Phim
là câu chuyện kể về Clément Mathieu - một
thầy giáo dạy nhạc thất nghiệp phải chuyển sang làm giám thị tại một
trường nội
trú dành cho trẻ bị bỏ rơi và mồ côi thời hậu Thế chiến thứ 2 ở
Pháp. Tại ngôi trường rệu
rã với những góc khuất tối tăm trong từng mảnh đời những học sinh cá
biệt
đang học ở đấy, Clément Mathieu đã bằng âm nhạc cứu các em ra khỏi bóng
tối của cái xấu, cái ác, cái ti tiện, sự ghẻ lạnh và thờ ơ, thắp lên
ngọn nến hy vọng hướng cho các em thấy
được con đường đi đến với những ước mơ và tương lai của mình. Nhịp phim “Les
Choristes” chậm, motif phim không mới, không có những diễn biến ly kỳ nhưng vẫn cuốn hút được người
xem đến
tận phút cuối cùng, có lẽ: do nội dung kịch bản đầy tính nhân văn, từng
chi tiết
phim được sắp xếp tinh tế, diễn xuất tài năng của dàn diễn viên trong phim, và chắc
chắn không thể phủ nhận được, do đóng góp cực lớn của phần nhạc phim.
Khác hẳn với những soundtrack phim khác của
Bruno Coulais: là những tìm tòi đổi mới, những kết hợp lạ lẫm, bất ngờ, đầy tính
phát minh trong phối khí, sử dụng nhạc cụ, thể hiện âm thanh… “Les Choristes” chỉ
giản dị là một tập hợp những bài hát có giai điệu đẹp, dễ nghe dễ nhớ theo truyền
thống Pháp - phong cách Jean-Philippe Rameau có lẽ là một gợi ý từ chính Coulais, khi ông dùng
bài hát “La nuit” của nhà soạn nhạc Pháp thời kỳ baroque này vào phim. “Vois sur ton chemin” - nhạc đề chính tuyệt
đẹp của soundtrack (từ phút 22 của phim mới bắt đầu thấp thoáng xuất hiện) và sẽ trở thành bài hát nổi bật mà từ đó các đoạn nhạc
khác nhau (cũng quyến rũ không kém, nếu không muốn nói là còn có phần hơn) thay
phiên nhau cất lên khi bằng giọng hát, khi
là tiếng oboe, khi bassoon u uẩn trong tiếng bật dây thì thầm của đàn harp hoặc toàn dàn nhạc cùng bộ đồng sâu thẳm đầy sức mạnh. Dàn hợp xướng Les Petits Chanteurs de Saint-Marc
với giọng lĩnh xướng trong vắt của Jean-Baptiste Maunier khiến người
xem/nghe bị mê hoặc, quên biến đi sự phi lý mà nếu trong thực tại, thứ âm nhạc
đó khó có thể đến được từ một dàn đồng ca nghiệp dư với những đứa trẻ học sinh
cá biệt được một ông thầy dạy nhạc hết thời tập tành cho trong dăm bữa nửa
tháng! Tôi không bao giờ quên được cảm giác choáng ngợp của mình khi lần đầu nghe “In
mémoriam” trong đĩa soundtrack. Bài hát viết theo lối phức điệu truyền thống được
thể hiện một cách điêu luyện này có thể sánh ngang với bất kỳ tác phẩm hợp xướng tuyệt đẹp nào của các bậc thầy cổ điển. Rồi “Cerf-volant”, “Caresse sur l'océan”... ôi những giai điệu đẹp đến đau lòng! Chẳng trừ một ai, tôi nghĩ vậy, cuốn phim cùng những
bài hát ấy sẽ lập tức đưa mọi người về với tuổi thơ đã mất, đánh thức trở lại
trong tim ta những hồi ức đẹp nhất về một quãng đời mà ai ai đều cũng
đã từng: tuổi học trò với những tháng ngày vô lo và nhiều hoa mộng...
“Cerf-volant
Volant au vent
Ne t'arrête pas
Vers la mer…”(3)
Để
tránh sự như Adorno từng viết, đại ý: người ta
cứ thích nói, thích đọc về âm nhạc hơn là thích chính bản thân âm nhạc (4),
tôi sẽ thôi lan man kể lể dài dòng. Hãy là cánh diều lộng gió - như lời bài hát
trích từ album soundtrack ở trên - cùng hướng vào vùng trời âm nhạc của Bruno Coulais, của “Les Choristes”,
và lắng nghe! Thứ âm nhạc ấy, nó xứng đáng được chúng ta đối xử như thế!
Trần Thanh Sơn (2.2022)
Bruno Coulais - Les Choristes
(1) Bruno Coulais “Les Choristes” - CD Max Music 2004
(2) Jean-Philippe Rameau (1683–1764): Nhà soạn nhạc,
nhà nghiên cứu lý thuyết âm nhạc, nhà sư phạm nổi tiếng người Pháp thời kỳ Baroque
(3) Lời ca khúc “Cerf-volant” (Christophe Barratier)
(3) https://nhilinhblog.blogspot.com/2020/12/thoi-chung-ta-7-thai-doẢnh trên: From “1999-74-1A" (Helen Frankenthaler)
1 nhận xét:
Đăng nhận xét