Chỉ
để lại vỏn vẹn chưa đến 20 tác phẩm lớn nhỏ kể cả những phác thảo dở dang mà
sau khi ông mất người môn đệ trung thành là Chou Wen-chung mới tiếp tục hoàn
tất, Edgard Varèse vẫn được xem là một trong những người đi tiên phong có ảnh
hưởng lớn của nền âm nhạc hiện đại và là cha đẻ của âm nhạc điện tử. Để nghe
toàn bộ tác phẩm của Varèse chỉ mất đúng 2h29’33” theo thời lượng các bản ghi âm của
Riccardo Chailly do DECCA phát hành (gồm 2 đĩa), bằng độ dài một opera cỡ trung
bình của Richard Wagner chẳng hạn Das Rheingold, nhưng thời lượng đó cũng
đã đủ để Varèse đưa chúng ta vượt khỏi mọi biên thùy để đến những vùng đất mới,
những vùng trời mới và những thế giới mới - lạ lùng kỳ diệu của âm thanh.
“Mỗi
thời đại đều có những âm thanh đặc trưng của nó”, Varèse đã bỏ cả đời mình để
tìm kiếm những âm thanh mới và cách thể hiện chúng sao cho hữu hiệu nhất, đậm
nét tư tưởng của thời đại mình nhất. Học Schola Cantorum, học trò của Albert
Roussel, Vincent d’Indy và Charles Widor; ngưỡng mộ Debussy, Stravinsky,
Schoenberg, Apollinaire; làm việc cùng những nhà soạn nhạc danh tiếng nhất
đương thời như Satie, Busoni, Ruggles; kết thân với Duchamp và Picabia (nhóm
New York Dada)... nhưng Varèse chọn riêng cho mình một con đường và luôn lớn
tiếng khẳng định không thuộc về bất cứ một trường phái tư tưởng sáng tác nào.
Hạn chế tối đa việc sử dụng kỹ thuật, giai điệu, nhịp điệu, hoà thanh truyền
thống, những phương tiện, hình thức và chủ đề mà ông cho rằng đã lỗi thời và thuộc về quá
khứ, ông tạo ra một thứ âm nhạc với những âm thanh mới lạ, gây kinh ngạc cho
người nghe lẫn giới phê bình. Sự triệt để cách tân trong sáng tác đã khiến cho
hầu hết các tác phẩm âm nhạc của ông đến tận ngày nay vẫn còn nguyên vẹn sự mới
mẻ và là sự thách đố đối với công chúng yêu nhạc.
Với quan niệm và tư tưởng vượt xa thời đại của mình nhiều chục năm, Varèse tựa một
nhà thám hiểm thích phiêu lưu khai phá những vùng đất chưa từng có người đặt
chân đến, thậm chí chưa từng tồn tại trên bất cứ tấm bản đồ nào của sự hiểu
biết. Ông tâm sự: “Tôi mơ về những nhạc cụ có thể tuân theo mọi suy nghĩ của
tôi và sự góp mặt của chúng với một thế giới âm thanh chuẩn xác đáng tin cậy
như thế mới thích ứng được với những nhu cầu cấp thiết của nhịp điệu tâm hồn
tôi”(1). Có một giai thoại mà chúng ta có thể tin là sự thật vì nó hoàn toàn phù
hợp với tính cách cũng như sự nhiệt tình kỳ lạ trong việc tìm tòi những bảng
màu âm thanh mới cho âm nhạc của ông. Người hàng xóm sống cùng dãy nhà với
Varèse ở Greenwich Village kể rằng: Có một đêm, ống dẫn nước ngầm của khu phố
bị bật tung gây lũ lụt, hàng chục lính cứu hỏa đã đến để ra lệnh cho mọi người
ra khỏi nhà vì họ sợ nước ngầm sẽ gây sụt lún và khiến những ngôi nhà sụp đổ.
Mọi người lao ra ngoài nơi những chiếc xe cứu hỏa đang chớp đèn cùng một chiếc
máy bơm khổng lồ đang chạy thình thịch cố gắng rút cạn nước lũ, Varèse đứng
giữa tình trạng hỗn loạn, đầy vẻ kinh ngạc trong chiếc áo choàng tắm của mình,
say sưa tuyên bố: “Kìa, hãy lắng nghe nhịp điệu của tất cả!”(2).
Varèse
viết: “Trên thực tế, tôi đã trở thành một loại Parsifal ma quỷ (3), không tìm
kiếm Chén Thánh mà tìm kiếm một quả bom có thể làm thế giới âm nhạc nổ tung và
cho phép mọi thứ âm thanh tràn vào - những âm thanh mà thời điểm đó còn bị coi là
tiếng ồn”. Công diễn lần đầu năm 1926 bởi Philadelphia Orchestra dưới đũa chỉ
huy của Leopold Stokowski, “Amériques” viết cho dàn nhạc lớn (khởi bút năm
1918) có thể xem là mở màn cho hành trình tìm kiếm “quả bom làm thế giới âm
nhạc nổ tung”; đây cũng có thể xem là sự đánh dấu cho cuộc sống mới cùng giai
đoạn sáng tác hoàn toàn mới của Varèse trên đất Mỹ (từ 1915) sau khi hầu hết
các tác phẩm ông viết trước đó ở châu Âu đều đã bị thất lạc hoặc bị thiêu rụi
do một trận hỏa hoạn vào năm 1913 (4). Tác phẩm mà giới nghiên cứu ngày nay đều
nhất trí đánh giá là bước đột phá vào bức tường thành của âm nhạc đang bị phong
bế trong hơi thở kinh viện của thế kỷ 19 mở ra một vũ trụ âm thanh mới mẽ rộng
lớn hơn cho âm nhạc, dù vậy, đã được “chào đón” bởi những tiếng huýt sáo la ó
cùng sự diễu cợt dèm pha gọi đó là “Bản giao hưởng của xe cứu hỏa và búa máy”!
(5). Đến tận bây giờ dẫu đã gần tròn thế kỷ trôi qua, nghe “Amériques” nhiều người trong chúng ta vẫn còn có
cảm giác “sốc”, nên có thể hiểu và cảm thông cho những khán giả ngày xưa khi
phải đối diện với một tác phẩm mang tính cách mạng sâu sắc đến như vậy.
Khai
diễn bằng một nhạc đề ngắn do flute alto đơn tấu với nhịp điệu chập chờn gợi
tưởng đến “Prélude à l’après-midi d’un faune” của Debussy hoặc “The Rite of
Spring” của Stravinsky, nhạc đề ngắn ấy lặp đi lặp lại liên tục như để khởi
động cho bộ máy khổng lồ là dàn nhạc (mà tổng phổ đòi hỏi biên chế phình to
một cách bất thường với hơn 140 nhạc công tham gia diễn tấu). Khán giả chờ nghe
một giao hưởng được tiến hành theo cấu trúc truyền thống với các bước triển
khai hướng tới những cao trào và giải quyết cao trào quen thuộc. Nhưng không!
Varèse muốn mọi người nghe nhạc của ông như một vũ trụ tự tạo nên chính nó; một
nơi mà chức năng của mỗi âm thanh chỉ có thể được xác định bằng tham số của
chính cái “vũ trụ tự tạo” mà nó là một thành phần. Các thành tố của chất liệu
nhạc đề khai diễn ấy nhanh chóng được khuếch đại lên trong sự biến đổi không
ngừng. Như những sinh thể sống, cựa quậy, sinh sôi, cùng với sự bất hòa gay gắt
trên các nhạc cụ dây được tạo ra bởi những cụm bốn nửa cung dính liền nhau, các
phức điệu phức tạp của kèn gỗ, kèn đồng và bộ gõ chen lấn nhau đòi cất “tiếng nói”
của mình, và, chúng hoạt động như thể chẳng hề biết đến sự tồn tại của nhau. Trên
cái nền của những hỗn loạn ấy, góp mặt cùng dàn nhạc giao hưởng như một nhạc cụ
chính thức, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, tiếng còi báo động cất tiếng hú
vang...
Như chúng ta biết, hơn
mười năm trước đó, năm 1913, cùng với bản tuyên ngôn “Nghệ thuật của tiếng ồn”,
nhà soạn nhạc theo chủ nghĩa vị lai Luigi Russolo đã gây sửng sốt khi tổ chức
biểu diễn những tác phẩm âm nhạc được sáng tác trên nguyên tắc thuần túy sử
dụng âm thanh của tiếng ồn được tạo ra từ những thiết bị tạo tiếng do chính
Russolo thiết kế gọi là Intonarumori (6). Mặc dù cho rằng những người theo thuyết
vị lai là hời hợt, lặp đi lặp lại, âm nhạc ít tính sáng tạo, không thể phủ nhận
tác động và ảnh hưởng của Russolo lên quá trình hình thành những khái niệm thẩm
mỹ mới về âm thanh của Varèse để từ đó ông tìm kiếm và sử dụng chúng vào các
sáng tác của mình. Kế tiếp tiếng-còi-hụ “Amériques”, hàng loạt tác phẩm mang
đầy tính tiên phong của Varèse nối nhau ra đời: Offrandes, Hyperprism,
Octandre, Intégrales, Arcana, Ionisation, Ecuatorial… Tựa một nhà
khoa học mà tổng phổ dàn nhạc là phòng thí nghiệm để Varèse nghiên cứu thử nghiệm những hiệu quả kết hợp âm thanh mới, các sáng tác âm nhạc cũng như những khảo cứu của ông về âm thanh đánh dấu sự hình thành của trào lưu tìm kiếm cách thức xử lý mới đối với những nhạc cụ quen thuộc đang tồn tại của âm nhạc hiện đại, đồng
thời báo
hiệu sự xuất hiện của nhạc cụ điện tử mà nhiều chục năm sau nữa mới thực sự được khai sinh. Từ rất sớm Varèse đã tiên phong đề cập đến khái niệm “âm thanh
sắp đặt”, nói đến yếu tố không gian trong âm nhạc (hoàn toàn khác yếu tố không gian bên
ngoài âm nhạc) với “những âm thanh thông minh chuyển động tự do trong không
gian” - những thứ mà chính ông cũng chưa thể hiện thực hóa chúng vào tác phẩm
của mình cho đến khi công nghệ đuổi kịp được ông vào thập niên 1950.
Từ năm 1937, sau tác phẩm “Density 21.5” viết cho flute độc
tấu, Varèse tạm dừng sáng tác vì cảm thấy không còn hứng thú trong việc tìm kiếm
những âm thanh mới trong các nhạc cụ thông thường đã có. Mãi đến năm 1953, khi
công nghệ phát triển với sự xuất hiện của máy ghi âm Ampex mở ra cơ hội để thực
hiện những triết lý và khái niệm về âm thanh mà Varèse đã dự tưởng và đề xuất
từ nhiều chục năm trước, ông mới quay trở lại với sáng tác. Sử dụng nguồn tài
nguyên âm thanh mới đến từ sự hỗ trợ của công nghệ thu âm, Varèse đã
viết “Déserts” dành cho 18 nhạc cụ hơi, 47 nhạc cụ
gõ, piano và băng điện từ (magnetic tape). Buổi công diễn đầu tiên tác
phẩm phối hợp giữa dàn nhạc thật và âm thanh điện tử lừng danh này được tổ chức tại Paris năm 1954 đã tạo một cú sốc lớn cho công chúng Pháp bởi sự mới mẻ cách tân đến cực đoan của Varèse (7). Tuy vậy, phải đến “Poème électronique” yếu tố không
gian trong âm nhạc của Varèse mới thực sự được hiện thực hóa. “Poème électronique” được viết để trình diễn tại Hội chợ Thế giới 1958 ở Brussels trong Gian hàng của Phillips được thiết kế bởi Kiến
trúc sư Le Corbusier với ý tưởng tạo ra một “môi trường toàn diện” mang lại trải
nghiệm đa phương tiện phức tạp cho khán giả. Âm nhạc với 3 kênh âm thanh chạy quanh gian hàng thông qua sự sắp xếp của 425 loa phóng thanh kết hợp các hình chiếu khi khách tham quan đi qua. Đáng tiếc là gian hàng bị dỡ bỏ ngay sau khi hội chợ kết thúc nên ngày nay chúng ta không thể trải nghiệm được không gian âm nhạc mới mẻ đầy tính tiền phong này của Varèse (cũng cần nhớ rằng đây là năm 1958, giai đoạn khởi đầu của kỹ thuật ghi âm stereo).
“Vai trò của nghệ sĩ sáng
tạo là tạo ra những lề luật mới, không theo đuôi những thứ đã được làm ra”, nhà soạn
nhạc Ferruccio Busoni - người bạn vong niên mà chàng Varèse thời trẻ từng tìm
thấy sự đồng cảm trong sáng tạo và tư tưởng thẩm mỹ - đã viết như vậy trong tập
“Sketch of a New Aesthetic of Music”, khảo luận về bản chất, tinh thần và vai trò của âm nhạc. Có thể xem cuộc đời và toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của Edgard
Varèse là một minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói này. Dù đã có một thời gian dài Varèse bị lãng quên, bị đánh giá không tương xứng với những gì mà ông đã khai phá và đóng góp cho kho tàng âm nhạc chung của nhân loại, hàng ngũ những nhà soạn nhạc lớn nhất của hôm qua và ngày nay từng tuyên bố hoặc có thể được chứng minh là chịu ảnh hưởng của ông vẫn còn cứ tiếp tục kéo dài ra mãi: Milton Babbitt, Harrison Birtwistle, Pierre Boulez, John Cage, Morton Feldman, Brian Ferneyhough, Olivier Messiaen, Luigi Nono, Krzysztof Penderecki, Silvestre Revueltas, Wolfgang Rihm, Alfred Schnittke, Karlheinz Stockhausen, Iannis Xenakis, Frank Zappa... Và cứ thế, tác phẩm và tư tưởng đầy tính tiên tri của Edgard Varèse có lẽ sẽ còn đồng hành mãi mãi cùng những con người và những nền âm nhạc luôn biết phóng cái nhìn về phía trước và không bao giờ khép cửa trước cái mới.
Trần Thanh Sơn (2.2023)
(1) Bernard, Jonathan W. The
Music of Edgard Varèse. New York: Yale University Press, 1987
(2) Gillian Moore. Edgard Varèse: In wait for the future. The Guardian, 4/2010
(3) Tên nhân vật chính và cũng là tên vở opera của Richard Warner nội dung đề cập đến truyền thuyết về các hiệp sĩ bảo vệ Chén Thánh
(4) Một số thông tin cho rằng
Varèse vẫn còn giữ được bản giao hưởng thơ Bourgogne nhưng rồi phá
hủy trong một cơn trầm cảm nhiều năm sau đó. Tác phẩm duy nhất còn sót
lại của thời kỳ này là bài hát “Un grand sommeil noir” phổ thơ Paul Verlaine
(5) Một
nhà phê bình nhận xét khá mỉa mai sau buổi công diễn: “Đây thực sự là một bản
nhạc mạnh mẽ có thể khiến khán giả chiều thứ Sáu đắm chìm trong tiếng rú rít và
tiếng mèo kêu”. Thậm chí, trong buổi ra mắt công chúng New York tại Carnegy
Hall sau đó, một nghệ sĩ dương cầm còn viết trên tờ New York Post: “Ngài
Stokowski, người có thành tích xuất sắc trong việc giới thiệu các tác phẩm mới
quan trọng, khó có thể làm điều gì gây bất lợi cho sự nghiệp âm nhạc hiện đại
hơn là dàn dựng một sáng tác như Amériques” (Amériques, James M. Keller)
(6) Cùng
với trợ lý của mình là Ugo Piatti, Russolo đã chế tạo Intonarumori (máy tạo
tiếng ồn) để áp dụng lý thuyết của mình vào thực tế. Các nhạc cụ này được đặt
trong những chiếc hộp sơn màu sáng và người biểu diễn quay tay quay hoặc nhấn
nút điện ở phía sau để vận hành nó; cao độ được điều khiển bằng một đòn bẩy
trên đỉnh. Các sáng tác của Russolo cho những buổi hòa nhạc này, không có tác
phẩm nào còn tồn tại
(7) Buổi diễn còn được
phát trực tiếp xen kẽ giữa các bản nhạc của Mozart và Tchaikovsky trên sóng của
đài phát thanh và truyền hình Pháp ORTF trước những khán giả đa số là bảo thủ
và hoàn toàn không được chuẩn bị trước, “Déserts” đã nhận được phản ứng rất gay gắt từ
cả khán giả lẫn báo chí Pháp (Un mythe fondateur de la musique contemporaine:
le “scandale” provoqué en 1954 par la création de Déserts d'Edgar Varèse”, Julien
Mathieu)
Note: Nhạc Varèse độc đáo nhưng khá khó nghe, bạn đọc quan tâm có thể tự tìm tác phẩm của ông trên youtube nếu muốn nghe thử. Tôi xin phép chỉ đưa lên ở đây “Un grand sommeil noir” - bài hát duy nhất còn sót lại của Varèse “thời kỳ Châu Âu”, trước khi ông chuyển âm nhạc của mình theo hướng tìm kiếm một “quả bom có thể làm thế giới âm nhạc nổ tung”. Sự quyến rũ của bài thơ “Un grand sommeil noir” của Paul Verlaine đối với giới nhạc sĩ có lẽ cũng là một ca độc nhất vô nhị. Theo thống kê mà tôi tìm thấy, bài thơ này đã được không dưới 80 nhạc sĩ trên khắp thế giới phổ nhạc bằng nguyên bản tiếng Pháp cũng như qua bản dịch của nhiều thứ tiếng khác nhau, trong số những nhạc sĩ từng phổ bài thơ có cả những tên tuổi lẫy lừng như: Nadia Boulanger, Igor Stravinsky, Joseph Canteloube, Maurice Ravel,
Arthur Honegger, André Jolivet, Arthur Lourié, Marta Ptaszynska, Louis Vierne, Serge
Bortkiewicz… Tôi cũng xin đưa kèm một version khác của bài hát được nhóm “Aquaserge” cover lại theo phong cách hiện đại, nghe rất tuyệt! (TTS)
Egard Varèse - Un grand sommeil noir
Ảnh trên: From “Edgard Varese” (Neale Osborne)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét