Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Chốn xa xôi với những cái tên nghe thật lạ lùng...


Buổi sáng đi làm, trong đầu cứ lảng vảng câu hát mà tôi chịu chết không thể nào nhớ ra nổi mình đã từng nghe thấy nó ở đâu: “Far away places with strange sounding names... Those far away places…”. Có những bài hát kỳ lạ thế! Chúng đến và lưu lại trong trí nhớ từ lúc nào chẳng rõ, tựa những hạt cây im lặng ngủ trong đất chờ đến một thời điểm ngẫu nhiên nào đó mới đột ngột trồi lên, đột ngột thức giấc: “Những chốn xa xôi với những cái tên nghe thật lạ lùng đang gọi, đang gọi tôi…”. Sài Gòn mấy tuần rồi oi bức không chịu nổi. Nhiệt độ cao trong ngày toàn ở mức 35 đến 36 độ C. Đi trong cái nóng hầm hập của thành phố mà miệng cứ lầm bầm far-away-places, tự nhiên thấy mình dở hơi!

Trí nhớ tôi dạo gần đây xuống cấp ghê quá, nhớ nhớ quên quên đủ kiểu, chẳng hiểu có phải là do hội chứng hậu Covid? Vào đến chỗ làm, search google tìm thử xuất xứ câu hát, kết quả cho biết đó là một sáng tác của Joan Whitney (viết chung với Alex Kramer) ra đời năm 1948 và là bài hát khá thịnh hành ở Hoa Kỳ thập niên 1950 - 1960 tận thế kỷ trước. Xem ra có đến mấy khả năng lý giải cho việc câu hát này “nhiễm” vào đầu tôi. Một là, có thể bài hát đã đến tai tôi từ hồi còn bé, đâu đó trong các chương trình ca nhạc phát trên radio hoặc trên truyền hình của quân đội Mỹ thời gia đình tôi còn ở Đà Nẵng những năm 60, 70. Hai là, từ những đĩa hát cũ của Dean Martin, Teresa Brewer, Ray Conniff... mà những chiều rảnh không cuối thập niên 1980 trên căn gác gỗ nhà anh K, sau khi nghe chán chê nhạc cổ điển, anh chuyển sang nhạc nhẹ và bảo để thay đổi không khí! Tôi tin vào khả năng thứ hai này nhiều hơn cả. Cuối cùng, cũng có thể câu hát ấy là dấu vết của thời còn cùng đám bạn nhạc sĩ la cà suốt các quán café mở nhạc jazz ở Sài Gòn.

“Những chốn xa xôi với cái tên nghe thật lạ lùng
Tít mù khơi trên biển, những chốn xa xôi ấy
với những cái tên nghe thật lạ lùng
đang gọi, đang gọi tôi...

Hồi nhỏ, tôi nhớ mình có thể ngồi chơi cả ngày một mình chỉ với tập bản đồ Atlas trong tay. Lật một trang giấy, tìm đến một miền đất hoặc vùng biển xa xôi nào đó với những địa danh mà chỉ riêng âm đọc cũng đã gợi lên trong tâm trí biết bao nhiêu hoang vắng mịt mù. Tôi thường thích thả trí tưởng tượng xuống những nơi hoang địa, những khu vực hàng nghìn dặm cách xa thế giới văn minh, vắng biệt làng mạc thị tứ của con người: những bờ biển băng giá vùng địa cực, những thung lũng lọt thỏm giữa trùng điệp núi cao, những vách đá dựng đứng của một hoang đảo nằm tách biệt hẳn mọi tuyến hải trình... Người ta bảo rằng ngồi trong cabin của con thuyền đánh cá cũ được cải tạo thành phòng làm việc neo ở cửa sông, Jules Verne đã viết “Hai mươi ngàn dặm dưới đáy biển” (1869) và “Vòng quanh thế giới 80 ngày” (1872) chỉ bằng cách tham khảo bản đồ, từ điển bách khoa, sách về kỹ thuật và nghề hàng hải. Với trải nghiệm riêng thời thơ ấu của mình, tôi tin sự tưởng tượng có thể đưa được con người đến mọi nơi chốn. Ngày nay, với công cụ google-map, trong nháy mắt người ta có thể tìm đến bất cứ địa điểm nào trên quả đất chỉ với một vài cú nhấp chuột. Bản đồ vệ tinh cho ta nhìn thấy từng gốc cây, từng mỏm đá, từng mái nhà, khe suối, chưa kể các nhà thám hiểm, những tay du hành chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư trên khắp cùng thế giới còn chia sẻ rất nhiều ảnh chụp, video clip, ảnh thực tế ảo 360 độ “check-in” địa điểm họ đã đặt chân đến trên hệ thống bản đồ số khổng lồ này. Muốn du hành, chỉ cần có thêm chút xíu mơ mộng!

Họ bảo tôi là đứa mộng mơ
Ôi, có lẽ tôi là như vậy
Nhưng tôi biết mình đang nóng lòng muốn thấy
Những chốn xa xôi với những cái tên nghe thật lạ lùng
đang gọi, đang gọi tôi...

Thành phố tôi ở thời niên thiếu có nhiều hải cảng. Màu trắng lễ phục hải quân của những thủy thủ thỉnh thoảng tôi gặp trên phố luôn thổi vào tâm hồn thích mơ mộng của tôi khát vọng về những chuyến hải hành. Cũng lạ, trong câu hát không đầu không đũa mà ký ức bất ngờ trả về cho tôi buổi sáng mai này, tôi như thấy lại cái nắng vàng xa xôi của biển chiều Mỹ Khê tuổi nhỏ, nghe gió mơn man trên cánh tay trần của mình, tiếng rì rào của những đồi phi lao đang hát cùng tiếng sóng, và ở đó, tôi cũng thấy lại cả những mơ ước ấu thời đầy thơ ngây dành cho những chuyến đi biển không bao giờ thành hiện thực của đời mình. Bạn của bạn tôi ở Mỹ về chơi, nghe tôi trong lúc vui chuyện kể về những mộng mị thời tuổi trẻ, những lãng mạn cánh hải âu với hồn thủy thủ phiêu bạt bốn phương trời, anh góp chuyện bảo y học nước ngoài có nói đến một thứ gọi là “Thalassophobia” (bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “thalassa” nghĩa là biển và “phobos” là sợ), gọi chung là hội chứng sợ biển. Người mắc hội chứng này thường trở nên hoảng loạn, hoàn toàn mất bình tĩnh mỗi khi đứng trước biển hoặc trước đứng những vùng nước rộng lớn; những trường hợp nhẹ hơn thì chỉ tỏ ra hoang mang lo lắng khi bị đưa đến bờ biển hay phải di chuyển bằng các phương tiện hàng hải, nhưng vẫn có thể kiềm chế bản thân. Anh bạn bảo, nếu thống kê, anh tin rằng sẽ có khá nhiều người Việt - những người từng là thuyền nhân vượt biển - mắc hội chứng này. Và anh thú nhận, chính anh cũng là một bệnh nhân, dù vượt qua được sóng gió, bão táp, thoát nạn hải tặc và đến được trại tị nạn trên đảo Bidong, suốt cuộc đời còn lại của mình, chẳng bao giờ anh còn muốn nhìn thấy biển một lần nữa. Chuyến vượt biên ngày tuổi trẻ đã làm anh kinh sợ biển suốt đời.

Tít mù khơi trên biển, những chốn xa xôi ấy
với những cái tên nghe thật lạ lùng
đang gọi, đang gọi tôi...

Bài hát đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt Nam nói đến chuyện hải hành và khơi gợi niềm khao khát phiêu du tìm đến những chân trời mới, những thế giới mới có lẽ là “Viễn du” (1953) của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát đẹp đẽ, âm điệu khoáng đạt rộng mở, ý nghĩa và chiều kích tinh thần khác hẳn với những bài hát thuần túy cổ xúy cho việc “phượt phiệt” mà giới trẻ thường hát gần đây. Tôi có một kỷ niệm nhỏ dính dáng đến bài hát này ở Đà Nẵng. Khoảng năm 1976 hay 1977 gì đó, có đoàn hát từ Sài Gòn ra diễn ở Rạp hát Ngã Năm. Đây có thể xem là một sự kiện đáng nhớ trong bầu khí sinh hoạt buồn tẻ của thị xã nơi tôi ở ngày ấy. Đêm diễn đầu tiên đông nghẹt người. Vé được bán hết từ sớm nên dẫu háo hức muốn xem ngay, tôi đành chờ đêm kế tiếp. Thế nhưng chẳng có đêm kế tiếp nào cả! Một nam ca sĩ của đoàn quá hào hứng trước sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã hát thêm một bài ngoài chương trình, đó là bài “Viễn du”. Những năm đó, dù chưa có một văn bản chính thức nào về việc cấm các ca khúc sáng tác ở miền Nam trước 1975, nhưng bài hát bị xem là trực tiếp cổ vũ cho “phong trào vượt biên” đang ào ạt diễn ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung nên toàn chương trình cũng bị vạ lậy, đoàn hát bị thu giấy phép, không diễn xướng gì nữa cả. “Ra khơi! Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới, thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới”, hát những câu như vậy vào thời điểm ấy thì rõ là cổ vũ” cho vượt biên chứ còn quái gì nữa! Ha ha!...

Lẩm nhẩm câu hát bất chợt đến từ trí nhớ và buồn buồn nhớ lại giấc mộng phiêu du bốn biển chưa bao giờ thành hiện thực của mình. Chẳng phải ai cũng có một cuộc đời được xê dịch như ý mình mong muốn. Gần như cả đời tôi chỉ sống ở thành phố. Như chuột đã quen với đời cống rãnh, mơ ước nhỏ, hạnh phúc nhỏ, mắt chỉ quen nhìn gần, giờ dẫu có ai đó tặng không cơ hội được tham gia một hải trình dài phiêu lưu khám phá khắp các đại dương như thời tuổi trẻ mình từng ao ước chưa chắc tôi đã dám gật đầu. Bao nhiêu những ràng buộc của trách nhiệm, của bổn phận chưa hoàn tất, chưa kể những dây trói vô hình đầy thảm hại của thói quen, của tiện nghi và của cảm giác muốn được bảo đảm, được an toàn mà lối sống thị dân mấy chục năm trời đã buộc cứng ta vào đấy... Đúng là không thể khám phá ra đại dương mới nào trừ khi có đủ can đảm rũ bỏ mọi bến bờ phía sau lưng mình. Với nghệ thuật hay với mọi lĩnh vực của đời sống cũng đều thế cả. Nếu chỉ toàn những kẻ khư khư “ôm men bờ” (1) thì lấy đâu người tìm ra Châu Mỹ? Mà trong muôn người, đâu phải ai ai cũng có thể trở thành Christophe Colomb? Thế nên, nghe “Far away places” thì cứ việc nghe, cảm thấy “bứt rứt mỗi khi nghe thấy tiếng còi tàu” thì cứ việc “bứt rứt” (2), còn thực sự dám xách va li lên đường hay không lại là chuyện khác. Cứ như vậy thôi, nghĩ rộng ra chi thêm mệt...
Trần Thanh Sơn (5.2023)


(1) Trong tiểu thuyết “Bọn làm bạc giả” (1925), Gide viết: “Tôi vẫn thường hay nghĩ rằng, trong lãnh vực nghệ thuật, và đặc biệt là văn học, chỉ có những kẻ lao thân vào điều chưa biết trước là những kẻ đáng kể mà thôi. Không chịu lạc mất bến bờ, lúc ban đầu và suốt một thời gian dài, thì không khám phá ra đất mới. Nhưng những nhà văn của ta thì sợ ra khỏi, chỉ toàn những kẻ ôm men bờ” (André Gide, Les Faux-Monnayeurs - bản dịch của Bửu Ý).
(2) Lời bài hát “Far away places”. Các ca khúc của Joan Whitney thường được viết chung với Alex Kramer - nhạc sĩ người Canada là thầy dạy hát và cũng là chồng bà. Nữ nhạc sĩ còn có một ca khúc rất đẹp khác là “Cao trên đồi lộng gió” (High on a Windy Hill); các ban nhạc và nghệ sĩ độc tấu Jazz rất hay sử dụng nó trong nhạc mục hòa tấu của mình.


Far Away Places - Willie Nelson and Sheryl Crow


Far Away Places - Norma Winstone



Ảnh trên: From Painting (Mark Rothko)

Không có nhận xét nào: