Đọc Dương
cầm của Saroyan, đọc cái cách thức chàng Ben trong truyện tiếp cận với âm nhạc. Chỉ
bằng bản năng sơ khai của mình, bằng tình yêu trong trẻo đầy thành kính và
ít nhiều mang tính chất chiêm bái tôn giáo đối với thứ đối tượng mà Ben luôn cảm
thấy mình thấp bé và hèn mọn khi đứng trước nó: đàn dương cầm – như một biểu tượng của nghệ
thuật; không gắng gượng, không mưu cầu, và cũng nhờ vậy, Ben đã vô tình bước
chân vào được ngôi thánh đường của sự sáng tạo mà không hề hay biết. Dù hơi khiên
cưỡng, nhưng Ben bất giác làm tôi nghĩ đến chàng Du Thản Chi của Kim Dung đạt
được công phu thượng thừa Dịch Cân Kinh đầy ngẫu nhĩ… Lại chạnh nghĩ đến đến bao
hành nhân (trong đó có mình) vẫn đang mịt mù đâu đó trên đường hành hương tìm về miền đất
thiêng của nghệ thuật mà nhiều khi đến chết vẫn không tìm được đến nơi.
Là một tác giả
Tây phương nhưng luôn có cái nhìn về cuộc đời như một nhà hiền triết Đông
phương, thâm cảm về lẽ hư phù của cuộc sống và cho rằng con người chẳng qua chỉ
là những khách bộ hành tình cờ đi ngang qua trái đất quạnh hiu này, "chúng
ta đến, chúng ta nô đùa qua lại, và chúng ta bị quên lãng!" - Nhà thơ, dịch
giả Huy Tưởng từng có lần viết về William Saroyan như vậy. Dấu bên dưới vẻ trào lộng, đầy chất
humour, thế giới của Saroyan là một thế giới khắc khoải, nhuốm u buồn nhưng
nhân bản và bàng bạc niềm trắc ẩn.
Dưới đây là truyện
ngắn Dương cầm của Saroyan qua giọng dịch cũng của Huy Tưởng. (TTS)
Dương
cầm
Tôi vẫn luôn
luôn coi dương cầm là một trong những kiến trúc vật vĩ đại nhất do con người tạo
ra, cho dù không cần phải biết đến những công năng và tác dụng của nó ra làm
sao. Ở đời, ai mà chả có những khát vọng không bao giờ được thoả, một trong những
ham muốn cháy bỏng huyết quản tôi là, có thể ngồi chững chạc trước dương cầm và
chơi thứ âm nhạc lừng lẫy - do chính mình sáng tạo ra. Và thế nên, tôi đành ôm
giấc mộng không thành ấy cho hết cuộc lữ này. Nhưng chỉ nhác thấy hình bóng một
chiếc dương cầm thôi, cũng đủ làm tim tôi thắt lại vì cảm khái và sung sướng
vô ngần.
Tôi có biết một
tay dương cầm đại hoà tấu tí hon tên là de Pachma, trông cậu ta ngộ nghĩnh và
sáng láng lạ thường, cậu thường nói chuyện với thính chúng về âm nhạc mà cậu ta
đang diễn tấu. Ôi sao mà hùng tâm kiệt liệt quá thể. Trước nay, tôi vẫn hằng
ngưỡng phục một cách đặc biệt cái tầm ảnh hưởng của dương cầm đối với nhân loại.
Bất cứ nơi nào
tôi đến ở, dù trong thời gian ngắn, tôi cũng cố xoay sở, tậu cho được một chiếc
dương cầm dù chỉ để mà ngắm nghía cho mãn nguyện.
Và tôi cũng nuôi
ý định viết một vở nhạc kịch có tên là Dương Cầm, vì chỉ có cách đó, tôi mới có
dịp tỏ bày tấm lòng ái mộ và ngưỡng vọng của mình đối với một phẩm vật tuyệt vời
do con người tạo ra này.
Mỗi lần trông thấy
một chiếc dương cầm là anh xúc động lắm, Ben nói.
Thế à? Emma nói,
Tại sao vậy?
Ben nói, Anh
cũng không biết nữa. Ta vào tiệm này và thử cái đàn nhỏ trong góc kia nhé?
Emma nói, Anh có
biết đàn không?
Ben nói, Nếu làm
như anh mà được gọi là đàn.
Anh làm gì chứ?
Rồi em sẽ thấy,
Ben nói.
Họ đi vào tiệm,
bước dần đến chiếc dương cầm nhỏ để trong góc. Emma thấy chàng mỉm cười, rạng
lên một thứ ánh sáng. Nàng đâm ra phân vân, chẳng biết mình có hiểu gì về chàng
không. Có những lúc nàng thấy mình hiểu hết, rồi bỗng chốc lại thấy rằng không,
không hiểu một chút nào.
Chàng đứng im sững
trước dương cầm, nhìn thiết tha và kính cẩn như trước một linh vật. Điều nàng
tưởng tượng là có thể chàng đã từng nghe diễn tấu dương cầm tuyệt luân đâu đó,
và chàng mê đắm loại âm nhạc này, sau đó mỗi lần trông thấy một phím đàn hay
hình dáng một chiếc dương cầm thì chàng hồi nhớ lại âm nhạc, và tưởng mình có
những hệ luỵ gì với nó.
Anh biết đàn chứ?
nàng hỏi.
Ben nhìn quanh.
Những người bán hàng có vẻ bận rộn lắm.
Anh không biết
đàn, Ben nói.
Nàng thấy đôi
tay anh lướt nhẹ trên những phím đen trắng như một dương cầm thủ thực sự, và
nhuốm đầy vẻ lạ thường đến khiến phải hoang mang. Nàng cảm thấy rằng, phải lâu
lắm chàng mới tìm ra chính con người của mình, tận những đáy tầng sâu thẳm của
tâm hồn. Lẽ ra chàng phải là một người biết chơi đàn dương cầm.
Ben đàn sẽ một
vài hợp âm.
Không ai đến để
cố bán cho chàng cái gì, nên vẫn trong tư thế đứng, chàng bắt đầu làm cái việc
mà chàng đã bảo không phải là đàn.
Nàng lắng nghe
và biết là tuyệt lắm.
Chàng đàn trong
nửa phút, đoạn nhìn nàng nói, Nghe cũng được đấy nhỉ?
Em cho là tuyệt
vời, Emma nói.
Anh không muốn
là chính anh đàn, Ben nói. Anh muốn nói về chiếc dương cầm, chính là dương cầm
. Âm thanh của nó thật hay, nhất là một chiếc nhỏ nhắn như thế này.
Một người bán
hàng, tuổi trung niên, đến và nói, Xin chào ông bà.
Chào ông , Ben
nói, Chiếc đàn này lịch sự quá.
Người bán hàng
nói, Đây là loại nhạc khí rất được ưa chuộng. Chưng nó trong phòng trông xinh tệ.
Chúng tôi bán loại này được lắm.
Ben hỏi, Giá bao
nhiêu vậy?
Người bán hàng
nói, hai trăm bốn mươi chín đô rưỡi, dĩ nhiên ông có thể trả góp được mà.
Ben hỏi, Chứ họ
làm đàn này ở đâu vậy?
Người bán hàng
đáp, Tôi cũng không chắc lắm. Đâu ở Philadelphia thì phải. Tôi có thể...
Ồ, xin đừng bận
tâm, Ben nói, Ông đàn được chứ?
Người bán hàng
đáp, Không, tôi chả biết.
Nhận thấy Ben muốn
thử đàn thêm lần nữa, nên ông ta nói, Cứ tự nhiên thử đàn nữa đi.
Ben nói, Tôi đâu
có đàn.
Người bán hàng mở
lớn mắt nói, Chính tôi nghe ông đàn mà.
Ben nói, vậy mà
đàn điếc gì. Tôi không biết đọc lấy một nốt.
Thế mà tôi nghe
hay quá, người bán hàng nói.
Tôi cũng vậy,
Emma nói. Nếu mua, phải trả lần đầu bao nhiêu ạ?
Người bán hàng
nói, Ồ, bốn hay năm mươi đô gì đó. Ông ta nói tiếp, Đàn nữa đi, tôi thích nghe
ông bạn đàn quá.
Ben nói, Nếu đây
là đúng chỗ, tôi có thể ngồi hàng giờ với dương cầm.
Người bán hàng
nói, Cứ đàn thoải mái, có ai nói gì đâu.
Người bán hàng đẩy
chiếc ghế đến, Ben ngồi xuống và bắt đầu làm công việc mà chàng bảo không phải
là đàn. Chàng ấn nhẹ lên phím để làm quen, khoảng mười lăm hai mươi giây, rồi
như chợt thấy một cái gì tựa một khúc điệu và dừng lại với nó trong hai phút.
Trước khi chấm dứt, âm nhạc bỗng trở nên tịch nhiên và buồn bã, và Ben càng đâm
ra ưa thích chiếc dương cầm hơn. Trong khi để khúc nhạc nảy nở, chàng nói chuyện
với người bán hàng về dương cầm. Đoạn chàng ngưng đàn và đứng dậy.
Cám ơn, chàng
nói, ước gì tôi mua được nó.
Người bán hàng
nói, Có gì đâu.
Ben và Emma ra
khỏi tiệm.
Khi thả bộ ngoài
đường, Emma nói, Em không hiểu gì cả Ben ạ.
Ben hỏi, Hiểu
cái gì chứ?
Hiểu anh.
Cái gì về anh?
Emma nói, Sao
anh lại nói vậy?
Ben nói, Bây giờ
là giờ anh ăn trưa. Buổi chiều chính là lúc anh thích nghĩ có một chiếc dương cầm.
Họ vào một quán
ăn nhỏ, ngồi nơi quầy, gọi săng uých và cà phê.
Emma vẫn đeo đuổi
ý nghĩ của mình, nói, Anh học đàn ở đâu vậy?
Ben nói, Anh
chưa từng theo học gì cả. Nhưng bất chứ đâu, hễ thấy một chiếc dương cầm là anh
đến thử ngay. Anh có thói quen như vậy từ nhỏ. Nghèo, không tiền nên đành phải
thế.
Chàng nhìn nàng
và mỉm cười. Cười rạng như lúc đứng trước dương cầm và nhìn xuống các phím trắng
đen. Emma cảm thấy một niềm vui thích tràn lên.
Ben nói, Tiền bạc
không thể ngăn cách một người với những cái mà hắn cho là hắn đương nhiên nên
có.
Emma nói, Em
cũng cho là vậy.
Ben nói, như thể
cũng là một điều hay, nhưng rồi...
Chàng lại nhìn
nàng lần nữa, cũng cái nhìn đó, và nàng mỉm cười đáp lại cái rạng ngời từ chàng
rọi tới.
Nàng hiểu lắm,
như dương cầm, chàng có thể ở cạnh nàng hàng giờ. Một niềm phấn khích lại trào
dâng.
Họ rời tiệm ăn,
đi bộ qua hai dãy phố, đến The Emporium, nơi làm việc của chàng.
Chàng nói, Thôi
chào, em cưng.
Emma đáp, Chào
Ben.
Chàng tiếp tục
đi dọc xuống đường, còn nàng thì vào tiệm. Nàng biết lắm, dù gì chăng nữa, một
ngày nào đó chàng cũng sẽ có một chiếc dương cầm, và những gì khác hằng ấp ủ.
Ảnh: Piano Chair
(Robin Rhode)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét