Biên tập viên một
chương trình ca nhạc truyền hình dành cho thiếu nhi có lần hỏi tôi, câu hỏi vui,
ngoài lề và không nằm trong chương trình phỏng vấn: “Tuổi thơ của ông, chắc là
đẹp nhỉ?”. Tuổi thơ của tôi à? Có cái gì ở đó? Hồi ức như hòn đá được ném thia lia trên mặt nước của vũng hồ quá khứ, nó lướt đi ngẫu nhiên rồi nhấn chìm ta
xuống một vùng nước không định trước nào đó ở cuối đường của trí nhớ bất chợt. Chẳng
hiểu vì sao câu hỏi có vẻ bâng quơ ấy lại không đưa tôi đến với những kỷ niệm đẹp
đẽ nào đó của thời thơ ấu mà lại dẫn tôi về khu vườn ngôi nhà cũ ở miền
Trung xa ngái một chiều buồn bã mùa hè năm tôi học lớp 4. Tôi thấy tôi ngồi giữa
đám bạn bè hàng xóm trên đống gạch đá cũ. Tôi thấy buổi chiều đang chầm chậm
dâng lên từ mọi ngóc ngách của khu vườn rộng với những rặng nhãn, những hàng
mãng cầu bắt đầu tràn ngập bóng tối. Đó là một buổi chiều trong chiến tranh. Bọn
trẻ hiếu kỳ chúng tôi vừa chạy đi xem đám tang của một gia đình đã chết cả nhà vì
trận pháo kích đêm hôm trước. Bốn chiếc quan tài đỏ rực xếp thành một hàng dài
trước sân căn nhà vụn nát vì đạn pháo là một cảnh tượng đầy ám ảnh, thế nên khi
ra về, thay vì giải tán, cả bọn lại kéo đến nhà tôi, ngồi tụm lại, như để chia
sẻ với nhau niềm kinh sợ, hãi hùng…
Chiến tranh, cho đến trước buổi chiều hôm ấy vẫn còn là một chuyện gì khá xa vời đối với đám nhóc thành thị chúng tôi. Sự hiện diện của nó, có chăng chỉ là những chuyến xe GMC chuyển quân ầm ào chạy qua thành phố, những đêm hỏa châu cháy sáng, tiếng còi báo động, tiếng đại bác từ xa vọng về, hay thoảng hoặc, tiếng súng của những người lính gác đổi phiên nổ vu vơ đâu đó trong đêm tối. Hình như sự ác liệt của chiến tranh chỉ có trong những cuốn phim truyền hình “Combat” chiếu trên kênh 11 của quân đội Mỹ mà đám nhãi ranh chúng tôi vẫn thường bắt chước bằng trò chơi đánh trận giả, inh ỏi dành nhau đứa nào làm Vic Morrow đứa nào làm Rick Jason (*) dũng cảm đánh nhau với lính Đức và bắn chúng chết như rạ! Truyền hình thời đen trắng không cho người xem thấy máu, nên đương nhiên, cũng chẳng thể thấy được những cổ quan tài đỏ tươi!
Chiến tranh, cho đến trước buổi chiều hôm ấy vẫn còn là một chuyện gì khá xa vời đối với đám nhóc thành thị chúng tôi. Sự hiện diện của nó, có chăng chỉ là những chuyến xe GMC chuyển quân ầm ào chạy qua thành phố, những đêm hỏa châu cháy sáng, tiếng còi báo động, tiếng đại bác từ xa vọng về, hay thoảng hoặc, tiếng súng của những người lính gác đổi phiên nổ vu vơ đâu đó trong đêm tối. Hình như sự ác liệt của chiến tranh chỉ có trong những cuốn phim truyền hình “Combat” chiếu trên kênh 11 của quân đội Mỹ mà đám nhãi ranh chúng tôi vẫn thường bắt chước bằng trò chơi đánh trận giả, inh ỏi dành nhau đứa nào làm Vic Morrow đứa nào làm Rick Jason (*) dũng cảm đánh nhau với lính Đức và bắn chúng chết như rạ! Truyền hình thời đen trắng không cho người xem thấy máu, nên đương nhiên, cũng chẳng thể thấy được những cổ quan tài đỏ tươi!
Chiều hôm đó, tôi nhớ, cả bọn không đùa giỡn, không tán phét chòng ghẹo nhau nữa mà ngồi im, thật lâu, trên đống gạch đá cũ cuối vườn nhà tôi - chỗ tụ tập quen thuộc của cả đám. Rồi chẳng biết đứa nào trong bọn lên tiếng đề nghị nhỏ C. hát. Nhỏ C. học ngang lớp với tôi, nhưng bên trường nữ Thánh Tâm. Nó xinh xắn, hát hay và thường được các soeur cho lên sân khấu mỗi khi trường có lễ hội. Bình thường, C. ưa hát lắm, nhưng chiều hôm đó, không hiểu sao nó cứ lắc đầu nguầy nguậy. Khi cả bọn đã tưởng C. cương quyết khước từ thì đột nhiên con nhỏ mở miệng. Đó là một khúc hát lạ hoắc, dị kỳ, mà thoặt nghe, tôi tưởng nhỏ C. đang khóc than kể lể bằng một thứ ngôn ngữ không phải tiếng Việt, cổ sơ và hoang đường như lời ai vãn của những bóng ma Hời bước ra từ truyền thuyết. Trong bóng tối chập choạng của buổi chiều đang không ngừng buông phủ, khúc hát ma mị ấy chập chùng lên xuống, đẹp đẽ nhưng ngụy dị và làm chúng tôi sợ hãi, như thể không phải nhỏ C. hát nữa mà là một hồn ma bóng quế lang thang nào đó đã nhập vào và khiển nó cất lên khúc ca ai oán này. “Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử…”, trí nhớ tôi chỉ còn đọng lại chừng ấy lời ca, mẹ bồng con, mẹ bồng con lên non nơi có chiếc cầu mang tên Ái Tử xa lạ mịt mùng chẳng biết ở phương trời nào! Sau này C. giải thích đó là bài hát bà ngoại nó dạy cho, bài hát rất khó hát và khó nhớ. Tôi ngờ rằng đó là một khúc hát ru cổ xưa của vùng đất Quảng Trị quê ngoại của C. Cái âm hưởng sầu u thê thiết của nó ắt hẳn phải có nguồn gốc đâu đó từ những bài ca vong quốc của người Chiêm Thành xa xưa trên vùng Ô Lý…
Khúc hát ru của nhỏ C. cùng cái buổi chiều buồn thảm trong vườn nhà tôi hình như cũng đã bắt đầu cho hàng loạt sự biến của cái gọi là mùa-hè-đỏ-lửa năm 1972. Chiến sự bùng lên ác liệt. Từ phía bên kia đèo Hải Vân, biển người tị nạn từ Quảng Trị ùn ùn đổ vào thành phố mang theo những câu chuyện khủng khiếp về các trận chiến đẫm máu với các địa danh Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh, đại-lộ-kinh-hoàng… Học sinh được nghỉ hè sớm dành trường học cho người tị nạn. Công viên thành phố cũng ngập người chạy loạn, họ cắm lều, ăn ở, tắm giặt, nấu nướng và ngủ ngay trên những chiếc ghế đá trong công viên. Xe GMC chở áo quan phủ cờ vàng từ chiến trường về cũng nhiều hơn, khăn sô trắng xuất hiện khắp nơi trên phố. Đêm nào bầu trời cũng vàng ỏng ánh hỏa châu thắp lửa bập bùng. Cũng trong khoảng thời gian này, gia đình nhỏ C. nhận được tin báo anh đầu của nó tử trận ở một tiền đồn khớp đúng với cái địa danh xa lạ xuất hiện trong câu hát ru ai oán mà C. hát trong buổi chiều cả đám ngồi trên đống gạch đá cũ cuối vườn nhà tôi: Ái Tử!
“Tuổi thơ của ông, chắc là đẹp nhỉ…”, câu hỏi bâng quơ của người biên tập viên trẻ ấy tôi chẳng biết phải trả lời như thế nào. Tuổi thơ có đẹp không với những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên và may mắn sống sót từ cuộc chiến mười ngàn ngày đêm kinh khủng? Mẹ tôi kể rằng khi tôi lên hai, chiến tranh bắt đầu lan rộng và ngày càng trở nên khốc liệt, mẹ bắt đầu ngày đêm khấn vái mong sao cho cuộc chiến đẫm máu ấy sẽ mau kết thúc, thê thảm hơn, bà bảo, đôi khi bà ước sao con mình đừng lớn nữa, bởi nếu không, chẳng chóng thì chầy sẽ đến lượt con bà đến tuổi phải nạp mình cho cuộc chiến! Tôi, chỉ là một trong hàng vạn những đứa trẻ được các bà mẹ ngày ấy mong sao cho đừng lớn nữa, thế nên, có thể nói gì về cái tuổi thơ được đóng khung và được tô màu bằng chiến tranh này? Nói đẹp cũng được mà nói xấu thì cũng không sao…
Đôi khi tôi nhớ về những đứa bạn của thời tiểu học xa xôi, bọn chúng, mà hầu hết mọi gương mặt đều đã bị bôi xóa nhòe nhoẹt bằng thứ màu của lãng quên, thi thoảng vẫn trồi lên trong giấc ngủ của tôi, ú ớ như một đôi nốt nhạc của khúc hát tôi nghĩ mình đã quên từ lâu, khúc hát như một lời tiên tri buồn thảm về một miền đất, về những số phận, mà nhỏ C. trong vườn nhà tôi chiều nào đã lên tiếng. Cuộc đời viết nhạc của tôi, tôi thường dành những giai điệu đẹp nhất của mình cho những khúc ca về thời tuổi nhỏ, phải chăng, đó là hành động vô thức nhằm kháng cự lại sự ám ảnh của khúc hát ru tuy đẹp đẽ nhưng ngụy dị mà tuổi thơ tôi có lần được nghe, gán cho nó cái tội danh đầy phi lý: một bài ca mang đến điều gở, điềm bất tường!
Năm tôi học 11, nghe kể có người gặp gia đình C. giờ sinh sống ở Long Khánh. C. đã lớn, không đi học nữa mà bán hàng rong ở chợ và rất xinh đẹp. Cũng có lời đồn gia đình C. đã di tản sang Mỹ ngay từ năm 1975, và một đồn đãi khác, cả nhà C. đã mất tích ngoài biển. Chẳng biết tin ai. Trận gió bão 1975 thật sự đã thổi tung đám bạn thời thơ ấu của tôi ra mỗi người mỗi ngả, ngay cả gia đình tôi đời sống cũng thổi bay đi biệt mù. Thi thoảng, loáng thoáng nghe thấy ở đâu đó một khúc hát có âm hưởng hao hao câu hát ru ngụy dị hư hư thực thực, nhớ nhớ quên quên mà nhỏ C. hát trong vườn chiều độ nào, lòng tôi bất chợt gợn lên niềm u ám cũ, tôi lại thấy mình là một đứa trẻ hoang mang ngồi giữa bạn bè trên đống gạch đá cũ cuối vườn hốt hoảng nhìn những cánh cửa địa ngục mà chiến tranh, mà cuộc đời vừa mở ra trước mắt mình. Ôi, bài hát của tuổi thơ mà nơi tâm khảm tôi luôn muốn vĩnh viễn quên đi!...
Trần Thanh Sơn (7.2017)
(*) Tên các diễn viên đóng loạt phim truyền hình nổi tiếng này.
Ảnh: From Frank Schumaker's Painting
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét