Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Thính giác mới (hay vài suy nghĩ nhỏ khi nghe Helmut Lachenmann)


Thứ âm nhạc kỳ lạ đó tôi được nghe lần đầu tiên cách đây khoảng hơn chục năm, có lẽ tầm 2007 hoặc 2008 - thời điểm cuộc sống tôi đang có những xáo trộn, thay đổi lớn. Nằm trong đĩa song tấu guitar của 2 nghệ sĩ người Thụy Sỹ Mats Scheidegger và Stephan Schmidt, nhạc phẩm có độ dài 25 phút của tác giả có cái tên cũng lạ hoắc như âm nhạc ông ta: Helmut Lachenmann. Hay vênh vác tự cho rằng mình đã nghe khá nhiều và cũng đã sưu tập được khá nhiều đĩa ghi âm các tác phẩm được xem là tiêu biểu nhất của hầu hết những nhà soạn nhạc được xem là quan trọng nhất của nền khí nhạc hiện đại Tây phương thế kỷ 20, nhưng đúng là quê-một-cục, cho đến tận lúc ấy, tôi vẫn chưa từng nghe Lachenmann bao giờ!

25 phút của cái gọi là nhạc phẩm soạn cho 2 guitarist có tên gọi “Salut für Caudwell” (Chào Caudwell) của Lachenmann là 25 phút trải nghiệm cùng những tiếng gõ, tiếng rít, tiếng va đập, cào cấu và cả tiếng thở than mà các nhạc cụ và người trình tấu có thể tạo ra được. Lạ lùng, cuốn hút, mê hoặc, nhưng cũng đầy tính khiêu khích! Từng chơi guitar cổ điển và có thể nói từng quen thuộc với mọi ngóc ngách kỹ thuật trình tấu của cây đàn này, nhưng nghe “Salut für Caudwell”, có vô số đoạn nhạc tôi không thể hiểu được những âm thanh kỳ lạ ấy người chơi đã tạo ra chúng bằng cách nào, và lắm chỗ tôi còn ngờ rằng đấy không phải tiếng cây guitar mình vốn biết mà là sự can dự của một thứ nhạc cụ khác, hoặc giả, là tiếng va chạm ngẫu nhiên do các nghệ sĩ và kỹ thuật viên phòng thu vô tình phát lộ. Khá nhiều năm sau, chỉ đến khi youtube phát triển mạnh, truy xuất vào kho tàng video khổng lồ này tôi mới tình cờ được xem clip ghi hình buổi trình tấu “Salut für Caudwell” của một cặp nghệ sĩ khác và được tận mắt nhìn thấy những kỹ thuật kiến tạo âm thanh phức tạp, vi diệu, đầy ma quái trên cây đàn guitar mà khi xưa (do chỉ được nghe bằng đĩa ghi âm) tôi không thể hình dung ra được.

Thường được xem là một nhà soạn nhạc có lập trường khuynh tả, sinh năm 1935, Lachenmann lớn lên trong thế hệ ngay sau Karlheinz Stockhausen (1) - trên đống hoang tàn đổ nát của Châu Âu hậu chiến. Ông học piano với Jurgen Uhde, lý thuyết và đối âm với Johann Nepomuk David tại Trường nhạc Stuttgart và là học trò riêng đầu tiên về sáng tác của nhà soạn nhạc danh tiếng người Ý Luigi Nono (2) - người mà ông gặp khi tham gia các khóa học mùa hè về âm nhạc mới tại Darmstadt năm 1957. Sau hai năm thọ giáo và ở cùng Nono tại Venice, năm 1965 Lachenmann làm việc tại phòng thu âm nhạc điện tử của Đại học Ghent một thời gian ngắn, sáng tác “Szenario” (bản nhạc điện duy nhất của ông) rồi sau đó hầu như chỉ tập trung vào sáng tác với nhạc cụ thuần túy. Như bất kỳ nhà soạn nhạc trẻ đương đại nào, đặc biệt những người đã đến với Darmstadt, Lachenmann nung nấu ý nghĩ phải tìm ra một con đường mới, một cách thức mới trong sáng tạo và thể hiện âm nhạc khác với những thứ đã và đang được xã hội mặc định thừa nhận, những thứ mà với riêng ông, Lachenmann cho rằng đã trở nên sáo rỗng, mất phương hướng vì được tán dương bởi sự thưởng thức hời hợt, bị dẫn dắt bởi thói quen và bởi hệ quy chiếu của một bộ máy thẩm mỹ đã cũ kỹ và biến thành xơ cứng. Gọi âm nhạc của mình là “musique concrète instrumentale” (âm nhạc cụ thể của nhạc cụ), khởi đi từ những âm thanh cơ bản nhất, Lachenmann tạo ra một khái niệm mới trong sáng tác mà theo đó chính quá trình sản xuất âm thanh trên các nhạc cụ đóng vai trò nền tảng, là chất liệu chính yếu cho tác phẩm âm nhạc. Âm thanh trong âm nhạc của ông không được tạo ra vì mục đích riêng của chúng, mà mô tả hoặc biểu thị một tình huống cụ thể như ông từng chia sẻ: “Vấn đề là tạo và tái tạo các bối cảnh sẽ chiếu sáng lại bất kỳ âm thanh nào có thể có”(3). Nói cách khác, một âm thanh được cảm nhận không chỉ trong bản thân chúng mà còn về mối quan hệ của chúng với bối cảnh rộng lớn hơn và các mối quan hệ khác nhau mà chúng hình thành. Nếu lắng nghe, người ta “nghe thấy” được các hoàn cảnh từ đó một âm thanh hoặc (một hành động tạo ra) âm thanh được thực hiện, đồng thời cũng sẽ nhận biết được chất liệu, nguồn động năng nào có liên quan và lực cản nào chúng gặp phải. Âm nhạc không còn đơn thuần chỉ để hiểu mà còn để trải nghiệm. Đó là thứ âm nhạc khám phá logic trong những âm thanh xa lạ, khác thường, “thứ âm nhạc mà mọi thành phần của nó đều tập trung vào việc tìm kiếm vẻ đẹp ở những chỗ mà người khác có thể quay lưng lại vì ghê sợ”(4), và thứ âm nhạc đó (tuy vậy) như chính Lachenmann từng tuyên bố, “không nhằm để tìm kiếm những âm thanh mới mà là tìm một cách cảm thụ âm nhạc khác đi”, hay nói rõ hơn, muốn cảm thụ được nhạc Lachenmann, cần ném hết những định kiến về các quy ước âm nhạc ra ngoài cửa sổ, trang bị cho mình một thính giác mới để nghe và đón nhận cái đẹp của âm nhạc từ những phía mà ta nghĩ rằng không thể có được!

Mà thực sự, âm nhạc của Lachenmann không dễ nghe! Dù đứng ở vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc tiền phong của Đức từ những năm 1970, nhưng có thể nói, cho đến trước những năm 2000, Lachenmann nhận được rất ít sự chú ý của thính giả bên ngoài đất nước mình, trừ một thiểu số những người đam mê nhạc đương đại. Công chúng, truyền thông và giới phê bình còn rất nhiều ý kiến trái chiều về ông, đa phần có xu hướng coi âm nhạc của ông là “quan tâm đến tiếng ồn âm nhạc hơn là âm nhạc thực tế”, hoặc đánh giá ông là nhà soạn nhạc mà họ “nghe tiếng nhiều hơn được nghe”(5). Trong một hồi ức được chính Lachenmann chia sẻ với báo chí, ông cho biết nhà soạn nhạc nổi tiếng Lukas Foss  là người dàn dựng và chỉ huy “Air” - tác phẩm dành cho dàn nhạc lớn đầu tiên của ông (1969). Tại buổi công diễn mở màn, khán giả đã dừng bản nhạc lại bằng những tiếng hét “Đây không phải là âm nhạc!”, nhưng Foss, đã kiên quyết quay lại từ đầu và biểu diễn đến hết toàn bộ tác phẩm. “Khán giả đột nhiên im lặng. Họ sợ nếu làm xáo trộn buổi biểu diễn lần nữa, ông ấy có thể lại tiếp tục từ đầu!”, Lachenmann hóm hỉnh nhớ lại (6). Nhưng đúng vậy thật, chẳng ai thoát được cảm giác “sốc” khi tiếp xúc lần đầu với âm nhạc Lachenmann. Không điều gì được xem là vượt quá giới hạn trong cái thế giới khác thường đó. Người nghe sẽ phải làm quen với những tác phẩm đồ sộ, những cấu trúc giao hưởng được tạo ra từ những âm thanh thường được coi là “tiếng ồn ào” đơn thuần hơn là âm nhạc. Đấy có thể là “Schwankungen am Rand” (1974) với những nhạc công đàn dây chỉ chăm chăm thực hiện những hiệu ứng âm thanh bên ngoài nhạc cụ của họ: những tiếng gõ, tiếng glissando, bật dây... hòa trộn trong không gian kỳ lạ của những tiếng ồn không cao độ, những thanh âm gần với hơi thở của đám nhạc công kèn gỗ, âm động khác thường như phát từ bộ gõ của những người chơi kèn đồng; là “Contrakadenz” (1970) với mớ nhạc cụ đặc biệt là quả bóng bàn (cùng một mặt phẳng thích hợp để nảy), radio, kim loại phế liệu, đồng xu, những khối nhựa polystyrene (để cọ xát vào nhau)… cùng một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn kèm theo đàn organ Hammond, guitar điện và băng magnetic để phát những đoạn thông báo được ghi âm từ trước; là “Pression” (1969) - một sáng tác dành cho cello độc tấu nhưng rất hiếm khi sử dụng âm thanh thông thường của nhạc cụ, thay vào đó là sự thể hiện mọi mối quan hệ vật lý giữa tay của người chơi với cung đàn, dây đàn và thân đàn; hoặc là “Got Lost” (2008) soạn cho giọng hát và dương cầm dựa trên thơ của Nietzsche, Pessoa và một văn bản tiếng Anh đầy hí lộng được kết hợp với nhau một cách kỳ dị (7), phân phổ viết cho giọng nữ cao chủ yếu bao gồm các phụ âm, nguyên âm và âm tiết riêng lẻ, liên tục rên rỉ, thì thào, hít vào, thở ra, than vắn thở dài, và (như thể chỉ là tình cờ) hát lên một đoạn arioso!...

Từ khi được tiếp cận với những sáng tác cấp tiến đề cao tính ngẫu nhiên, xem âm nhạc như những màn trình diễn phù du của John Cage cùng các nhà soạn nhạc thuộc phong trào Fluxus (8), tôi thường nghĩ mình rất khó còn có thể ngạc nhiên trước bất cứ một “sự lạ” nào của các sáng tác âm nhạc tiền phong. Cuộc tổng nổi loạn nhằm phá tung xiềng xích vô hình của truyền thống thẩm mỹ gần như mặc định đối với các tác phẩm âm nhạc phương Tây trước đó và ủng hộ sự phi tiêu chuẩn hóa trước một thế giới tiêu chuẩn hóa cứng nhắc dường đã đi đến kiệt cùng của sự gây sốc, khiêu khích và đập đổ. Tuy nhiên, không như John Cage - gần như quay mặt lại với mọi tiêu chuẩn thẩm mỹ âm nhạc, việc từ chối các phương pháp sản xuất âm thanh truyền thống trong quá trình sáng tác của Lachenmann không có nghĩa làm cho kết quả âm nhạc trở nên vô nghĩa, mà là khám phá một thế giới âm thanh mới, tạo ra các tác phẩm âm nhạc độc đáo hơn dựa trên các âm thanh chưa từng được sử dụng và do đó chưa từng ô nhiễm và bị bóp méo bởi quá khứ. Sáng tác theo đó là một hoạt động có thể can thiệp vào những điều kiện xã hội quyết định nhận thức của con người, mang đến cơ hội trải nghiệm thẩm mỹ tức thời và tự do. Vượt lên trên những hiệu ứng gây sốc dễ dàng và ngắn ngủi, nhạc của Lachenman đã xây dựng nên một thế giới với vẻ đẹp riêng đầy thuyết phục về mặt thẩm mỹ. Thế giới ấy có thể không hấp dẫn người nghe ngay lập tức, quá trừu tượng về mặt cấu trúc, chưa kể nó đòi hỏi người nghe phải tự làm mới mình bằng một thính giác mới cùng cách nghe mới, nhưng đó là thế giới của những âm thanh tinh tuyền mà nếu chịu khó tiếp cận (hơn một lần), mỗi lần chúng ta lại tìm thấy trong đó lấp lánh thứ ánh sáng mới mà có lẽ ta đã không nhìn thấy được, đã bỏ sót trong lần nghe trước và lần nghe trước nữa...

Từ những năm 2000, đặc biệt từ 2005 (năm sinh nhật lần thứ 70 của Lachenmann), khởi đầu cho sự bùng nổ mối quan tâm quốc tế dành cho các tác phẩm của nhà soạn nhạc. Đối với văn hóa Tây phương - nền văn hóa có truyền thống luôn coi trọng và mở rộng vòng tay trước những khám phá mới mẻ độc đáo trên mọi lĩnh vực sáng tạo, sự thay đổi chậm chạp trong cách tiếp nhận của giới phê bình, giới nghiên cứu hàn lâm và của cả công chúng yêu nhạc đối với âm nhạc Lachenmann trong ba mươi năm qua là một điều khá khó hiểu. Có vẻ cách tiếp cận xem sáng tác như một hoạt động xã hội cụ thể đã bị kìm chặt giữa một bên là các cực biện chứng của thói quen và mặt khác là sự phá vỡ thói quen. Dù vậy, Lachenmann cuối cùng cũng được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong thời đại của ông trên bình diện quốc tế, người góp phần định hình nên nền âm nhạc đương đại trên toàn thế giới. Sự mới mẻ và độc đáo, dù đến bằng gương mặt xấu xí kỳ dị đến đâu cũng vẫn là sự mới mẻ và độc đáo, không thể phủ nhậnErnst Bloch (9) từng nói, nghệ thuật giúp chúng ta nhận thức được những giới hạn của chính mình và vượt qua chúng. Trang bị cho mình một thính-giác-mới để có thể nghe, cảm nhận và hiểu được (chưa nói đến yêu) một thứ âm nhạc mình chưa từng nghe đã khó là vậy, huống chi khởi tạo cho mình những “thính giác mới” khác để có thể tiếp cận, thông hiểu và đón nhận những điều to lớn hơn, vĩ mô hơn của cuộc sống, của quốc gia, của nhân quần! Trong khi nghe Lachenmann và ngay cả khi đang viết những dòng chữ này, tôi luôn tin chắc (một cách buồn bã) rằng: ở xứ sở bảo thủ đến không tưởng của ta thì không thể có Helmut Lachenmann. Không thể có được, bởi nếu có, Lachenmann đã bị ném đá và ném đá đến chết!
Trần Thanh Sơn (6.2023)


(1) Karlheinz Stockhausen (1928-2007): Nhà soạn nhạc hiện đại nổi tiếng người Đức.
(2) Luigi Nono (1924-1990): Nhà soạn nhạc tiền phong người Ý.
(3) Christian Hommel & Roland Diry, “A Conversation with Helmut Lachenmann on the Occasion of his 80th Birthday”, Ensemble Modern Magazine No.42, 2.2015.
(4),(5) Chris Swithinbank, “Into the Lion's Den: Helmut Lachenmann at 75”, Tempo lxv/257, 7.2011.
(6) Rick Schultz, All he asks is: ‘Try to like it’, Los Angeles Times, 13.4.2008
(7) Văn bản tiếng Anh (bắt nguồn từ tiêu đề của tác phẩm Got Lost” có nội dung như sau: “Hôm nay giỏ đựng đồ giặt của tôi bị mất. Nó được nhìn thấy lần cuối khi đặt cạnh máy sấy. Vì rất khó để mang đồ đi giặt mà không có nó nên tôi sẽ rất vui nếu tìm lại được”.
(8) Fluxus: một cộng đồng quốc tế gồm các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế và nhà thơ trong những năm 1960-1970 được biết đến với những đóng góp mang tính thử nghiệm cho các lĩnh vực và phương tiện nghệ thuật khác nhau, bao gồm cả việc tạo ra các loại hình nghệ thuật mới.
(9) Ernest Bloch (1880-1959): Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ gốc Thụy Sĩ.

Note: Tôi collection được khoảng hơn hai chục CD tác phẩm của Lachenmann. Bạn đọc nào có nhu cầu nghe nhạc Lachenmann ở chất lượng cao hơn những thứ được chia sẻ trên youtube có thể liên hệ với tôi. Rất sẵn lòng! (TTS) 😊



Helmut Lachenmann - Salut fur Caudwell (Gil Fesch & Nuno Pinto, guitars)


Ảnh trên: From Composicion 151 (Jaime Rozen)

Không có nhận xét nào: