Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Cho một giọng hát...

 
 
Tôi may mắn được hạnh ngộ với giọng hát Kathleen Ferrier từ khá lâu, phải hàng chục năm trước khi có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về giọng ca huyền thoại của âm nhạc cổ điển vốn được yêu thích và ngưỡng mộ nhất thế giới này. Trong số ít ỏi những đĩa nhựa đầu tiên mà tôi mua được vào đầu những năm 1980 ở chợ lạc xoong vỉa hè Trần Quang Khải, tôi đã tình cờ sở hữu một Kathleen Ferrier: đó là bản ghi âm “Bach and Handel Recital” được bà thực hiện tháng 10.1952 cùng London Philharmonic Orchestra dưới đũa chỉ huy của Adrian Boult. Như tôi nhớ, đây là đĩa thanh nhạc cổ điển duy nhất mà tôi có vào thời điểm ấy và cũng là đĩa nhạc thường được tôi mang ra nghe đi nghe lại vào những đêm buồn bã trong căn nhà vườn vùng ngoại ô của gia đình thời xa xôi ấy. Hồi ức về nỗi choáng ngợp trong lần đầu tiên nghe Kathleen Ferrier hát là một thứ hồi ức cứ mãi mãi diệu kỳ đối với tôi. Giọng hát ấy như hương vị mẩu bánh madelaine của Proust có khả năng làm sống dậy trong tôi toàn bộ những tháng ngày xưa cũ của tuổi trẻ sóng sánh nỗi buồn cũng như niềm vui, thậm chí có thể đánh thức (dù chỉ trong giây phút) những niềm ước vọng đã phai tàn, đã kiệt cùng hay đã chết từ lâu!
 
Từ một cuộc chuyện trò lan man ở bàn café với K. về những kỷ niệm khó quên thuở ban đầu với âm nhạc cổ điển, về Stravinsky, về Kathleen Ferrier… tôi vô cùng bất ngờ khi cách đây vài hôm người bạn cũ đã chuyển tặng tôi bộ sưu tập “Kathleen Ferrier Edition” gồm 10 CD, chứa gần toàn bộ các bản ghi âm của giọng contralto độc nhất vô nhị này. Tôi xúc động ngắm gương mặt khả ái với mái tóc cắt ngắn gợn sóng quen thuộc của bà in trên bìa hộp đĩa, háo hức mở nghe lại một vài trích đoạn aria, bồi hồi nhớ tiếng nổ lách tách của chiếc đĩa nhựa cũ trầy xước và mòn vẹt ngày xưa của mình… Chỉ tiếc, bộ sưu tập được bạn tặng này (do Decca thực hiện) thiếu hẳn một số bản ghi âm các tác phẩm lớn mà với sự tham gia của Kathleen Ferrier, đã trở thành những huyền thoại trong lịch sử ghi âm của nhân loại: Das Lied von der Erde, Symphony No.2, Kindertotenlieder (G. Mahler), Ascension Oratorio (J.S. Bach)…
 
Sở hữu giọng nữ trầm quý hiếm, chất giọng ấm áp truyền cảm và ngập tràn cảm xúc, dù không được đào tạo chính quy về thanh nhạc nhưng trong 41 năm ngắn ngủi của cuộc đời của mình, Kathleen Ferrier đã mau chóng trở thành một hiện tượng âm nhạc, một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng được cộng tác với các nhạc trưởng lừng danh thế giới như: Pierre Monteux, George Enescu, Herbert von Karajan, Erich Kleiber, Adrian Boult, Eduard van Beinum, Otto Klemperer, Malcolm Sargent... Đặc biệt, John Barbirolli và Bruno Walter, hai nhạc trưởng cực kỳ yêu quý giọng hát cũng như nhân cách của Kathleen Ferrier đã đứng ra đỡ đầu và có nhiều đóng góp lớn vào sự thành công trong sự nghiệp biểu diễn của bà. Không chỉ chinh phục người nghe bằng chất giọng contralto thực thụ trời cho (khi đa phần trong thực tế là giọng mezzo-soprano hát thấp xuống), Kathleen Ferrier còn có một nhạc cảm nhạy bén và cách xử lý tác phẩm vô cùng thông minh, sáng tạo. Trong các bản ghi âm mà bà đã thực hiện, nếu so sánh chúng với những giọng hát khác thể hiện trên cùng một tác phẩm, ta có thể thấy rất rõ điều này: đó là sự tràn ngập những cảm xúc mãnh liệt mang đậm dấu ấn cá nhân, cho dù đó là những tác phẩm thuộc thời kỳ lãng mạn hay âm nhạc baroque vốn thiên về lý trí. Tôi từng nghe nhiều phiên bản “Das Lied von der Erde” (Bài ca trái đất) dưới nhiều đũa chỉ huy khác nhau và với nhiều giọng ca khác nhau thể hiện chương cuối "Abschied": Herbert von Karajan với Christa Ludwig, Kurt Sanderling với Birgit Finnila, Giuseppe Sinopoli với Iris Vermillion hay Jascha Horenstein với Alfreda Hodgson… nhưng chưa từng nhận được thứ cảm xúc ở một cung bậc dị thường như cảm xúc mà Kathleen Ferrier mang đến cho tôi khi nghe bà hát những dòng giai điệu trầm tối tràn đầy suy tưởng trong bài ca ly biệt của Mahler. Nên chẳng ngạc nhiên gì khi trong buổi diễn tập đầu tiên của Kathleen Ferrier với “Das Lied von der Erde”, Bruno Walter đã phải thốt lên: “Tôi vui sướng nhận ra rằng có khả năng đây sẽ là một ca sĩ vĩ đại nhất của thời đại chúng ta!”. 

Năm 1951, đang ở đỉnh cao rực rỡ nhất của cuộc đời và sự nghiệp, Kathleen Ferrier phát hiện mình mắc phải chứng ung thư quái ác. Dấu kín bệnh trạng của mình với công chúng, bà vẫn tiếp tục tham gia các chương trình biểu diễn khi sức khỏe tạm phục hồi sau những ca phẫu thuật. Tháng 2.1953, trong buổi diễn vở opera Orfeo mà Kathleen Ferrier vào vai chính, bà suýt ngã gục trên sân khấu vì gãy xương chân do chứng ung thư đã di căn vào tủy xương. Đấy cũng là buổi biểu diễn cuối cùng của Kathleen Ferrier trước khi bà vĩnh viễn ra đi vào tháng 10.1953 trong sự bàng hoàng của những người yêu âm nhạc trên khắp thế giới.
 
...Giữa đêm tối, nằm nghe lại giọng hát u ẩn Kathleen Ferrier trong chương kết “Ly biệt” của Das Lied von der Erde, tôi thầm mường tượng đến vẻ thanh tĩnh thường hiện diện trên các bức ảnh chân dung của bà rồi tự hỏi mình, điều gì ẩn dấu bên dưới nụ cười khiêm ái ấy, nỗi niềm bí mật nào, định mệnh nào, sức mạnh sâu thẳm nào đã tạo nên cái giọng hát hòa trộn giữa bóng tối và ánh sáng huy hoàng lạ lùng đến như vậy? Rồi cũng tự hỏi thêm mình, thế giới này, quỷ-tha-ma-bắt-nó-đi, đầy cái ác cái bất công cái xấu xa cái ti tiện, nên phải chăng, thi thoảng Thượng đế đã cử một vài thiên sứ kiểu như Kathleen Ferrier xuống trần gian để dùng tiếng hát tẩy rửa bớt đi những nhơ nhớp của dương trần?...
Trần Thanh Sơn (8.2017)
 

 
Note: Một số thi sĩ nổi tiếng như Yves Bonnefoy, Adam Zagajewski, James Wright… từng làm thơ ca tụng giọng hát Kathleen Ferrier. Tôi cảm thấy thú vị nhất với bài thơ này của Adam Zagajewski:
 
 
Kathleen Ferrier
 
 
It’s just a voice.
It’s just a voice, and we don’t know
if it still belongs to a body,
or to the air alone.
 
The voice of a girl journeying
to Carlisle in a used Morris.
 
Just think, how many different voices
sounded in her life’s brief span.
Goebbels’s hysterical cry.
The moaning of the wounded, prisoners’ whispers.
 
Declamations in school auditoriums
(epics praising the tyrant).
So many lies in our throats.
She died of cancer,
not from hunger like Simone Weil,
not in a camp like Mandelstam.
 
She never studied in a conservatory
and yet the purest music
speaks through her.
 
She liked the songs of Schubert and Mahler,
Bruno Walter counseled her.
 
A girl’s voice,
innocent, sings Handel’s arias.
 
Listening, you think
here was a chance
for a better human race,
 
but the record ends
and you return to your usual mistrust—
 
as if the song promised too much,
more than silence or exhaustion.                    

 
Xin được tạm dịch:
 
Kathleen Ferrier
 
 
Chỉ là một giọng hát
Chỉ là một giọng hát, và chúng ta chẳng biết
Nó vẫn thuộc về một thân xác
Hay chỉ thuộc về một làn gió thoảng mà thôi.
 
Giọng của cô thiếu nữ trên đường
Đến Carliste bằng chiếc ô tô Morris cũ.
 
Thử ngẫm mà xem, biết bao nhiêu là giọng điệu khác nhau
Vang lên trong cả cuộc tồn sinh ngắn ngủi của cô gái trẻ
Giọng gào thét điên loạn của Goebbels (1)
Giọng rên rỉ người bị thương, và thì thào giọng của những tù nhân.
 
Những bài diễn văn sang sảng trên các giảng đường đại học
(Cả đống sử thi tung hô bọn bạo chúa)
Sao mà lắm thế những lời dối trá từ cổ họng chúng ta.
 
Cô gái chết vì căn bệnh ung thư
Không phải chết vì đói như Simone Weil (2)
Cũng không chết trong một đồn tù như Mandelstam (3)
 
Cô chưa từng học qua một nhạc viện nào
Dẫu vậy thứ âm nhạc tinh tuyền nhất
Đã thông qua cô mà cất tiếng.
 
Cô gái yêu những khúc hát Schubert và Mahler
Mà Bruno Walter đã chọn cho mình.
 
Giọng của cô thiếu nữ
Ngây thơ hát những khúc aria Handel.
 
Im nghe và bạn ngỡ
Đây rõ là một cơ hội
Để loài người có thể tốt hơn lên.
 
Nhưng đĩa nhạc kết thúc
Và bạn quay về với những nỗi hồ nghi thường trực
 
Như thể khúc hát kia đã hứa hẹn quá nhiều
Nhiều hơn cả sự tịnh yên hay cả nỗi rã rời.                                             
 
 
(1) Paul Joseph Goebbels (1897-1945): Chính trị gia người Đức, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã từ 1933 đến 1945.
(2) Simone Weil (1909-1943): Triết gia, nhà hoạt động chính trị người Pháp. Simone Weil mất vì suy tim ở tuổi 34, theo báo cáo của nhân viên điều tra, bà chết vì nhịn ăn.
(3) Osip Emilyevich Mandelstam (1891-1938) Nhà thơ, nhà văn Nga, một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của trường phái thơ Asmeist, Nga. Ông chết vì đói và lạnh trong Trại cải tạo lao động của Liên Xô do bị kết án có những quan điểm chống lại nhà nước Xô viết dưới thời Stalin.
 



Ảnh: Metamorphose (Tony Magar)
 


Không có nhận xét nào: