Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Thơ từ một cuốn sách cũ


Đọc bài thơ ngũ ngôn trong cuốn sách bàn về thuật chơi chữ của người xưa, lòng cứ bâng khuâng mãi. Tác giả Lãng Nhân bình bài thơ bằng một câu ngắn gọn thế này: “Thơ ngũ ngôn dùng kể tự sự, ít có bài được lời mộc mạc mà tứ sâu sắc bằng bài liên vận sau đây của ông Phan Hoài Dật đọc lên mường tượng như câu chuyện Từ Thức lúc ở động tiên trở về trần thế” (*). Xin đăng lại bài thơ ấy ở đây để bạn đọc cùng thưởng thức (và nếu thích, thì ngẫm nghĩ). Thế nhân thời nào cũng vậy, huống chi là thời đảo-điên-điên-đảo bây giờ! (TTS - 9.2023)



Truyện ông Viên Hộ


Tôi biết ông Viên Hộ
Người ở đất Vân lỗ
Thuở nhỏ vốn học trò
Lớn lên thi không đỗ
 
Sau ông đi đá gà
Với tôi thường lại qua
Thuở ấy tôi còn bé
Bạn với ông hơi già
 
Ông người rất hào hiệp
Ban ngày mỗi mỗi tiếp
Đá gà mà phong lưu
Rộn ràng thê với thiếp
 
Rảnh việc lại ngâm thơ,
Uống rượu hay đánh cờ
Bề nào ông cũng thích
Thoi đưa mặc ngày giờ
 
Tôi lớn phải đi học
Toán làm với sách đọc
Lúc ấy ông già khọm
Mồi da mà trắng tóc
 
Sau thôi học tôi về
Tìm bạn cũ nằm tê
Hỏi đến ông Viên Hộ
Ông chết răng chừ kia
 
Tôi lấy làm thương nhớ
Nhớ bạn già than thở
Bèn đến nhà ông thăm
Nhà ông khách lạ ở
 
Tôi hỏi gia quyến ông
Còn ở, ở đâu không?
Vợ ông đi đâu mất!
Hầu ông đi lấy chồng
 
Tôi trở về chán ngắt
Buồn cho thân kẻ khuất
Ông sống nhiều người thương
Ông chết không ai nhắc!
 
Than ôi! Cái cuộc đời
Sống: còn, đến chết: thôi
Người thương nói “tội nghiệp!”
Thế là xong chuyện rồi
 
Xong rồi! Xong rồi thật!
Không! Còn! Còn nắm đất!
Gió thổi nắm đất bằng
Thế là còn hay mất?
 
Đời lắm ông Viên Hộ
Có đó, không ngay đó
Nghĩ thương cái hình hài
Thoảng qua như chiều gió
 
Thử ngày sau ông Viên
Sống lại nhờ phép tiên
Trở về nơi đất cũ
Hỏi thăm kẻ láng giềng
 
Còn ai nhớ đến ông?
Ai ai cũng rằng không!
Thì ông cười hay khóc?
Ông về thật luống công
 
Ngó lại trên trời cao
Cảnh trời có khác sao?
Mây đen đuôi mây trắng
Khi nào như khi nào...
 
Cỏ hoa sao hững hờ?
Chào mãi vẫn làm lơ
Ôi! khách đà khách cũ!
Hoa này phải hoa xưa?
 
Bước vào nhà thăm hỏi
Cửa nhà lâu đã rụi
Thầy thợ đang xây nền
Chực làm cái nhà mới
 
Chủ nhà đắc ý lắm!
Tới ngắm rồi lui ngắm
Cười reo vênh váo râu
Nhà này xét không thấm!
 
Ông Viên tất bật cười
Cười mà thương cho ai
Tưởng một mình ông dại
Ngu mà cũng có đôi!
 
Người đời còn mãi thế
Được oa mà muốn bể
Múa gậy giữa vườn hoang
Cũng rung đùi rung vế
 
Ai bảo người khôn đần
Khôn vẽ rắn thêm chân
Hại nhau khôn kế quỉ
Cướp của khôn mưu thần
 
Người khôn là thế đó
Nực cười ông Viên Hộ
Chống gậy về núi than:
“Có khôn chi mô có!”.
                  Phan Hoài Dật


(*) Lãng Nhân, “Chơi chữ”, trang 121, NXB Nam Chi Tùng Thư - 1970

Note: Theo “Chơi chữ”, tác giả bài thơ “Truyện ông Viên Hộ” là Phan Hoài Dật. Tôi đã thử nhờ google search tên “Phan Hoài Dật” nhưng không tìm thấy bất cứ tài liệu nào liên quan đến danh tính này ngoài đường dẫn đến chính tác phẩm “Chơi chữ” của Lãng Nhân. Tuy nhiên, trong bài viết của Nguyễn Hùng đăng trên vanchuongviet.org (Phan Văn Dật không chỉ có Diễm Dương Trang), tác giả Nguyễn Hùng có nêu một chi tiết: Phan Văn Dật - người đã được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn đưa vào “Thi nhân Việt Nam” là tác giả của bài thơ có tên gọi “Bài thơ ông Viên Hộ” (Nam Phong), chẳng rõ hai bài thơ có phải là một?
 
Note (update): Tôi đã tìm được bản gốc bài thơ (có tên “Tôi ở đâu” hay Chuyện ông Viên Hộ của Phan Hoài Dật) đăng trên tạp chí Nam Phong (Số 125 - Tháng 1.1928). Bài thơ theo thể liên vận không tách từng khổ 4 câu xuống hàng và thêm một vài dấu câu (có lẽ để cho rõ nghĩa và độc giả cũng dễ đọc hơn) như tác giả Lãng Nhân đã dùng trong “Chơi chữ”. 



Ảnh trên: From “Light and Shadow” (Cao Hành Kiện)

Không có nhận xét nào: