Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Tạ ơn các ngươi, hỡi những cuốn sách!

 
Ghé tiệm sách cũ thơ thẩn chọn được cho mình hai cuốn ngày xưa đã từng đọc qua, một của Tuệ Sỹ - “Tô Đông Pha - Những phương trời viễn mộng” và một của Dương Nghiễm Mậu - “Cũng đành”. Mua ở tiệm sách cũ, nhưng cả hai đều là sách mới được phép tái bản trở lại gần đây: 2007 và 2008. Cầm hai cuốn sách trên tay bất giác có cảm giác như cầm hai dúm tro tàn từ quá khứ mịt mùng với bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn. Nói cầm hai dúm tro tàn là trên cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen vì chúng thực sự là hai dúm tro còn sót lại từ những cuộc “phần thư” (1) đầy cực đoan những năm sau chiến tranh dưới danh nghĩa “bài trừ văn hóa thực dân mới”, và nghĩa bóng trong suy nghĩ từ những dúm tro này sẽ hồi sinh trở lại những cánh phụng hoàng thực sự của giá trị văn hóa vĩnh cửu, vượt lên trên những thiên kiến chính trị nhất thời…

Tôi thích đọc từ bé và có nhiều kỷ niệm khó quên với sách. Từ cuốn truyện tranh đầu tiên mẹ mua cho thời còn tập đánh vần đến cuốn sách đầu tiên tôi tự mua cho mình bằng tiền nhịn quà sáng thời tiểu học. Từ những cuốn sách văn chương đủ loại trong tủ sách của gia đình tôi trước 1975 đến sách mượn bạn bè, sách của thư viện trường trung học, sách từ câu chuyện mà tôi sẽ kể sau đây và những cuốn sách in luôm nhuôm chữ được chữ mất trên thứ giấy tái chế hạng bét vàng xỉn thời bao cấp… Biết bao nhiêu là sách mà tôi đã được đọc, được đi cùng với chúng trong cuộc đời mình. Nếu nói theo kiểu Francisco de Quevedo (2), đọc sách là thực hiện những “cuộc chuyện trò với người đã khuất”, cuộc đời tôi đã được hầu chuyện, được đối thoại và tâm tình với không biết bao nhiêu những thế hệ nhân loại!

Thuở bé, dù trong nhà đã có sẵn một tủ sách khá lớn, nhưng số sách này đến năm cuối của bậc tiểu học đã bị tôi ngốn sạch. Tôi đọc ngấu nghiến bất cứ cuốn sách nào đến tay mình bất kể nó là thứ sách gì, từ truyện trinh thám phiêu lưu mạo hiểm đầy hấp dẫn đến cả những tiểu thuyết triết lý cao siêu không dành cho một thằng nhóc ở lứa tuổi như tôi. Tôi nhớ rằng mình luôn thấy đói sách vì số sách mua mới của gia đình tôi hàng tháng chẳng thấm vào đâu với sức đọc của tôi. Ngày ấy, sách là một thứ sản phẩm đầy xa xỉ và nhà sách luôn là một địa điểm đầy quyến rũ đối với tôi. Đi học về, ngang qua một nhà sách, dù rỗng túi nhưng thể nào tôi cũng lượn vào lượn ra mấy vòng ngắm nghía những cuốn sách còn thơm phức mùi giấy mới, ngắm nghía trang bìa và suýt xoa đọc tên các cuốn sách trưng bày một cách thèm khát. Thư viện thành phố thì rõ là một thiên đường hạ giới! Tôi thường ghé qua đấy đứng ngấp nghé ngoài cửa nhìn vào phòng đọc với những giá sách đầy ắp và ước sao mình mau lớn để có thể bước vào cái chốn diệu kỳ này… Tôi còn nhớ một lần, lựa lúc không ai chú ý, tôi lẻn vào chỗ đặt tủ chứa thẻ thư mục và say mê đọc các phiếu tựa sách trong những ngăn kéo nhỏ được sắp xếp theo vần chữ cái. Chỉ vậy thôi mà tôi có thể say sưa đứng xem cả tiếng đồng hồ cho đến khi bị bảo vệ phát hiện và đuổi ra!...

Tháng 3.1975, chiến sự bùng lên ác liệt. Thành phố tràn ngập người chạy loạn từ phía bên kia đèo Hải Vân đổ vào. Trường học phải đóng cửa dành chỗ cho đồng bào tản cư. Công viên thành phố cũng đầy dân chạy loạn vào chiếm ngự. Râm ran tin đồn thành phố sẽ mất vào tay quân giải phóng chỉ trong nay mai, và sẽ có thanh trừng, “tắm máu”. Mẹ tôi lo lắng mang những thứ giấy tờ, hình ảnh được cho là “tế nhị” ra đốt. Mấy bức ảnh cậu tôi chụp trong trang phục phi công đứng cạnh chiếc Skyraider trong album gia đình cũng bị lột bỏ! Mẹ bảo tôi ôm sách đi vất, tôi khăng khăng không chịu, mẹ khóc lóc: “Cái mạng không lo sao đi lo ôm khư khư mấy cuốn sách hả trời!”.
 
Từ ngày 27.3 thành phố như thể không thuộc về ai nữa cả. Cả chục sắc quân thất trận từ khắp các chiến trường rút về. Chính quyền tan rã. Hỗn loạn, cướp bóc và súng nổ khắp nơi. Sau những đợt pháo kích dữ dội của quân giải phóng vào bến cảng và các căn cứ quân sự, dân chúng xông vào phá kho quân tiếp vụ cướp gạo, đường sữa và nhu yếu phẩm… Trưa ngày 28.3, quân xưởng lớn gần nhà tôi cũng bị dân địa phương xông vào cướp phá, hôi của. Người ta lấy đi tất cả những thứ gì có thể lấy được, từ những thùng khí cụ còn nguyên đai nguyên kiện cho đến bàn ghế, tủ kệ, máy móc linh tinh… Với tính tò mò của một thằng nhóc, tôi cũng theo chân mọi người, nhưng chủ yếu là để xem họ lũ lượt khệ nệ khênh vác những thứ cướp được về nhà. Người thì tay ôm chiếc đèn bàn vai vác ghế tựa, kẻ thì tay này quạt máy tay kia lại một thùng lỉnh kỉnh những vật dụng gì chẳng rõ. Lại có người lệt bệt kéo một chiếc kệ rõ to bằng chiếc xe kéo hàng, chiếc kệ hết nghiêng bên này tới nghiêng bên khác như muốn đổ nhào xuống đường… Nhưng cũng có những thanh niên không lấy gì cả, họ chỉ đi loanh quanh và… đập phá, đập phá hả hê, như muốn tận hưởng những thời khắc vô chính phủ hiếm hoi trong đời. Tôi thấy hàng chục kho phụ tùng máy móc bị xáo tung ném bừa bãi trên sàn, những thùng bóng đèn cao áp bị đập vỡ vụn, những dãy kệ sắt dài đựng đồ quân nhu bị lục tung bị xô đổ, những phòng làm việc hồ sơ giấy tờ vất đầy trên sàn… Và thật bất ngờ, tôi thấy sách!
 
Như lông ngỗng của Mỵ Châu ngày vong quốc, những cuốn sách mới tinh bị ném tung tóe phơi bụng trắng lóa dưới nắng tạo thành một vệt dài trên cỏ. Tôi đi theo vệt-lông-ngỗng đó: Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Koestler, Hà Huyền Chi, Sartre, Solzhenitsyn, Võ Phiến, tạp chí Tiền Phong, Mũ Đỏ, Khởi Hành… dẫn tôi đến một khu nhà nằm biệt lập ở cuối con đường nhỏ nằm trong khu doanh trại. Từ cánh cửa lớn của khu nhà, sách từ đó đổ tràn, chảy trào ra đến tận những bậc thang dẫn lên thềm nhà. Trời ạ, đây là thư viện của doanh trại!
 
Tôi bước lên thềm cố tránh để không đạp lên sách, nhưng không thể được. Sách tràn ngập khắp nơi. Bên trong phòng, sách đổ tràn lên tới đầu gối. Những kẻ nào đó muốn cướp đi những chiếc kệ dài được đóng rất đẹp của thư viện nên đã đổ đại sách xuống sàn để dễ dàng khiêng kệ đi. Nhìn biển sách, tim tôi đập loạn. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy sách nhiều đến thế và cũng chưa bao giờ tôi nhìn thấy sách bị người ta xem thường, dẫm đạp và vất bỏ không thương tiếc đến như thế! Ôm mớ sách khi nãy nhặt được rải rác trên đường, tôi đứng sững người trên biển sách. Rồi bất giác, như người lên đồng, tôi hối hả chạy ra ngoài và tìm được cho mình một chiếc xe kéo ở kho quân nhu gần đó. Phải cứu lấy đống sách này! Tôi quày quả quay trở lại nhặt sách chất lên xe, không chọn lựa, bất kể đó là sách gì. Hòa trong dòng người đi-hôi-của, tôi đẩy chiếc xe kéo chất đầy sách lên đến tận ngọn về nhà trong cái nhìn kinh dị của mọi người. Nhiều người còn đập vai nhau chỉ chỏ thằng nhóc điên là tôi, ôm về nhà những thứ hiện tại người ta đang ra sức vất bằng hết ra đường.
 
Cho đến xế chiều, xuyên qua những lời khóc lóc mắng mỏ của mẹ tôi, xuyên qua cả cơn mưa rào mù mịt vào buổi trưa, tôi không nhớ nổi bằng sức lực của một thằng nhóc mới 12 tuổi, mình đã đẩy được bao nhiêu chuyến xe đầy ắp sách như vậy. Chỉ biết khi dừng lại vì kiệt sức, số sách tôi mang về đổ trong phòng mình đã ngập đến trên thắt lưng. Đóng cửa phòng lại, để nguyên quần áo nhớp nháp mồ hôi như vậy, tôi leo lên đống sách được vun thành ngọn đó nằm xuống và sung sướng ngủ thiếp đi. Không hề biết đến những bước chân nặng nề hung tợn của thần chiến tranh đang bước vào thành phố, không hề biết đến những trận pháo kích ghê hồn đang dập xuống đầu những người di tản hoảng loạn trên các cảng biển, không hề biết đến những đứa trẻ chạy loạn lạc mất cha mẹ đang kêu khóc lạc giọng, không hề biết đến những xác người tan nát của cả đôi bên, và không hề biết rằng thành phố đã chính thức đổi chủ!
 
“Cái mạng không lo sao đi lo ôm khư khư mấy cuốn sách hả trời!” – câu mắng mỏ của mẹ tôi là một tiên liệu khá xác đáng. Gần 1.500 cuốn sách tôi tha ngoài đường về cộng với số sách sẵn có trong tủ sách gia đình khiến số “văn hóa phẩm đồi trụy, phản động” tàng trữ trong nhà tôi tăng lên ở cấp báo động đỏ! Sài Gòn giải phóng. Cuộc chiến tranh đẫm máu 20 năm kết thúc. Khoảng tháng 5, một chiều tan ca từ bệnh viện về mẹ tôi bảo vừa có thông báo mọi gia đình phải mang sách báo, văn hóa phẩm “đồi trụy, phản động” của chế độ cũ ra nộp cho chính quyền cách mạng để thiêu hủy, sẽ có đội thanh niên cờ đỏ đi kiểm tra và thu gom. Tôi buồn thít. Mặc dù lờ mờ nhận ra sự nguy hiểm khi tha đến chừng ấy sách về nhà, tôi đã cẩn trọng xếp gọn và cất dấu chúng ở rất nhiều nơi, mấy thùng các-tông trong nhà kho chứa vật dụng linh tinh, mấy thùng dưới gầm cầu thang, mấy thùng trong garare cũ của bố tôi (mà trong những ngày chiến tranh ác liệt, gia đình tôi đã thuê người xếp bao cát biến nó thành một cái hầm trú ẩn khi có pháo kích), rồi các gầm giường trong nhà, mỗi nơi tôi dấu một ít! Thế nhưng trên kệ sách nhà tôi vẫn còn một đống! Để đối phó, tôi lén mẹ đào trong khu vườn rộng sau nhà mấy chiếc hố lớn được che chắn kỹ bằng ván thông và poncho để dấu mấy thùng sách quý giá của mình (một hành động ngây thơ ngu xuẩn trong thời buổi nhiễu nhương dễ bị quy chụp đó!), rồi chọn sẵn ra một mớ sách mà tôi đã đọc và không mấy thích để giao nộp cho đội cờ đỏ mang đi đốt hủy. May mắn thay, anh đội phó đội cờ đỏ đến nhà lại là người quen biết cũ nên đã không diễn ra cuộc khám xét nào cả, tất cả trót lọt!
 
Những cuốn sách mà tôi dấu được khỏi cuộc “phần thư” kỳ quái đó đã giúp tôi vượt qua được những mùa đông hậu chiến dài thẳm thẳm với đói rét, thiếu thốn, ghẻ lạnh và nghi kỵ… Như nhà thơ Francisco de Quevedo đã viết: “Cùng với một số cuốn sách, ít thôi nhưng đầy uyên áo, tôi thu tôi vào sự yên bình của hoang mạc này, sống trong cuộc chuyện trò với những người đã khuất và lắng nghe họ nói bằng đôi mắt của tôi”, trong vương quốc tưởng tượng vô biên của những cuốn sách, tôi nhận được những lời thầm thì khuyên bảo, những niềm ủi an từ bao thế hệ nhân loại - cũng từng khổ đau tuyệt vọng giống như tôi và thế hệ tôi, và cũng từ đó, vươn lên vượt lên bằng niềm tin và bằng hy vọng chói lóa. Tạ ơn các ngươi, hỡi những cuốn sách! @
Trần Thanh Sơn (7.2016)
 

(1) Phần thư khanh nho (Đốt sách chôn nho): Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, thừa tướng của ông là Lý Tư đã đề nghị Thủy Hoàng dập tắt tự do ngôn luận để thống nhất các chính kiến và tư tưởng bằng cách đốt hết sách và chôn sống các nhà nho hoặc thông thái có tư tưởng khác với mình.
(2) Francisco Gomez de Quevedo y Santibanez Villegas (1580-1645): Nhà quý tộc người Tây Ban Nha, là chính trị gia và là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thời kỳ Baroque.


Ảnh: Terracotta Book Sculptures Tell Deep Stories with Faces (Paola Grizi)
 

Không có nhận xét nào: