Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Tàu-lửa-tức-thời


Nicanor Parra có bài thơ khá hí lộng về một thứ gọi là dự-án-tàu-lửa-tức-thời, theo đó, đầu máy của con tàu tức thời này nằm ở đích đến, còn đuôi tàu, những toa cuối cùng sẽ nằm trên điểm khởi hành. Theo cách diễn giải của Parra, giả dụ với tàu-lửa-tức-thời Sài Gòn - Hà Nội, một hành khách sẽ lập tức đến Hà Nội ngay phút giây hắn ta vừa bước chân lên toa tàu cuối cùng đang nằm ở Sài Gòn. Chỉ có điều, duy nhất không phải ưu điểm của loại tàu này, đó là hành khách phải tay xách nách mang hành lý của mình đi ngược lên bên trong con tàu, hết toa này tới toa kia để đến được toa đầu tiên và… rời khỏi chuyến tàu lửa không-cần-lăn-bánh, bước xuống Hà Nội! (1)

Bài thơ của Nicanor Parra bất giác làm tôi liên tưởng đến một chuyện, không mới nhưng chưa cũ. Năm 2013 Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu ý kiến của nhân dân đề nghị lấy lại tên nước lúc mới giành được độc lập là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thay cho Cộng hòa XHCN Việt Nam với nhiều lý do, một trong những lý do đó là “Từ năm 1945 đến tận năm 1976, tên nước ta không có cụm từ xã hội chủ nghĩa, nhưng đâu có phải vì vậy mà ta không xây dựng chủ nghĩa xã hội! Nếu chỉ lấy một cái tên thể hiện mơ ước mà đạt ngay được mơ ước của mình thì các nước người ta đã làm trước mình lâu rồi”(2). Tuy nhiên như chúng ta đã biết, theo Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992, “tên nước hiện nay được Quốc hội khóa 1 lựa chọn, đã thân quen với nhân dân và được quốc tế công nhận nên việc giữ tên nước là cần thiết”(3). Vậy nên, cùng là hành khách của chuyến tàu xã-hội-chủ-nghĩa-tức-thời này từ năm 1976, chúng ta hãy tiếp tục kiên định xách hành lý của mình hướng về phía đầu tàu mà dịch chuyển, ở đó là cửa xuống! Bon voyage!
Trần Thanh Sơn (3.2018) 




Ảnh: From Painting (Lisa Adams)



Không có nhận xét nào: