Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Nghe Schulhoff và một vài ghi chú ngoài lề

 
 
Nghỉ lễ mấy hôm chẳng đi đâu xa, suốt ngày tôi vào ra vớ vẩn, chơi với con gái, đọc tiếp cuốn sách của Norman Golb về các cuộn bản thảo ở Biển Chết mà tôi bỏ dở gần hai tuần nay và… nghe nhạc. Định trong đầu sẽ nghe lại mấy khúc tango của Piazzolla, chẳng hiểu sao tôi lại chọn đĩa “4 for tango and jazz” - một album highlight nhiều tác giả do nhóm tứ tấu có cái tên lạ lẫm Casal Quartett trình tấu. Có lẽ, do cái bìa đĩa được trình bày quá đẹp mắt, còn Casal (-s), làm gợi nghĩ đến ngài Pablo-cellist huyền thoại. Và vì thế, không hẹn nhưng tôi thấy mình rơi tõm vào thứ âm nhạc - không phải rực rỡ Piazzolla - mà là rắc rối Erwin Schulhoff! Khúc tango ngắn “nghe kỳ kỳ” của nhà soạn nhạc xứ Tiệp được nhóm Casal chọn chơi trong đĩa đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu rõ hơn về ông - người nhạc sĩ mà thật ra tôi đã biết đến từ lâu, và thêm nữa, dù trong bộ sưu tập của tôi có không ít CD nhạc của ông, nhưng tôi chưa từng rắp tâm nghe kỹ Schulhoff bao giờ!
 
Sinh tại Prague năm 1894 trong một gia đình Đức - Do Thái, nổi danh thần đồng piano, lên bảy tuổi Schulhoff đã được Dvorak vĩ đại chú ý và đề nghị gia đình hướng cậu bé vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Theo học Nhạc viện Prague, Vienna, Leipzig  rồi Cologne, là học trò Max Reger, chàng Schulhoff trẻ tuổi tài năng từng hai lần giành giải Mendelssohn: một cho trình tấu piano và một cho sáng tác. Sự nghiệp Schulhoff có lẽ sẽ cứ thế mà tuần tự nhi tiến, nếu như không có chiến tranh. Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông gia nhập quân đội Áo và trải trọn 4 năm cuộc đời cùng cuộc chiến đẫm máu. Sự phi lý của máu xương giết chóc đã làm dấy lên trong ông niềm bất mãn và chán ghét chiến tranh vô cùng tận. Sống sót trở về, nhìn thấy những giá trị tinh thần mà trước đây mình từng tin vào lần lượt đổ vỡ, Schulhoff hiểu rằng ông không thể tiếp tục nhắm mắt bịt tai dấn bước trên những nẻo đường xưa cũ mà cần phải mau chóng tìm kiếm các phương thức giải thoát mình khỏi chiếc bóng của phong cách thẩm mỹ hậu lãng mạn đã trở nên già cỗi trong bối cảnh điêu tàn của thế giới hậu chiến.

Âm nhạc phi điệu tính được khởi xướng từ Schoenberg là lựa chọn đầu tiên của Schulhoff trước khi ông nhận ra rằng, tinh thần cách mạng của ông gần gũi với lập trường của các nhà dadaist Berlin hơn là sự khó hiểu đầy giả tạo của các nhà biểu hiện chủ nghĩa trường phái Vienna II. Cũng trên bước đường tìm kiếm cái mới đó, Schulhoff là một trong những nhà soạn nhạc đầu tiên sớm nhận ra sự hấp dẫn của nhạc jazz - thứ âm nhạc mới mẻ đến từ bờ bên kia Đại Tây Dương - và đã mau chóng đưa nó vào các sáng tác phẩm âm nhạc nghiêm túc của mình. Dao động giữa những thái cực chọn lựa, dựa trên động năng cá nhân duy nhất là tinh thần đổi mới triệt để trong âm nhạc, phong cách sáng tác của Schulhoff từ 1918 đã có những bước chuyển mang tính cách mạng. Có thể nhìn thấy sự kết hợp cũng như chuyển dịch qua lại của Schulhoff từ các nguồn tư duy thẩm mỹ này trong các tác phẩm như: 10 Piano Pieces Op.30 (1919), mà sau này ông sử dụng kết hợp với các bức tranh thạch bản lập thể vị lai của họa sĩ Otto Griebel trong tác phẩm 10 Themes (1920), 5 Songs with Piano Op.32 (1919), 32 Variationen eber achssliges eigenes Thema Op.33 (1919)… Đặc biệt, tác phẩm “5 Pittoresken” Op.31 (1919) được Schulhoff đề tặng họa sĩ dadaist George Grosz, bao gồm các điệu nhảy như foxtrot, ragtime, one-step… Ở hành âm thứ 3 với tên gọi “Trong tương lai” (In futurum), nhạc phổ piano được ký âm một cách khác thường với khóa “Fa” tay phải và khóa “Sol” tay trái, ký hiệu nhịp điệu phi thực tế (nhịp 3/5 và nhịp 7/10), trọn hành âm thứ 3 này chỉ gồm toàn dấu lặng, thêm vào đó là các dấu chấm hỏi, chấm than, thậm chí cả ký hiệu khuôn mặt người cười-khóc… Cần phải lưu ý rằng, tác phẩm này xuất hiện trước 4’33” gây chấn động của John Cage đến 33 năm (1952)! Cũng trong giai đoạn này, năm 1919 Schulhoff còn có hai tác phẩm dị thường đầy vị tiền phong là “Symphonia germanica” và “Sonata Erotica”. “Symphonia germanica” là những tiếng gào thét mang tính diễu nhại và châm biếm chủ nghĩa quân phiệt Đức, còn “Sonata Erotica” cho giọng nữ solo lại diễn tả một cơn… cực khoái! (1) Nhiều chục năm sau này, ta sẽ thấy những tiếng thì thào, tiếng gào thét, hú hét của con người cũng thường được các nhạc sĩ hiện đại như John Cage, Luciano Berio hay Morton Feldman sử dụng như là một thành tố chính yếu trong các nhạc phẩm của mình.
 
 
Riêng với jazz, thứ âm nhạc làm Schulhoff say đắm khi được nghe ở nhà họa sĩ dadaist George Grosz - một trong những người Đức đầu tiên sưu tầm các bản ghi âm jazz đương đại Mỹ, Schulhoff đã ngay lập tức nhìn thấy ở đấy nguồn sinh lực tươi mát có thể tạo ra những làn gió mới cho âm nhạc cổ điển. Sau 5 Pittoresken (1919), hàng loạt các tác phẩm tuyệt vời mang hơi thở jazz nữa nối tiếp nhau ra đời: Ironies for piano (1920), Suite for chamber orchestra (1921), Rag-music (1922) Partita for piano (1922), Piano Concerto No.2 “Alla jazz” (1923)… Tình yêu dành cho thứ âm nhạc sẽ này theo Schulhoff đến tận cuối đời, vì trong hầu hết các tác phẩm của ông sau đó ta luôn nhìn thấy thấp thoáng dấu vết của jazz. So sánh với những nhạc sĩ đương thời, thời điểm tiếp cận và vận dụng yếu tố jazz vào nhạc cổ điển của Schulhoff có lẽ chỉ sau Stravinsky với “Ragtime for 11 instruments” (1917-1918) chút ít, còn thì sớm hơn cả những nhà soạn nhạc Mỹ trên đất nước của jazz: George Gershwin với Rhapsody in Blue (1924) hay George Antheil với A Jazz Symphony (1925). Thế kỷ 20 và đến tận ngày nay, hàng trăm tác phẩm âm nhạc cổ điển lớn nhỏ đua nhau sử dụng ngôn ngữ jazz đã chứng minh cho tính cách mạng, tính tiên phong của những nhà soạn nhạc như Stravinsky và Schulhoff…
 
Từ giữa thập niên 1920 đến đầu những năm 1930, các sáng tác của Schulhoff mang tính chiết trung hơn, đó là sự tổng hợp giữa tính tiền phong và truyền thống chính thống châu Âu, đồng thời dựa trên nền tảng là các nguồn âm nhạc dân gian và dân ca Slavonic đầy sức sống. Các tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này có thể kể: Symphony No.1 (1925), Double Concerto for flute and piano (1927), Flames Opera (1929), Concerto for string quartet and wind (1930)…
 
Từ 1932-1933, phong cách sáng tác và quan điểm thẩm mỹ của Schulhoff lại thêm một bước thay đổi cơ bản. Trước sự trỗi dậy đầy đe dọa của tư tưởng phát xít mà sau đó là việc Hitler lên nắm quyền ở Đức, với kinh nghiệm của riêng bản thân về chiến tranh và nguồn gốc là người Do Thái của mình, như rất nhiều trí thức và văn nghệ sĩ khác trong giai đoạn này, Schulhoff đã tìm đến với mô hình chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, xem đó như là một cứu cánh. Năm 1932, Schulhoff hoàn thành bản cantata Das Manifest (2) dựa trên văn bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được viết bởi Karl Max và Friedrich Engels. Năm 1933, sau khi đi cùng một phái đoàn Tiệp Khắc viếng thăm Liên bang Xô viết, ông trở thành một môn đệ của học thuyết Stalin và đặt mọi hoạt động sáng tạo của mình vào vòng cương tỏa của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với những tín điều cứng nhắc, tù túng. Nghe các bản giao hưởng từ số 3 đến số 6 của Schulhoff tôi có thể thấy khá rõ điều này. Đó là sự đơn giản hóa các phương tiện biểu hiện, các chủ đề âm nhạc được phân biện rành mạch theo lối “trắng-đen-chính-tà”, lạm dụng các nhịp điệu hành khúc diễn tả “quần chúng nhân dân - lực lượng cách mạng”, đồng thời, tất cả những thứ đó nghiêm ngặt nằm trong mô hình cấu trúc các bản giao hưởng cổ điển kiểu Beethoven. Với tư cách cá nhân, riêng tôi, tôi không thích nhạc Symphony của Schulhoff.
 
Năm 1939, phát xít Đức chiếm đóng Tiệp Khắc. Âm nhạc Schulhoff bị cấm sử dung. Đệ tam đế chế liệt ông vào danh sách những nhạc sĩ “âm nhạc thoái hóa” (Entartete Musik) cùng các nhạc sĩ như Schoenberg, Hindemith, Stravinsky, Webern... Schulhoff tìm cách di cư đến Liên Xô nhưng không kịp. Ông bị bắt ở Prague tháng 6.1941, sau đó bị chuyển đến trại tập trung ở Wülzburg, Bavaria và chưa đầy 8 tháng sau, ông mất tại đó vào tháng 8.1942, để lại Symphony No.7 viết trong tù đã hoàn thành ở dạng phác thảo và Symphony No.8 với Chương 4 vẫn còn đang dang dở…
Trần Thanh Sơn (9.2017)
 
 
(1) Nhạc phẩm này nghe khá… sốc, không tiện đưa lên ở đây, bạn đọc quan tâm có thể thưởng thức nó qua phần trình bày đầy ấn tượng của giọng ca mezzo-soprano Marjorie Maltias (ChamberFest Cleveland) theo đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=P2ZXV6nIZTQ
(2) Trong 8 CD nhạc Schulhoff mà tôi sưu tập được, rất tiếc không có cantata “Das Manifest”. Tìm nát amazon cũng không thấy rao bán CD này! Cũng may, youtube có một phiên bản do Supraphon thực hiện với Prague Radio Symphony Orchestra trình tấu dưới đũa chỉ huy của Frantisek Vajnar, một đĩa nhựa sản xuất năm 1976:
 
 
 
Note 1: Nghe cantata “Das Manifest” của Schulhoff xong, tôi bất giác nảy ý định tìm kiếm thêm những tác phẩm âm nhạc cổ điển ít nhiều liên quan đến Karl Marx và được biết năm 1932, Shostakovich đã từng công bố ý định soạn một giao hưởng thơ 5 chương dựa trên thi phẩm “Từ Karl Marx đến những tháng ngày của chúng ta” của Nikolai Aseyev, thế nhưng tác phẩm về người cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản này chưa bao giờ được ông hoàn thành! Ngoài ra, tôi tìm thấy một tác phẩm khác, “Karl Marx - for speaking voice, choir and orchestra” do Jaan Rääts -  nhà soạn nhạc người Estonia sáng tác, tác phẩm này cũng có trên youtube nhưng tôi không có ý định nghe nó 😊 
 
Note 2: Cũng trong quá trình tìm kiếm, tôi đọc được một bài thơ khá lạ lùng về Marx của nhà thơ Adam Zagajewski đăng trên tạp chí “The New Yorker” tháng 1.2008, xin đăng tải lại ở đây như là một góc nhìn khác về  nhân vật được xem là có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại này. https://www.newyorker.com/magazine/2008/01/21/old-marx
 
 
Old Marx
 
I try to envision his last winter,
London, cold and damp, the snow’s curt kisses
on empty streets, the Thames’ black water.
Chilled prostitutes lit bonfires in the park.
Vast locomotives sobbed somewhere in the night.
The workers spoke so quickly in the pub
that he couldn’t catch a single word.
Perhaps Europe was richer and at peace,
but the Belgians still tormented the Congo.
And Russia? Its tyranny? Siberia?
He spent evenings staring at the shutters.
He couldn’t concentrate, rewrote old work,
reread young Marx for days on end,
and secretly admired that ambitious author.
He still had faith in his fantastic vision,
but in moments of doubt
he worried that he’d given the world only
a new version of despair;
then he’d close his eyes and see nothing
but the scarlet darkness of his lids.
 
(Translated, from the Polish, by Clare Cavanagh)
 
Xin được tạm dịch:
 
Cụ Marx
 
Tôi cố mường tượng ra mùa đông cuối cùng của ông
Luân Đôn, buốt và ẩm, những chiếc hôn cụt ngủn của tuyết
trên phố vắng, nước sông Thames đen kịt
Đám gái mại dâm lạnh cóng nhóm lửa ngoài công viên
Những đầu máy lớn thổn thức đâu đó trong đêm tối
Trong quán rượu lũ thợ thuyền liếng thoắng tán dóc
Nhanh đến độ ông chẳng nghe nổi lấy một từ.
Chắc hẳn Âu châu đã giàu có lên và sống yên bình
Nhưng người Bỉ vẫn đang dày xéo Congo
Còn nước Nga? Chế độ chuyên chế của nó? Tây Bá Lợi Á?
Ông đã ngồi cả buổi tối nhìn chăm chăm vào khung cửa kính
Ông không thể nào tập trung, viết lại tác phẩm cũ,
đọc lại Marx thời trẻ trung liên tục nhiều ngày
và thầm ngưỡng mộ tay tác gia nhiều tham vọng ấy
Ông vẫn còn tin vào tầm nhìn kỳ diệu của mình
dù trong những khoảnh khắc hoài nghi
ông e rằng mình chỉ mang lại cho thế giới
một phiên bản mới của niềm tuyệt vọng;
rồi nhắm mắt ông chẳng nhìn thấy gì nữa cả
ngoài bóng tối đỏ tươi của đôi mí khép. (TTS)


Tham khảo:
-New Grove Dictionary of Music
-https://www.musicologie.org/Biographies/s/schulhoff_erwin.html
-http://www.musica.cz:80/comp/schulhoff.htm

Ảnh trên: From "The Gray Day" (George Grosz)

Không có nhận xét nào: