Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Nhà sưu tập

 
 
Tôi biết anh K. vào khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước - những năm đất nước đang trong đêm trước của đổi mới, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn vất vả, nỗi lo mưu sinh luôn hằn in trên gương mặt mỗi người ta gặp trên phố. Trên rất nhiều những con đường Sài Gòn ngày ấy, thậm chí trên cả những đại lộ từng một thời nổi danh bởi sự tráng lệ, xa hoa cũng xuất hiện những cái chợ trời tự phát, mua bán đồ cũ, đồ lạc xoong đủ kiểu. Ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản, lạm phát, khủng hoảng, thất nghiệp, kinh tế suy sụp... đẩy rất nhiều gia đình vào cảnh khốn khó, buộc họ phải bán đi tất cả những gì có thể bán được để đổi lấy cái ăn, cái mặc. Song song đó, ngoài những lý do liên quan đến chính trị, để chạy trốn cuộc sống khó khăn, người ta đua nhau vượt biên hoặc tìm đủ cách để đưa gia đình đi xuất cảnh. Trước khi ra đi, mọi đồ đạc vật dụng sinh hoạt trong gia đình sẽ được bán tống bán tháo ra chợ trời. Và số đồ đạc vật dụng hằm bà lằn từ những nguồn cơn như vậy chính là nguồn cung cấp hàng hóa chủ yếu (bên cạnh hàng ăn cắp!) cho những cái chợ trời lạc xoong Sài Gòn đang mọc lên như nấm. Ta có chợ lạc xoong bàn ghế tủ giường cũ, chợ lạc xoong quần áo cũ, đồ điện tử gia dụng cũ, giày dép cũ, sách vở cũ... nói chung là tất cả mọi thứ gì nằm trong cái phạm trù có thể gọi chung là đồ second hand - đồ cũ.

Dọc vỉa hè, bên dưới những gốc dầu cổ thụ cao ngất mọc hai bên đường Trần Quang Khải - Tân Định ngày ấy là những sạp bán đồ lạc xoong. Gọi là sạp hàng nhưng đôi khi chỉ là một cái giỏ xách tay, một tấm nilon cũ trải trên vỉa hè bày dăm ba món đồ linh tinh.  Khi thì là một chiếc radio cassette cũ móp méo, vài cặp loa thùng tróc sơn; khi thì vài đôi giày da cũ hay dăm ba món đồ điện tử vớ vẩn... Dù vậy, chợ lạc xoong Trần Quang Khải khá nổi danh và luôn là tâm điểm cuốn hút đám “tín đồ” đang săn tìm một loại hàng hóa khá đặc biệt, đó là những đĩa hát cũ.

Thời ấy, đĩa hát là tên thường gọi để chỉ loại đĩa nhựa thương phẩm 33 vòng (mà bây giờ chúng ta quen gọi là đĩa than để phân biệt với đĩa CD, DVD) ghi âm các bản nhạc bán trên thị trường. Đĩa này còn có loại 45 vòng và 78 vòng, nhưng ít thông dụng hơn.

Với xuất phát từ một bà dì xuất cảnh đi Pháp tặng lại cho một dàn máy quay đĩa với hơn chục đĩa hát cũ: Mozart, Beethoven, Chopin..., tôi bắt đầu mon men bước chân vào con đường chơi và sưu tập đĩa hát, chủ yếu do sở thích nghe nhạc cổ điển của mình. Để có thêm đĩa nghe, tôi gia nhập vào đám tín đồ sưu tập đĩa hát cũ của chợ lạc xoong Trần Quang Khải. 

* 

Một buổi chiều, có lẽ là một chiều tháng 12, tôi nhớ loáng thoáng như vậy. Từ chỗ làm ra, trên chiếc PC cà rịch cà tang tôi đánh một vòng qua chợ lạc xoong Trần Quang Khải - thói quen cố hữu  hằng ngày của dân săn lùng đĩa cũ. Trời se lạnh. Nắng vàng nhạt nhòa trên những tàng cây, trên lưng những tòa cao ốc bạc phếch vì nắng mưa và vì đã lâu không được sửa chữa, sơn phết. 

Sà vào sạp đĩa quen, sau một hồi lục lọi mà xem ra chẳng tìm được cái gì vừa ý, tôi quay sang lan man tán dóc chuyện nắng mưa với anh Q. - người bán đĩa. Đang huyên thuyên, tôi bị cắt ngang bởi một giọng hỏi: 

-Có gì mới không, đại ca?

Tôi nhìn ra. Một người đàn ông trung niên có bộ dạng kỳ lạ, tóc tai bù xù, mắt đeo kính cận dày cộp,  người nhỏ thó như muốn bơi trong bộ quần áo xanh công nhân rộng thùng thình, vẫn ngồi trên yên chiếc xe đạp cũ vừa tấp vào lề đường, ông ta lại tiếp tục hỏi:

-Vẫn không có gì mới hả?

Đối với dân sưu tập chúng tôi, “mới” ở đây có nghĩa là có loạt đĩa mới. Đội quân thu mua ve chai rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn thi thoảng lại mua được một mớ đĩa cũ, ít thì năm mười đĩa, nhiều thì vài chục đến hàng trăm với giá “dọn dẹp dùm”. Đám này đem ra sang lại cho dân bán đĩa vỉa hè. Dân sưu tập rảo qua rảo lại hàng ngày ở chợ lạc xoong, ai có “duyên” thì sẽ là người được lựa mua đầu tiên mớ đĩa mới đó. Được lựa mua đầu tiên là một cơ hội, một diễm phúc lớn đối với dân sưu tập. Nhưng thường thì sau đó ai cũng có phần, vì hầu hết dân sưu tập thời ấy đều nghèo kiết xác như nhau. Số tiền lận lưng chỉ đủ để họ chọn ra cho mình dăm ba đĩa thấy ưng ý nhất, đôi khi còn phải so đo cân nhắc nên lấy đĩa này hay không nên lấy đĩa này, mặc dù đĩa vỉa hè giá rẻ mạt! “Ông đi qua, bà đi lại”, số đĩa sẽ mau chóng được bán hết. Ai tới sớm thì chọn được đĩa “độc”, ai đến sau thì đĩa “tầm tầm”. Dăm ba ngày sau, dẫu người mua đầu tiên có xoay thêm được một món tiền, muốn quay lại mua nữa thì mớ đĩa cũng chẳng còn cái nào giá trị.


Thấy người bán đĩa huơ tay ra dấu không có gì mới, chàng xe đạp cười toe, nụ cười rất lành, ra dấu chào rồi lạch cạch đạp xe đi. Dáng đạp xe nghiêng nghiêng trong ánh nắng chiều vàng nhòe nhoẹt trông thật kỳ dị.

“Ông K. - dân mua đĩa kỳ cựu ở đây đó”, anh Q. bán đĩa giới thiệu với tôi như vậy. 
 
*
 
Thế rồi chúng tôi quen biết nhau.

Trong số những tín đồ của khu chợ đĩa cũ Trần Quang Khải, ngoài anh K. tôi nhớ còn có khá nhiều nhân vật đặc biệt như: H. nhạc sĩ, V. chơi guitar bass ở Phú Nhuận, Đ. cao kều chuyên lùng đĩa Blues, ông già Tân Định đi Vespa Sprint... và một số tay chơi khác nữa. Nhưng trong số đó, tôi thấy anh K. là người dễ mến hơn cả. Và anh, dường như cũng quý và thích chơi với tôi, dù rằng tôi kém anh gần hai chục tuổi.

Nhiều lần la cà tìm đĩa rồi cà phê cóc tán láo với anh K. giúp tôi biết rõ về anh hơn. Tốt nghiệp kỹ sư điện, là anh đầu trong gia đình có 3 anh em, đã gần 40 nhưng vẫn sống độc thân, thích đọc sách và thú vui duy nhất là sưu tập đĩa hát. Mà quả thật, tôi thấy anh K. sưu tập như điên như khùng, sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc hàng tuần để dồn hết tiền cho thú vui của mình. Là một nhà sưu tập - nếu có thể gọi như vậy - nhưng anh phóng khoáng và tốt tính, không đố kỵ, không tranh mua kiểu ăn thua đủ như những tay sưu tập khác. Tôi nhớ một lần, dù chỉ mới sơ giao, nhưng nghe tôi nói thích âm nhạc hiện đại, đặc biệt là Stravinsky (1), khi lục lọi đám đĩa vỉa hè tình cờ nhặt được đĩa Lễ bái xuân (2) do Bernstein (3) cầm đũa với bản thu âm huyền thoại 1958, anh đã mua và nhượng lại cho tôi bằng đúng số tiền anh đã bỏ ra, dù rằng đĩa này quý và khá hiếm!

Một hôm, vừa mua được bộ đĩa “Nhạc cho đàn phím của Louis Couperin” (4) với giá hời, anh hào hứng rủ tôi về nhà chơi xem bộ sưu tập của anh.

Lần đầu đến nhà trong con hẻm nhỏ, leo lên căn gác phòng anh, tôi gần như bị sốc!

Căn phòng bừa bộn đầy sách để thành từng chồng lộn xộn trên sàn và ở tất cả những nơi nào có thể nhét được, sắp được. Nhưng ấn tượng nhất là chiếc kệ sắt dài, nhiều tầng, cao đến tận trần nhà xếp kín đĩa hát, chưa kể cơ man là thùng carton cũng chất đầy đĩa hát và đĩa hát!

Sưu tập trong mấy năm, phần mua, phần được bạn bè và người thân cho tặng cũng nhiều, tôi khá vênh vác về bộ sưu tập hơn 600 đĩa cổ điển của mình. Thế nhưng khi đứng trước bộ sưu tập của anh K. thì tôi hoảng vía! Số đĩa anh có ước chừng phải đến năm, sáu ngàn đĩa!

“Hơn nửa là nhạc cổ điển!”, anh cười hiền lành giới thiệu với tôi rồi lôi trong đống hỗn độn ra mấy tập sách cũ mèm: “Catalogue của Grammophon, Columbia và EMI (5) đó. Mình sưu tập dựa trên mấy cuốn này. Thật ra thì lạc hâu lắm rồi, vì cuốn gần đây nhất là cũng là bản in năm 1974”.

Thấy tôi tỏ thái độ ngưỡng mộ trước bộ sưu tập đồ sộ và cách chơi đầy vẻ “hàn lâm” của anh, anh cười, mắt nheo nheo sau cặp kính dày:

-Chẳng nghĩa lý gì đâu! Một lần mình được ông già Tân Định mời tới nhà chơi. Đĩa ổng xếp làm mấy tầng lầu! Tầng dưới để đĩa “tập tàng”, mấy tầng trên mới là đĩa quý, đĩa hiếm. Riêng số đĩa ở tầng dưới của ổng mình thấy đã nhiều gấp đôi của mình. Ổng chơi đĩa đã mấy chục năm rồi...

Thông minh, uyên bác, có thể nói - bàn - bình luận đủ chuyện trên đời, nhưng nói thì gì nói anh cũng quay về chuyện đĩa, chuyện nhạc, chuyện về các nhà chỉ huy, các tay cầm thủ... Mắt anh sáng rực lên như đang nhập đồng. Rồi đang giữa câu chuyện, anh đến bên kệ đĩa rút ra một cái. Nhẹ nhàng, cẩn trọng, khoan thai - như đang thực hiện một lễ nghi thần thánh - anh mở nắp máy hát khẽ khàng đặt lên mâm quay chiếc đĩa vừa được lấy ra:

-Mình thích đĩa hát này, thích khúc nhạc này... và Oistrakh (6) ... - Anh nói khẽ, mắt mơ màng.

Tiếng vĩ cầm vút lên hòa với tiếng dương cầm quấn quýt, Beethoven và Violin Sonata No.5!

Có một khung trời mùa xuân vừa được mở ra theo với khúc nhạc. Không còn nữa căn phòng luộm thuộm, bừa bãi; không còn nữa con hẻm nhỏ ồn ào bẩn thỉu với những mặt người tối ám vì mưu sinh; không còn nữa đói nghèo, lo âu, lạm phát, thất nghiệp, khủng hoảng và tuyệt vọng... Chỉ có mùa xuân, chỉ có hy vọng vừa bay lên từ chiếc đĩa đang quay tròn những vòng kỳ diệu, lan tỏa ra không gian hơi thở tràn trề của sự sống, của tình yêu vĩnh cửu. Và cũng không còn nữa gã đàn ông kỳ dị, còm nhom trong bộ quần áo xanh công nhân rộng thùng thình, tóc tai bù xù, kính cận cả chục đi-ốp đang nửa nằm nửa ngồi giữa đám thùng carton đựng đĩa, mà chỉ có một vị hoàng đế đang chễm chệ ngồi trên ngai trong vương quốc của mình giữa đám quần thần và đống kho báu nghìn vàng.

Hạnh phúc đơn giản như vậy chăng? Nhân loại đa mang. Có những người chọn quyền lực, lấy quyền lực làm tiêu chí để cả đời đuổi theo, cả đời tranh giành và xem đó mới chính là hạnh phúc. Lại có những người khác, người khác, và người khác nữa, chọn tiêu chí là  tiền bạc, là danh vọng, là rượu ngon gái đẹp... đồng thời sẵn sàng chà đạp lên tất cả chỉ để sao đạt được mục đích của mình. Thế giới bao ngàn năm nay vẫn vậy! Trong cái chợ lạc xoong của dân sưu tập đĩa cũ chúng tôi ngày ấy cũng không thiếu vắng những kẻ như thế. May sao chỉ là số ít. Một vài tay chơi có tiền, họ không muốn bỏ công săn lùng, rong ruỗi tìm kiếm - mà quá trình săn lùng tìm kiếm này giới sưu tập mới xem là quá trình tuyệt thú nhất - họ đến chợ lạc xoong tung tiền ra và dặn có hàng mới cứ đem đến cho họ, họ sẽ mua với giá cao nhất. Cũng có chủ sạp, vì khổ vì nghèo muốn có thêm ít tiền lời nên đã làm theo yêu cầu đó. Nhưng đa số không như vậy. Họ bảo làm vậy chẳng khác gì muốn xoá sổ chợ lạc xoong đĩa hát, dân bán buôn dù là chợ trời cũng phải chơi cho đúng luật thương hồ, nghĩa là vẫn cứ “ai đến trước thì được mua trước, đến sau thì mua sau”! Thế nên những nhà sưu tập đĩa lang thang như chúng tôi mới còn nơi chốn mà lui tới, mà say mê kiếm tìm cho riêng mình những kho tàng mộng mơ ẩn dấu đâu đó trong những đống đĩa cũ bìa đầy bụi bám, nham nhở mốc meo bởi thời gian.

Tuy vậy, mọi đam mê đều có thể dẫn con người đến chỗ tha hóa. Nếu quyền lực, tiền tài, danh vọng có thể dễ dàng tha hoá những kẻ sở đắc chúng, thì liệu đối với những nhà sưu tập, cơn khát vô chừng những vật phẩm sưu tập sẽ dẫn họ về đâu? Nhà sưu tập, trên một phương diện nào đó, cũng chẳng khác gì loài gặm nhấm mê muội tha mọi vật phẩm mình tìm được về chất đầy trong chiếc hang tăm tối của mình, giữ khư khư lấy và xem đó như là tài sản, là sức mạnh, là chỗ trú ẩn an toàn và tự huyễn hoặc mình về sự bất tử trong cái trò chơi do chính mình dựng nên. Trong kiếp người mong manh và không ngừng bị huỷ diệt bởi thời gian này, liệu đó có phải là một ảo tưởng quá lớn hay không?

Cái buổi chiều xa xôi ngồi trên căn gác nhà anh K. nghe những dòng âm thanh như suối tuôn từ bản sonata-mùa-xuân của Beethoven đó, những ý nghĩ rời rạc, chập chờn kiểu như vậy cứ bám riết lấy tôi, ám ảnh tôi không rời... 

*

Cuộc sống cứ băng băng đổ về phía trước. Sài Gòn cũng chứng kiến biết bao nhiêu những đổi thay. Những cái chợ lạc xoong tự phát khắp nơi đã dần thu hẹp lại hoặc biến mất đi vĩnh viễn. Tôi và anh K. cũng thưa gặp nhau hơn. Do công việc và do trăm nghìn những mối quan tâm khác của đời thường, niềm đam mê sưu tập đĩa hát của tôi theo thời gian cũng dần nguội lạnh. Tôi ít liên lạc với anh K. Rồi bặt hẳn...

Đầu những năm 2000, tôi tình cờ gặp lại anh K. trên đường. Vẫn với chiếc xe đạp cũ, bộ quần áo xanh công nhân rộng thùng thình, chỉ khác ngày xưa là không treo trên ghi-đông xe chiếc túi vải lớn chuyên để đựng đĩa hát và mái tóc giờ đây đã muối tiêu.

Tạt vào quán cà phê, thăm hỏi, hàn huyên đủ điều. Hỏi anh đã  lập gia đình chưa, anh lắc. Hỏi còn chơi đĩa hát không? Anh cười, vẫn nụ cười hiền lành, nhưng ánh mắt dài dại, buồn buồn sau cặp kính:

-Mẹ mình bệnh nặng, hơn một năm tìm chạy thuốc. Túng quá mình gọi người bán trọn bộ sưu tập. Lão P. mua... Cái tay lắm tiền ngày xưa chuyên mua hớt anh em mình ở chợ đĩa Trần Quang Khải đó!

Tôi ngẩn người. Vừa tiếc cho bộ sưu tập của anh, vừa bực mình vì bộ sưu tập lọt vào tay một kẻ không đáng được có, xen lẫn trong đó là cảm giác có lỗi vì không hay biết gì để có thể giúp đỡ anh ít nhiều.

Trước lúc chia tay anh vui vẻ cho biết hiện nay bắt đầu sưu tập trở lại, nhưng đã chuyển sang compact-disc: “Cho nó hợp thời!”. Tôi như thấy lại ánh mắt cười của nhà sưu tập cuồng si năm xưa trên gương mặt gầy hóp của anh. 
 
*

Hơn 10 năm sau, khoảng cuối năm 2012 tôi lại gặp anh K. lần nữa. Vẫn cái dáng đạp xe nghiêng nghiêng mà nhìn từ xa tôi đã nhận ra ngay. Anh gầy và già đi nhiều. Mái tóc dài bù xù giờ đây đã bạc trắng.

Tôi kéo anh vào quán cà phê nhưng anh từ chối bảo đang vội đi. Anh hỏi thăm tôi gia đình vợ con thế nào, rồi cho biết anh đã bán ngôi nhà cũ lúc trước để về sống chung với gia đình cô em út.

Không muốn nhắc lại chuyện sưu tập đĩa hát, chuyện sách vở mơ mộng ngày xưa, nhưng chẳng hiểu vì sao tôi buột miệng hỏi:

-Dạo anh còn nghe nhạc gì không?

Anh bật cười, nụ cười tươi tắn, sảng khoái, chẳng vương chút hối tiếc buồn rầu nào cả:

-Không!... Thì giờ đâu mà nghe! Mình trông mấy đứa nhỏ cho con em gái. Ngày đưa đón con bé út đi học, tối về kèm cặp thêm cho tụi nó xong là hết ngày. Nhưng mà vui lắm, tụi nhỏ quấn mình kinh khủng...

Anh ghi cho tôi số điện thoại nhà, hẹn khi nào rảnh thì gọi rồi bảo giờ phải đi đón cháu vì sắp tan học rồi. Anh vui vẻ bắt tay tôi rồi quày quả đạp xe đi.

Nắng vàng rực rỡ cuối năm làm nổi bật cái dáng đạp xe nghiêng nghiêng của anh trên đường. Có lẽ thật sự anh không còn cần đến âm nhạc nữa rồi. Trên đường về nhà, tôi nhớ đến bản Violin Sonata ngày xưa anh yêu thích, nhớ tiếng đàn Oistrakh cân bằng và hoàn hảo, nhớ buổi chiều xa xôi trong quá vãng, nhớ vị hoàng đế ngồi chễm chệ trong vương quốc đĩa hát của mình... Giờ đây, vị hoàng đế đó đã rời bỏ cung cấm, rời bỏ quyền lực và toàn bộ những thứ của cải đã bao lâu ông góp nhặt, chiếm hữu, làm nô lệ cho nó, để trở về với tự do, làm thứ dân, làm chàng mục đồng ngày ngày vui cùng thiên nhiên và bầy trẻ nhỏ...
Tháng 1.2015

(1) Igor Stravinsky (1882-1971): Nhà soạn nhạc hiện đại Nga.
(2) Một tác phẩm khí nhạc nổi tiếng của Stravinsky.
(3) Leonard Bernstein (1918-1990): Nhạc trưởng, nhà soạn nhạc hiện đại Mỹ.
(4) Louis Couperin (1727-1789): Nhà soạn nhạc Baroque Pháp.
(5) Tên một số hãng đĩa nổi tiếng thế giới.
(6) David Oistrakh (1908-1974): Vĩ cầm thủ nổi tiếng người Nga.

 
 

Không có nhận xét nào: