Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Capri

 
Đêm qua tôi mơ thấy Capri, con chó đã gắn bó xiết bao với thời niên thiếu của tôi, từng cùng tôi đi xuyên qua những mùa đông thăm thẳm của miền Trung thời hậu chiến u buồn và tối ám. Capri đến ngồi dưới chân tôi, nó dụi chiếc mũi nóng và ẩm vào đầu gối tôi, ngước đôi mắt vàng sáng đầy tin tưởng nhìn tôi, chờ tôi cúi xuống vuốt ve, nói chuyện với nó, như thể nó chưa chết, chưa từng rơi thỏm vào cái hố đen thăm thẳm sâu gần 40 năm của lãng quên; và tôi, tôi vẫn là một cậu bé như ngày nào trên bãi biển mùa đông đang dạo chơi cùng con chó yêu quý của mình.

Tôi mang Capri về nhà nuôi lúc nó chỉ mới được 3, 4 tháng tuổi. Chủ nhân đầu tiên của Capri là một nhóm chiến sĩ quân báo bộ đội Bắc Việt đóng chốt trong căn biệt thự bỏ hoang ở gần nhà tôi. Khoảng thời gian đó, đặc biệt là từ sau tháng 3.1975, thành phố tôi ở đầy những ngôi nhà bỏ hoang kiểu như vậy. Với đủ mọi lý do: chạy loạn, di tản, chết vì bom rơi đạn lạc, bỏ xác ngoài biển sâu hay hồi cư về lại quán xứ khi mặt đất đã im tiếng súng - một ngôi nhà, một dãy phố, và thậm chí cả một khu phố bị bỏ hoang. Ban đêm, mà ngay cả ban ngày, đi qua những khu vực này cứ gai gai người như đi trong một thành phố chết. Thế nhưng với đám trẻ chúng tôi, trong mùa hè hòa bình đầu tiên ấy, những dãy phố đóng cửa và những khu vườn bỏ hoang lại là thiên đường để nô đùa và nghịch phá...
 
Nhóm chiến sĩ quân báo bộ đội Bắc Việt đóng trong căn biệt thự có khu vườn rộng được bao kín bằng dãy tường cao hoa giấy tím leo kín. Bộ đội từ miền Bắc vào giải phóng thành phố những ngày đầu rất đáng mến (cũng có thể do chính sách quân quản buộc tất cả phải như vậy), họ chan hòa với dân chúng, yêu mến trẻ con, không tỏ ra đáng sợ với bất cứ ai vì trên môi luôn thường trực một nụ cười. Mẹ tôi bảo có thể các anh từ rừng ra, từ nơi máu lửa thiếu vắng hơi hám tình người nên về thành phố họ yêu quý mọi người. Chẳng biết lý do nào đúng, nhưng quả thật đám trẻ chúng tôi ngày ấy được thỏa thích vui chơi, xông cả vào những doanh trại quân đội, những nơi lẽ ra không nên vào và không được vào… Căn biệt thự có khu vườn rộng ấy là nơi đám trẻ chúng tôi ưa tụ tập vui chơi bất kể lúc nào rảnh rỗi mà chẳng bị các anh bộ đội trú đóng cấm cản bao giờ. Và cũng chính ở đó, tôi là đứa trẻ đầu tiên đã phát hiện ra chú chó con bị bỏ lại vì cuộc chuyển quân đột ngột (có lẽ vào đêm hôm trước) của đơn vị quân báo. Con chó rơi xuống cái mương cạn đầy rác phía sau căn biệt thự và ngủ thiếp đi. Buổi sáng sớm mùa hè tuyệt vời ấy, số phận đã chọn tôi là chủ nhân của Capri! 
 
Tôi đặt tên con chó là Capri, gần giống tên con chó của gánh xiếc rong trong tiểu thuyết “Sans famille” của Hector Malot, thầm mong nó cũng khôn ngoan như Capi trong truyện. Mà nó thông minh và khôn ngoan thật sự!...  
 
Capri lớn mau như thổi nhờ mớ sữa hộp “Quân tiếp vụ” quá đát mà những ngày chế độ cũ tan vỡ dân chúng ùa vào phá kho đổ ra đầy đường. Suốt mùa hè được nghỉ học ở nhà, Capri và tôi chơi đùa, quấn lấy nhau như hình với bóng. Buổi tối không được phép vào phòng ngủ chung với tôi, Capri ngoan ngoãn nằm khoanh tròn trên tấm thảm chùi chân đặt ngoài thềm thông ra sân trước phòng riêng của tôi. Đôi khi thức giấc nửa khuya, tôi luôn nghe tiếng sột soạt của Capri ngay trước cửa phòng, tiếng nó thi thoảng rít lên ư ử một giấc mộng rong chơi phiêu bồng nào đó của loài chó. Tất cả mọi buổi sáng, vừa thức giấc mở cửa bước ra vườn, Capri đã nhảy bổ vào tôi, đôi mắt vàng sáng rực, đuôi ngáy tít lên mừng đón. Lớn thêm một chút, mọi trò vui với đám bạn mùa hè của tôi Capri đều bắng nhắng tham dự. Đá banh, bóng chày, chạy đua, đuổi bắt… món nào Capri cũng tham gia nhiệt tình, thế nhưng cũng lắm khi nó làm tôi và đám bạn phát cáu vì vướng chân vướng cẳng. Bị mắng, Capri phải ra ngoài ngồi chầu rìa, nó ngồi thè cái lưỡi đốm ra, vẻ mặt thiểu não. Ở tuổi trưởng thành, trò chơi ném đĩa là trò Capri yêu thích nhất. Món này nó học cực nhanh và mau chóng trở nên điêu luyện. Capri nhảy vọt lên rất cao và luôn gặm trúng phóc cái đĩa nhựa được tôi ném ra… Ngày đầu tiên của năm học mới dưới chế độ cách mạng, Capri ẳng ẳng chạy theo xe đạp của tôi đòi đi cùng, tôi phải quát cho một trận thật dữ nó mới chịu thôi. Đạp xe được một quãng xa, nhìn lại, tôi thấy nó ngồi chống hai chân trước bên vệ đường trước cổng nhà nhìn theo dáng vẻ buồn thiu. 
 
Không như đa phần những con chó khác thường sợ nước, Capri rất thích đi tắm biển. Nó lao theo tôi xuống nước, cùng bơi trên sóng với tôi một cách thích thú. Có lần trông thấy một con chó khác đang oăng oẳng khóc thét lên vì bị chủ bắt phải xuống biển tắm, con chó nhát gan rúm người lại vùng vẫy rồi chạy vụt lên bờ. Capri ngồi cạnh bờ sóng nhìn con chó nhát gan bằng ánh mắt khinh bỉ. Nó sủa lên mấy tiếng nhát gừng ra cái điệu bảo: “Có gì mà nhắng lên thế, xem tao đây này!”, rồi phóc một cái vượt qua một con sóng, nhảy ùm xuống nước. Điều đặc biệt ở Capri còn là nó không sợ tiếng nổ, không sợ pháo. Cái Tết hòa bình đầu tiên được phép đốt pháo trở lại, Capri hăm hở chạy theo tôi đi xem đốt pháo. Khi hầu hết đám chó trong phố đều cụp đuôi trốn biệt xuống gầm tủ gầm giường khi nghe tiếng pháo, Capri ngược lại, nó cùng tôi và đám nhóc xông vào những dây pháo đang nổ tung tóe để dành giật nhau những viên pháo lép. Mẹ tôi cười bảo, chó của mấy ông cộng sản có khác, họ gan dạ, quen đánh nhau, quen tiếng nổ của đạn bom rồi nên chó của họ cũng khác hẳn chó thành phố!
 
Một điểm đặc biệt nữa của Capri là nó rất thân thiện đáng yêu với những người mà tôi yêu mến và tỏ ra cực kỳ khó chịu với những ai mà tôi không ưa. Chẳng ai dạy nó phải như vậy cả, nhưng hình như bằng một thứ giác quan vô hình nhưng cực kỳ nhạy bén của loài chó, Capri cảm nhận được những xung động tình cảm yêu ghét phát ra từ chủ nó. Những người bạn mà tôi quý mến đến nhà chơi, Capri chạy ra vui vẻ vẫy đuôi chào đón; những người tôi ghét đến tìm, Capri đứng chắn ngay cổng, mắt lườm lườm miệng gầm gừ đe dọa. 
 
Phố nhà tôi ở có ông T. nuôi một con chó rất dữ. Dù nhà ông luôn kín cổng cao tường nhưng con chó ông nuôi là hung thần của tất cả bọn trẻ chúng tôi. Đi ngang nhà ông, bọn chúng tôi lúc nào cũng phải mặt la mày lét, vì chỉ cần ông mở cổng là con chó quái quỷ của ông phóng vụt ra và sẵn sàng tớp vào mông bất cứ thằng nhãi nào đang lang thang qua đó. Tôi chưa xui xẻo bị nó tớp lần nào nhưng cũng hãi con chó này lắm. Một chiều, chẳng nhớ tôi đi đâu về, vừa chạy ngang cổng nhà ông T. thì con chó xồ ra. Tôi điếng hồn, chỉ kịp nhắm hướng nhà mình vắt giò lên cổ tăng tốc mong chạy thoát khỏi hàm răng trắng nhởn của con chó dữ. Tình thế đầy tuyệt vọng khi tôi nghe tiếng chân, tiếng gầm gừ táp gió của con quỷ đã sát sạt sau lưng, thì bất ngờ một cái bóng đen từ cổng nhà tôi lao vụt ra: Capri! Nó lao thẳng vào con chó nhà ông T. Tôi nghe huỵch một tiếng sau lưng mình. Sau đó là tiếng vật nhau, tiếng sủa, tiếng gầm gào cắn xé quyết liệt giữa hai con chó. Dù nhỏ con hơn, Capri chẳng hề chịu thua kém, nó cắn xé, gặm chặt cổ con chó kia quyết ăn thua đủ. Chỉ đến khi ông T. xách gậy ra ngăn lại, hai con chó mới chịu rời nhau ra. Cả hai đều thương tích máu me lông lá tả tơi. Người còn run lẩy bẩy, tôi ôm lấy Carpi, nó thè chiếc lưỡi đốm ra liếm tay tôi, đuôi ngoáy tít mừng rỡ… Về đến nhà, sau khi bôi thuốc và băng bó cho nó, mẹ tôi vui vẻ bảo từ nay Capri được thăng chức vệ sĩ danh dự, mẹ thưởng cho nó một con cá phèn nướng thật to. Capri của tôi phải đi cà nhắc gần một tuần lễ. 
 
Rồi những ngày khó khăn đói kém, thiếu lương thực triền miên bắt đầu kéo đến. Hai lần đổi tiền đánh sập hoàn toàn nền kinh tế của đại đa số các gia đình miền Nam, trong đó có gia đình tôi. Mọi nhu cầu lương thực cho sinh tồn tối thiểu của một con người đều phải được mua bán thông qua tem phiếu. Gạo thiếu, người ta bán khoai khô, bắp khô, bo bo kèm thêm để nấu thành một thứ hỗn hợp lổn nhổn gọi là cơm. Rồi cũng chẳng còn cơm. Khoai mì cắt lát phơi khô dày và to như một cục đá xanh được bán làm lương thực chính. Muốn ăn được “cục đá xanh” này phải ngâm nó vào nước từ hôm trước, sau đó ninh trên bếp hàng ngày trời mới tạm mềm ra để có thể nuốt. Mà đó cũng là thứ món ăn khó nuốt và khiến người ăn luôn muốn ọe ra vì ngán. Mẹ tôi phải mang đi xay thành bột, đến bữa nặn thành một thứ bánh bao kỳ dị không nhân luộc lên ăn với nước muối trộn mỡ! Người còn xanh mướt vì thiếu ăn nên trách gì chó chẳng gầy nhom! Tôi sẽ nhớ mãi những buổi chiều mùa đông giá rét, không có điện, trong ánh lửa chập chờn của cái bếp củi khói bốc cay xè, gia đình tôi mỗi người một tô gồm mấy cục bột khoai mì hấp như vậy. Capri cũng có một đĩa. Nó không thích món ăn kỳ quặc này. Bằng dáng vẻ uể oải, nó đi đến bên đĩa thức ăn của mình, ngửi rồi đứng thẩn thờ một lúc lâu như thể suy nghĩ có nên ăn thứ thức ăn đáng chán này không. Không muốn ăn, nhưng vì bụng đói, Capri đành gặm lấy một cục bột luộc, nó ngậm trong miệng rồi đủng đỉnh đi một vòng quanh cái sân rộng trước nhà, vừa đi vừa nhóp nhép nhai. Tròn một vòng, nuốt xong cục bột thì cũng là lúc nó quay lại chỗ cái đĩa. Lại bắt đầu một cục bột khác, một vòng quanh sân, nhai nuốt rồi lại quay trở lại. Cứ như thế khoảng năm, bảy vòng thì Capri cũng thanh toán xong bữa ăn! Nhìn Capri ăn, tôi vừa buồn cười vừa thương nó đến chảy nước mắt… 
 
Chẳng hiểu vì sao ký ức của tôi về miền Trung thời hậu chiến lại chỉ thường gắn liền với những mùa đông lạnh lẽo và buồn rầu, như thể nó dài thăm thẳm, tuyền một màu xám xịt và tối tăm như một đường hầm không lối thoát. Thi thoảng cũng có những ngày giữa đông nắng bất chợt lóe sáng, tôi thường tranh thủ dẫn Capri ra bãi biển dạo chơi cho nó đỡ cuồng chân. Capri thường lăng quăng chạy trước, lúc thì đuổi theo một con còng gió, lúc thì phóng mình vồ những cánh mòng biển bạo gan dám đậu xuống trước mũi nó. Đôi khi tôi và Capri chẳng làm gì, lười biếng nằm trên đồi phi lao cát trắng nhìn ra biển mùa đông mịt mù bụi nước. Tôi mơ mòng với giấc mơ đời thủy thủ quen thuộc của mình, còn Capri thì nằm ngủ gà ngủ gật dưới chân tôi… 
 
Một tối tôi đi học nhóm về muộn. Như thường lệ, Capri thường ngồi trước cổng nhà ngay trên lề đường chờ đón tôi. Nhác thấy tôi xuất hiện từ xa, Capri đã chạy vọt đến mừng rỡ rồi lót tót chạy theo xe đạp của tôi về nhà. Nhưng tối hôm ấy tôi không thấy Capri đâu cả. Vừa về đến cổng nhà, em gái tôi chạy ra báo: “Anh ơi, Capri bị xe bộ đội cán phải!”. Tôi rụng rời chân tay. Mẹ tôi đang chăm sóc cho Capri. Con chó nằm dài trên tấm thảm cũ của nó, trông thấy tôi, Capri như muốn đứng dậy, nhưng không nổi, người nó run lẩy bẩy, khóe miệng rỉ máu. Người hàng xóm bảo trông thấy chiếc Molotova của bộ đội leo lên lề cố tình tông vào Capri đang ngồi trên vỉa hè. Tay bộ đội lái xe muốn cán chết con chó để mang xác về làm thịt. Capri bị đụng rất nặng nhưng vẫn vùng chạy thoát được về đến nhà!... Tôi ôm chặt lấy Capri. Như chỉ chờ có vậy, con chó của tôi thở dốc rồi hộc lên, máu tươi từ miệng nó lại tiếp tục trào ra. Tôi thấy mắt Capri mở lớn nhìn tôi, nước mắt dàn dụa ứa ra từ hai khóe mắt của nó, như thể nó còn muốn nói điều gì đó với tôi, chưa muốn rời bỏ tôi, chưa muốn ra đi, chưa muốn khép lại những cuộc vui đùa trên chiếc sân chơi hẹp tí của cuộc đời một chú chó chẳng mấy khi có được những ngày no… 
 
Tôi chôn Capri dưới gốc cây ổi sẻ cuối vườn rồi đặt lên trên hai viên gạch lớn để làm dấu. Mùa đông hậu chiến sẽ thêm dài khi không còn Capri nữa. Ngồi dưới gốc cây ổi sẻ, tôi không khóc, nhưng như có một gọng kìm thít chặt lấy trái tim tôi. Capri là con chó đầu tiên và cũng là cuối cùng cuộc đời tôi chọn là bầu bạn với mình. Dưới hố sâu thăm thẳm 40 năm của lãng quên, đêm qua Capri lại đến nằm dưới chân tôi, ngước đôi mắt vàng sáng đầy tin tưởng nhìn tôi, chờ tôi cúi xuống vuốt ve, nói chuyện với nó, và để tôi thấy tôi vẫn là một cậu bé như ngày nào trên bãi biển mùa đông đang dạo chơi cùng con chó yêu quý của mình... 
 
Capri, bạn ta! Mi là người bạn duy nhất không một lần lừa dối tao, không một lần chối bỏ và phản bội tao… Ở tuổi tri thiên mệnh, tôi mới bất ngờ nhận ra điều đó!
Trần Thanh Sơn (12.2016)
 
 
Ảnh: From Dog (Ed Ruscha)

Không có nhận xét nào: