Ngày 18 tháng 2 năm 1994,
18 ngày trước khi mất vì bệnh bạch cầu ở tuổi 73, Charles Bukowski cho lắp đặt
một máy fax tại nhà riêng và lập tức gửi bài-thơ-fax đầu tiên của ông đến nhà
xuất bản bằng phương tiện công nghệ mới toanh này. Than ôi, đây cũng là bài thơ cuối cùng của
nhà thơ giang hồ sống bạt mạng như một kẻ ngoài lề xã hội - kẻ mà tạp chí Time
năm 1986 từng xem là người chỉ được “vinh danh bởi tầng lớp hạ lưu Mỹ”(1), một
nhà thơ tồn tại “nhờ những trò hề và những màn trình diễn hề có chủ ý của
mình”(2). Bài thơ cuối cùng của Bulowsky được cho là chưa bao giờ xuất bản
hoặc giới thiệu trong bất cứ một tập sách nào về ông (3). Sau khi mất, Charles Bukowski được chôn
tại một nghĩa trang nhỏ ở Los Angeles, mộ bia là tấm đá đen đơn sơ chỉ khắc tên
họ, năm sinh và năm mất; tuy nhiên, thay cho dấu gạch nối thường có giữa hai
con số chỉ năm là hình tượng một võ sĩ quyền anh đang dương tay đấm như muốn nhấn mạnh cả cuộc đời ông
là một trận boxing dài thăm thẳm. Đặc biệt, phía trên hình tượng võ sĩ quyền
anh ấy là dòng văn bia cực kỳ ngắn gọn: “Đừng thử”! (TTS - 3.2023)
#1
ôi, tha thứ cho tôi Chuông nguyện hồn ai, (4)
ôi, tha thứ cho tôi Người đi trên mặt nước,
ôi, tha thứ cho tôi bà già nhỏ bé sống trong chiếc giày,
ôi, tha thứ cho tôi ngọn núi gầm thét lúc nửa đêm,
ôi, tha thứ cho tôi những âm câm của đêm và ngày và cái chết,
ôi, tha thứ cho tôi giờ tàn của con báo tuyệt mỹ cuối cùng,
ôi, tha thứ cho tôi tất cả những con tàu chìm và những đội quân bại trận,
đây là BÀI THƠ FAX đầu tiên của tôi.
Đã quá muộn:
Tôi đã bị
đánh gục.
Charles Bukowski
(TTS dịch nghĩa)
(1) http://www.time.com/time/magazine/article/0%2C9171%2C961603-2%2C00
(2) Charles Bukowski, King of the Underground, Palgrave
Macmillan 2013
(3)
https://www.poetryfoundation.org/harriet-books/2012/01/the-final-fax-of-chuck-bukowski
(4) Gợi tưởng nhan đề cuốn tiểu thuyết nổi
tiếng “Chuông nguyện hồn ai” (For Whom The Bell Tolls) của Ernest Hemingway
với câu đề từ được trích từ tác phẩm Meditation XIV của nhà thơ siêu hình John
Donne (1572-1631), đại ý: “Không người nào là một hòn đảo, không tự bản
thân ai là một thể hoàn chỉnh; mỗi người đều là một mảnh của đại lục, một phần
của đất liền, và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ, thì châu Âu sẽ bé
đi, cũng như nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà bạn anh hoặc nhà anh;
cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi vì tôi là một thể
thống nhất với toàn nhân loại; do đó đừng bao giờ hỏi chuông cầu hồn nguyện cho ai: là chuông nguyện hồn anh đấy!”
Note:
Cũng vào ngày 16 tháng Ba, cách đây 6 năm, tôi đã giới thiệu một bài thơ của
Bukowski trên trang blog này. Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm ở đây.
Ảnh trên: From “Portrait of Charles Bukowski” (Ryan Hopkins)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét