Tuyệt thú là
một trưa yên tĩnh được lười biếng nằm ngó những đám mây vô định
lang thang qua vòm trời. Không có việc gì phải làm cả. Không có điều
gì phải suy nghĩ cả. Không lo âu, không phiền muộn, không vui mà cũng
chẳng buồn. Lười biếng và uể oải như cậu học trò giữa kỳ nghỉ dài
bất chợt nhận ra rằng, điều tuyệt thú nhất của mùa hè không phải
là việc được tạm rời xa sách vở với học hành, cũng không phải là
việc được tha hồ nô đùa rong chơi cùng chúng bạn, mà mùa hè, điều
tuyệt thú nhất chính là được nằm ườn người ra và uể oải nhận biết
rằng việc được tạm rời xa sách vở học hành với tha hồ nô đùa rong
chơi chỉ là điều thứ yếu… Hãy nằm ườn người ra dưới một tán cây xanh
bất kỳ, hãy bằng đôi mắt khép hờ ngó những đời mây lang thang và
nghe lích chích trong vòm lá tiếng của một loài chim nào đó mà ta cũng
chẳng cần phải biết tên, rồi thiu thiu ngủ…
Tuyệt thú là
suốt buổi chiều được ngồi với những cuốn sách mà mình yêu thích.
Những cuốn sách từng là bạn đồng hành với ta trên những quãng đường dài ngắn của cuộc
đời và đã trở nên quen biết, thân thuộc. Thế nên, chẳng cần phải chuyên chú quá
đối với chúng. Ta có thể tùy thích nhón lấy một cuốn, tùy thích lướt đi từ
chương sách này sang chương sách khác, hay từ cuốn này nhảy sang cuốn khác,
như trong những cuộc chuyện vãn với bạn bè, người này ba câu người kia bốn chuyện, trời
trăng mây nước chẳng vì nguyên cớ nào cả. Từ một chiều vàng êm dịu vùng phún thạch Magellan nơi tận cùng Mỹ Châu xa xôi với Saint Exupery (1), tôi có thể lao
thẳng vào một đêm Thượng Hải tối ám sục sôi bạo loạn của Trung Hoa những năm
1920 cùng Malraux (2); từ những thì thầm miên man của Faulkner (3) trong mùi kim ngân
mùi nước mưa mùi của suối sông miền Mississippi Hoa Kỳ đầu thế kỷ XX, tôi có
thể đột ngột quay về nằm tiêu dao dưới gốc Vu đại thụ nghe gió thổi miên man
bên làng không-có-đâu của Trang Chu hai ngàn năm trước; và từ những chiều
không-xanh-không-tím-không-hồng những đêm chiến-tranh-đã-quên Thanh Tâm Tuyền (4),
tôi có thể nhẹ nhàng bước sang miền ca dao cùng tiếng sóng muộn phiền kêu quanh ghế với
Nguyễn Du, rồi thiu thiu ngủ…
Tuyệt thú là giữa
khuya muộn được nằm ngoài đồng vắng, trên bãi biển hoặc… trên mái nhà,
ngửa bụng lên trời và một mình đối diện với trời sao. Mặt đất và nhân loại
quanh ta biến mất. Những sầu u những giăng mắc lụy phiền trong ta biến mất. Trước
những con số lũy thừa của lũy thừa khoảng cách vũ trụ thì bao âu lo của con người
trở thành lố bịch. Thiên văn học bảo rằng ánh sáng của những vì sao đang rọi
chiếu vào mắt ta đây, có cả ánh sáng của những vì sao đã chết, đã lịm tắt từ cách
đây hàng triệu, hàng tỷ năm. Đối với tôi, điều đó xiết bao kỳ dị xiết bao hoang đường, như thể người ta nói với tôi rằng, tiếng cười trong veo của một thiếu nữ
xinh tươi nào đó mà tôi vừa nghe thấy, nó chỉ là âm ba, là tiếng vọng vang của
một hồng nhan đã khuất từ ngàn xưa! Thuở bé, những đêm hè nóng bức anh em tôi
thường được mẹ cho phép lên sân thượng trải chiếu ngủ ngoài trời cho mát. Mẹ chỉ
cho chúng tôi xem đâu là dải Ngân Hà, đâu là sao Bắc Đẩu, đâu là Thần Nông, đâu là Tua Rua, tùy
theo hình dáng chòm sao gợi lên những hành ảnh tương tự nào trong trí tưởng con người. Riêng tôi, tôi thường
nằm im tự vẽ lên những dáng hình tưởng tượng cho riêng hình từ bầu trời sao đêm
hè chi chít ấy, một cánh buồm, một con cá sấu, một chiếc máy bay một chiếc xe
đạp hoặc một chàng hiệp sĩ, tôi buông mình vào không gian vô tận, vẽ mãi vẽ mãi vẽ mãi, rồi thiu thiu ngủ…
Ôi những bài diễn thuyết rỗng tuếch và dài lê thê về những ảo tưởng mà chúng ta thường phải nghe hàng ngày, ôi những tuyển tập sách cả nghìn trang đầy ắp những diễn từ trá ngụy, những chương trình
truyền hình toàn những khúc tán ca nhạt phèo như nước ốc, những tạp phẩm văn nghệ giống hệt nhau như được tạo ra từ cùng một khuôn mẫu... Trong những lúc đầu ngã dúi dụi về
phía trước vì cơn buồn ngủ không thể kháng cự nổi, với chút xíu minh mẫn còn sót lại, tôi thường nghĩ đến Cioran (5), và một cách buồn bã tự lảm nhảm nói với mình: Cioran ông ơi, ông
sinh bất phùng thời và nhầm xứ sở rồi! Có khó khăn gì đâu, chỉ đơn giản là nhắm mắt lại, rồi thiu thiu ngủ...
Trần Thanh Sơn (8.2017)
(1) Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944): Nhà văn, phi công Pháp nổi tiếng, được biết tới nhiều nhất với kiệt tác văn học Le Petit Prince).
(2) André Malraux (1901-1976): Nhà văn, nhà chính trị người Pháp, đoạt Giải Goncourt 1933 với tác phẩm La Condition humain.
(3) William Faulkner (1897-1962): Nhà văn nổi tiếng người Mỹ, Nobel Văn chương năm 1949.
(4) Thanh Tâm Tuyền (1936-2006): Nhà thơ, nhà văn Việt Nam, được biết đến với những cách tân thơ ca táo bạo.
(5) Emile Cioran (1911-1995): Triết gia, nhà văn người Rumani, được mệnh danh là “Triết gia của sự mất ngủ”. Tương truyền, trong một cuộc trò chuyện trước khi mất ít lâu, ông cho biết đã không ngủ được gần nửa thế kỷ! (Gordon Marino, Counting the ‘Blessings’ of Insomnia, The New York Times, 29.3.2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét