Tôi được nghe đĩa hát mới “Exiles” của Richter vào đúng thời điểm báo chí mạng đang tràn
ngập hình ảnh những đoàn lưu dân Việt ùn ùn chạy xe máy hoặc bồng bế, dắt díu nhau lội bộ hàng trăm cây số để bằng mọi giá về được quê
nhà sau nhiều tháng trời bị giam lõng trên đất người vì lệnh phong tỏa chống dịch.
Dẫu chỉ là tình cờ, nhưng sự tương đồng nào đó về mặt tâm cảm giữa trạng huống
được đề cập với những điều đang diễn ra trong thực tế khiến ấn tượng của tôi đối với đĩa hát này của Richter hình như không giống những lần nghe khác.
Như
Richter từng tuyên bố, ông muốn âm nhạc của mình phải là một thứ “diễn
ngôn xã hội” tham gia trực diện vào những vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại. “Exiles” - như chính tiêu đề của
nó (cũng là tên chung album) - lấy cảm xúc từ hệ quả của cái gọi là Mùa xuân Ả Rập
bắt đầu từ Syria năm 2011, sau đó biến thành cuộc khủng hoảng người di cư
khiến gần như toàn thể các quốc gia Châu Âu phải gánh chịu làn sóng “thuyền
nhân” ồ ạt đổ vào nước mình, và đỉnh điểm là sự kiện hình ảnh cái xác chết đuối
bé bỏng của em bé tị nạn Alan Kurdi bị sóng đánh dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đăng trên trang nhất mọi tờ báo lớn gây chấn động toàn thế giới. Giữ vai trò trọng tâm trong một sắp xếp gồm 6 nhạc khúc (trong đó có cả một
số tác phẩm cũ được soạn lại cho dàn nhạc), “Exiles” là sân khấu chính của diễn trình âm nhạc Richter muốn người nghe phải tham dự và mặt đối mặt với câu hỏi bi thiết mà ông vừa khơi gợi: đâu là nguồn gốc,
nguyên cớ gần xa của thảm họa nhân đạo này, và, chúng ta có thể làm được gì?
Khởi từ “Flowers of Herself” - quang cảnh một sớm mai yên bình lấy cảm hứng từ tác phẩm “Mrs Dalloway” của Virginia Woolf (1), đường dây âm
nhạc ngay sau đó sẽ đưa người nghe vào “On the Nature of Daylight” hoang tàn
của cuộc chiến Iraq, “The Hauted Ocean” u ám trong hồi ức về chiến tranh Liban,
“Infra 5” với cuộc tấn công khủng bố Luân Đôn và “Daylight” đầy lo âu khắc
khoải, trước khi bước vào 33 phút 34 giây âm nhạc miêu tả hành trình
của những kẻ bị lưu đày vào bóng tối vô định của cuộc đào vong. Xây dựng xung
quanh một motif ngắn, lặp đi lặp lại, âm nhạc của “Exiles” từ từ mở ra những cung đường buồn thảm của đoàn người trốn chạy thông qua 17 biến thể được chậm chạp khai triển, quẩn
quanh, bí bách, mệt mỏi, như chính những bước chân và tâm trạng những kẻ chạy trốn, cắm đầu
về phía trước mà chẳng biết được đích đến sẽ là chốn nào. Gần 2/3 bản nhạc chuyển động bằng nhịp điệu như vậy. Sự tiến triển chỉ lờ mờ được nhận thấy
qua việc kết hợp cái chuyển động đơn điệu đầy kiên trì ấy với các âm hình
họa tiết nhanh hơn, từng ít một được đưa vào ở các lớp khác nhau của dàn nhạc để tạo hiệu ứng cảnh quan thay đổi. Trong 10 phút cuối cùng của tác
phẩm, với sự triển khai càng lúc càng dày đặc và phức tạp hơn các lớp chất liệu âm nhạc,
cộng với sự gia tăng cường độ của dàn nhạc đã được bổ sung thêm bộ gõ với trống
định âm, chỉ từ lúc này, bản nhạc mới thực sự đi vào đỉnh điểm. Trên nền
một âm hình tiết tấu trì tục vừa được hình thành, các bè nhạc như những dòng hải lưu
cuộn chảy ở nhiều tốc độ. Đấy là sự hãi hùng, đấy là niềm tuyệt vọng, nỗi bi phẫn,
và có thể, cả sự hy vọng, cùng một lúc được trộn vào nhau, trào lên, dâng lên, tạo thành một
bức tường âm thanh dày đặc. Trong biển âm thanh dày đặc đó, những giai kết đằng
đẳng không bao giờ được Richter giải quyết hoàn toàn, chúng cứ lơ lửng treo ở
đó, dập dềnh ở đó như những câu hỏi chẳng nêu lên cho ai, chẳng dành cho ai, để
rồi cuối cùng, khi cái nhịp điệu buồn tẻ ban đầu quay trở lại, chúng tự tan biến vào bóng tối của sự im lặng...
Tôi
nhớ, hồi đầu tháng, một người bạn sau khi chia sẻ hình ảnh báo chí đưa tin về
những đoàn người tha phương tay xách nách mang bồng bế nhau tìm đường tránh dịch, có người về tận các tỉnh miền núi xa xôi phía Bắc, anh nhắn tin bảo,
có lẽ cho đến chết anh cũng sẽ không bao giờ xóa được những hình ảnh đầy bi
thương ám ảnh này khỏi tâm trí mình. Tôi, cũng như anh, và chắc chắn cũng như
mọi người dân Việt bình thường khác, đều cảm thấy cay mắt xốn xang trước thảm cảnh
này. Âm nhạc của Richter, vì vậy, chẳng hẹn mà cứ xoáy vào lòng tôi một nỗi
đau đớn vô hình. Như thể cùng với “Exiles”, tôi cũng là một thành viên của đoàn
bộ hành tuyệt vọng ấy. Tôi thấy lưỡi mình khát bỏng, chân mình rã rời,
lòng tối ám từng bước lê theo đoàn người về hướng một tương lai bất
khả đoán định mịt mù phía trước. Có những lúc, tôi thấy ghét âm nhạc
Richter, ghét những câu hỏi mà ông ta xới lên rồi lại bỏ mặc đó cho người
nghe phải tự giải quyết lấy một mình. Tôi ghét “Exiles”, ghét cả cái chốn mà Richter
đã buộc tôi phải tự lưu đày đến đó, cái chốn mà vì nó, tôi buộc phải nhìn
lại cách mà mình đang sống, lối mà mình đang suy nghĩ, quan điểm thẩm mỹ mà bao lâu nay dựa
vào đó tôi hít thở, và khó chịu nhất, phải trả lời cho bằng được câu hỏi: Nghệ
thuật có được quyền là một thứ xa xỉ lừa dối hay không? (2)
Đầu ngõ
nhà tôi vừa có thêm mấy ca dương tính mới. Đó là những gia đình công nhân ở trọ
tuyệt vọng trụ lại Sài Gòn từ đầu mùa dịch. Buổi chiều đi làm về ngang tôi thấy
mấy đứa trẻ gầy xanh ngước cặp mắt đen buồn rượi nhìn qua khung cổng sắt khu
nhà trọ. Lòng lại thấy xốn xang liên tưởng đến hàng ngàn đứa trẻ khác trong lũ lượt
những đoàn lưu dân tán loạn rời thành phố tìm nơi ẩn trốn náu hồi đầu
tháng Mười. Ký ức cộng đồng sẽ còn ghi nhớ rất lâu về những ngày tháng kinh
khủng này, cả lịch sử nữa… Chợt nghĩ, thế hệ những người làm nhạc kiểu như tôi
có thể xem như đã tiêu ma rồi! Cần có những thế hệ nhạc sĩ khác, tài năng
hơn, mẫn cảm hơn - như Max Richter, họ sẽ viết về những ngày tháng cùng những sự
kiện chẳng thể nào quên của thảm họa này. Không phải những khúc hát hô hào rỗng
tuếch, những mệnh lệnh sắt đá, đòi chiến thắng, đòi đánh bại, đòi tiêu diệt nữa, mà phải là khúc hát của
lòng khoan dung và niềm trắc ẩn. Richter cũng vậy. Chưa bao giờ ông ta thành
công trong bất cứ một tuyên bố hay hiệu triệu nào. Thứ chiến thắng duy nhất trong
âm nhạc của ông là niềm trắc ẩn. Chỉ là niềm trắc ẩn. Cái mà
chúng ta đang thiếu và thật sự thiếu, đặc biệt là từ phía những người có quyền và
đang nắm quyền.
Trần Thanh Sơn (10.2021)
(1) Virginia
Woolf (1882-1941): Nữ văn sĩ người Anh, được xem là một trong những nhân vật
văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỷ 20
(2) “L’art est-il un luxe mensonger?” (Albert Camus)
Note 1: Album “Exiles” của Max Richter do Deutsche Grammophon phát hành tháng 8.2021. Toàn bộ đĩa hát do dàn nhạc Baltic Sea Philharmonic dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Kristjan Järvi. Đây là một dàn nhạc có đặc điểm khá thú vị là bao gồm các thành viên không cố định đến từ các nước quanh vùng biển Baltic, Đông Âu và cả Tây Âu, nghĩa là cũng mang đầy tính “lưu vong”!
Note 2: Do liên quan đến vấn đề bản quyền, trên youtube thấy chỉ giới thiệu đoạn nhạc mở đầu “Flowers of Herself” của album “Exiles”. Bạn nào quan tâm muốn nghe toàn bộ đĩa nhạc ở chất lượng cao (lossless audio) có thể liên hệ, tôi sẵn lòng chia sẻ 😊
Ảnh trên: From “Exile” (Naomi Middelmann)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét