Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Trong thiên đường của sự ngu muội

 
Đọc báo ngày, mỗi khi nhìn thấy có một cái tin ghê tởm về một tội ác ghê tởm nào đó mới vừa xảy ra hay vừa mới bị phanh phui, tôi thường lãng tránh bằng cách chỉ lướt nhanh trên cái tít lớn của mẩu tin rồi mau chóng đẩy mắt mình sang một bài viết khác, bình thường và lành tính! Như thể làm vậy tôi sẽ tự dối được mình rằng thế giới đã bình an hơn, tránh được một ám ảnh khó chịu, một nỗi tức giận (hay nỗi bất lực) mơ hồ có thể làm hỏng mất tâm trạng của mình nguyên cả một ngày...
 
Nghe tôi kể việc này, một đồng nghiệp cười ha hả bảo: nếu ai cũng đọc báo như anh thì các tòa soạn báo vô phương câu khách tăng tirage bằng các tin tức máu me giật gân, và không khí báo chí của ta có thể sẽ trở nên phẳng lì, tẻ nhạt! Tôi cũng cười nhưng rồi giật mình nghĩ lại. Cớ gì những tin tức “máu me giật gân”, phô bày tường thuật cái ác lại thường được đa số người xem báo quan tâm tìm đọc, quan tâm theo dõi, như thể người ta tìm thấy được cho mình ở đấy một niềm thỏa mãn thầm kín nào đó? Phải chăng nơi sâu thẳm tâm hồn của nhân loại lúc nào cũng tồn tại những hạt mầm tiềm năng của cái ác – cái xấu? Và sự quan tâm đó chính là hành động vô thức của niềm ao ước được bộc lộ cái ác – cái xấu luôn bị kiềm nén, dấu kín và trói chặt của mình?
 
Như bể nước tràn, cái ác – cái xấu nhiều năm nay bắt đầu vượt ngưỡng. Từ những vụ án mạng nhỏ lẻ nhưng đã gây xôn xao dư luận một thời, cho đến bây giờ các vụ thảm sát 3, 4, 5 người liên tục nối tiếp nhau xảy ra; thủ đoạn và cách thức ra tay cũng tàn độc hơn, lạnh lùng, thản nhiên và ngày càng bất cận nhân tình hơn. Lừa đảo, hối lộ, tham nhũng gây thất thoát tài sản quốc gia từ vài tỉ bạc đã tiến đến con số vài chục ngàn tỉ. Cái ác – cái xấu cũng không còn phải ẩn nấp dưới các chiêu bài, bình phong này nọ nữa, nó xuất hiện công khai dưới mọi hình thức đời sống xã hội, phi luân và trân tráo tồn tại trong sự thờ ơ, vô cảm của mọi người. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Đó có phải là hậu quả của cái mà Carl Gustave Yung gọi là “vô thức tập thể” (collective unconscious) được hình thành trên bước lầm lạc của một xã hội đang bị đặt lên một nền tảng đạo đức đã tha hóa và xuống cấp đến vô phương cứu chữa? “Đường biên giới giữa cái thiện và cái ác chạy qua trái tim của mỗi con người” (Aleksandr Solzhenitsyn), cái đường ranh mong manh và dễ bị tiêu hủy đó (dù đã được nhân loại nhiều ngàn năm băng qua tối tăm xương máu dày công tạo dựng) phải chăng đã bị con người hôm nay san bằng bởi sự ích kỷ, ngu dốt và vô minh, sự suy đồi và tha hóa trước quyền lực và với quyền lực?
 
Là một cám dỗ thường trực trên con đường cam go đi về phía ánh sáng, tức là phía phần Người của nhân loại, cái ác vẫn luôn tồn tại như là kẻ song hành, thậm chí là chiếc bóng, là một phần của những bản năng nơi sâu thẳm bản tính con người. “Những con quái vật thèm khát lấn tới đó giấu mặt trong những góc sâu kín của thực thể chúng ta; và từ nơi tối tăm chúng sống chúng tìm dịp thuận tiện để hiện ra, để áp đặt quy tắc của sự ham muốn buông thả nhằm hủy diệt lý trí, cộng đồng và thậm chí sự tồn tại”(*), trong Diễn từ Nobel Văn chương 2010 - Mario Vargas Llosa đã chỉ rõ sự hung hiểm của cái ác tàng ẩn dưới những “tầng sâu khủng khiếp” đó của con người, cảnh báo sự mù lòa và thú vật hóa của họ khi trở thành công cụ (hoặc nạn nhân) của quyền lực, nhập thân và tiếp tay cho cái ác bắt đầu mang tính tập thể.
 
Sáng sớm nay lại một lần nữa tôi lãng tránh cái ác bằng cách chỉ lướt nhanh mắt trên cái tít lớn của tờ báo tôi đang đọc một mẩu tin về một tội ác mới toanh vừa mới diễn ra. Than ôi, tôi chẳng phải là một hiệp sĩ, cũng chẳng giỏi võ công như Kiều Phong hay Trương Vô Kỵ để hành hiệp trượng nghĩa! Tôi có thể làm gì khi mỗi sáng thức dậy, run rẩy với tờ báo trên tay và cảm giác rằng mỗi một ngày đến dường như thế giới lại ác độc thêm một chút, ít ỏi tính người thêm một chút? Một nghệ sĩ luôn quay mặt đi trước cái ác và sự bất công vốn là một phần của thời đại của anh ta chỉ là một nghệ sĩ sống trong thiên đường của sự ngu muội, nhà thơ Charles Simic từng viết một câu gì đại loại như vậy. Tôi, tôi có bị kết án phải nằm trong số những kẻ sống trong sự ngu muội đó không?
Trần Thanh Sơn (12.2016) 

Không có nhận xét nào: