Âm nhạc là thông điệp của hoà bình và chỉ đem lại
hoà bình. Nhạc trưởng Zubin Mehta từng phát biểu một câu đại ý như vậy trong buổi hòa nhạc
được tổ chức năm 2013 ở Srinagar trên vùng Kashmir luôn bỏng rát vì
những tranh chấp địa chính trị phức tạp, thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan kéo dài đã hơn 70 năm và vẫn chưa có hồi kết thúc. Bất chấp
sự khẳng định của nhà chỉ huy dàn nhạc từng là giám đốc nghệ thuật của Bavarian
State Orchestra lừng danh rằng “chúng tôi không phải là những chính trị gia”,
bất chấp tuyên bố mục đích của buổi hòa nhạc là để khởi động cho quá trình hàn gắn
và hòa hợp, các phe nhóm đối lập tại đây đã biểu tình phản đối quyết liệt (thậm chí gây bạo động) vì cho rằng sự kiện đã bị chính trị hóa, làm sai lệch
tầm nhìn về những gì đang thực sự diễn ra trên vùng đất có lịch sử chồng chất mâu thuẫn
này (1).
Từ bao giờ, âm nhạc - loại hình nghệ thuật gần như duy nhất có thể thật sự được xem là phổ quát, luôn tượng trưng cho sự gắn
kết và hòa giải - lại có thể bị đánh đồng với một thứ
hoạt động đáng ngờ, che dấu các thủ đoạn chính trị tinh vi dưới những dòng âm
thanh lấp lánh đầy quyến rũ? Như ta thấy, không giống cách thức mà các tác
phẩm văn chương, sân khấu hay nghệ thuật thị giác thể hiện, âm nhạc (ở đây muốn nói
đến âm nhạc tuyệt đối - âm nhạc viết cho nhạc cụ thuần túy, không lời) dường như không đưa ra lập luận, mô
tả hay biểu thị bất cứ điều gì cụ thể cả. Cái đặc tính trừu tượng và tự quy chiếu này của âm nhạc một mặt cho phép nó vượt lên trên những vấn đề của cuộc sống
thường nhật, hướng con người đến cái đẹp nhân văn phổ quát (2), nhưng mặt khác, sự chẳng-nói-gì của nó cũng là nguồn cơn của những ngộ nhận và quy chụp. Các xã hội, vùng
văn hóa, từng giai đoạn lịch sử và từng cá nhân có thể có những nhìn nhận rất khác
nhau về đặc điểm, tầm quan trọng cũng như chức năng và ý nghĩa của âm nhạc, và cũng vì thế, có vẻ như âm nhạc ngày càng bị khoác thêm lên vai những chức năng, nhiệm vụ mà trước đây chắc chắn cha ông chúng ta chưa bao giờ có
thể nghĩ tới!
Thế kỷ 20, thế kỷ của những cuộc chiến lớn và đẫm máu, thế kỷ chứng kiến sự ra đời của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa
toàn trị, của đối đầu ý thức hệ mang quy mô toàn cầu. Đây cũng là thế kỷ mà
những sóng gió bão táp của nó cùng sự tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật đã
tác động mạnh mẽ lên quá trình phát triển, làm thay đổi chức năng và ý nghĩa của
âm nhạc nhiều nhất. Với sóng radio cùng các chương trình phát thanh bắt đầu được sử dụng rộng rãi và tiếp cận đến từng hộ gia đình, âm nhạc lập tức được các thế lực cầm quyền coi là một thứ vũ
khí phục vụ hữu hiệu cho việc tiếp cận, truyền tải các thông điệp chính trị của
mình đến các đối tượng mục tiêu. Josef Goebbels - Bộ trưởng Bộ Tuyên
truyền của Đức quốc xã từng tuyên bố: “Âm nhạc ảnh hưởng đến trái tim và cảm
xúc nhiều hơn là trí tuệ. Vậy thì trái tim của một quốc gia có thể đập ở đâu mạnh
hơn trong quảng đại quần chúng, nơi nó đã tìm thấy ngôi nhà thực sự của mình?” (3).
Với nhận thức đó, âm nhạc (thông qua những bài hát tập thể) được Đệ tam Đế chế
sử dụng rộng rãi trong tổ chức Thanh niên Hitler như một cách để truyền bá cho
giới trẻ Đức về tư tưởng Quốc xã, gán cho tình cảm yêu nước để biện minh cho việc tham chiến, nhân danh chính nghĩa để động viên những người lính ra trận... Song song chủ trương đề cao âm nhạc của các tác giả mà họ cho rằng xiển dương tinh thần dân tộc Đức (như Beethoven, Wagner, Bruckner), nhà nước phát xít còn đẻ ra cái gọi là Entartete
Musik (âm-nhạc-suy-đồi) nhằm phê phán những khuynh hướng, thể loại âm nhạc bị họ xem là có hại và đề ra danh sách các nhạc sĩ, tác phẩm âm nhạc bị cấm hoạt động, cấm sử dụng,
biểu diễn và lưu truyền. Các quốc gia theo chủ nghĩa toàn trị như Nga Sô, Trung Quốc cũng tận dụng âm nhạc để truyền bá ý thức hệ, tán dương chế độ và suy tôn lãnh tụ. Âm nhạc lại tiếp tục được nhồi nhét thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới thông qua những khái niệm như “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”, “âm nhạc hiện thực xã hội
chủ nghĩa” hoặc “chủ nghĩa hiện thực cách mạng”... nhằm bảo đảm rằng chúng tuân thủ
đúng nguyên tắc, hệ tư tưởng chủ đạo đã được nhà nước chỉ định và điều hướng. Nhiều tác phẩm khí nhạc thuần
túy của các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Shostakovich, Prokofiev, Khachaturian cũng bươu đầu
sứt trán vì va phải “học thuyết Zhdanov” dưới chế độ kiểm duyệt Stalin là một ví dụ.
Có thể thấy, sự xuất hiện của hàng loạt các quan điểm đánh giá âm nhạc mang màu sắc chính trị cực đoan như thế vô hình chung đã dần hồi tạo ra trong tiềm thức của cộng đồng sự bất khả tín vào tính vô tư, khách quan của mọi thể loại và tổ chức âm nhạc. Ý nghĩ cho rằng âm nhạc (không lời) ở một mức độ nào
đó được miễn trừ khỏi đời sống chính trị do tính chất trừu tượng và không có bất
kỳ nội dung hoặc ý nghĩa rõ ràng nào có thể đe dọa hoặc thách thức quyền lực
chính trị có vẻ chẳng còn hợp thời mấy nữa! Cũng như vậy, niềm tin đầy tính hoài cổ của truyền thống phương Tây quy cho âm nhạc khả năng gắn kết, khả năng chữa lành, và vì thế mặc định nó là kẻ thù của mọi sự xung đột, là sứ giả của hòa bình cũng khó còn đứng vững.
Đa phần
các tín đồ của âm nhạc đều sẽ cảm thấy bị phản bội khi nhận ra rằng âm nhạc ngày nay hoàn toàn có thể trở thành một
công cụ phục vụ đắc lực và hữu hiệu cho các mưu đồ chính trị và cho cả chiến tranh giết chóc. Thật ra việc sử dụng
âm nhạc phục vụ cho chiến tranh cũng không phải là điều gì mới mẻ, có khác chăng là ở phương pháp thực hiện. Từ tiếng kèn giản đơn là hiệu lệnh xung trận hay các khúc quân hành thường được sử dụng
trong quân đội, âm nhạc phục vụ chiến tranh ngày nay đã trở thành một thứ mặt
trận tổng hợp phức tạp, được lên kế hoạch, định hình và định hướng về nội
dung cũng như hình thức để làm thế nào có thể tác động có lợi nhất cho chiến cuộc, góp phần mang về chiến thắng. Không lộ liễu như các kỹ thuật tuyên
truyền khác, bằng những thông điệp âm thầm ẩn dưới những bài ca tưởng chỉ đơn
thuần mang tính chất giải trí được đưa đến tai người nghe bằng nhiều cách thức, âm nhạc tạo dựng bầu không khí thường trực trong cộng đồng từ đơn giản nhất là lòng tự hào ái quốc đến hình thành cảm giác tự
tin, nhiệt tình tham gia vào chiến trận với tâm thế sẵn sàng hy sinh tính mạng.
Cũng cần phải thấy rằng, chiến tranh là một trường hợp điển hình về cách thức các
nền văn minh (đại diện là các quốc gia, các nhà nước) xử phạt nhau và cho phép
các hành vi mà trong những bối cảnh khác sẽ bị coi là bất hợp pháp đồng thời sẽ bị luật pháp nghiêm trị (4). Bạo lực trong chiến tranh là thứ bạo lực nhân danh tập thể, một thứ “Licence to Kill” (5) được khuyến khích và hỗ trợ ở cấp độ nhà nước. Âm nhạc góp sức “tô hồng” cho tất cả những thứ đó: lý do phải giết
chóc, ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc chiến, cơ chế tâm lý xã hội, những phản ứng
tâm lý cần được chuẩn bị, tưởng niệm những kẻ hy sinh và tôn vinh “những hành động dũng cảm hoặc giết người một cách có hiệu quả nhất” [sic] (6)
Tôi
không thuộc những người cứ khăng khăng xem âm nhạc là thứ nghệ thuật phải khuyến khích sự hòa hợp, lòng khoan dung hoặc là một kiểu đại diện gì đó cho hòa bình. Dù chẳng thích thú gì với suy nghĩ rằng cũng như mọi thứ nghệ thuật
khác, âm nhạc rất khó nằm ngoài những chi phối của ý thức hệ và các mưu toan chính trị, nhưng nên chăng, thêm vào đó, trong nhìn nhận đánh giá một tác phẩm âm nhạc nói riêng hay cả một nền âm nhạc nói chung, ngoài sự soi chiếu khách
quan dựa trên hoàn cảnh và bối cảnh mà thứ âm nhạc đó xuất hiện, ngữ cảnh mà
thứ âm nhạc đó thể hiện, cần xem nó có xu hướng tạo điều kiện cho sự phát triển
của tính nhân bản, nhân văn cao đẹp hay là ngược lại. Cách đây không lâu, một người bạn của tôi than phiền trên facebook rằng chị đã phải vội vã bấm chuyển kênh truyền
hình khi phát hiện đứa cháu tuổi vào lớp Một của chị đang say sưa múa hát theo hướng dẫn của MC một chương trình dành cho thiếu nhi: “Bộ đội ơi cho bé em theo/
đừng cười chê em bé tí teo/ vác súng trên vai theo bước quân hành/ nhằm giặc Mỹ
súng em pằng pằng!” (7). Than ôi, ý phản bác của chị bạn tôi có lẽ vì cho rằng, đối với đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu
gì về hoàn cảnh cũng như bối cảnh lịch sử mà từ đó bài hát ra đời, lời ca trên sẽ là sự công nhận, sự bình-thường-hóa cho những hành động giết chóc, bạo lực; cũng suy nghĩ theo logic đó, việc giáo dục lòng ái quốc cho trẻ em thời bình bằng những câu
ca chứa đầy hận thù bắn giết như thế liệu có nên được xem là phù hợp?
Xét ở góc độ xã hội học, âm nhạc luôn hoạt động
như một chất xúc tác nhằm lan truyền những cảm xúc và trải nghiệm từ của riêng
tư một cá nhân (hoặc một nhóm người) ra cho cộng đồng và xác lập một ý nghĩa
mang tính biểu tượng dự kiến sẽ được đông đảo mọi người thừa nhận và hưởng ứng.
Cũng cần lưu ý, một trong những sức mạnh tự thân của âm nhạc chính là khả năng
ám thị, khả năng tự tạo nên tính cuốn hút tập thể và sử dụng tính cuốn hút tập
thể ấy tác động lên cá nhân, kích hoạt những trải nghiệm cảm xúc được nó gợi ý một
cách có chủ đích thành hành động. Những bài hát được viết để phục vụ cho chiến
tranh (đặc biệt là ca khúc) thường chứa đầy những nội dung, mà như đã nêu ở trên, trong các bối cảnh khác có thể sẽ bị coi là không phù hợp, là bất
hợp pháp, phi nhân và kích động bạo lực. Các chuẩn mực và giá trị từng là ngọn cờ được giương cao, được khuyến khích trong chiến tranh, sang thời bình không chừng lại biến thành những mâu thuẫn và hệ lụy
đạo đức đầy gai góc. Ở cách nhìn này, sự lo ngại và than phiền của chị bạn tôi
là có cơ sở. Chúng ta không phủ nhận giá trị lịch sử của những bài hát là đại
diện cho ký ức tập thể của cả một thời kỳ với những biến động và chuyển động lớn
lao của đất nước, của dân tộc, nhưng cũng không thể cứ tiếp tục hát mãi những bài hát chứa đầy
máu lửa, hận thù và những hô hào giết chóc như vậy được nữa!
“Nếu có thể hát cùng nhau, các bạn mới có thể
chung sống cùng nhau”, xin dùng một phát biểu mang đầy tính giả định cũng của Zubin Mehta xem như để kết thúc bài viết hơi lan man này. Bởi thật ra chẳng làm gì có thứ âm nhạc hoặc bài hát nào mà tất cả nhân loài chúng ta
có thể chung nghe và vui vẻ cùng hòa giọng hát.
Những hàn gắn, khoan dung, hòa giải, đoàn kết hướng tới tương lai vì hạnh phúc
vì hòa bình cũng chỉ là những hô hào ảo ảnh nằm tận đâu đâu ở phía giả tưởng. Không dưng tôi nhớ một cảnh trong phim “Schindler's List” (8), giữa tiếng nổ và ánh chớp của tiểu
liên lóe sáng đêm tối khi bọn lính SS xả súng giết hết những người dân vô tội chúng vừa bắt được thì viên sĩ quan chỉ huy ngồi xuống đàn dương cầm trong
căn nhà của chính những người đang bị bắn thản nhiên tấu vang một khúc nhạc; và kinh khủng
nhất, vẫn trong ánh chớp tử thần đó, hai tên giết người tay còn ám khói súng thò đầu vào ngưỡng cửa kháo chuyện
nhau: “Nhạc gì thế? Bach à?” “Không, không! Là Mozart...” “Mozart thiệt hả?” “Ừa,
là Mozart!” (9). Âm nhạc đấy ư? Âm nhạc là cái quái gì và để làm gì nhỉ?
Trần Thanh Sơn (8.2023)
(1) Fayaz Bukhari, ‘Controversial Kashmir concert by
Zubin Mehta ends on sour note’, Reuters - 8.9.2013.
(2) Leon Botstein, “Music and Politics’, www.leonbotstein.com
- 21.4.2015.
(3) Music and the Holocaust, General Overview -
Holocaustmusic.ort.org
(4) Morag Josephine Grant, ‘On Music and War’, Open
Edition Journals - 2020
(5) Licence to Kill (Quyền được giết) - tên cuốn phim thứ 16 trong
loạt phim về điệp viên James Bond 007
(6) Morag Josephine Grant, ‘On Music and War’, Open
Edition Journals - 2020
(7) Lời ca khúc thiếu nhi “Em là chiến sĩ giải phóng
quân” của NS. Thanh Trúc. Theo trí nhớ của tôi về bài hát mình từng được nghe
nhiều lần thời còn đi học, câu hát “nhằm giặc Mỹ súng em pằng pằng” chính
xác phải là “nhằm đầu Mỹ súng em pằng pằng”. Có lẽ để giảm bớt cảm giác bạo lực
cho bài hát này, gần đây người ta đã sửa lời cho các cháu hát thành như vậy.
(8) Schindler's List (Bản danh dách của Schindler) -
bộ phim điện ảnh sử thi do Mỹ sản xuất, Steven Spielberg làm đạo diễn phát hành
năm 1993. Bộ phim dành được 7 Oscar, trong đó có Oscar cho Phim hay nhất và Đạo diễn
xuất sắc nhất.
(9) Thật ra đây đúng là nhạc của Bach. Bản nhạc tên
sĩ quan chơi trên dương cầm là bản Prelude trích từ English Suite No.2 của J.S.
Bach.
Ảnh trên: From “A Photo” (Loner Wolf)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét