Đấy là một bản nhạc tuyệt đẹp. Và có lẽ, phải dùng thêm từ “sững sốt” để diễn tả cảm giác của tôi
khi nghe “Let me tell you” của Hans Abrahamsen. Đan Mạch - xứ sở của những câu chuyện cổ tích Andersen nhuốm vẻ u buồn, xứ sở của nỗi hoài nghi tráng lệ Kierkegaard
và cũng là xứ sở của nền âm nhạc cổ điển giàu truyền thống với những tên
tuổi lẫy lừng như Buxtehude, Kuhlau, Hartmann, Nielsen, Langgaard, Holmboe. Chiếm giữ một
vị trí đáng nể trên bản đồ âm nhạc và góp mặt ngày càng thường
xuyên hơn vào nhạc mục biểu diễn của các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới, âm nhạc Đan Mạch từ thập niên 1990 đến nay được xem là bước
vào “thời kỳ hoàng kim mới” với sự xuất hiện của hàng loạt những nhà
soạn nhạc tài năng tạo được tiếng vang lớn trong giới phê
bình và rộng rãi công chúng yêu nhạc. Hans Abrahamsen là một trong những nhà soạn
nhạc tài năng nổi bật ấy.
“Để tôi kể bạn nghe” là chuỗi 7 bài hát soạn cho giọng nữ cao và dàn nhạc với lời ca lấy từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của Paul Griffiths. Đây cũng là một cuốn tiểu thuyết khá đặc biệt, lạ lùng và bàng bạc chất
thơ. Sáng tác theo phương thức Oulipo - chỉ dùng tới lui trong giới hạn đúng 481 từ thoại mà Shakespeare đã để cho nhân vật Ophelia trong vở kịch Hamlet trứ danh của mình sử dụng (1) - tiểu thuyết là một tự truyện hư cấu về Ophelia khi kể lại chuyện đời bi thảm của mình từ góc nhìn của chính mình. Mặc dù được trích từ văn bản tiểu thuyết nhưng ca từ của nhạc phẩm chắt lọc và mang tính khái quát cao. Những đoạn Abrahamsen chọn phổ nhạc không sa vào các tình tiết rối rắm liên quan đến Ophelia trong vai trò là nhân vật chính của câu chuyện, mà chỉ bao gồm những suy ngẫm của nàng về thời gian, về ký ức, tình yêu và âm nhạc... Qua lăng kính của Griffiths, rồi Abrahamsen, Ophelia không còn là một Ophelia yếu đuối của Shakespeare như chúng ta từng biết: chẳng có cơ hội nào nói lên những điều sâu thẳm trái tim mình muốn nói, cam chịu và bị động để mặc đời mình cho số phận đè nát - Ophelia của “Let me tell you” là cô thiếu nữ cất tiếng hát đòi dành lại những gì nàng cho rằng mình xứng đáng được nhận.
“Hơn nghìn năm buồn bã Ophelia
Đã trôi qua, cái bóng ma trắng xóa, xuôi dòng sông đen dài...” (Rimbaud)
Tôi nhớ không rõ lắm (là
năm tôi học Đệ thất hay thời điểm nào khác nữa?), nhưng có lẽ lần gặp gỡ đầu
tiên của tôi với nhân vật Ophelia là từ bộ phim đen trắng được xem trong buổi
chiếu ngoài trời trên sân bóng rổ trường trung học. Đấy cũng là lần đầu tiên
trong đời tôi được biết tới Shakespeare. Ký ức mù mịt về cuốn phim với những
hình ảnh chớp lóe ít ỏi còn sót lại trong trí nhớ, thật kỳ lạ, không phải hình ảnh chàng hoàng tử Đan Mạch đầy oán nộ mà lại là dáng vẻ tuyệt vọng của nhân vật phụ Ophelia lúc tự trầm cùng những tràng hoa chìm
trôi theo dòng nước. Nhiều chục năm sau này, trong một lần tình cờ được xem ảnh chụp bức tranh Ophelia của Millais in trên một cuốn họa báo (2), cái cảm giác nặng nề nơi trái
tim như một đêm nào đó thời niên thiếu trước cái chết phi lý và bất công của
người thiếu nữ trong phim đã bất ngờ quay trở lại. Hóa ra vẫn còn nguyên đó nỗi bứt rứt, niềm băn khoăn trắc ẩn cho một số phận mà tôi tưởng mình đã lãng quên, đã để chìm trôi nơi thăm thẳm thời gian cùng làn nước tối đen đã dìm người con gái ấy xuống đáy sâu vĩnh viễn. Tương tự như thế, bản nhạc Abrahamsen bất chợt nghe này một lần nữa lại gợi lại trong tôi chiếc bóng u uẩn Ophelia, những dấu hỏi và lời hồi đáp mà cô thiếu nữ ngày xưa tôi nhìn thấy chưa bao giờ có dịp được giải bày.
“Hãy để tôi kể bạn nghe điều đó đã diễn ra thế nào
Tôi biết mình có thể làm được việc này...”
Mở đầu bằng tiếng sáo
piccolo thổi cặp đôi cao vút trên nền bè đệm mơ hồ của celesta và đàn dây, giữa
làn khí lạnh buốt xa xăm đó, Ophelia như bước ra từ quá khứ và cất tiếng hát.
Đó là một ngoái nhìn, một hồi cố về một quãng đời như thể không phải của mình.
Giọng hát ấy mò mẫm lần đi trong bóng tối của ký ức, trong mê cung giữa “những
điều chúng ta biết và những điều chúng ta không biết, những điều là sự thật và
những điều do chúng ta bịa tạc ra, một số đã tồn tại từ lâu và một số chỉ mới vừa...” (3) Lời hát, như thể trong từng âm tiết đều nén
chặt những nỗi niềm, những tâm sự và giằng xé, nên chăng âm nhạc - vì phải mang
vác gánh nặng đó - mỗi vang âm, mỗi dịch chuyển đều chất chứa khả năng bùng nổ bất cứ lúc nào. Abrahamsen nhiều lần sử dụng kỹ thuật “stile concitato” ở bè hát với những nốt nhấn lặp đi lặp lại diễn tả những xáo
động nội tâm của Ophelia, tạo hiệu ứng rất đặc biệt cho tiết điệu cũng như
mỹ cảm chung của bản nhạc. Từ vực sâu thăm thẳm thực hiện những bước nhảy đột
ngột vút lên tận những đỉnh cao chót vót của âm cử, giọng hát siêu tuyệt
Barbara Hannigan (4) - người được Abrahamsen đề tặng tác phẩm và cũng là nghệ sĩ
biểu diễn tác phẩm này đầu tiên - đã chuyển những diễn biến tình cảm vô hình không
thể diễn tả thành lời của Ophelia trở nên hữu hình: sau từng khúc hát, chiếc
bóng xám mờ Ophelia như thể cũng dần hồi tìm lại được sự sống, tìm lại được gương mặt, sắc màu, giọng nói, để
có thể tự tin bước vào vùng ánh sáng...
Phần 2 là Ophelia của thì
hiện tại. Những băn khoăn nghi ngại, ngờ vực tự hỏi và tự truy
vấn mình đã dần tan biến, Ophelia điềm tĩnh bước về phía trước. Bè
trầm của dàn nhạc lần đầu tiên trong cả chuỗi bài hát xuất hiện một cách vững
chãi với cặp kèn gỗ bassoon và contrabassoon được hỗ trợ bởi cello, contrabass kết hợp đàn harp diễn tấu các âm hình hòa âm ở âm vực dưới. Có thể thấy cũng từ phần
này, thứ ngôn ngữ đầy vẻ mơ hồ, khó nắm bắt mà Ophelia sử dụng ở phần trước đã chuyển sang những nội dung rõ ràng và cụ thể hơn. Bài hát số 4 là sự thổ lộ
tình yêu say đắm Ophelia dành cho Hamlet: “Your face is my music lesson and I sing”;
đây cũng là bước chuẩn bị cho cao trào của toàn bộ tác phẩm nằm ở bài hát số 5
- rực rỡ, ngất ngây và chói lóa. Tổng phổ “Let me tell you” soạn cho dàn nhạc lớn với rất nhiều nhạc cụ bổ sung (chưa kể một số khá lớn nhạc
cụ gõ được chỉ định đặc biệt), tuy vậy đa phần Abrahamsen chỉ sử dụng các nhóm nhỏ nhạc cụ
khác nhau phối hợp đệm cho giọng hát mà ít khi dùng đến toàn dàn nhạc. Bao quanh tiếng hát là những lớp âm thanh lấp lánh, nhẹ nhàng, các nhạc cụ được bố trí một cách tinh tế giúp cho giọng hát luôn nổi bật, rõ ràng và thuần khiết. Đáng chú ý, dàn nhạc của Abrahamsen không đơn thuần chỉ giữ vai trò đệm mà là một chủ thể chủ động dựng nên bối cảnh, hướng đạo và hỗ trợ giọng hát song hành cùng với mình trong cái thế giới đẹp đến sững sờ mà nó đã tạo ra.
“Đêm hay ngày, với em chẳng có gì khác biệt
Điều khác biệt chăng là giá như có anh kề bên
Vì anh là mặt trời của em...”...
Bài hát số 5 mở ra bằng
những nét lướt nhanh của giọng hát như những vệt gió xoáy hút lên cao.
Những vệt gió ấy mau chóng biến thành một cơn lốc xoáy lớn khi theo sau kèn gỗ và đàn dây, bộ gõ và bộ đồng bắt đầu cất tiếng. Bảng màu âm chỉ sử
dụng các nhạc cụ có âm vực cực cao, buốt giá, đối trọng với những nhạc cụ có âm
sắc trầm, nặng mà Abrahamsen thường sử dụng trong các phần nhạc
trước đã thay đổi, tổng phổ được lấp đầy bằng âm vang của toàn dàn nhạc mạnh mẽ hòa cùng tiếng hát đắm say, mãnh liệt mà giờ đây dường như không còn là nỗi lòng riêng của nàng Ophelia dành cho chàng Hamlet nào nữa cả, đấy là khát vọng tình yêu nói chung của mọi phụ nữ trên đời, và Barbara Hannigan chỉ là người đại diện cất
lên tiếng hát. Với những chuyển động không ngừng nghỉ và nguồn năng lượng gần như vô tận chứa trong giọng hát, trong giai điệu và nhịp điệu của dàn nhạc, câu hát “Anh rọi nắng vào em và biến em thành ánh sáng” đưa tất cả lên đến đỉnh của cao trào âm nhạc đầy mê hoặc trong vùng sáng chói lòa, ong ong, quay tròn chóng mặt của thứ âm thanh đặc quánh mà dàn nhạc (đặc biệt đàn dây ở âm vực cực cao) được phân bè diễn tấu với nhiều kết cấu, nhiều tiết nhịp tạo ra. Cũng tại đỉnh của cao trào âm nhạc này, trong phút chốc tất cả vỡ tan thành hàng vạn mảnh ánh sáng lấp lánh như thủy tinh giáng theo triền giai điệu chập chờn đi xuống từng bước một của bài hát...
Phần cuối cùng là âm nhạc của tuyết. Những mảnh vỡ tung tóe của tình yêu đã biến thành tuyết lạnh không ngừng rơi xuống. Trong tiểu thuyết của Griffiths, Ophelia nói: “Không có tình yêu, âm nhạc chẳng có nghĩa lý gì. Đấy chỉ là tuyết rơi trên nấm mồ của bạn”. Trở lại với không khí tĩnh lặng và buốt cóng như âm nhạc của phần mở đầu, cho dù Ophelia khẳng định: “Em biết anh đang ở đó, em sẽ tìm thấy anh”, câu hát đượm buồn cất lên trong tiếng xào xạc của bộ gõ gợi tiếng bước chân lê trên tuyết của phần nhạc đẹp não nùng này chẳng thể mang tới cho người nghe một niềm lạc quan nào cả. Than ôi, Ophelia của Shakespere đã chết dưới dòng nước tối, còn Ophelia của Griffiths và Abrahamsen thì sẽ thế nào? Trong cái thế giới băng giá đầy tuyết lạnh ấy, khi câu hát sau cùng “Tôi sẽ tiếp tục” rợi xuống và tan loãng vào không khí, chỉ còn âm vọng của dàn nhạc cùng tiếng xào xạc vô cảm của tuyết mơ hồ thoảng lại trước lúc tất cả hoàn toàn lịm tắt, hoàn toàn nín bặt. Nếu thực sự cái còn lại sau cùng chỉ là sự im lặng (7), Ophelia sẽ đi về đâu?
Trần Thanh Sơn (10.2023)
(1) Oulipo xuất phát là một nhóm các nhà văn và toán
học người Pháp đề xướng một phương thức sáng tác mới bằng cách sử dụng các kỹ
thuật viết hạn chế. Được thành lập năm 1960 bởi Raymond Queneau và François Le
Lionnais, các thành viên đáng chú ý bao gồm nhà văn Georges Perec, Italo Calvino,
nhà thơ Oskar Pastior, Jean Lescure… Một ví dụ cho tác phẩm sáng tác theo
phương thức này là tiểu thuyết “La disparition” của Perec, cuốn tiểu thuyết dài
300 trang này hoàn toàn không có chữ “e”. Ở Việt Nam, câu chuyện kể “Bà Ba bán bún bò bên bờ biển” toàn bằng chữ “b” có lẽ cũng thuộc dạng này. 😊
(2) John Everett Millais (1829-1896): Họa sĩ người
Anh. Bức tranh miêu tả Ophelia (1852) của ông là một trong những bức tranh nổi
tiếng và gây nhiều phản ứng trái chiều khi được trưng bày lần đầu tại Học viện
Hoàng gia.
(3) Lời bài hát “Let me tell you” của Paul Griffiths.
(4) Barbara Hannigan (1971-): Giọng soprano và là nhạc trưởng người Canada, nổi tiếng với những
tác phẩm thanh nhạc và opera đương đại. Hannigan được xem là người đã gợi ý cho Abrahamsen
sáng tác “Let me tell you” dựa trên tiểu thuyết của Griffiths và đã tích cực tham
gia đóng góp ý kiến trong quá trình sáng tác tác phẩm này. Giọng Barbara
Hannison trong “Let me tell you” lúc cao nhất lên đến nốt D6 và thấp nhất là nốt A3.
(5) “Cái còn lại là sự im lặng” (The rest is
silence) - câu nói cuối cùng của Hamlet trước khi chết và cũng là câu kết vở kịch
Hamlet của Shakespeare.
Note 1: Hans Abrahamsen sinh năm 1952 tại Copenhagen, bắt đầu sự nghiệp của mình
với tư cách là thành viên của một nhóm các nhà soạn nhạc trẻ người Đan Mạch - những người phản đối sự phức tạp, khô khan của giới tiền phong châu Âu (nhất là
trường phái xoay quanh trường nhạc Darmstads) - cổ xúy tìm kiếm một phong cách sáng tác đơn giản hơn. Được xem là một thành viên của xu hướng Đơn giản mới (New
Simplicity), từ giữa những năm 1960 Abrahamsen đã nhanh chóng khẳng định mình là
một trong những nhà soạn nhạc trẻ đáng chú ý nhất của châu Âu. Sau thành công
ban đầu, một thời gian khá dài ông rơi vào bế tắt, không viết thêm được tác
phẩm mới nào. Năm 2000, quay trở lại với hòa tấu khúc dành cho dương cầm và
“Tuyết” (2008) cho dàn nhạc hỗn hợp, âm nhạc của ông đã thay đổi hoàn toàn, đấy
là một vũ trụ âm nhạc mang đậm tính cách cá nhân kết hợp giữa thái độ nghệ
thuật ban đầu của ông với tính chính xác và sự tinh giản của chủ nghĩa hiện đại. Nhạc phẩm “Let me tell you” (ra mắt năm 2013) của ông được đánh giá là một kiệt
tác của âm nhạc hiện đại. Với tác phẩm này, năm 2016 Abrahamsen đã dành được Giải thưởng Grawemeyer - giải thưởng danh
giá trị giá 100.000 đô la từng được trao cho những tên tuổi lớn nhất của nền khí
nhạc hiện đại như Lutoslawski, Ligeti, Birtwistle, Penderecki, Takemitsu, Boulez…
Note 2: Vẻ đẹp tinh tế và hiệu ứng âm thanh đầy mê hoặc của “Let me tell you” chỉ còn không tới... 50% khi được nghe trên youtube. Bạn đọc có nhu cầu nghe tác phẩm này ở chuẩn âm thanh khá hơn (dạng lossless) có thể liên hệ, tôi rất sẵn lòng chia sẻ! 😊
Barbara Hannigan - Andris Nelsons - Symphonieorchester des Bayerischen Rundfunks
Let me tell you (Hans Abrahamsen)
Ảnh trên: From Illustrazione (Gabriel Pacheco)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét