Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Những lời nói...

 
 
Chúng ta chết tương ứng với những lời nói chúng ta ném ra chung quanh mình. Nếu quả như Cioran nói, mỗi ngày ta sẽ phải thấy thế giới quanh ta người ta la liệt chết. Trên các mặt báo, các kênh truyền hình, những diễn đàn, trong các cuốn sách đầy thời thượng, nơi ta làm việc, nơi ta sống – sẽ đầy dẫy người chết. Người chết một phần, người chết đến quá nửa, và không ít kẻ chỉ còn là những-xác-sống, những walking-dead theo kiểu diễn tả của Hollywood…
 
Có lẽ chưa có bao giờ sự trí trá đến trân tráo trong phát ngôn của nhân-loại-quanh-tôi lại có thể xuất hiện nhiều đến vậy, thản nhiên đến vậy và chẳng chút xấu hổ đến vậy! Sự vắng mặt đến đáng ngại lòng tự trọng trong hàng đống những phát ngôn được ném ra tung tóe hàng ngày của các đại-nhân-vật trong đời sống xã hội đôi khi làm tôi kinh ngạc đến sững sờ. Bằng từng đó ngôn từ, hôm nay người ta ném ra để ngợi ca và đạp đổ, rồi cũng bằng chính từng đó ngôn từ, hôm sau lại được người ta đem ra để đạp đổ và ngợi ca. Ngôn từ được ngụy trang và khoác lên mình đủ mọi sắc áo tùy theo mục đích mà người ta muốn đạt được, bất kể thủ đoạn. Người ta dùng nó để leo lên, để trải thảm, để dọn đường, để phát quang, để vùi lấp, để phi tang… Và điều đáng ghê sợ không phải là cái chết của nạn nhân hay của chính chủ nhân những ngôn từ ấy (theo suy nghĩ kiểu Cioran), mà là cái chết của sự thật, của niềm tin vào sự tồn tại của sự thật (Hãy tin những người đang tìm kiếm sự thật, nhưng hãy nghi ngờ những ai tìm thấy nó - André Gide).
 
Tôi có một người bạn. Anh bảo từ khi anh cắt được mình hoàn toàn khỏi “bầu hắc khí của truyền thông đại chúng”, không báo chí không truyền hình, anh thấy lòng mình thanh thoảng và nhẹ nhàng đi, ít nhất là như vậy. Tôi không làm được điều đó và cũng không tin vào liệu pháp đà điểu của anh, vẫn tiếp tục lặn hụp bơi trong dòng sông ngầu đục của đời sống đầy những dối trá thị phi, thế nên vẫn cứ phải tiếp tục “kinh ngạc đến sững sờ” về khả năng vô sỉ không bờ bến của nhân loại quanh mình. Khi sự chán ngán lên đến tận cổ, thi thoảng tôi cố thử nhìn và tìm trong ánh mắt, trên gương mặt những kẻ đang không ngừng ném ra chung quanh những lời-vàng-ngọc này nọ những dấu hiệu nào đó của sự thật, hay ít ra những dấu hiệu chứng tỏ họ thật tin vào những gì mình đang nói. Niềm tin hay chỉ là ngụy tín? Thế nhưng bất khả, chẳng thể tìm thấy điều gì trên những gương mặt sáp ấy! Một xã hội mà những lời trá ngụy bất chính chiếm ưu thắng, xã hội đó đang chênh vênh bên bờ vực thẳm. Và than ôi, một tà thuyết khi vượt các tà thuyết khác sẽ trở thành lương tri (George Orwell), viễn cảnh đó mới chính là điều hung hiểm và đáng báo động nhất!
 
Sáng nay có con chim đến líu lo trên cành hoa đỏ trước sân nhà tôi, khúc hát vô sở cầu. Tiếng chim hót lấp lánh như nắng sáng giữa cõi mây mù chập chùng của lòng tôi. Chim ơi, mi có sẽ chết tương ứng với những lời hót mi đang ném vào không trung hay không?
Trần Thanh Sơn (10.2016)
 
Ảnh: Untitled (Bartosz Beda)
 


Không có nhận xét nào: