Chạy
trốn những giờ phút trống rỗng của tâm hồn mình là một việc làm vô ích và bất
khả. Bởi, sự trống rỗng ấy là một thứ hiện hữu phi hiện hữu. Tất cả những gì
chúng ta gán cho sự trống rỗng phụ thuộc vào cách chúng ta nhận thức về nó. Như
kẻ gắng lấp đầy vũ trụ của mình bằng những bóng ma, có cảm giác tất-tần-tật những
điều tôi đã làm trong cuộc đời mình là một sự thừa nhận cái trống rỗng siêu
hình nằm chình ình trong ý thức của mình. Nghệ sĩ thường là những người có khả
năng tự dựng lên cho riêng mình một bảo tàng viện mà hiện vật là ký ức về những
thứ vắng mặt, những điều đã mất, đã bị thiêu hủy và bị dòng chảy của thời gian hút
rỗng; âm nhạc, hay thi ca, hay văn chương, hay những gì gì đó khác nữa, thật ra
cũng chỉ là những cái bóng, thậm chí là bóng của những cái bóng mà bọn họ tạo
ra để chống lại sự khoét ruỗng không ngừng của hư vô cận kề.
Với
những thứ rác rưởi vô hình mà thời gian vội vã ném bỏ lại trên đường chạy của nó, đôi
khi, tôi len lén cúi nhìn vào sự trống rỗng của mình...
Trần Thanh Sơn (11.2022)
Note: Chọn ngẫu nhiên một khúc nhạc đầy những-bóng-ma trong
album “Rỗng” (Empty) của Nils Frahm đăng trên youtube để các bạn nghe chơi. Nils Frahm là nhà soạn
nhạc người Đức (sinh 1982) nổi danh như cồn với hơn chục album cá nhân kết hợp giữa âm nhạc cổ điển và điện tử; anh cũng được biết đến như một dương cầm thủ có cách tiếp cận và thể
hiện cực kỳ độc đáo với cây đàn piano. Nghe kể, Frahm cũng chính là người đề xuất ý tưởng tổ chức “Piano Day” (năm 2015) để kỷ niệm và tôn vinh cây đàn này; “Piano
Day” được tổ chức vào ngày thứ 88 của năm (tượng trưng cho đàn piano tiêu chuẩn gồm có 88 phím). Ai có nhu cầu nghe Nils Frahm nhiều hơn nữa thì liên hệ với tôi nhé!
Black Notes (Empty - Nils Frahm)
Ảnh trên: From “Empty Spaces” (Jeffrey Bess)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét