Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Bị thôi miên


Rảnh rỗi ngồi chọn một số bài hát khi xưa mình từng yêu thích vào ổ cứng di động để thỉnh thoảng nghe lại trên xe lúc đi đường. Bâng khuâng dừng rất lâu trước ca khúc “Hypnotized” của Fleetwood Mac, có cảm tưởng mình vừa được trở lại với những ngày còn xanh tóc xa xôi mụ mị thuở nào.

Cái tên “Fleetwood Mac” tôi được biết đến lần đầu khi ngồi cà phê cùng đám bạn đồng nghiệp của P. thời bạn tôi mới ra trường đi làm. Một tay trong đám bạn khi nghe P. kể tôi đang sưu tập đĩa nhựa đã cắc cớ hỏi tôi từng nghe Fleetwood Mac bao giờ chưa? Rồi nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, hắn cười bảo: “Đĩa ban nhạc này hiếm lắm, dân chơi đĩa gần đây săn lùng và sẵn sàng bỏ tiền mua chúng với bất cứ giá nào!”. Tôi thiên về nghe nhạc cổ điển chẳng mấy rành tên tuổi các nhóm pop-rock, nhưng tự ái vì cái kiểu trò chuyện đầy vẻ chảnh chọe đó nên mò ra mấy quầy sang băng ở Thương xá Tax và chợ trời Huỳnh Thúc Kháng tìm “Fleetwood Mac” xem thử thế nào. Mà có vẻ... Fleetwood Mac hiếm thật! Hai cuốn cassette C60 sang nhạc của band này tôi nhớ bị tính tiền là “nhạc tuyển chọn”, đắt gần gấp đôi bình thường. Coi như cái giá để khỏi bị chê chẳng biết Fleetwood Mac là ai!

“Hypnotized” không nằm trong số những bài hát và album đạt vị trí cao của Fleetwood Mac trên các bảng xếp hạng mà chỉ là một ca khúc ở thời kỳ mang tính chất chuyển tiếp (1), trước khi ban nhạc có lịch sử 50 năm hoạt động không ngừng nghỉ với không biết bao lần thay đổi hợp tan rối rắm ấy thực sự bước lên đài cao danh vọng. Dù vậy, “Hypnotized” (như cái tên gọi của nó) lập tức “thôi miên” tôi ngay từ lần nghe đầu tiên. Trong mấy chục ca khúc mà tôi được nghe trong hai cuốn cassette đã kể ở trên, “Hypnotized” là một thế giới khác, nó lơ lửng và gần như khác biệt hẳn so với những ca khúc kia. Mở đầu bằng một đoạn độc tấu trống khá dài, lạ lùng nhưng cuốn hút: một tiếng trống snare nối liền nhịp ba trống bass trong tiếng gõ liên tục của hi-hat cymbals; âm nhạc sau đó bắt vào với một loạt các họa tiết hòa âm chập chờn chen lẫn tiếng riff guitar pha hơi hướm jazz đầy quyến rũ; trên cái nền nhạc hút hồn đó, giọng hát lơ mơ như thể mộng du của Bob Welch (cũng là tác giả bài hát) cất lên, thì thầm kể về những điều gần như lời bịa đặt, những đồn đãi, những huyền thoại, chuyện lúc trà dư tửu hậu mà chẳng mấy ai tin là có thể xảy ra trên đời thật...

It's the same kind of story
That seems to come down from long ago
Two friends having coffee together
When something flies by their window...

Tôi thấy lại mình ở những năm tháng kỳ lạ ấy. Từ cái ngách hẹp cuộc đời trước đó với lối sống cô độc chỉ quen giao du với một số rất nhỏ bạn bè thân hữu, môi trường làm việc mới đã đột ngột đẩy tôi vào một thứ vòng xoáy ngày càng lớn của chằng chịt những mối quan hệ giao tiếp. Ở đó, sự quảng giao là đòi hỏi gần như bắt buộc để tồn tại và để không bị cái vòng xoáy bất tận ấy nhấn chìm. Đau khổ và mâu thuẫn ở chỗ, càng tiếp xúc với đám đông, càng bị buộc phải mở rộng giao thiệp, tôi lại càng cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Đôi khi nhìn lại những năm 1990 của mình, tôi chẳng nhớ nổi mình đã làm gì ở đó, chẳng nhớ nổi đã gặp ai ở đó và cũng chẳng thể nhớ nổi làm thế nào mà mình có thể tồn tại bằng thứ tâm thức mụ mị và vô phương hướng như thế! Thế giới con người đối với tôi trước đó vốn đã xa vắng, trong giai đoạn đó lại càng thêm xa vắng. Để chạy trốn sự buồn bã vắng lạnh trong lòng mình, tôi thường gắng lấp đầy sự cô quạnh của mình bằng những cuộc rượu bất kỳ. Tôi gọi là những cuộc rượu bất kỳ vì có những cuộc rượu mà giờ đây tôi không thể nhớ nổi là mình đã ngồi với ai, đã uống với ai, ở những chốn nào… Và như vậy, dù là thân hữu hay chỉ sơ giao, chẳng thể giúp tôi chạy trốn được cảm giác lạnh buốt nơi trái tim những sau-nửa-đêm khi chỉ còn lại một mình mình trên đường về nhà. Cái vòng tuần hoàn đầy mâu thuẫn đó sẽ được tiếp tục ở ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, như một cái xoáy nước hút dần tôi xuống...

“Because there's no explaining what your imagination
Can make you see and feel
Seems like a dream
They got me hypnotized”...

“Hypnotized” là đòn bẩy cho những liên tưởng, một thứ bùa chú mở ra cho ta những ảnh tượng nhưng từ chối mọi sự giải thích. Không dưng tôi nhớ cái đêm cùng mấy người bạn thân ở quán “Diên Vỹ”, có một con bướm ma rất lớn đến đậu gần ngay phía trên cái đèn treo chỗ bàn bọn tôi ngồi, đôi cánh lớn của nó tạo thành một cái bóng rập rờn bên trên những cốc rượu vàng ỏng như thể bóng dáng của một thứ định mệnh nào đó trong khoảnh khắc bất chợt muốn thể hiện sự hiện diện vô hình của nó. Bài hát “Hypnotized” đã đột ngột vang lên trong đầu tôi như một đồng hiện kỳ quặc và bí ẩn; và tôi nhớ, đấy hình như cũng là lần sau chót bọn tôi ngồi với nhau ở chốn đó, trước khi cuộc sống đẩy mỗi thằng ra mỗi nẻo khác nhau của cuộc đời. Trong cái cõi ma ký ức mà bài hát của Fleetwood Mac khơi gợi, tôi cũng bất chợt nhớ lại cái buổi chiều tận niên cùng người bạn đón chuyến xe gần như cuối cùng của bến rời Sài Gòn chỉ vì thình lình muốn uống rượu đón giao thừa phố núi. Đêm đó, sau khi say mịt mù cùng đám Tây ba lô cứ khóc lóc ỉ ôi bởi nhớ nhà trong quán rượu, gần sáng ngày đầu năm mới, lúc bước thấp bước cao tìm đường về nhà trọ với bài hát “Hypnotized” cứ váng vất duềnh lên trong đầu, trong một thoáng nào đó tôi nghĩ mình cũng đã nhìn thấy một vực thẳm trong suốt dưới chân đi và tin rằng người ta có thể bay qua núi đồi mà chẳng cần đến sự hỗ trợ của một đôi cánh nào cả... 

They say there's a place down in Mexico
Where a man can fly over mountains and hills...
Now you know it's a meaningless question
To ask if those stories are right
'Cause what matters most is the feeling
You get when you're hypnotized”...

Cuộc đời chúng ta, ngẫm lại, hầu hết đều là những nạn nhân bị thôi miên và giật dây bởi số phận. Chúng ta không hiểu và cũng không thể giải thích được vì sao lại là thế này, vì sao lại là thế kia, trong đúng sai diễn tiến từng phút từng giây của cuộc đời mình. Cioran từng than thở, cuộc đời là một dấu chấm hỏi, một dấu hỏi không thể đảo ngược, vì con người chưa bao giờ tìm thấy và sẽ không bao giờ tìm thấy bất kỳ câu trả lời nào. Vậy thì phải chăng điều quan trọng là, thay vì quay cuồng suy nghĩ cân đo đúng sai quá nhiều về cuộc đời mình, thế vào đó, hãy để những điều kỳ diệu bất khả giải thích của cuộc đời cuốn lấy ta và đưa ta đi? Tôi nghe Fleetwood Mac thì thầm hát nhỏ vào tai tôi: “Cause what matters most is the feeling you get”...

Theo thông tin mà tôi đọc được trên mạng, Bob Welch - tác giả ca khúc “Hypnotized” đã tự bắn vào ngực và qua đời tại nhà riêng vào tháng 6.2012. Như vệt sao chói sáng mà đường đi của nó chỉ băng ngang quỹ đạo rực rỡ của chòm sao có tên Fleetwood Mac một khoảnh thời gian cực kỳ ngắn ngủi, từ 1971 đến 1974, thế nhưng Bob Welch đã có những đóng góp gần như mang tính nền tảng cho sự thành công ngoài sức tưởng tượng của ban nhạc Fleetwood sau đó. Mick Fleetwood - tay trống và là người đồng sáng lập ban nhạc trong một phát biểu về Welch sau ngày ông mất, đã nói: “Anh ấy là một phần quan trọng trong lịch sử của chúng tôi mà đôi khi, đã bị lãng quên...”(2). Với cảm nhận của riêng tôi, “Hypnotized” là ca khúc tuyệt diệu nhất và cũng vĩ đại nhất mà Fleetwood Mac từng có được cho dù nó chỉ chiếm một vị trí rất đỗi khiêm tốn so với những ca khúc hào nhoáng tột đỉnh thành công về mặt thương mại khác mà ban nhạc này đạt được ở giai đoạn sau này.

Hãy nghe “Hypnotized” thử một lần nếu bạn chưa từng nghe ca khúc ma mị và bí ẩn này bao giờ!
Trần Thanh Sơn (7.2023)


(1) Bài hát ban đầu được Fleetwood Mac giới thiệu trong album “Mystery to Me” (1973), sau đó được phát hành dưới dạng đĩa đơn, nằm ở mặt B của đĩa “For Your Love” cũng trong năm này.
(2) David Fricke, Bob Welch’s Missing Music: The Fleetwood Mac Years, Rolling Stone - 21.6.2012.


Fleetwood Mac - Hypnotized (1973)

 

Ảnh trên: From The Hypnotist (David Hockney)

Không có nhận xét nào: