Thật
kinh hãi khi nghĩ rằng có quá nhiều thứ âm nhạc tệ hại và gớm ghiếc sẽ bị ghi
vào đĩa hát mãi mãi, nhà soạn nhạc Anh Edward Elgar (hay Arthur Sullivan gì đó,
tôi nhớ không rõ lắm) từng thảng thốt kêu như vậy vào những năm 80 của thế kỷ
19 khi lần đầu tiên được giới thiệu máy quay đĩa cùng công nghệ ghi âm - một
phát minh mới toanh của Thomas Edison - với một nhạc phẩm của ông. Từ sơ kỳ
trải qua hàng thế kỷ để trở thành một nền công nghệ với các kỹ thuật ghi âm
phức tạp mà người ta chỉ có thể thực hiện chúng trong phòng thu chuyên nghiệp
với những kỹ thuật viên phải được đào tạo hẳn hoi, cuộc cách mạng kỹ thuật số
từ những năm cuối thế kỷ 20 đến nay đã đột ngột mở ra một cảnh tượng kỳ lạ đến
khó tin khi mọi cá nhân đều có thể thông qua một dàn máy tính đơn giản dễ dàng
tự tiến hành thu âm ghi đĩa một tác phẩm âm nhạc của mình ngay trong phòng ngủ
căn hộ gia đình mình và lập tức có thể “phát hành” nó ra trước rộng rãi công
chúng thông qua môi trường mạng bao phủ khắp toàn cầu! Nếu bất ngờ tái sinh vào
thời điểm bây giờ, không biết Edward Elgar (hoặc Arthur Sullivan) sẽ còn kinh
hãi đến độ nào?
Chẳng
có gì chán nản cho tâm trí bằng việc phải nghe một chương trình ca nhạc gồm
toàn những bài hát dở! Thỉnh thoảng tôi có tham gia làm giám khảo cho các cuộc
thi hát của sinh viên. Ngồi nghe các bạn trẻ hát, hay có, dở có, bình thường
có, nhưng từ mấy trăm thí sinh đăng ký dự thi phải chọn ra khoảng mươi giọng
hát tốt nhất cho vòng chung kết là một thử thách khá mệt mỏi và khổ nhọc. Bảo
đấy là một sự khổ nhọc là trên cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của cụm từ này. Làm
giám khảo là đương nhiên phải căng-tai-căng-óc ra so đo chọn lựa như thế nào để
tìm ra được những giọng hát hay, đặc biệt chỉ nhỉnh hơn một tí, chuẩn hơn một
tí, hay hơn một tí, so với những giọng hát khác. Thế nhưng, cái “khổ nhọc”
không ở chỗ ấy, nó nằm chỗ khác! Chẳng biết từ bao giờ các cuộc thi hát không
còn là bữa tiệc âm nhạc cho ban giám khảo nữa, mà thực sự đã trở thành một cuộc
tra tấn thính giác. Cuộc tra tấn thính giác đó không phải đến từ các giọng hát
mà lại từ các bài hát mà thí sinh chọn để thi thố. Sự xuất hiện với tần xuất
ngày càng dày những ca khúc (nếu có thể gọi đó là ca khúc) với chất lượng ngày
càng kém, khiến tôi, dù đã trải qua rất nhiều năm ngồi ở vị trí ban giám khảo, vẫn
không ngừng cảm thấy kinh ngạc về sự thiếu chuyên nghiệp đến như vậy ở chúng!
Đã xảy ra chuyện gì đối với đội ngũ nhạc sĩ sáng tác ca khúc hiện nay của chúng
ta? Công nghệ mới dễ dàng hóa việc phối âm cũng như ghi âm đã dẫn đến việc đại
chúng hóa đội ngũ những người viết nhạc, ai ai cũng có thể tự sản xuất một tác
phẩm rồi ký tên mình, đồng thời sự dễ dàng hóa việc phát hành thông qua môi
trường mạng cũng khiến các tác giả chưa kịp có thời gian suy xét chiêm nghiệm
lại tác phẩm của mình đã vội vàng tung nó ra trước công chúng? Chạy theo tiền
bạc và danh vọng bằng mọi giá, người viết sẵn sàng sản xuất những sản phẩm nhái
theo thứ nhạc nào đang ăn khách trên thị trường, đi kèm đó là công nghệ lăng-xê
kết hợp với các phương tiện truyền thông bị chi phối và dắt mũi cũng bởi những
thứ lợi ích tương tự, sẵn sàng chụp lên cho những ca khúc non yếu, thô thiển, đầy
tính nghiệp dư ấy những chiếc vương miện lấp lánh thứ hào quang giả cầy? Đọc
đâu đó trên báo, một vài nhà-phê-bình còn cho rằng cần phải lạc quan trong việc
đánh giá đời sống âm nhạc hiện nay, vì song song với những hỗn loạn xuống cấp
thì thị trường âm nhạc vẫn có những tác phẩm mới giá trị đồng xuất hiện: những
gì thực sự có giá trị, tất yếu sẽ tồn tại với đời sống, những gì giả cầy sẽ bị
đào thải. Đó là một nhận định đúng, nhưng theo tôi, chỉ đúng một nửa! Vì những
nhà-phê-bình đó quên rằng những thứ rác âm nhạc mà chúng ta đang chấp nhận cho
tồn tại (dù chỉ trong một khoảng thời gian không dài), chúng không hề ngừng
nghỉ một phút giây nào hủy hoại lỗ tai của con em chúng ta, kéo tụt mặt bằng
thẩm mỹ của con em chúng ta xuống, và không thể không nghĩ, đến một thời điểm
nào đó, con em chúng ta sẽ không còn phân biệt được đâu là chân giá trị âm nhạc
thật sự nữa.
Vài
người quen biết cũ khi gặp hay hỏi tôi: “Lâu nay có gặp nhạc sĩ A, nhạc sĩ B,
nhạc sĩ C không? Dạo này mấy ông im ắng quá nhỉ, chẳng thấy có bài hát mới
nào?”. Tôi buồn rầu nghĩ đến những hoạt động gần như mang tính khép kín, “áo
thụng vái nhau” của những hội hè âm nhạc chuyên nghiệp ở ta, những chương trình
tổng kết một cuộc vận động sáng tác gì gì đó hay chào mừng một sự kiện gì gì đó với hàng đống những bài hát được trao giải một cách hồ hởi rồi thật đáng
tiếc, nhanh chóng bị xếp xó vào quên lãng. Cũng đồng thời nghĩ đến những chương trình ca nhạc tuyền những bài tán
ca, xưng tụng ca, ngành nghề ca... có thể gọi chung là “nhạc cúng cụ” được phát
trên sóng truyền hình mà đa số cũng là những bài hát vô vị và nhàm chán không
kém gì những bài hát tôi phải khổ sở nghe khi ngồi ghế giám khảo như đã nói ở
trên. Những chương trình ca nhạc kiểu đó rõ là chẳng có mấy người nghe người
xem, trừ đám quan khách, khách mời của buổi diễn (bị buộc thưởng thức), thêm
vào đó, có lẽ, những người thực hiện chương trình và các tác giả của chính
những bài hát đó! Âm hưởng chung tuyệt đối của những chương trình này là “tự
hào”, “tự hào” và “tự hào”, như thể ngoài việc ưỡn ngực ra như vậy thì không
còn một hình thức biểu lộ nào khác có thể giúp bày tỏ được lòng nhiệt huyết
đang cuồn cuộn chảy trong tâm hồn con người hôm nay!
Nhà
văn - nhà báo Mỹ Dave Barry từng đoạt Giải Pulitzer về Bình luận báo chí (1988)
có một cuốn sách rất thú vị lấy tên là “Sách về những bài hát dở ẹt” (Book of
Bad Songs) (1). Khởi đầu từ một cuộc khảo sát ý kiến độc giả về những bài hát mà họ
ít yêu thích nhất cho chuyên mục hài hước hàng tuần mà ông đang phụ trách trên
báo, Barry đã đề nghị bạn đọc tham gia chia sẻ cảm tưởng về lời của một bài hát
mà họ cho là “dở ẹt” nhất bằng những câu bình luận ngắn vui nhộn, hài hước.
Barry vô cùng ngạc nhiên khi nhận được đến hơn 10 ngàn phản hồi của người đọc -
nhiều hơn bất cứ bài viết nào từng được ông thực hiện cho chuyên mục này. Dựa
vào kết quả đó, Barry đã quyết định viết cả một cuốn sách về cuộc khảo sát và
đặt tên là “Book of Bad Songs” - một tuyển tập bình chọn những bài hát có ca từ
tệ nhất từng được viết ra. Cũng cần phải chú ý một điều là, để nhận được
nhiều phản hồi từ độc giả, rõ ràng một bài hát phải đủ nổi tiếng để nhiều người
có thể nghe được nó, và qua đó, yêu hoặc ghét nó; vì vậy, những người yêu âm
nhạc tiếp cận với cuốn sách của Barry có thể sẽ thấy ngạc nhiên nhưng vô cùng
thú vị khi nhận ra những bài hát có lời ca bị xem là tệ hại đôi khi gắn với những
tên tuổi chẳng hề xa lạ gì với họ như: Paul Anka, Neil Diamond, Billy Ray
Cyrus, Rupert Holmes, và thậm chí Jimmy Webb, Lionel Richie hay Paul McCartney! Xem
chừng việc có lúc viết ra một bài hát dở ẹt chẳng chừa một nhạc sĩ nào, người sáng
tác nào...
Nhưng
thật là có thể phân biệt rạch ròi một bài hát hay và một bài hát dở hay không?
Duke Ellington nói, chỉ có hai loại âm nhạc - hay và dở, và người ta có thể
nhận biết được nó khi tiếp cận! Từng có một nghiên cứu tuyên bố rằng có thể sử
dụng máy tính phân tích dữ liệu âm nhạc từ các bảng xếp hạng ca khúc trước đó
để dự đoán khả năng thành công của một bài hát dựa trên các đặc điểm âm thanh
của nó; nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp thống kê, phân loại và các
thuật toán nhằm xác định những thuộc tính âm nhạc nào góp phần vào sự thành
công của bài hát, đồng thời dự báo những xu hướng nào sẽ thịnh hành hoặc sẽ trị
vì sân khấu âm nhạc trong thời gian sắp tới (2). Các thử nghiệm đã mang lại các
kết quả khá khác nhau. Những dự đoán đúng hầu như chỉ ở một số lĩnh vực hạn
chế, điều cốt lõi là rốt cuộc máy tính vẫn không thể phân biệt được những đặc
điểm âm thanh nào dẫn đến thành công cho một ca khúc, hay nói cách khác, khu
biệt được thế nào là một bài hát hay và một bài hát dở. Tất cả những ai trong
chúng ta từng có lần chán ngán bấm tắt một chương trình ca nhạc truyền hình hay
bật dậy rời khỏi chỗ ngồi một show ca nhạc đều cho rằng mình có thừa kinh
nghiệm để nhận biết một bài hát hay hoặc dở. Chúng ta có thể tự tin hoàn toàn
vào khả năng phán đoán của mình như vậy thì cớ chi lại không thể tạo ra được
một công cụ - một phương tiện khách quan để giải đáp cho câu hỏi này? Thực sự,
đây là một cuộc tranh luận đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng cho đến nay
hầu như vẫn chưa ngã ngũ. Âm nhạc, giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào
khác đều có những tiêu chuẩn và những yêu cầu khách quan chung có thể đánh giá
được, đó là sự mạch lạc, liên tục, mối quan hệ và sự thống nhất của các ý tưởng
thông qua các yếu tố như giai điệu, nhịp điệu, hòa âm và lời ca. Tuy nhiên, vấn
đề là tất cả những tiêu chuẩn, yêu cầu có thể đánh giá này này đều chừa ra một
khoảng trống không hề nhỏ cho những cảm nhận hoàn toàn mang tính chủ quan. “Cái đẹp nằm ở chủ thế,
không phải ở đối tượng”, điều mà Emmanuel Kant nói có thể dùng để giải thích
cho điều này. Một tác phẩm âm nhạc
(ở đây cụ thể là một bài hát) để được gọi là “hay” không chỉ bao gồm các yếu tố
như đã nêu mà còn phải có điều gì đó khác nữa, một điều hoàn toàn không thể xác
định được nằm ẩn đâu đó giữa những dòng nhạc và lời ca. Những
bản nhạc khác nhau gợi lên những cảm xúc khác nhau, nhưng đồng thời, cũng cùng
một bản nhạc có thể gợi lên những cảm xúc hoàn toàn khác nhau ở mỗi cá nhân
khác nhau tùy thuộc vào năng lực phán đoán, hoạt động và trải nghiệm của
chủ thể thẩm mỹ. Thế nên, hay hoặc dở, còn tùy thuộc vào chỗ đó! “Miserere” của Gregorio
Allegri có khi lại là “dở ẹt” trong cảm nhận của người chỉ thích nghe “Stairway
to Heaven” của Led Zeppelin, và ngược lại!
Tôi không nhớ nổi trong mấy chục năm qua mình đã xé bỏ bao nhiêu bài hát
mà khi viết rồi nhìn lại tôi thấy nó “dở ẹt”, hoặc giả, ngần ngại để mãi đó
không dám tung ra vì mơ hồ cảm thấy chúng thiếu một cái gì đó, cái vô hình ẩn
dấu phía sau, cái sẽ mang đến cảm xúc cho người nghe mà sự tròn trịa dù đến bao
nhiêu của các yếu tố kỹ thuật trong giai điệu, nhịp điệu, hòa âm và cả nội dung
lời ca cũng không thể làm được, không thể cứu vãn được. Đây có lẽ cũng chính là
thứ mà đám máy tính trong nghiên cứu nói trên chịu chết không không tìm ra
được, và chắc hẳn cũng là thứ mà mọi nhạc sĩ, mọi người sáng tác đều mong muốn
có được nó trong các nhạc phẩm của mình. Quyết định số phận thế nào cho những
bài hát mình sáng tác là một lựa chọn không dễ dàng mà mỗi nhạc sĩ phải tự
quyết lấy, chưa kể sau khi rời khỏi tầm tay tác giả, những bài hát ấy lại còn
có cuộc đời riêng, số phận riêng của chúng. Được đánh giá là bài hát hay hoặc bài
hát dở khi đó không còn tùy thuộc vào người viết nữa. Dù gì cũng chỉ là một
cuộc vui, các nhạc sĩ cũng chẳng nên lấy thế làm buồn khi tác phẩm của mình bị chê: Đó là một bài hát dở ẹt!
Trần Thanh Sơn (1.2024)
(1) Dave Barry, Book of Bad Songs, Andrews McMeel Publishing - 1997
(2) Musical trends and predictability of success in contemporary songs in
and out of the top charts | Royal Society Open Science
(royalsocietypublishing.org)
Ảnh trên: From “Beethoven's Trumpet” (John Baldessari)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét