Note 1: Các website và bài viết có trích dẫn câu nói trên thường ghi chú chung chung là “của nhà văn Kafka” hoặc “từ Nhật ký Franz Kafka”,
cá biệt có nơi còn ghi rõ “Nhật ký Franz Kafka, ngày 23.3.1914”. Tôi có thói
quen truy xuất tận gốc các trích dẫn mà mình thấy thú vị để có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu trích ấy trong mối liên hệ với ngữ cảnh chung của toàn đoạn văn bản chứa đựng nó; nhưng thật đáng ngạc nhiên: không thể tìm thấy câu phát biểu này trong bất cứ một trang nhật ký nào của Kafka. Do bản Việt ngữ mà tôi có chỉ tuyển dịch một số đoạn của Nhật ký, tôi đã nhờ google tìm thử trong các bản Anh ngữ (của Joseph Kresh, của Martin Greenberg - có thể xem miễn phí trên trang Internet Archive) (1), và cuối cùng thông qua công cụ translate của google hì hục “soi” toàn bộ “Nhật ký Kafka 1910-1923” trong nguyên bản tiếng Đức tại website dự án chia sẻ sách Gutenberg.org khổng lồ (2); thế nhưng, chẳng tìm thấy một thứ gì liên quan đến cái “sinh vật
trong suốt, óng ánh nghịch lý” nêu trên cả! Riêng nhật ký ghi ngày 23.3 (như một trang viết đã dẫn nguồn) thì là nhật ký của năm 1915, và chỉ có mấy câu như sau: “Không thể viết nổi một dòng. Cái cảm giác hạnh phúc tôi đã có khi ở công viên Chotek hôm qua và Karlsplatz hôm nay với tác phẩm
“By the Open Sea” của Strindberg. Cái cảm giác hạnh phúc ở phòng tôi ngày hôm nay. Rỗng như một vỏ sò trên bãi biển sẵn sàng bị dẫm nát bởi một bàn chân
qua”. Có lẽ xuất xứ của câu nói trên phải nhờ một cao nhân nào đó chỉ giáo giúp cho rồi!
Note 2: Khi được xem là của Kafka, phát biểu trên bỗng
khoác lên mình nó dáng vẻ của một câu phù chú, một ẩn ngôn trong hàng loạt những
ẩn ngôn gợi hình ảnh đám Sphinx án ngữ trước những cánh cửa bí ẩn vô hình mà
nhà văn bí ẩn người Tiệp đã để lại (trong ý nguyện và cả ngoài ý nguyện) cho
người đọc hậu thế (4). Với tư cách là người tiên phong đi vào thế giới ác mộng của
niềm khắc khoải hiện sinh, có vẻ “sinh vật trong suốt, óng ánh nghịch lý” đó sẽ
còn tiếp tục lơ lửng trong tâm trí nhân loại nhiều thế kỷ tiếp theo, suốt theo hành
trình chẳng bao giờ tới đích của cuộc truy tìm lý do tồn tại của cái gọi là “con
người”.
Note 3: Chỉ viết văn xuôi nhưng tác phẩm và cuộc đời bí ẩn của Franz Kafka là chủ đề và là nguồn cảm hứng
cho rất nhiều sáng tác của các nhà soạn nhạc hiện đại nổi tiếng thế kỷ XX. Hàng
trăm tác phẩm opera, ba lê, nhạc cảnh, hợp xướng, hòa tấu khúc viết
cho dàn nhạc giao hưởng và nhạc cụ hỗn hợp, ca khúc thính phòng, nhạc thể nghiệm… đã được viết dựa trên các tiểu thuyết,
truyện ngắn, các ghi chép và cả những dòng nhật ký đầy tính riêng tư của ông; có thể kể hàng loạt
các tên tuổi lớn có các sáng tác trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến Franz Kafka: Gyorgy Kurtag, Beat Furrer, Gunther Schuller, Ernst
Krenek, Alexander Goehr, Philip Glass, Salvatore Sciarrino, Lukas Foss, Alberto
Ginastera, Hans Werner Henze, Bruno Maderna, Peter Eotvos, Boris Blacher v.v…
và v.v… Mời các bạn nghe thử một tác phẩm khá “dễ nghe” của nhà soạn nhạc tối gián Philip Glass lấy cảm
hứng từ tiểu thuyết “The Metamorphosis” (1915) của Franz Kafka. (TTS - 4.2023)
Philip Glass - Metamorphosis (1988)
(1) Joseph Kresh. The Diaries Of Franz Kafka 1910-1913, https://archive.org
(2) Martin Greenberg. The Diaries Of Franz Kafka 1914-1923, https://archive.org
(3) https://www.projekt-gutenberg.org/kafka/tagebuch/chap002.html
(4) Kafka để lại tác phẩm của ông, cả xuất bản lẫn
chưa xuất bản, cho bạn của ông là Max Brod với những chỉ dẫn rõ ràng rằng chúng
phải bị tiêu hủy sau khi ông mất. Brod đã phớt lờ yêu cầu này và cho xuất bản
các tiểu thuyết và tuyển tập từ năm 1925 tới 1935. Brod bào chữa cho hành động
của mình bằng cách tuyên bố rằng ông đã nói với Kafka “Tôi sẽ không thực hiện
mong muốn của bạn!”
Ảnh trên: From “Angelo ribelle” (Osvaldo Licini)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét