Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Biếm họa về tự do

 
Hegel từng cho rằng lịch sử của thế giới chính là tiến trình của ý thức tự do. Không thể không nhận thấy rằng cái tiến trình của ý thức tự do mà Hegel nói đó, đã được viết nên bằng máu và bằng nước mắt của hằng hà sa số những thế hệ nhân loại. Nói chuyện tự do là nói đến một vấn đề quá lớn, nói đến cái giấc mộng thường xuyên, thường trực và thường hằng đeo đuổi, cuốn hút và ám ảnh trí óc con người. Tôi đã tự hứa với mình là sẽ không bao giờ đề cập đến những vấn đề “to bự” ngoài tầm với của kiến thức và trí lực mình. Thế nhưng, đọc được mấy truyện cực ngắn nhưng lại cực hay của Osama Alomar – một nhà văn người Syria – trên mạng, “cầm lòng không đậu” xin được đăng lại ở đây hai mẩu, như là hai biếm họa thật độc đáo và cũng đầy cay đắng về hai chữ tự do. (TTS) 
 
 
Tự do biểu đạt
 
Chính phủ đã ban hành một nghị định đảm bảo công dân có quyền tự do biểu đạt trên gương mặt. Đây được coi là một bước tiến lớn, đặc biệt là khi nhiều nước đã cấm hình thức biểu đạt này hoàn toàn. Hàng triệu người dân đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình lớn để ủng hộ cho chiến thắng vĩ đại và chưa từng có cho nền dân chủ. Họ cười rạng rỡ trong lúc diễu hành, gương mặt họ những mặt nạ lố bịch của niềm hân hoan.
 
Vô giá
 
Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng được dẫn đến nơi tôi có thể thấy Tự do. Nàng được trưng bày trong một viện bảo tàng với hàng rào thép gai bao quanh và hàng ngàn người vũ khí đầy mình canh gác. Trông nàng buồn và suy sụp. Khi tôi hỏi một người lính canh lý do nàng ở đấy, ông lôi tay tôi đi và thì thầm vào tai tôi: “Nàng là vô giá!”.
Osama Alomar
(Nguyễn Huy Hoàng, dịch)
 
 
Osama Alomar (1968–), hiện sống tại Chicago, là nhà văn người Syria và tác giả của ba tập truyện ngắn và một tập thơ bằng tiếng Ả Rập. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Anh và được đăng trên NOON, Gigantic, The Coffin Factory, Electric Literature, và The Literary Review.
 
Ảnh: Nancy Rourke's Painting
 


Không có nhận xét nào: