Tuổi thơ tôi lớn lên cùng chiến tranh, cùng cái âm quyển bàng bạc những câu hát buồn bã đầy những hình ảnh tan nát về chiến cuộc của ông qua giọng ca ma mị Khánh Ly, dù rằng may mắn (nếu có thể gọi đó là may mắn) luôn được sống trong những thành phố mà các xúc tu hung hiểm của thần chiến tranh chỉ thi thoảng mới vươn vòi đến được. Tuy vậy, hơi thở tối ám của cuộc chiến vẫn thường trực hiện diện và chiếc bóng đầy đe dọa của nó cũng thường xuyên chực chờ trước cửa mọi ngôi nhà. “Ôi đêm dài và cơn bão rớt…”, tôi thường nhớ lại dáng ngồi câm nín trong bóng tối của bố tôi trong những đêm sâu thẳm như vậy của chiến tranh, nhớ đôi mắt âu lo của mẹ khi ôm tôi và nhìn về phía chân trời, nơi tiếng đại bác như mỗi ngày lại sáp về gần hơn, “đêm bây giờ ma quái đi hoang… đêm mở mắt nghe đêm kêu gào…”. Có những buổi sáng thành phố trên đường tôi đi học đầy những áo quan phủ cờ vàng được những chiếc GMC đưa về từ những chiến trường. Những chiếc xe của thần chết ấy dừng lại trước cửa ngôi nhà nào, thì lập tức nơi đó vang lên tiếng gào khóc, như thể chúng là những cái phất tay của định mệnh đang lạnh lùng chỉ huy một dàn đồng ca khổng lồ, mà những tiếng khóc than kia, chỉ giản đơn là những dàn bè của bản đại hợp xướng chiến tranh đau thương bất tận, “ôi những mùa mưa mùa nắng mùa rất lạ… mùa nàу tôi thấу bao nhiêu áo quan về…”. Tôi cũng nhớ những trưa váng vất mùa hè trong thành phố chiến tranh thời tuổi nhỏ, nhớ những đoàn xe GMC chuyển quân tung bụi mịt mù, những dãy nhà tiền chế của các khu quân sự với mái tôn lóa nắng, những trại tạm cư, những vùng cỏ cháy và những hàng biển báo có mìn đầy đe dọa, tiếng phản lực hòa cùng tiếng trực thăng xé ngang giấc ngủ chập chờn ban trưa - và trên tất cả - bầu khí mỏi mệt, rã rời của giọng hát Khánh Ly, “ghế đá công viên dời ra đường phố, người già co ro buồn trong mắt đỏ… khi chiến tranh về đốt lửa quê hương…”.
Tôi có người bạn
mỗi khi nghe Khánh Ly hát nhạc ông đều xuýt xoa bảo đó là giọng ca chỉ có thể
được sinh ra từ địa ngục và chỉ để hát những bài ca được viết ra từ địa ngục, đại
loại như vậy. Nhận xét khá cực đoan nhưng lại phần nào nêu được tính chất bất-khả-phân-ly
của hiện tượng Trịnh Công Sơn - Khánh Ly. Đối với riêng tôi, thật lạ lùng, trong
ký ức mịt mù về tuổi nhỏ, cuộc chiến địa ngục mười ngàn ngày đêm với bao xương
trắng máu hồng dường như chỉ thật sự có thật khi hiện diện cùng nó là giọng ca
Khánh Ly cùng những khúc-hát-da-vàng của ông, như thể chúng đã tan vào nhau
không thể tách rời, là niềm tuyệt vọng của địa ngục và vút lên từ địa ngục: “Chẳng
có tiếng hát nào thuần khiết bằng tiếng của những kẻ đang dưới đáy sâu của địa
ngục, đó là thứ tiếng mà chúng ta thường xem là tiếng hát của thiên thần”
(Franz Kafka).
Một người bạn thời thơ ấu bặt tin nhau gần bốn chục năm nay, hồi giữa năm đột ngột gọi điện cho tôi bảo: “Thạch đây, còn nhớ không? Tao về chốn cũ dò hỏi mãi mới tìm được số điện thoại của mày!”. Trời ạ! Hắn là thằng bạn chơi với tôi hồi lớp ba, lớp bốn! Hai thằng nhãi ranh mới 8, 9 tuổi từng có những buổi sáng Chủ nhật trên căn gác gỗ nhà nó lôi hết mấy tập nhạc phản chiến của ông anh sinh viên ra ban công nằm hát, dù không biết đến một nốt nhạc, từ “Ngày dài trên quê hương” đến” “Gia tài của mẹ”, từ “Ngụ ngôn mùa đông” đến “Hát trên những xác người”, trong khi ngoài đường xe Jeep xe GMC quân đội Mỹ đang inh ỏi bấm còi phóng qua phóng lại như điên!
Một người bạn thời thơ ấu bặt tin nhau gần bốn chục năm nay, hồi giữa năm đột ngột gọi điện cho tôi bảo: “Thạch đây, còn nhớ không? Tao về chốn cũ dò hỏi mãi mới tìm được số điện thoại của mày!”. Trời ạ! Hắn là thằng bạn chơi với tôi hồi lớp ba, lớp bốn! Hai thằng nhãi ranh mới 8, 9 tuổi từng có những buổi sáng Chủ nhật trên căn gác gỗ nhà nó lôi hết mấy tập nhạc phản chiến của ông anh sinh viên ra ban công nằm hát, dù không biết đến một nốt nhạc, từ “Ngày dài trên quê hương” đến” “Gia tài của mẹ”, từ “Ngụ ngôn mùa đông” đến “Hát trên những xác người”, trong khi ngoài đường xe Jeep xe GMC quân đội Mỹ đang inh ỏi bấm còi phóng qua phóng lại như điên!
Tháng Ba rồi tháng Tư 1975 đầy giông bão. Bạn bè tuổi nhỏ của tôi cùng gia đình như lá khô tung bay tứ tán. Thời gian của nửa sau thập niên 1970 trôi qua chậm và dài đằng đẵng. Những bài hát ngày nào, trong cấm đoán, như bị dìm vào quên lãng và được thay thế bằng những bài hát mới, cũng vẫn là những bài hát về chiến tranh, nhưng là chiến tranh giải phóng với khí thế hừng hực ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những chiến công. Thế nhưng, thi thoảng trong những ngày đông lạnh lẽo u buồn thời hậu chiến, ngồi co ro nhìn những hàng sầu đông trụi lá run rẩy trong gió bấc ngoài khung cửa sổ, bất giác trong sâu thẳm lòng tôi bỗng thì thào những lời hát cũ: “Em đứng lên mùa đông nhạt nhòa, từng đêm mưa từng đêm mưa từng đêm mưa, mưa lạnh từng ngón sương mù”, lời hát như một người quen mất tích đã lâu nay bất ngờ trở lại, “vùng tương lai chợt xa xôi, tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người!”... Hình như tôi đã lặng lẽ khóc một mình cùng những bài hát thoắt ẩn thoắt hiện trong trí nhớ đó, cùng chúng đi qua những buổi chiều mùa đông bụng rỗng vì đói và ngực như thắt lại vì rét, “cúi xuống nghe đời nhấp nhô, nghe tim rạn vỡ, nghe trong tuổi nhỏ khóc oà…”.
Năm 1980 bố tôi
đưa gia đình rời bỏ miền Trung vào lại Sài Gòn. Trong căn nhà vườn vùng “ngoại
ô xa vắng” với những chiều một mình “bên sông nước lên”, tôi bắt đầu võ vẽ tập viết
những ca khúc đầu tiên của mình, không hề nghĩ rằng đó sẽ là khởi thủy cho một
cuộc hành trình thật dài sẽ có ngày đưa tôi được đến gặp ông. Dù đã bặt vắng
trên những kênh truyền thông chính thống, nhưng những năm đó, âm nhạc của ông vẫn
bền bỉ sống cuộc đời của chúng trong những nỗi buồn vui riêng biết của trái tim
con người. Ở Hà Nội, trên căn gác nhỏ tối mù sặc khói thuốc lá của một quán cà
phê “chui” năm 1984 mà lần đầu tiên tôi có dịp đến, tôi đã ngỡ ngàng được nghe
lại giọng hát ma mị của Khánh Ly với những lời ca ngày cũ, “tiếng ca bắt nguồn
từ đất khô từ mưa gió từ vào trong đá xưa, đến bây giờ mắt đã mù, tóc xanh đen
vầng trán thơ”, nhìn những người tuổi trẻ đồng trang lứa nơi thành phố lạ đang chìm
trong âm quyển chập chùng nỗi buồn của “bão trên đầu, lời ca đau trên cao…”, lòng
tôi bỗng rộn lên một niềm vui thầm kín khi thấy những bài hát của ông vẫn âm thầm
tồn tại và vẫn lại bắt đầu những cuộc chinh phục mới…
Tôi gặp ông lần
đầu tiên trong đời tại Nhà hữu nghị Việt - Tiệp khoảng năm 1989, một cách tình
cờ. Nhà hữu nghị có cửa hàng chuyên bán các vật phẩm văn hóa Tiệp Khắc, tôi thường
đến đấy mua đĩa cổ điển mỗi khi có được món tiền còm. Đĩa than Supraphon của Tiệp
có chất lượng khá tốt, nhạc mục cũng đa dạng, hấp dẫn. Sáng hôm ấy, tôi nhớ, Nhà
hữu nghị có triển lãm tranh, của ba người, nhưng có hai cái tên mà tôi biết và
ngưỡng mộ từ lâu: ông và Đinh Cường. Khi tôi đến, đập vào mắt tôi là một nhóm
phóng viên nước ngoài đang ghi hình và phỏng vấn một người đàn ông có dáng gầy
gò, vầng trán cao, đôi mắt sáng lấp lánh sau cặp kính trắng. Dù chưa bao giờ được
nhìn thấy một bức ảnh chân dung nào của ông, thế nhưng chẳng hiểu vì sao, tôi
nhận ra được đứa trẻ “ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai” đó. Ông trả lời
người phỏng vấn bằng tiếng Pháp, giọng mềm mỏng, nhẹ nhàng, như đang trò chuyện
cùng bạn bè. “Tôi như ngọn đèn từng đêm vơi cạn, lửa lên thắp một niềm riêng”, tôi
đứng bên ngưỡng cửa nhìn người đàn ông xa lạ nhưng lại rất đỗi quen thuộc với
mình qua những bài hát đã được nghe từ thời bé xíu, “đừng nghe tôi nói lời tăm
tối, đừng tin tôi nhé vì tiếng cười”, quên cả xem tranh, quên cả mục đích đến đấy
chỉ để mua đĩa hát... Ba năm sau, đi cùng nhạc sĩ đàn anh Nguyễn Văn Hiên, tôi
được uống rượu cùng ông lần đầu tiên trên sân căn biệt thự lớn của NS. Thanh
Tùng trên đường Trần Quốc Thảo - trong sinh nhật 1 năm thành lập nhóm “Những
người bạn”.
Vết thương tồi tệ
nhất và nguy hiểm nhất mà chiến tranh gây ra cho con người không phải là những
vết thương mà người ta có thể nhìn thấy được ở bên ngoài. Năm 1970, trả lời
thông tín viên Crystal Erhart của New York Times, ông nói: “Sau chiến tranh,
cái tôi sợ nhất là sự bắt đầu của một cuộc chiến khác…”, nỗi lo sợ có tính chất
tiên tri đó của ông dường như phần nào đã trở thành sự thật. “Chỉ có những người
chết mới thấy chiến tranh thật sự kết thúc” (George Santayana), cuộc chiến lòng
người trong gần mười lăm năm của thời hậu chiến là hoàn lưu trực tiếp của cơn
bão lửa trên mười ngàn ngày đêm thổi qua mọi định mệnh Việt Nam, tiếp tục gây
ra bao đau thương ly tán, chết chóc và chia lìa… Sẽ ám ảnh tôi mãi cảm giác buồn
như bị khoét rỗng cả lồng ngực khi nhìn thấy những cánh cổng khóa im lìm với dấu
niêm phong đỏ của chính quyền ở nhà những bạn bè đã cùng gia đình âm thầm lìa bỏ
đất nước; sẽ ám ảnh tôi mãi nụ cười lạc lõng âm thầm của những chú bác họ hàng
hay những người gia đình tôi quen biết sau bảy tám năm học tập cải tạo từ miền
Bắc mới được tha về, ánh mắt hoang vắng của cô tôi khi bất chợt nhớ đến đứa con
đã mất tích ngoài biền khơi xa thẳm, lá thư viết vội vã nguệch ngoạc của người
bạn gửi cho tôi đêm trước của chuyến đi tuyệt mệnh… “Em ra đi nơi này vẫn thế,
vẫn có em trong tim của mẹ… em ra đi nơi này vẫn thế…”. Những oán hờn, những nghi
kỵ và tị hiềm nào đã đẩy chúng ta ra xa nhau thêm đến chừng ấy năm khi “hai
mươi năm chờ từng phút giây, hôm nay tiếng hòa bình đã thấy”? Giọng hát ấy đã cất
tiếng gọi từ những tháng năm trong lửa đạn mịt mù “gọi thầm với nhau, gọi bằng
tên anh gọi bằng tên em, thù hận xin quên”, réo vang trong buổi trưa ngày kết
thúc chiến tranh “dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới”,
rồi lại tiếp tục làm chiếc cầu nối hòa giải cho những hằn thù, chia rẽ “nhìn rõ
quê hương ngồi nghĩ lại mình, tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước cần
một trái tim!”. Con đường tôi đi (và có lẽ của cả rất nhiều bạn bè đồng trang lứa
cũng như không đồng trang lứa với tôi) hình như đã nằm trọn vẹn trong vùng âm
quyển mang tên ông. Và với những con người đã sống trong vùng âm quyển đó, dù
yêu ông ghét ông hay bàng quan với ông, không thể phủ nhận sự hiện diện của ông,
ít nhất trong một ngóc ngách nào đó của hồi ức về một phần nào đó của cuộc đời
mình, lúc hạnh phúc bình yên cũng như lúc đau đớn tuyệt vọng, chia lìa…
Tôi chỉ là một mảnh
vẩn thạch nhỏ bị cuốn vào vùng hấp dẫn mê hồn của định tinh mang tên Trịnh Công
Sơn mà vây quanh nó là hàng hàng những hành tinh và tiểu hành tinh lập lòe những
miền ánh sáng khác nhau bị hút về tụ tập… Dẫu biết vĩnh viễn tôi chỉ là một kẻ xa
lạ đối với ông, một hậu bối mà có lẽ chẳng khi nào ông nhớ nổi tên, một vệt
bóng mờ trong thế giới quảng giao chói lòa những tên tuổi lớn, những lời xưng tụng
và mong cầu được kết thân của ông, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã từng
được biết ông trong một khoảng thời gian không dài của cuộc đời, từng đôi lần
được chuyện trò bâng quơ với ông, được nghe cái giọng Huế nhỏ nhẹ của ông kể
chuyện nắng mưa, nghe ông hát “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” trong những cuộc
rượu khuya say mịt mù ở Quán Nhạc sĩ thuở nào, “đời cho ta thế… dù tình vu vơ
hay yêu thiên thu cũng chìm trôi…”.
Như có cả Sài
Gòn tiễn ông đi trong buổi sáng tháng Tư ngày ấy. Đứng trên ban công phía sau
phòng làm việc ở cơ quan nhìn xuống đường Phạm Ngọc Thạch với “những hàng cây
loan tin nhau rồi im tiếng nói”, đột nhiên tôi nghe lòng trống hoác khi nghĩ rằng
vĩnh viễn từ nay sẽ chẳng khi nào còn nhìn thấy cái dáng gầy quen thuộc của ông
thi thoảng dạo qua vỉa hè lát đá cũ ấy nữa, và không chỉ vậy, như thể toàn bộ
những gì liên quan đến một phần lớn tuổi thơ của tôi, tuổi trẻ của tôi, những mộng
mị đẹp nhất của tôi cũng bất ngờ biến mất. Và Sài Gòn của tôi cũng trống hoác kể
từ buổi sáng tháng Tư ấy!
Tôi vẫn tiếp tục sống và tiếp tục già khụ đi cùng những bài hát không tuổi tác của ông. Nhưng đôi khi, đứa trẻ trong giấc mộng nửa đêm của tôi bỗng cất lên tiếng hát, những khúc hát như lạ như quen, có hoa tường vi có đồi thắp nắng mắt đêm đèn vàng trời buồn gió cao và đường phượng vĩ, khúc hát cũng có cả con đường thật buồn có mìn nổ chậm xác người trôi sông nhà cháy từng hàng và những nỗi mong chờ… Dường như chúng đã trở thành những khúc hát vô danh tính, như là tổng hợp của tất cả mọi giấc mơ, mọi kỷ niệm, mọi niềm hy vọng cũng như tuyệt vọng của nhân gian, và như chính ký ức của chúng ta về ông - đó là một bài thơ vô tận!
Trần Thanh Sơn (11.2016)
* Lời một số ca khúc của Trịnh Công Sơn được sử dung trong bài viết: Em hay ngủ đi, Đại bác ru đêm, Đêm bây giờ đêm mai, Người già em bé, Gọi tên bốn mùa, Cúi xuống thật gần, Dấu chân địa đàng, Tự tình khúc, Em còn nhớ hay em đã quên, Lại gần với nhau, Nối vòng tay lớn, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Đời cho ta thế, Thí dụ...
Ảnh: Interior Movement (Cao Hành Kiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét