Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Thế giới này mới kỳ diệu làm sao!

 
Mùa hè năm 1990, một người bạn ghé tặng tôi mấy đĩa hát mà cô ấy mua được ở một tiệm sách cũ: Louis Armstrong, Nat King Cole, Billie Holiday, Ella Fitzgerald… Tôi ít nghe jazz và chẳng mấy rành rẽ về loại nhạc này. Thế nhưng, nhờ mớ đĩa đó, lần đầu tiên tôi được nghe giọng ca khàn đặc, lè nhè đặc trưng của nghệ sỹ jazz huyền thoại Louis Amstrong trong một ca khúc… chẳng liên quan gì đến Jazz: What a Wonderful World”!
 
Có những bài hát mau chóng hấp dẫn ta ngay từ lần nghe đầu tiên nhưng cùng với thời gian lại mau chóng phai nhạt đi trong ta. Lại có những ca khúc thoạt nghe rất kỳ dị chối tai, nhưng nếu có dịp hoặc chịu khó nghe thêm một đôi lần nữa, ta sẽ tìm thấy những nét đẹp lạ thường ẩn dấu đằng sau vẻ xù xì gai góc của nó. What a Wonderful World” không vậy. Ngọt ngào, dung dị nhưng lấp lánh một thứ ánh sáng diệu kỳ ngay từ nét nhạc mở đầu, bài hát đi thẳng vào trái tim ta (và sẽ mãi mãi ở lại đó) bằng sự chân thành nhất mà ngôn ngữ âm nhạc cũng như tiếng nói của con người có thể biểu lộ để một tâm hồn có thể đi đến với một tâm hồn.
 
I see trees of green, red roses too
I see them bloom for me and for you
And I think to myself: What a wonderful world!
 
I see skies of blue, clouds of white
Bright blessed days, dark sacred nights
And I think to myself: What a wonderful world!...
 
Tạm dịch:
 
Tôi thấy màu xanh của cây và màu đỏ của hoa hồng
Tôi thấy chúng nở cho tôi và cho bạn
Và tôi nhủ lòng: Thế giới này mới kỳ diệu làm sao!
 
Tôi thấy trời xanh và mây trắng bay
Ngày tỏa rạng ngời và đêm huyền hoặc
Và tôi nhủ lòng: Thế giới này mới kỳ diệu làm sao!…
 
Ra đời trong bối cảnh nước Mỹ đang căng thẳng tột độ bởi những cuộc xung đột vì phong trào đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc mà đỉnh điểm là vụ bạo động giữa cảnh sát với những người biểu tình trong ngày Chủ nhật đẫm máu (3.1965), sự xuất hiện và bắt đầu lan rộng của phong trào phản chiến khi ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ phải bỏ mình trong cuộc chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam - một đất nước xa lạ cách xa Mỹ tới nửa vòng trái đất, ca khúc “What a wonderful world” do hai nhạc sĩ Bob Thiele và George David Weiss sáng tác như một thông điệp nhằm thể hiện tinh thần hòa giải và niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, không còn hằn thù, không còn phân biệt màu da, không còn khói súng, không còn những người phải chết trẻ vì chiến tranh loạn lạc…
 
The colors of the rainbow so pretty in the sky
Are also on the faces of people going by
I see friends shaking hands, saying: How do you do?
They’re really saying: I love you
 
I hear babies cry. I watch them grow
They’ll learn much more than I’ll never know
And I think to myself: What a wonderful world!
 
Tạm dịch:
 
Màu sắc cầu vồng lộng lẫy ngang trời
Cũng rạng rỡ như gương mặt những người qua lại
Tôi thấy bạn bè chào bắt tay nhau thăm hỏi
Như muốn nói với nhau: Tôi yêu bạn xiết bao!
 
Tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc rồi nhìn thấy chúng lớn lên
Chúng sẽ học được nhiều hơn những gì mà tôi từng được biết
Và tôi nhủ lòng: Thế giới này mới kỳ diệu làm sao!
 
“What a Wonderful World!” khởi thủy không được sáng tác cho Louis Amstrong mà dành cho ca sĩ da trắng đang được yêu thích Tony Bennett. Thế nhưng chẳng rõ vì lý do gì Bennett đã từ chối thu âm bài hát, và Louis Amstrong – lão ca sĩ già gần 67 tuổi – đã được chọn mời thay thế và trở thành người đầu tiên hát ca khúc này vào năm 1967. Dù là một nghệ sĩ Jazz tài danh đã nổi tiếng từ những năm 1920-1930, nhưng đến thập niên 1960, thập niên thống trị của rock‘n roll, các nghệ sỹ Jazz ít nhiều bắt đầu gặp khó khăn và chính bản thân Amstrong cũng phải tự thay đổi dòng nhạc của mình để tìm thính giả. “What a Wonderful World” đã đưa Louis Amstrong từ một huyền thoại trong khung trời hẹp của Jazz trở thành một nghệ sỹ vĩ đại của quảng đại quần chúng. Tuy vì một số lý do khác nhau, bài hát ban đầu chưa thu được thành công tại Mỹ do chỉ được phát hành với con số khá khiêm tốn: 1.000 đĩa. Tháng 4.1968, hãng EMI đã phát hành đĩa đơn này tại Anh và đạt thắng lợi tuyệt đối. “What a Wonderful World” trở thành bài hát bán chạy nhất trong năm, được yêu thích nhất trong năm và giúp Amstrong lập kỷ lục trở thành nghệ sĩ lớn tuổi nhất có bài hát quán quân tại bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh. Ca khúc này sau đó đã lan tỏa khắp thế giới. Năm 1988, ca khúc được đạo diễn Barry Levinson sử dụng trong bộ phim nổi tiếng Good Morning Vietnam, đồng thời cũng là nhạc nền cho nhiều bộ phim truyền hình ăn khách khác (*).
 
Ngày nay, “What a Wonderful World” đã trở thành một ca khúc kinh điển được nhiều nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ trên thế giới đưa vào chương trình biểu diễn hay nhạc mục của mình, nhưng có lẽ, với riêng tôi, bản thu âm của Louis Amstrong mãi mãi là tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất. Amstrong đã tạo cho “What a Wonderful World” một sức mạnh kỳ lạ. Nơi giọng hát khàn đặc ấy chất chứa bao nỗi niềm. Nó chứa sự mất mát, nó chứa sự đau buồn, nó cũng chứa cả sự khoan dung và độ lượng. Giọng hát đó là của một người đã trải qua tất cả những thăng trầm dâu bể của cuộc đời, đủ để hiểu và nhận thức sâu sắc về những vinh quang cũng như nhục nhã của kiếp người. Thế nên “What a Wonderful World” đã được Amstrong hát bằng tất cả sự thiết tha nồng ấm của tình yêu, của hy vọng, mà trên tất cả là sự thấu hiểu!
 
Đôi lúc những đa đoan phản trắc của cuộc đời làm tôi phiền muộn, ngã lòng, tôi thường tìm đến với “What a wonderful world”. Đặt chiếc đĩa cũ vào máy hát, nghe ông già Amstrong lè nhè hát về cây xanh hoa đỏ, về bầu trời và mây trắng bay, về một thế giới không hận thù nơi mọi người là bè bạn, gặp nhau bắt tay và ngỏ lời yêu thương… tôi như được an ủi, được cảm thông, được chia sẻ. Sức mạnh kỳ lạ của bài hát qua giọng ca Louis Amstrong có lẽ cũng ở điều đó. Tôi nghĩ như vậy!
Trần Thanh Sơn (6.2016)



Note: Cũng trong năm 1967, Nhạc sĩ Phạm Duy có một ca khúc rất hay dựa trên ý thơ của Lệ Lan đặt tên là “Tôi đang mơ giấc mộng dài”. Niềm yêu cuộc sống mãnh liệt trong ca khúc này thường làm tôi nghĩ đến What a Wonderful World”. Rất gần gũi giữa “I see trees of green, red roses too. I see them bloom for me and for you…” với “Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành trôi xuống thân mình, tôi đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn…”... Phải chăng trong cùng những cảnh ngộ khắc nghiệt của cuộc sống, mà đặc biệt là cùng chung ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam đã dẫn đến những nét tương đồng trong tư tưởng và xúc cảm của hai tác phẩm?
  


 
 

Không có nhận xét nào: