Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Đường ra ngõ...

 
 
Người ta bảo đến một giới hạn nào đó của cuộc đời, con người thường có xu hướng ngoái nhìn lại, và khi, phần lớn những giờ giấc của đời ta, ta chỉ dành cho hồi cố, trên cái biên giới đầy hôn ám đó, có lẽ khát vọng của đời ta bắt đầu rót đến những dòng kiệt cùng. Từ lúc nào chẳng rõ, mọi ngã đường trước mặt tôi đều hóa cụt ngủn, như nến thắp già nửa, như sông trôi đã đổ hạ nguồn, như nắng rực đã chạm ngạch cửa hoàng hôn, tương lai ngắn lại, mắt bắt đầu chỉ quen nhìn gần, ước mơ cũng dần hẹp tí, chỉ có quá khứ thì cứ mỗi ngày một rộng dài thêm mãi…
 
Tính đến mùa xuân năm nay tôi đã đi được gần nửa đường của lứa tuổi tri thiên mệnh. Mắt nhìn ngày càng tệ hại, đến độ tôi phải rải cả chục cặp kính ở khắp mọi nơi trong nhà chỉ để khi định đọc sách hoặc viết lách gì đó đỡ phải lang thang đi tìm kính, cụt cả hứng thú! Nói đến mắt kính với nhìn gần ngó xa, bỗng nhớ một chuyện. Có câu hát của Phạm Duy gần chục năm lại đây cứ thường trở đi trở lại với tôi vào những dịp xuân về tết đến, câu hát gợi lại trong tôi những ngày nguyên đán xa xôi, diệu vợi, những ngày tuyệt đẹp của lứa tuổi thần tiên, mắt bỡ ngỡ nhìn vạn vật còn tròn đầy sự nguyên sơ và mọi chiều kích của thế giới như cũng được nhân đôi nhân ba lên bằng niềm say mê háo hức của một cá thể chưa từng biết đến những phiền ưu của cuộc sinh tồn: đường-ra-ngõ-thấy-xa-tít-chân-trời…(1) Đường ra ngõ, câu hát đưa tôi trở lại là một cậu bé của sáng mùng một tết xúng xính giày mới áo mới bên thềm nhà chờ mẹ dắt tay đi lễ chùa, có mùi trầm hương ngát thơm từ chiếc lư đồng nhỏ mẹ vừa nhóm đốt, có hoa cúc vàng trước sân, có những chiếc phong bao đỏ và tiếng guốc rộn ràng… Đường ra ngõ, sớm xuân se lạnh, từ cổng nhà nhìn về phía ngã ba, tôi nhớ, con đường lóa nắng dài hun hút tầm mắt. Con đường xa-tít-chân-trời đó nhiều chục năm sau có dịp về lại chốn cũ, tôi ngỡ ngàng nhận ra nó chỉ là một quãng phố ngắn cũn, không dài hơn vài chục vòng quay của chiếc xe đạp, và khu vườn mênh mông của thời thơ ấu, ngồi bên bờ giếng sau nhà, tôi ngạc nhiên vì thấy nó không rộng không dài đến như tôi tưởng. Cả cái thị xã ngày xưa đó nữa, dù đã vặn mình dâu bể biến thành một đô thị tráng lệ hiện đại, tôi chẳng thể nào còn tìm thấy được cái hồn phố bao la, sâu thẳm, ẩn tàng bao nhiêu là niềm thân mật cuốn hút và giục giã tôi phải tìm hiểu, phải khám phá - nó chỉ còn là một chiếc hộp được phóng to ra và được cắt dán, trang trí sao cho có vẻ bắt mắt! Ôi chao, đã biến đi đâu những chiều dài chiều rộng mênh mang trong mắt nhìn của tuổi bé thơ?
 
Lại nữa, có lần tôi được mời đến dự một cuộc họp mặt của những bạn trẻ vốn là những cựu thành viên của đội văn nghệ sinh viên trường đại học nơi tôi đang làm việc. Sau cuộc rượu, bên tách cà phê, họ trò chuyện hàn huyên với nhau đủ thứ, chuyện thời còn đi học, chuyện công việc, chuyện gia đình, chuyện vui chơi bù khú, không nhằm khoe khoang không nhằm làm dáng, xen kẻ trong đó là những mẩu chuyện bâng quơ về những cuộc hẹn, những gặp gỡ lướt qua nào đó giữa bọn họ ở Luân Đôn, New York, Paris, Brussels hoặc một quán rượu quái quỷ nào đó, chẳng hạn ở Amsterdam, điều làm tôi ngạc nhiên không phải chuyện họ đã được đi năm châu bốn biển nhiều đến thế nào, mà ở cái cách họ nói về những nơi chốn ấy, thật bình thường, như nhắc đến một chỗ ở đâu đó ngay quận hai quận ba quận tư của Sài Gòn. Thế giới ngày nay bé xíu lại như vậy ư? Thế hệ của tôi chẳng bao giờ có được cái tâm thế đó. Gần như bị bứt đột ngột ra khỏi tuổi thơ bởi cơn lốc xoáy kinh khủng của biến cố 1975 với giăng mắc không biết bao nhiêu là hệ lụy, đám trẻ chúng tôi bị buộc phải lớn lên trong không khí đầy oán hờn nghi kỵ thời hậu chiến, bị xô vào những cuộc tranh chấp tư tưởng âm thầm nhưng dai dẳng và khốc liệt của người lớn, mà sau rốt của sự bất khả hòa giải, việc trốn chạy lìa bỏ quê hương sẽ là chọn lựa mặc định của cha mẹ mà đám đầu xanh tuổi trẻ thường là không có quyền từ khước. Có bao nhiêu vạn người đã phải bỏ xác trong lòng biển sâu vì những con đường tìm đến Luân Đôn, New York, Paris? Có bao nhiêu ngàn cuộc chia ly đứt ruột mở ra cùng với chương trình ra-đi-có-trật-tự trong những năm tháng không vui đó? Tôi nhớ đến những bạn bè đồng trang lứa, những người thân mất tích trên biển. Tôi nhớ đến những cuộc tiễn đưa ở phi trường Tân Sơn Nhất. Không giống những cuộc tiễn đưa bây giờ, xuất cảnh ra nước ngoài ngày ấy là một chuyến đi không giống bất cứ một chuyến đi nào, dù không nói ra nhưng trong thâm tâm ai cũng đều xem đấy là thiên thu vĩnh biệt. Trên balcon rộng ở một tầng cao mà sân bay dành riêng cho những người đưa tiễn, từ đó nhìn xuống, người ta sẽ lần cuối cùng được nhìn thấy người thân của mình (từ phía sau lưng) đi một đoạn đường ngắn - chỉ bằng hoặc dài hơn một tí so với quãng đường từ nhà ra ngõ - trước khi họ khuất hẳn vào bên trong máy bay. Đoạn đường ngắn cuối cùng của những kẻ chuẩn bị bước vào cuộc lưu vong đó, đôi khi nó làm tôi nghĩ đến chiếc cầu trên sông Nại Hà, đã thấm ướt không biết bao nhiêu nước mắt của những người ra đi, những người nửa mừng vui nửa đau đớn ngoái nhìn những mảnh yêu thương còn ở lại của mình trước khi bay vào một thế giới khác, một-kiếp-khác, chỉ có điều không ai phải uống cháo lú để quên sạch đi quá khứ mà thôi!
 
Đường-ra-ngõ-thấy-xa-tít-chân-trời, ôi những quãng ngắn dài tùy tâm tưởng. Bao xa là khoảng cách từ vui sớm sang buồn chiều? Bao xa là khoảng cách từ lúc mắt sáng môi tươi đến khi tóc trổ sợi bạc đầu tiên? Và bao xa cho khoảng cách từ vành nôi đến nấm mồ? Chẳng đại lượng nào có thể đo được những tầm cữ mơ hồ đó. Cũng như vậy, từ chiếc lồng hẹp của thế hệ tôi đến thế giới phẳng của tuổi trẻ hôm nay là con đường đã được xây nên bằng những đớn đau mất mát mà chúng ta đang cố gắng vùi lấp, cố gắng san phẳng bằng sự lãng quên và tha thứ, có còn cần phải hỏi bao nhiêu xa nữa từ sự hẹp hòi cố chấp đến hòa giải và độ lượng? Sáng mồng một Tết vợ chồng tôi dắt bé Kiwi ra sân, những cành lá của cây Osaka xanh mơn đong đưa những vệt hoa nắng trên tóc, trên màu áo mới của con gái, câu hát cũ của Phạm Duy lại trở về khe khẽ hát trong lòng tôi. Tuổi-thần-tiên-nép-trong-tay-mẹ-hiền, nhìn bé bước vui trong tay mẹ dắt, bất giác tôi nghĩ, trời ạ, hà cớ gì cứ phải băn khoăn về nỗi khát vọng đời mình đang rót đến những dòng kiệt cùng, hà cớ gì? Tôi không chỉ có quá khứ trải dài sau lưng mà còn có cả một tương lai vô cùng tận thông qua bé Kiwi của tôi. Hãy nhìn kìa, đường-ra-ngõ-thấy-xa-tít-chân-trời trong những đôi mắt to đen láy của con cái chúng ta…
Trần Thanh Sơn (2.2018)
 
(1)  Lời ca khúc "Tuổi thần tiên" của Phạm Duy
 
Ảnh trên: From Painting (Willem De Kooning)
 


Không có nhận xét nào: