Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Hãy ngủ đi!


Tôi e rằng phải có đến 99,9% các tác giả (là nhà văn, nhà thơ, đạo diễn hoặc nhạc sĩ) sẽ lập tức nổi giận cho là bị xúc phạm, bị sỉ nhục, hay ít nhất cũng cảm thấy bị tổn thương sâu sắc nếu như có ai đó bảo sáng tác của họ đã khiến cho người đọc, người xem, người nghe phải ngủ gục! Đối với đa số, đặc biệt là với giới phê bình, khái niệm “gây buồn ngủ” gần như gắn liền với hàm ý chê bai, diễn tả sự thất bại của một tác phẩm văn học nghệ thuật trước công chúng của nó. Có mẩu chuyện tiếu lâm mà thi thoảng nhớ lại người viết bài này không thể không tủm tỉm cười. Chuyện rằng trong buổi họp bàn về vở kịch sắp sửa ra mắt, một đạo diễn đã đề xuất với tác giả kịch bản là ông muốn ở hồi cuối nữ nhân vật chính bị bắn chứ không chết vì thuốc độc. “Thế thì bạo lực quá!”, kịch tác gia phản đối, nhà đạo diễn liền hóm hỉnh phán: “Chẳng lẽ anh muốn khán giả của anh ngủ luôn đến sáng hay sao?”. Xem ra, là cha đẻ của một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim, một vở kịch hoặc một bản nhạc bất kỳ nào đó, chẳng ai muốn đứa con tinh thần của mình bị chê là tác nhân “gây ngủ” bao giờ! 

Ra mắt năm 2015, concept album “Sleep” dài hơn 8 giờ đồng hồ của nhà soạn nhạc đương đại Max Richter cùng vợ là nghệ sĩ thị giác Yulia Mahr thì lại có mong cầu ngược lại. Là nhạc phẩm được sáng tác với mục đích khuyến dụ người nghe chìm vào trạng thái ngủ, “Sleep” bao gồm 31 trường đoạn là biến thể của 5 chủ đề âm nhạc hầu hết có độ dài từ 20 - 30 phút, được biểu diễn liên tục. Để hoàn thành tác phẩm này, ngoài việc tìm hiểu về các chức năng của não, khái niệm về chu kỳ giấc ngủ con người, Richter cho biết ông còn gặp gỡ trao đổi rất nhiều lần với nhà thần kinh học David Eagleman để đảm bảo cấu trúc tác phẩm, sắp xếp âm thanh cùng tiến trình phát triển âm nhạc được xây dựng đồng bộ với các tần số mà não bộ con người hoạt động khi chúng ta chìm vào giấc ngủ. Khoảng thời lượng hơn 8 giờ đồng hồ của album được xem như tương ứng hoàn toàn với giấc ngủ trọn vẹn qua đêm của một người bình thường. 
 
Ngày 26.9.2015, từ nửa đêm đến 8 giờ sáng hôm sau tại Phòng Đọc của Wellcome Collection ở London, Max Richter cùng giọng nữ cao Grace Davidson và 5 nghệ sĩ đàn dây đã trình diễn toàn bộ nhạc phẩm “Sleep” cho các khán giả được khuyến khích nằm nghe trên giường và sẽ đi vào giấc ngủ cùng âm nhạc của đêm diễn. Buổi trình diễn đã được BBC Radio 3 phát trực tiếp trong chuyên mục “Khoa học và âm nhạc” cuối tuần; chương trình phát sóng kéo dài 8 giờ này đã phá vỡ nhiều kỷ lục thế giới, bao gồm: thời lượng phát sóng một bản nhạc dài nhất và, thời lượng phát sóng trực tiếp một bản nhạc lâu nhất. Nối tiếp thành công ở London, “Sleep” tiếp tục được Richter thực hiện tại Lễ hội âm nhạc Maerz - Berlin, Nhà hát Opera Sydney, Lễ hội mùa hè Veranos de la Villa - Madrid, Nhà hát Concertgebouw Amsterdam, Nhà hát Philharmonie de Paris… Buổi biểu diễn ngoài trời đầu tiên và là buổi diễn lớn nhất của “Sleep” được tổ chức ở Công viên Grand, Los Angeles vào tháng 7.2018. Ban tổ chức đã sắp đặt 560 giường cho người đăng ký tham dự và chương trình cũng được tính toán để những nốt nhạc trong trường đoạn kết thúc của tác phẩm diễn ra vào đúng bình minh ngày hôm sau.

Dù đã nghe trước phiên bản CD “From Sleep” dài khoảng 1 giờ (du dương, đẹp đẽ, quyến rũ, tinh tế - như hầu hết các bản nhạc của Richter) được phát hành kèm theo bản đầy đủ, tôi vẫn thực sự bối rối không biết phải làm gì với “Sleep” khi sở hữu trong tay tệp âm thanh khổng lồ (lên đến 8,48 Gb) có thời lượng chính xác là 8 giờ 24 phút này. Theo như hướng dẫn mà nhà soạn nhạc đề ra và phỏng định, người nghe chỉ việc mở phiên bản kỹ thuật số này lên, chui vào giường nằm mơ màng cùng những hợp âm piano tĩnh lặng nhuốm vẻ u sầu của phần mở đầu “Dream 1 (before the wind blows it all away)” và sẽ thiếp đi ở đâu đó trong phần “Cumulonimbus” (Mây vũ tích). Giả dụ có khó ngủ hơn tí nữa, họ cũng sẽ phải chìm vào giấc nồng khi giọng vocal cao vút như tiếng hát Sirène buồn bã đầy mê hoặc của Grace Davidson cất lên ở phần “Path 3” và sẽ chỉ trở lại với thực tại khi choàng thức sau một đêm ngủ say trong âm hưởng nhẹ nhàng của đàn dây hòa cùng giọng hát mong manh như đang tan dần trong sương mai của phần nhạc cuối cùng “Dream 0 (till break of day)”. Đó chính là những gì Max Richter thực sự mong muốn? 

Thời đại của chúng ta ngày nay có vẻ là thời đại của những kẻ thiếu ngủ, khó ngủ và mất ngủ. Nhịp sống đô thị, áp lực căng thẳng của xã hội hoạt động 24/7, cuộc cách mạng kỹ thuật số cùng sự phổ biến của máy tính bảng, điện thoại thông minh với ánh sáng LED, màn hình điện tử, các thói quen không lành mạnh liên quan đến lối sống, thực phẩm, đồ uống, chất kích thích… là muôn vàn những nguyên nhân tạo ra thế giới ác mộng của những người mất ngủ. Một khảo sát cho thấy có từ 10 - 30% người dân ở các nước phát triển bị mất ngủ kinh niên, trong khi chỉ có 1,5% người Hadza (Tanzania) và 2,5% người Saan (Namibia) cho biết có gặp vấn đề về giấc ngủ; ngoài ra, từ “mất ngủ” hoàn toàn không có trong ngôn ngữ của 2 tộc người vừa kể (1). Trong bộ phim tài liệu về sức khỏe cộng đồng từng được phát trên kênh National Geographic cách đây chưa lâu, các nhà làm phim cho biết trung bình một người ngày nay ngủ ít hơn hàng nghìn giờ so với trước đây, kèm theo đó là hàng loạt các triệu chứng nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Cũng theo bộ phim này, ngành y tế thế giới hàng năm đã phải chi hàng tỷ đô la tiền thuốc men, nghiên cứu, theo dõi, hỗ trợ và điều trị cho những bệnh nhân có liên quan đến các rối loạn về giấc ngủ, khó ngủ, thiếu ngủ và mất ngủ. Một nghiên cứu khác mới được công bố trên “Journal of Clinical Sleep Medicine” cho thấy: 40% trong số hơn 2.500 người tham gia khảo sát báo cáo rằng chất lượng giấc ngủ của họ đã bị giảm rất nhiều kể từ khi đại dịch Covid bùng phát. Đáng chú ý, “Du lịch ngủ” gần đây trở thành một xu hướng phổ biến, nhiều khách sạn nổi tiếng trên thế giới sau đại dịch chỉ tập trung vào đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng thiếu ngủ và mất ngủ: Zedwell Piccadilly Circus, khách sạn phục vụ giấc ngủ đầu tiên của London có các phòng được đầu tư trang bị cách âm tiên tiến; Park Hyatt New York đã khai trương một dãy phòng suite rộng hơn 80 mét vuông chứa đầy các tiện nghi giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ; thương hiệu khách sạn sang trọng Six Senses cung cấp nhiều chương trình ngủ ngon từ 3 đến 7 ngày...(2) Với những dữ kiện nêu trên, nhạc phẩm mang đầy tính tiên phong của Richter có vẻ là một sản phẩm sẽ góp phần đáp ứng tốt cho nhu cầu mới mẻ này của xã hội.

Đối với riêng tôi, thật may mắn, chưa bị bệnh mất ngủ; vả lại khi nghe nhạc hầu như tôi chẳng bao giờ ngủ được. Ý tưởng cho rằng âm nhạc vẫn có thể thẩm thấu vào ý thức của chúng ta ngay cả khi ta đã chìm vào giấc ngủ là một ý tưởng cực kỳ thú vị, nhưng vì các lý do vừa nêu, tôi không nghe “Sleep” khi đang ngủ được. Để cảm nhận được rõ ràng cấu trúc tổng thể của một tác phẩm có độ dài kinh khủng như “Sleep” là một điều bất khả, bởi chẳng ai có thể nghe liền một lúc hơn 8 giờ đồng hồ âm nhạc, cho dù đó là thứ âm nhạc cực kỳ quyến rũ, và Richter - đã tốn rất nhiều công sức để tạo nó ra như là một tác phẩm liền mạch được diễn tấu không ngừng nghỉ. Thế nên, trừ lần tiếp cận đầu tiên với “Sleep” khoảng hơn tiếng rưỡi đồng hồ, những lần kế tiếp tôi thường chọn mở ngẫu nhiên một đoạn bất kỳ nào đó để nghe, khi thì vài chục phút, khi thì một giờ, thả mình vào cái mê cung gần như vô tận của khúc hát ru đẹp đến rợn người mà Richter đã tạo ra cho chúng ta - “loài động vật không thể nào ngủ được” này (3). Bằng những trường đoạn có các tên gọi đầy mộng mị: “who's name is written on water”, “nor earth, nor boundless sea”, “moth-like stars”, hoặc “never fade into nothingness”, Richter đã dựng nên một giấc ngủ giả lập với những giấc mơ giả lập, treo chúng ta lơ lửng trên biên giới giữa mơ màng và tỉnh thức, giữa ý thức và vô ý thức, giữa tràn đầy và rỗng không, trong khi âm nhạc là làn sương mờ mịt của màn đêm vây bọc lấy ta như một chiếc kén, nhúng chúng ta vào những bến bờ xa lạ nhưng yên bình nhất của sự quên lãng...

Cái thế giới điên cuồng của chúng ta, cái thế giới mà tham vọng, bạo quyền, cái ác, cái xấu xa thường trực vây bủa không phút giây nào ngủ nghỉ, có bao nhiêu phần nhân loại hằng đêm phải giương cặp mắt trắng dã âu lo nhìn trên trần nhà cho đến sáng, bao nhiêu kẻ cứ phải trằn trọc và ú ớ thức cùng những cơn mộng dữ? Người Hy Lạp xưa tin là âm nhạc có thể giúp thanh lọc tâm hồn, tinh chỉnh cách cư xử, dập tắt những ham muốn trái pháp luật của xác thịt, đóng một phần quan trọng trong giáo dục con ngườiNgười ta kể rằng Pythagore thường ôm đàn lia hát cho các môn đệ của mình nghe để tạo cảm giác an bình cho giấc ngủ, loại bỏ được ác mộng và có được sự minh mẫn khi thức giấc. Có dễ dàng và đơn giản như vậy không nếu như chỉ cần mở nhạc lên rồi bảo: Hãy ngủ đi!? Hãy ngủ đi hỡi những bạo chúa vật vã hằng đêm với những cơn ác mộng đầy máu người vô tội! Hãy ngủ đi hỡi những tên độc tài không bao giờ có thể yên giấc vì những mộng mị ngập tràn những tiếng thét đòi tự do! Hãy ngủ đi những linh hồn tối đen cái ác mắt chòng chọc thâu đêm như tội nhân nghe ngóng tiếng gõ cửa báo hiệu giờ đền tội! Theo thống kê của website MusicWeek, chỉ tính đến tháng 7.2020, “Sleep” của Max Richter đã có gần 500 triệu lượt nghe phát trực tuyến (stream) (4). Tôi muốn biết quá chừng quá đỗi rằng trong con số khổng lồ đó, có bao nhiêu lượt nghe là của đám ác nhân dùng để dỗ dành giấc ngủ khó nhọc của mình? 
Trần Thanh Sơn (3.2023)


(1) Linda Geddes. “How modern life gets in the way of sleep”. The Guardian, 3.2019
(2) Tamara Hardingham-Gill. “The rise of sleep tourism”, CNN Business, 10.2022
(3) E. Cioran. “Tầm quan trọng của chứng mất ngủ to lớn đến mức tôi muốn định nghĩa con người là loài động vật không thể ngủ được… Không có con vật nào khác trong toàn bộ tạo vật muốn ngủ nhưng lại không thể” 
(4) Andre Paine. “The Aftershow: Max Richter”. Music Week, 7.2020

Note: Note: Trung tuần tháng 3.2023 vừa qua, nhân Ngày Ngủ thế giới - World Sleep Day (thường được tổ chức vào thứ Sáu trước ngày xuân phân ở Bắc bán cầu), Max Richter thông qua Deutsche Grammophon đã phát hành EP mới “Sleep: Tranquility Base” dài 30 phút, tiếp nối tác phẩm “Sleep” nổi tiếng của ông. “Tranquility Base” là tên gọi địa điểm phi thuyền Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt trăng vào tháng 7.1969, là nơi con người dấn những bước đi đầu tiên của mình trên một thiên thể không phải là Trái đất. Youtube chỉ mới có clip giới thiệu “Sleep: Tranquility Base” (dài khoảng 5 phút), tuy nhiên, bạn nào có nhu cầu muốn nghe toàn bộ EP này có thể liên hệ với tôi. (TTS)


 Max Richter - Sleep: Dream 3 (in the midst of my life)

Ảnh trên: From “Sleeping Whales (Patrick Dykstra)

Không có nhận xét nào: