Bỗng nhớ những khuya muộn ở những cõi miền mà tuổi trẻ tôi
từng lang thang qua đấy. Những mẩu ký ức rời, vụn mủn, không đầu không đũa mà
tôi chẳng biết đặt để chúng vào đâu, chẳng nhớ rõ chúng đã diễn khi nào, chúng
có thực hay chỉ là những biến dị của ký ức, sản phẩm của lãng quên được ghép
nối cùng trí tưởng tượng…
Có hay không cái khuya buồn rũ ngoại ô trong quán cóc ngay bên nhà lồng khu chợ cũ, ông M. à, ông uống rượu như điên mà chẳng chịu say, ông bảo cuộc đời buồn quá, buồn và hoang vắng như cái thị trấn nửa đêm này, rồi với những người phu quét rác những bác xe ôm thiếu máu những gã ma cô với đám gái điếm tàn xuân thảm hại ngồi quanh đấy, ông chạm cốc, ông rời bỏ Prokofiev Bartok Rachmaninoff cầm đũa gõ vào ly vừa khóc vừa hát quán-nửa-khuya-đời-tôi-tàu-đêm-vắng-không-người (1), hát cho chính mình và cho những phận đời của đêm tối không cùng, những ngọn đèn đường giữa khuya hoang vàng õng như mắt người thiếu ngủ ngây ngô dõi xuống những linh hồn luân lạc…
Có hay không cái khuya buồn rũ ngoại ô trong quán cóc ngay bên nhà lồng khu chợ cũ, ông M. à, ông uống rượu như điên mà chẳng chịu say, ông bảo cuộc đời buồn quá, buồn và hoang vắng như cái thị trấn nửa đêm này, rồi với những người phu quét rác những bác xe ôm thiếu máu những gã ma cô với đám gái điếm tàn xuân thảm hại ngồi quanh đấy, ông chạm cốc, ông rời bỏ Prokofiev Bartok Rachmaninoff cầm đũa gõ vào ly vừa khóc vừa hát quán-nửa-khuya-đời-tôi-tàu-đêm-vắng-không-người (1), hát cho chính mình và cho những phận đời của đêm tối không cùng, những ngọn đèn đường giữa khuya hoang vàng õng như mắt người thiếu ngủ ngây ngô dõi xuống những linh hồn luân lạc…
Và bạn, có hay không cái khuya cao nguyên lạnh căm tháng Mười
Hai trên con dốc đá lở loét dẫn về Domain de Marie, sau khi nốc xong cả đống
rượu rhum rẻ tiền ở quán Serenade, đám giang-hồ-vặt chúng ta đã chân nam đá
chân xiêu kéo nhau về, trên con dốc đá ấy, gần sát ngay khu nhà xác của bệnh
viện thành phố, sau khi hù dọa lẫn nhau bằng hàng loạt những mẩu chuyện ma
dựng tóc gáy kinh điển nhất của phố núi, để át đi nỗi sợ, cả bọn đã gào tướng
một khúc hát không đầu không đũa, anh-không-chết-đâu-em-và-những-gì-gì-nữa (2), cười
rú lên rồi ù té chạy mà không hề biết rằng chính mình mới là những bóng ma của
sự tĩnh lặng cao nguyên trong cái đêm tận niên xa xôi mù mịt đó!
Và có không, hỡi đám bạn bè của mất mát, cái đêm không một
ngọn gió nơi thành phố biển xa lạ mùa hè chẳng biết lý do gì đã níu đám chúng
ta ngồi lại bên bờ cát mọc đầy những dây muống biển, cái đêm biển đen như
mực không chút âm ba và hun hút như hư vô, có phải sự thinh lặng khổng lồ kỳ lạ
ấy đã khiến cả đám sợ hãi vì thấy mình quá nhỏ bé quá mong manh quá vô nghĩa,
và cứ thế tất cả ngồi như hóa đá, máy móc nâng ly máy móc uống cạn phần rượu
của mình mà chẳng hề cười đùa trò chuyện, đến độ nửa đêm lúc quay về chỗ trọ,
B. đã cằn nhằn bữa rượu đêm nay còn tệ hơn xem một cuốn phim câm! Cũng trong
khuya đó, một sự việc cứ làm tôi nhớ mãi, khi mở cửa phòng, tôi đã phát hoảng
vì nhìn thấy một gã thanh niên xanh gầy tóc tai bù xù đang đứng nhìn mình lom
lom. Phải một lúc lâu tôi mới nhận ra đấy là hình ảnh phản chiếu của chính mình
nơi tấm gương soi ố vàng gắn trên cửa tủ. Trời ạ, đấy cũng là lần duy nhất
trong đời tôi đã không nhận ra mình, hoàn toàn không nhận ra mình!
Và có không, Trần Thanh Sơn, cái khuya muộn từ nhà anh H. ra
về mi đã lạc trong mê cung những hẻm và hẻm của cái thành phố mà mi tưởng rằng
xiết bao quen thuộc với mi, mi phóng xe tới, mi phóng xe lui, tự cười nhạo trí
nhớ thảm hại của mình, rẽ trái rẽ phải trở lui trở tới và rồi tuyệt vọng khi
nhận ra mình phải dừng xe lại trước một ngõ cụt. Như thể đó là chốn tận cùng
của thế giới, nơi được cách ly khỏi mọi tiếng động của thành phố, nơi những mái
nhà và những bức tường đã yên ngủ, tự dựng nên những mê cung cho chính mình,
giam lỏng mọi khách bộ hành và giam lỏng cả những vì sao lang thang. Tôi là
người khách bị giam lõng trong mê cung kỳ dị của những đường ngang lối tắt đang
yên ngủ đó. Một con mèo mắt xanh lè từ trong bóng đêm vọt ra, tiếng chó sủa xa
xôi như vọng về từ một giấc mơ, tiếng thì thầm bí ẩn từ những bậc thềm, tiếng
vọng thoảng mơ hồ của những bước chân vô hình, một ô cửa sổ tỏa sáng nhè
nhẹ phía trên cao… Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tôi dừng lại và gõ cửa? Đi đâu hết
rồi tiếng của con người? Tôi giảm ga chiếc xe gắn máy của mình thật thấp
nhưng vẫn có cảm giác mình đang đánh thức cả cái mê cung đó dậy; những mái nhà,
những bức tường, những cánh cửa im lìm nhấp nháy mi mắt như sắp sửa thức giấc
để hỏi tội kẻ dám làm kinh động chúng. Gần nửa giờ đồng hồ chạy loanh quanh
một cách tuyệt vọng trong cái mê cung chằng chịt đó, tôi bất chợt thấy mình
lao ra giữa một phố rộng sáng đèn, như thể hồn thiêng của phố thị vừa ói tôi
ra khỏi cái cổ họng tăm tối của nó, buông tha tôi sau khi đã đùa giỡn với tôi
một hồi…
Và nữa, có hay không một khuya hiu hắt bất chợt thức giấc
trên căn gác gỗ ở nhà ông cậu của Th. Cơn mưa dai dẳng tháng Chín đã ngừng rơi
từ lúc nào? Tôi mở cửa bước ra ngoài bao lơn, thung lũng phía dưới với những
mái nhà nằm san sát nhau bên sườn những quả đồi đã biến mất nhường chỗ cho một
biển trắng xóa mù sương đang không ngừng dâng lên. Tịnh không một tiếng động. Đó
là cơn hồng thủy của niềm câm lặng, như thể cả thế giới đã bị nhấn chìm bởi một
thứ dung dịch sền sệt, buốt giá và dửng dưng, biển sương mù đó vươn những chiếc
vòi bạch tuộc nhờn nhớt lên căn gác gỗ, mang theo niềm câm lặng đến rợn người
của mình thấm vào tất cả, mọi đồ đạc vật dụng trong phòng, chiếc áo len tôi
đang mặc, xương thịt của tôi, trái tim tôi. Và tôi có cảm giác mình trôi lều bều
trong biển mù sương hồng thủy tháng Chín đó, trong khi, cả thế giới không ai
hay biết cả, cả thế giới đã chết chìm, sẽ không còn một ai đáp lại ví như tôi
có hét lên lời kêu cứu…
Những khuya muộn của tuổi trẻ ta trên những cõi miền của
lãng quên và mất mát, nó như những cánh buồm ma dù đã rong khơi vẫn đôi khi ngoài
mong muốn của ta thấp thoáng quay về trong màn sương thăm thẳm của trí nhớ. Một
vài đêm mất ngủ, tôi thì thầm với riêng mình một câu hát cũ, câu hát mà mỗi lần
lẩm nhẩm, tôi luôn luôn cảm thấy mình thiếu vắng: “Có nhiều khi từ vườn khuya
bước về, bàn chân ai rất nhẹ, tựa hồn những năm xưa…” (3).
Trần Thanh
Sơn (8.2017)
Ảnh: Đêm (Đinh Cường)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét