Giải Pulitzer âm nhạc năm 2021 vừa qua lại thuộc
về một phụ nữ: Tania León, nhà soạn nhạc người gốc Cuba với tác phẩm viết cho
dàn nhạc “Stride”. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tính từ 2010, có vẻ Pulitzer
bén duyên với hơi nhiều các nhạc sĩ nữ. Có thể liệt kê: 2010 Jennifer Higdon,
2013 Caroline Shaw, 2015 Julia Wolfe, 2017 Du Yun, 2019 Ellen Reid, và 2021 Tania
León. Tỷ lệ 6/12 người trong chỉ hơn một thập niên là con số rất đáng kinh ngạc
nếu so với trước đó, chỉ có 3 phụ nữ đoạt được giải này kể từ năm 1943 khi Pulitzer
bắt đầu trao thưởng cho hạng mục âm nhạc. Đáng chú ý hơn, trong số 6 nữ nhạc sĩ
vừa kể trên, trừ một vài tác giả mà danh tiếng gần như đã được giới yêu nhạc cổ
điển đương đại thế giới nghe và biết đến nhiều như Wolfe, Higdon, hoặc León - với một
sự nghiệp lâu dài và đồ sộ, còn lại là các nhà soạn nhạc có tuổi đời còn khá trẻ,
thậm chí như Caroline Shaw với tác phẩm gần như là đầu tay và còn mới toe với
giới mộ điệu bốn phương. Thời đại của các nhà soạn nhạc nữ đã tới chăng?
Các khảo cứu nhạc sử cho thấy, không chỉ đến
bây giờ nữ giới mới bắt đầu có nhiều cá nhân thể hiện tài năng và sự sáng tạo của
mình trong âm nhạc. Nếu kể từ Kassia (sinh năm 810) - tu viện trưởng một tu viện
ở Constantinople thuộc đế chế Byzantine với những bài thánh ca ngày nay vẫn được
hát trong nhà thờ Chính thống giáo - tính đến năm 1900, số lượng các nữ nhạc sĩ
có những đóng góp nhất định vào nền âm nhạc cổ điển phương Tây đã đếm được con
số không dưới nửa ngàn. Thế nhưng, ngoài một vài tên tuổi hay được nhắc tới
trong các biên khảo về lịch sử như: Hildegard von Bingen, Francesca Caccini,
Barbara Strozzi, Isabella Leonarda, Louise Farrenc, Fanny Mendelssohn, hoặc Clara
Schumann, chúng ta chẳng biết gì về số còn lại; cùng với âm nhạc của mình, hầu
như họ đã bị dìm vào bóng tối quên lãng. Đọc tiểu sử Mozart, trong chói lóa
danh vọng của ông, có ai băn khoăn tự hỏi, đã đi về đâu cái cô bé có biệt hiệu
là “Nannerl” cũng từng được xem là một thần đồng âm nhạc và từng song hành cùng
cậu em thiên tài của mình thực hiện những chuyến lưu diễn được chào đón nồng
nhiệt khắp trời Âu? Sự phân biệt giới tính, kỳ thị, xem thường khả năng tư duy
sáng tạo âm nhạc của phụ nữ cùng quan niệm cho rằng âm nhạc đối với phụ nữ chỉ
mang tính chất trang trí, một thứ hương hoa để thêu thùa làm đẹp cho chính họ cũng
như những phòng khách thượng lưu mà thôi, đã khiến biết bao nhiêu tài năng âm
nhạc nữ giới sớm bị hủy hoại.
Trong
Musicalisches Lexicon - được xem là cuốn từ
điển đầu tiên về âm nhạc và tiểu sử các nhà soạn nhạc, các nghệ sĩ biểu
diễn do
Johann Gottfried Walther biên soạn xuất bản năm 1732 - chỉ có 6 phụ nữ
được nêu
danh. Còn History of Music (1776) của Charles Burney, ngoài một vài nữ
ca sĩ
opera, 2 nhà soạn nhạc nữ duy nhất được nhắc tên là Francesca Caccini và
Barbara Strozzi. Chẳng biết khởi sự từ đâu, từ những năm 1800, báo chí
âm nhạc
Đức bắt đầu xuất hiện thuật ngữ Damenmusik (Âm nhạc của phụ nữ), ngữ
nghĩa là
thế nhưng lại thường chỉ được sử dụng để nói về các nữ ca sĩ. Trong một
bài báo,
một nhà phê bình giấu tên hài hước cho biết ông ta đã tiếp cận bản piano
sonata của một nhà soạn nhạc nữ với “cảm giác khiếp đảm”, rồi cũng cho
biết việc
“tiếp cận” này chỉ nhằm để bản thân thấy ngạc nhiên một cách thú vị
trước một
ngoại lệ đối với quy tắc “Damenmusik” (!). Cùng đà suy nghĩ đó, bất chấp
sự gia
tăng số lượng phụ nữ sáng tác nhạc trong thế kỷ 19, Nhạc viện Paris vẫn
tiếp tục cấm phụ
nữ tham gia các lớp hòa âm và sáng tác mãi cho đến những năm 1870. Trong
ấn bản đầu tiên 1879, Từ
điển âm nhạc Grove chỉ đưa vào tên của 29 nhà soạn nhạc nữ,
và Illustrierte Musikgeschichte - tác phẩm được dịch ra nhiều
thứ tiếng và thường được biết đến với tên gọi Lịch sử Âm nhạc (1882) -
Emil
Naumann còn tự tin đưa ra nhận định: “Mọi sáng tạo nổi tiếng trong âm
nhạc đều
là tác phẩm của đàn ông” (1).
Dù các cải cách xã hội cùng phong trào nữ quyền thời
hiện đại đã mở ra các cơ hội mới cho phụ nữ trong hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp,
thế nhưng, cho đến tận hết thế kỷ XX, không phải tất cả những vấn đề nêu trên đều
đã được giải quyết. Nhà soạn nhạc Ernst Krenek cho biết khi tham gia giảng dạy
tại Đại học Vassar vào năm 1939, ông đã được người chủ nhiệm bộ môn lưu ý không
dạy hệ thống dodecaphony cho các sinh viên nữ, những người được mô tả là “đám
tài tử”, “không thích hợp” với kiến thức âm nhạc cao cấp! Dàn nhạc New York
Philharmonic năm 1966 mới bắt đầu tuyển dụng nhạc công nữ; Berlin Philharmonic Orchestra sử dụng nhạc công nữ
đầu tiên năm 1982; và năm 1997, các cuộc biểu tình phản đối đã buộc Vienna
Philharmonic Orchestra phải công nhận nhạc công nữ duy nhất của mình là thành
viên chính thức. Một khảo sát được tiến hành năm 1987 (Nicola LeFanu) cho thấy,
từ năm 1972 đến năm 1986, chỉ có 22 nhà soạn nhạc nữ được Hội đồng Nghệ thuật
Vương quốc Anh đầu tư tài trợ tác phẩm, trong khi có đến 338 nhà soạn nhạc
nam giới được nhận tài trợ (2). Lịch sử của Giải Pulitzer âm nhạc Hoa
Kỳ đã nêu ở trên cũng là một trong những sự việc được xem là minh họa rõ nhất
cho sự bất hợp lý khó hiểu này.
Tôi có là một trong những người nằm trong vòng ảnh
hưởng của quan niệm “trọng nam khinh nữ” kiểu vậy không? Có lẽ có, một chút, thời
còn trẻ, nhưng không phải do suy nghĩ “coi nhẹ nữ” mà là do kiến văn hạn hẹp,
và cái chính, do “dốt”! Kỳ thực thì nền âm nhạc Việt Nam cho đến tận thập niên
1990 của thế kỷ trước vẫn chưa có một nhà soạn nhạc nữ nào theo đúng nghĩa của
nó, vì đa phần ngoài những tác phẩm khí nhạc mang tính chất “trả bài” lúc còn học
tập ở nhạc viện, khi ra trường, hoạt động và thành tựu của các nữ nhạc sĩ (và cũng
của đại đa số nhạc sĩ Việt Nam nói chung) tựu trung vẫn chỉ nằm ở lĩnh vực ca
khúc (nhạc nhẹ); những đóng góp có tầm vóc hơn một chút của “Damenmusik” Việt,
nếu có, thường ở lĩnh vực sư phạm và biểu diễn (2). Với lẽ đó, cùng ảnh hưởng của xu
thế đánh giá mang tính chất bảo thủ của giới âm nhạc kinh viện thế giới nói
chung, giới hoạt động âm nhạc và cả người nghe Việt Nam cũng chẳng thoát được
quỹ đạo của lối nhìn nhận hẹp hòi này. Tôi nhớ thời còn học nhạc viện, cùng lớp sáng tác với chúng tôi có
2 bạn nữ. Dù đã gặp không ít phụ nữ viết ca khúc hồi còn tham gia CLB Sáng tác
trẻ ở NVH Thanh niên, nhưng khi chính thức gặp họ theo đuổi chuyên ngành này tôi
cũng không tránh khỏi có đôi chút ngạc nhiên. Ngồi cà phê căng tin Nhạc viện thi thoảng tôi còn nghe
các cô gái xinh đẹp của khoa Piano, khoa Thanh nhạc lắc đầu lè lưỡi đùa với nhau:
“Con gái học sáng tác làm chi cho mau già, mau xấu!”. Mà thật vậy, mấy năm trời
vật lộn với các bài tập hòa âm, phức điệu, phối khí, không biết bao nhiêu lần bị
thầy hướng dẫn gạch chéo tổng phổ đã được mình “hì hục sáng tác” hàng tháng trời thì
gái nào mà “hãy còn xuân” cho nổi! 😊
Tác
phẩm khí nhạc do phụ nữ sáng tác tôi được
nghe đầu tiên là “Piano Quintet No.1” (1952) của Grazyna Bacewicz. Bản
ngũ tấu
tuyệt đẹp của nữ nhạc sĩ người Ba Lan này khiến tôi sau đó phải tìm nghe
mọi
tác phẩm của bà. Cũng từ Grazyna Bacewicz, tôi bắt đầu thực sự để tâm
nghe và
sưu tập đĩa ghi âm của các nhà soạn nhạc nữ khác: Sofia Gubaidulina,
Galina
Ustvolskaya, Germaine Tailleferre, Amy Beach, Kaija Saariaho, những tác
giả nổi
bật của các thời kỳ âm nhạc trước 1900, rồi gần đây nhất là Lera
Auerbach,
Sally Beamish, Elena Kats-Chernin, Meredith Monk, Hildur Gudnadóttir…
Với hạn hẹp
chỉ khoảng trên dưới 200 CD sưu tập được, nhưng đám đĩa hát đó, chúng
như muôn
ngàn ánh sáng sao đã mở ra cho tôi một vũ trụ âm thanh khác, cũng sâu
thẳm, mênh mông và tuyệt diệu chẳng kém gì cái vũ trụ âm thanh mà các
Masters nam giới trong
các thế kỷ qua đã tạo dựng, và với những sáng tạo âm nhạc như vậy, các nhà soạn
nhạc nữ giới
hoàn toàn xứng đáng có được vị trí ngang hàng cùng bất kỳ nhà soạn nhạc
lớn nào
trong tương ứng với từng thời kỳ lịch sử mà họ đã xuất hiện.
Trở lại với giải Pulitzer dành cho âm nhạc. Nhìn
lại lịch sử những người đoạt giải trước đây với toàn những tên tuổi lẫy lừng của
nền âm nhạc hiện đại không chỉ của Mỹ mà của cả thế giới như: Aaron Copland,
Charles Ives, Virgil Thomson, Samuel Barber, Elliott Carter, George Crumb, John
Adams... mới thấy được sự thay đổi của Pulitzer khi trao giải cho, chẳng hạn Du
Yun - nhà soạn nhạc nữ là người nhập cư đến từ châu Á, hay vĩ cầm thủ Caroline
Shaw chỉ mới ngoài 30, nữ nhạc sĩ được xem là trẻ nhất trong lịch sử của giải,
bề dày tác phẩm chưa có là bao. Xu hướng feminism? Ủng hộ bình đẳng giới và
tinh thần vị nữ quyền của thời đại? Chẳng phải! “Táo bạo, mới mẻ, đầy sáng tạo...”
là những tính từ người ta thường dành cho thế hệ các nhà soạn nhạc nữ này. Để hiểu được
những lời khen tặng đầy trọng vọng ấy có lẽ không gì bằng trực tiếp nghe nhạc của
họ. Bằng giọng điệu lạ thường và đầy cá tính của mình, các nữ nhạc sĩ đã kề vai sát cánh cùng các bậc thầy hiện đại khác sáng tạo (và thậm chí có
lúc còn vượt lên phía trước), góp phần phá tung mọi rào cản, mở rộng biên cương âm nhạc về
mọi hướng, tích hợp các phong cách âm nhạc mới mẻ và tươi tắn của thời đại vào
những cấu trúc và thể loại âm nhạc kinh viện tưởng chừng đã cằn cỗi, đã tận đường.
Buổi chiều những ngày tận niên nằm nghe
âm nhạc
của nữ nhân bốn phương trời xem ra là một trải nghiệm tuyệt thú chưa
từng có với tôi. Nghe “Partita cho 8 giọng hát” của Caroline Shaw với những tác
khúc gây
kinh ngạc đến sững sốt về kỹ thuật thanh nhạc mà hồi ức lại âm thầm vọng
sánh với
những khúc arie ngọt ngào say sưa mà cô thiếu nữ học trò của Francesco
Cavalli
thành Venice thế kỷ XV ngày nào đã viết; nghe “Prism” của Ellen Reid
khắc khoải,
u ám và đầy bạo liệt mà nơi sâu thẳm lại nghiêng người trầm mặc nghĩ tới
những
khúc tán ca của người phụ nữ dấu mình trong bóng tối tu viện Rupertsberg
thời
Trung cổ xa xôi... Mỗi thời đại có giọng hát riêng của nó. Trên những dòng
nhạc
tưởng chừng dễ dàng tan biến ấy, lịch sử luôn để lại những âm vọng mà bộ
lọc thời
gian dẫu có khắc nghiệt đến đâu cũng không thể xóa bỏ đi được. Và vì
vậy, như thể, có trái tim, có cõi lòng, có tiếng hát của nhiều thế kỷ
những nữ nhân viết
nhạc cùng hòa ca và đồng vọng chung trong những nhạc khúc tuyệt diệu và
tân kỳ
của các cô gái nhạc sĩ mà tôi đang nghe trong cái buổi chiều tận niên
này. Có
phải nam thần Apollo đã ngự trị quá lâu trên vương quốc âm nhạc của con người?
Trần Thanh Sơn (1.2022)
(1) The New Grove Dictionary of Music and Musicians
(2) Nicola LeFanu - “Master Musician: an Impregnable
Taboo?”
(3) Việt Nam tiếp cận với âm nhạc cổ điển phương
Tây nói riêng khá muộn nên việc hình thành và phát triển số lượng người viết
cũng như người nghe loại hình âm nhạc này còn ít, nhà soạn nhạc nữ vì thế còn
ít hơn nữa. NS. Nguyễn Thị Nhung (vợ NS. Huy Du) được xem là người
phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam viết nhạc giao hưởng với tác phẩm “Nữ anh hùng miền
Nam” (1972) khi học tại Nhạc viện Sofia - Bungary. Hiện nay số lượng các nhạc
sĩ nữ Việt Nam theo đuổi con đường sáng tác khí nhạc bắt đầu tăng lên được một
chút, báo chí âm nhạc gần đây nhắc đến một vài cái tên như: Đặng
Tuệ Nguyên, Vũ Đặng Minh Anh (Ba Lan)… Chúng ta có quyền hy vọng?
Note: Pulitzer âm nhạc 2022 hoặc 2023, cớ chi không là Missy Mizzoli?
Missy Mizzoli: Wayward Free
Radical Dreams (From “Vespers for a New Dark Age”)
Ảnh trên: From “Three Young Women Making Music with a Jester” (Anonymous)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét