trữ của United Nations Association tại Canada, trong số 58 thành viên của Liên Hiệp Quốc lúc đó, có 48 thành viên bỏ phiếu ủng hộ, 8 phiếu trắng và 2 không bỏ phiếu. 8 quốc gia bỏ phiếu trắng bao gồm: 6 quốc gia thuộc phe XHCN (Liên Xô, Byelorussian, Ucraina, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư), Ả Rập Saudi và Nam Phi; 2 không bỏ phiếu là Honduras và Yemen (Questions and answers about the Universal Declaration of Human Rights - Who are the signatories of the Declaration?). Ngó qua tên các quốc gia thì thấy lý do bỏ phiếu trắng cũng dễ hiểu nhỉ?      

Note 2: “Voices” được bố cục làm 10 tiểu đoạn với các tiêu đề: All Human Beings, Origins, Journey Piece, Chorale, Hypocognition, Prelude 6, Murmuration, Cartography, Little Requiems, Mercy; và được phát hành dưới hình thức đĩa đôi: CD1 là tác phẩm hoàn chỉnh, CD2 gồm các track nhạc không được trộn tiếng (có lẽ để dành cho những thính giả chỉ đơn thuần muốn nghe âm nhạc của Max Richter, không “chính trị chính em” gì cả!). Hình như youtube đã có phần lớn các trích đoạn tác phẩm này, tuy nhiên, bạn đọc nào muốn nghe toàn bộ đĩa nhạc ở chất lượng cao hơn (lossless audio) có thể liên hệ, tôi sẵn lòng chia sẻ. 😊

Ảnh trên: From “F.B.” (Francis Giacobetti)


Không có nhận xét nào: