Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Mộng mị và... quyền được thức giấc

 

Văn chương là nẻo có thể đưa con người vào cõi mộng, thế nên viết về cõi mộng là dệt mộng trong mộng. Người dệt mộng trong mộng sớm nhất loài người có lẽ là Trang Chu. Nam Hoa Kinh hơn hai ngàn năm trước đã kể chuyện Trang Chu mơ thấy mình hóa bướm và khi thức giấc chẳng phân biệt được giấc mơ của mình đã tạo ra bướm hay giấc mộng của bướm đã tạo ra mình (1). Trò chơi ảo hóa chập chờn ấy phải chăng là một cách để Trang Chu kháng cự lại dòng chảy hủy diệt không ngừng nghỉ của thời gian, đồng thời là sự cứu rỗi nhất thời mình khỏi móng vuốt của hư vô luôn chực chờ vồ chụp lấy? Tạo ra mộng mị đồng thời cũng tạo ra những nẻo đi về cho những mộng mị bất tận đó chẳng phải là đặc quyền của người cầm bút nói chung và của người nghệ sĩ nói riêng sao?

Phân tâm học của Freud cho rằng những hình ảnh biểu hiện trong giấc mơ và trong tác phẩm nghệ thuật chỉ là những hình ảnh tượng trưng để ngụy trang cho những ham muốn tiềm ẩn, và thế giới văn chương là huyễn tưởng của tác giả nhằm biểu lộ những ẩn ức tâm lý, khơi dòng cho vô thức và tiếp cận với những ngóc ngách sâu thẳm nhất của nội tâm con người. Thật ái ngại khi phải phân tích mối quan hệ nhằng nhịt giữa sáng tạo nghệ thuật và mộng mị theo kiểu Freud! Sinh thời mẹ tôi có một cuốn sách khá dày bàn về chiêm bao và giải đoán mộng mị. Tôi nhớ khi mình còn bé, mỗi khi ngủ mớ thấy điều gì đấy, tôi thường lén mẹ lấy sách ra xem. Ôi thôi, những giấc mộng tuyệt đẹp của tôi, từ hoang đảo cát vàng biển bồng bềnh sóng đến rừng rậm Phi châu và những bầy ngựa tung vó trên thảo nguyên mênh mông đã biến thành những dự báo gớm ghiếc: bệnh tật, sự ganh ghét, có người nói xấu sau lưng, quyền lực bị phế truất, tán tài, có tang gần và cả… cái chết! Tôi mù tịt, chẳng hiểu và cũng chẳng tin quái gì vào những giải đoán nhảm nhí đó. Xếp sách lại, cứ ngủ mơ thấy mình bay như chim giữa trời hay nhỡn nhơ làm con bướm vàng Trang Chu chẳng cần quan tâm tới nguyên do hay giải đoán gì gì chẳng tuyệt thú hơn sao?

Nhạc sĩ Phạm Duy có câu hát cực kỳ thú vị: Đố ai nằm ngủ không mơ! Sẽ chẳng ai tin được có người nào cả cuộc đời chưa từng ngủ mơ lấy một lần. Nên chẳng lạ gì khi thế giới sáng tạo nghệ thuật mọi thời đại luôn có sự góp mặt của những giấc mơ: Agamemnon với giấc mộng giả mạo của Zeus (Homer), ngọn nến đỏ lập lòe tội ác trong giấc mộng du của phu nhân Macbeth (Shakespeare), con ngưa gầy bị đánh đập hành hạ trong giấc chiêm bao khủng khiếp của chàng Raskolnikov (Dostoievsky), mộ địa với tấm bia ghi tên chính mình trong giấc mộng quái gở và ngột ngạt của Joseph K. (Kafka), căn phòng tối đen và câu thì thào hẹn sẽ gặp-nhau-tại-một-nơi-không-còn-bóng-tối trong cơn mơ sầu thảm của Winston (Orwell), thành phố ảo ảnh Macondo bị gió cuốn đi cùng giấc mộng của José Arcadio Buendia (Marquez)… Còn có thể kể ra vô số những thí dụ tương tự như vậy, nhưng đặc dị và không thể không nhắc tới, đó là những mê-cung-mộng-trong-mộng của Jorge Louis Borges.

Thế giới của Borges, được mệnh danh là “Thế giới lộng lẫy của bóng tối”, thế giới của những chuyến du hành bất tận trong những mê cung với những tấm gương phản chiếu những giấc mộng lồng trong giấc mộng, nơi thực tại vắng mặt, không gian và thời gian cũng chẳng còn thực tồn. Con người trong thế giới huyền ảo và bấp bênh đó hiện lên mong manh, mơ hồ với tất cả sự phi lý của thân phận người. Borges không dễ đọc. Hoàn toàn không dễ đọc. Thế nhưng, trong một ít những tác phẩm đã được đọc của Borges, tôi thường thú vị nhớ đến mẩu truyện rất ngắn của ông có tên “Chuyện về kẻ thù”. “Ba năm chạy trốn và đợi chờ và bây giờ kẻ thù đang ở trong nhà tôi” (2), câu chuyện được mở đầu bằng một câu như vậy. Borges tả cảm giác khi nhìn thấy cựu thù nay đã trở thành một lão già, tả nỗi lo âu, sự luyến tiếc của ông trước những việc dở dang mà ông sẽ không thể hoàn tất được nữa, đồng thời, tả sự quyết tâm cố giết ông bằng được của kẻ thù dù ông đã hạ mình buông lời cầu xin tha thứ.

“…ta không phải là đứa trẻ ấy - Y cãi lại tôi - Ta cần phải giết mi. Đây không phải là sự trả thù hèn hạ mà là một hành động công lý. Borges ạ, những luận điệu của mi chỉ là trò ranh ma che đậy nỗi sợ hãi để ta không giết mi. Giờ thì mi chẳng thể làm gì được nữa rồi.
-Ta còn có thể làm - tôi trả lời y.
-Làm gì? Y hỏi.
-Tỉnh dậy, thế thôi!
Và tôi đã làm như thế”.

Truyện kết thúc. Tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần mình đã thoát khỏi bão lũ, sóng thần, chiến tranh giết chóc và cả tận thế cũng bằng cách thức này. Chỉ việc bấu vào tay mình và gào lên “Trần Thanh Sơn hỡi, mi đang mơ đấy thôi, tỉnh dậy đi!”, vậy là xong. Thuở nhỏ tôi có đứa bạn, thỉnh thoảng nó chạy sang nhà rủ tôi đi chơi, mua kem cho ăn rồi bảo: đọc sách đến đoạn ghê quá tao tạm dừng chạy sang mày chơi cho đỡ sợ! Cũng giống như bấu lấy tay mình, giấc mộng văn chương cũng có thể dễ dàng thoát ra bằng cách xếp ngay sách lại! Cuộc đời ta, phải chi cũng sử dụng được những cách thức này. Khi gặp phải những điều sầu não hay chướng tai gai mắt của cuộc đời, ta chỉ việc cười khỉnh và sử dụng cái quyền - thức giấc! Vậy là không còn nữa: khổ đau, mất mát, chia lìa, không còn nữa: phản trắc, lọc lừa, dối trá, không còn nữa: văn hóa suy đồi, tham nhũng, hối lộ… Ta sẽ như Borges cười vào mũi kẻ thù và lìa bỏ mọi giấc mộng nhân gian xấu xí khó ưa. Nhưng liệu có thể sống vậy, sống như cánh bướm của Trang Chu chập chờn giữa đôi bờ thực mộng?

Suốt cả ngày, cũng từ Borges, tôi cứ suy nghĩ vẫn vơ về chuyện mộng mị và... quyền được thức giấc, nghĩ đến bao thế hệ nhân loại từng biết bao lần chìm đắm vào những giấc mộng tập thể eo sèo của những tín điều, chủ nghĩa và vọng tưởng, có nhiều người trong số đó từng biết sử dụng đến cái quyền được thức giấc của mình không? Và còn nữa, đôi cánh bướm nhỏ mỏng manh của Trang Chu, hỡi ôi, làm sao có thể chuyên chở nổi bao giấc mộng tối tăm của lịch sử con người?
Trần Thanh Sơn (7.2017)

(1) Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư, hồ điệp chi mộng vi Chu dư
(2) Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức tuyển và dịch, NXB Đà Nẵng 2001

Ảnh: From Edward Honeker's Photography


Không có nhận xét nào: