Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Chuyện vẽ vời (2)

 
 
Luôn luôn có hoa cho những ai muốn nhìn thấy chúng, danh họa Henri Matisse từng nói như vậy. Có dễ dàng làm được điều đó không nếu cuộc đời cứ vây bủa ta bằng những gì tối ám? 

Giấc mơ họa sĩ vẽ vời nhăng nhít của tôi tắt ngóm cùng những biến cố lớn năm 1975; thời niên thiếu hoa mộng cũng kết thúc sớm. Dù qua đi khá mau những niềm vui rực rỡ ồn ào của cơn chuếnh choáng hòa bình khi chiến tranh bao năm bất ngờ khép lại: những đại lễ, những hội họp, mít tinh, sinh hoạt chính trị, văn hóa văn nghệ thâu đêm mừng chiến thắng, nhưng hình như cuộc sống của thị xã thời niên thiếu tôi ở những năm sau đó không bao giờ còn lấy lại được sự thăng bằng như cũ nữa. Tựa một chuyến tàu chỉ còn thuần túy chạy tới bằng quán tính và có cảm giác nó đang chậm dần, chậm dần lại để sẽ ngừng tắt tại một điểm dừng nào đó ở miền vô cực, và mọi con người trên chuyến tàu ấy cũng vậy, cứ mụ mị dần đi trong vũng hồ sền sệt thứ chất lỏng bất khả gọi tên đang từ từ đông lại, vây bọc lấy mọi thứ… Đó là một chuỗi những tháng ngày vô danh và giống hệt nhau với nỗi ám ảnh thường trực về mất mát và ly tán. Luôn luôn có hoa cho những ai muốn nhìn thấy chúng, nhưng ngày ấy tôi còn quá trẻ để có thể hiểu được điều đó! Những ngày vui thưa dần đi. Lâu lâu lại nghe tin một người quen hay bạn bè vừa theo gia đình vượt biển bỏ trốn. Cô giáo dạy Văn trường tôi bị buộc nghỉ dạy do có chồng bị bắt vì liên quan đến một tổ chức phản động chống chính quyền cách mạng. Những lời đồn thổi. Đôi mắt âm thầm âu lo của mẹ. Mưa dầm. Dòng người xếp hàng dài dằng dặc trước những cửa hàng lương thực luôn trống rỗng hàng hóa. Mùa hè như ngắn lại, mùa đông thì dài ra và lạnh hơn. Hộp màu nước cuối cùng của tôi đã hết từ lâu, một vài tuýp màu còn sót lại bị bỏ quên và hóa đá trong ngăn kéo bàn học. Gió mùa đông bắc thổi u u không ngừng nghỉ trên những hàng cột điện, những rặng cây trong vườn
 
Không vẽ vời gì nữa cả. Hoàn toàn không. Bầu bạn thật sự cùng tôi những năm tháng ấy hình như chỉ còn lại những cuốn sách - nhưng là những cuốn sách của một thế giới đã biến mất - và vì vậy, nhuốm một vẻ gì đó khôi hài, cay đắng và nhiều dư vị ê chề.  Nhiều chục năm sau bạn bè cùng lớp cũ gặp lại hàn huyên nhắc kể tôi về những bức hí họa, châm biếm cà rỡn tôi nguệch ngoạc vẽ trong lớp thời trung học, cả chuyện bức hí họa chút xíu nữa gây ra sự tày đình cho tôi trong giờ học môn chính trị. Tôi mơ hồ gắng gượng nhớ lại rồi đành ngượng nghịu thú thực rằng mình đã quên mất. Không vẽ vời gì nữa cả và cũng chẳng thể nhìn thấy hoa, tôi xám xịt cùng những năm tháng u sầu ấy chầm chậm trôi đi không ngừng nghỉ…
 
Nhưng tôi nhớ, có một đêm, có lẽ là một đêm nào đó của năm học 11… Chẳng hiểu vì sao trong cái đêm kỳ cục ấy tôi lại bất chợt cảm thấy đơn độc và buồn bã đến vậy! Thành phố cúp điện (những ngày tháng ấy hình như đêm nào cũng cúp điện!), xếp sách lại, tôi đạp xe lang thang xuống phố. Không biết đi đâu, không còn chỗ nào để đến, không còn bạn bè nào đủ thân thiết để ghé chơi trò chuyện, đi chán tôi lại quay về ngồi bó gối trong phòng mình. Sau năm bảy lượt rời nhà đi lang thang vô mục đích rồi lại đạp xe về như bị ma ám, bỗng dưng trào lên trong tôi là ý muốn được vẽ, được cào cấu thể hiện lên giấy một thứ gì đó, bất cứ là thứ gì, như để quên, để trốn chạy cái cảm giác bức bối không rõ lý do đang đè nặng trong lòng. Mở ngăn kéo bàn học tìm được một tấm bìa vở cũ và một cây bút chì, trong bóng tối, tôi cào, tôi rạch lên mặt giấy những đường nét, những hình thù tan nát, vô định… Vẽ vẽ vẽ (nếu có thể gọi đó là vẽ) bằng sự tuôn trào không ý thức, như một người mù bước vào vô định quờ quạng tìm kiếm đường đi cho mình, vẽ vẽ vẽ tất cả những nỗi niềm tăm tối vô danh, những câu hỏi không có lời đáp trả, những vực thẳm không đáy của hy vọng cũng như của tuyệt vọng, rồi không một lần xem lại, tôi thở phào xé nát bức vẽ của mình!

Trên mỗi giai đoạn cuộc đời, tôi thấy mình thường được neo giữ bởi một đôi giấc mộng chênh vênh này khác, chúng như một thứ phao cứu sinh giúp tôi sống sót qua những hồi bĩ cực. Có những giấc mộng thật ngắn ngủi, nhưng cũng có những giấc mộng dài hơi hơn và dây dưa với tôi trên rất nhiều năm tháng của cuộc đời. Cho đến tận bây giờ, dù mơ ước trở thành họa sĩ của tôi chắc chắn chẳng bao giờ thành sự thật, nhưng mỗi khi tình cờ đứng trước một hộp màu vẽ, lòng tôi vẫn rộn lên niềm khát khao được chạm tay vào, được đắm chìm vào thế giới muôn sắc màu đầy quyền biến của nó. Van Gogh từng nói, cho dù thâm tâm ta bảo ta rằng ngươi cóc thể nào vẽ được, hãy cứ vẽ bằng mọi giá, giọng nói đó sẽ câm tịt! Đôi khi nhớ lại cái đêm kỳ lạ thời thơ trẻ ngày nào, tôi cứ bâng khuâng nghĩ rằng, đêm ấy, có một lần và có lẽ chỉ một lần duy nhất ấy thôi, hình như tôi đã chạm được một chân vào lãnh địa huy hoàng của hội họa với niềm giao cảm gần với niềm giao cảm của một họa sĩ nhất mà không hề hay biết! (TTS - 3.2017)
 
 
 
Đêm mùa hạ (Trần Thanh Sơn - 1990)
Oil on paperboard
 
 
Mục ca (Trần Thanh Sơn - 1990)
Oil on paperboard
 
 
Thiếu nữ (Trần Thanh Sơn - 1990)
Oil and torn paper collage on paperboard
 
 
Serenade (Trần Thanh Sơn -1992)
Oil on paperboard
 
 
Johann Sebastien Bach (Trần Thanh Sơn - 1992)
Oil on canvas
 
 
Đồi thắp nắng (Trần Thanh Sơn - 1990)
Oil on paperboard
 
 
Hoa thiên điểu (Trần Thanh Sơn - 1989)
Oil on paperboard
 

Thiếu nữ (Trần Thanh Sơn - 1987)
Oil pastel on paper
 
 
Đà Lạt (Trần Thanh Sơn - 1989)
Alkyd on paperboard
 
 
Khỏa thân đỏ (Trần Thanh Sơn - 1986)
Alkyd on paperboard
 

Ảnh trên:  From Đối ẩm (Trần Thanh Sơn - 1993)
 


Không có nhận xét nào: