Issa, trong một
hài cú, viết rằng: ở cõi nhân gian này, chúng ta bước trên mái địa ngục mà ngắm
hoa bay! Đó là vẻ ung dung tự tại của người đã vượt thoát được mọi hệ lụy của
kiếp nhân sinh hay là lời luận tội mà thi nhân dành cho chính mình: ngay trên
miệng vực những khổ đau quằn quại của nhân quần sao có thể bàng quan làm thế? (1) Sáng ra tôi tự hỏi mình, viết sách - làm thơ - soạn nhạc hôm nay, liệu có là những
hành động phi nhân tính khi khắp nơi nhân loại vẫn đang không ngừng ngã gục vì
dịch bệnh, vì đói rét, bom vẫn nổ, đạn vẫn trên nòng, bất công tràn lan, công
lý bị chà đạp ngay cả trước vành móng ngựa, quanh ta trẻ con vẫn thường xuyên bị
giết chóc, hành hạ, ngược đãi?… Và Mozart, liệu có thấy áy náy gì nếu như giờ đây ông ngồi vào đàn để khởi soạn Piano Concerto No.21 tươi vui, huy hoàng,
tráng lệ đến là vậy?
Adorno bảo, làm
thơ sau Auschwitz là man rợ, nhưng rồi lại bảo, sự đau khổ lưu niên có quyền biểu
hiện giống một con người bị tra tấn nhiều đến phải rú lên; do đó, có thể sai
khi nói rằng sau Auschwitz, người ta không thể làm thơ được nữa (2). Sáng tạo
nghệ thuật là chuyển sự đau đớn, nỗi thất vọng của con người trước bạo quyền,
trước cái xấu, cái ác, cái tầm thường vào trong nghệ phẩm như những tiếng thét.
Vậy thì cần phải tiếp tục hét lên? (Với sự chán nản vô cùng cực, tôi nghĩ), lại phải hét lên!
Trần Thanh Sơn (9.2020)
(1)
Kobayashi Issa (1763-1828): Nhà thơ nổi tiếng Nhật Bản, Ông được coi là một
trong bốn bậc thầy haiku ở Nhật Bản, cùng với Basho, Buson và Shiki.
Ảnh
trên:
From “Second Version of Triptych 1944” (Francis Bacon)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét