Tôi mơ thấy mình uống mưa. Thứ mưa bóng mây ngắn ngủi mùa hè thường vội vã chạy ngang qua phố, hắt vào ta những hạt mưa nóng ấm còn nguyên cả mùi nắng khét. Tôi mơ thấy mình uống thứ mưa đó, ngửa mặt hớp lấy những giọt nước tung tóe từ một cõi nào xa lắm, như thể bên ngoài cả những vòm trời, để làm dịu cơn khát đang bốc cháy trong cổ họng mình… Đêm rồi ngồi chơi với mấy người bạn, tôi hơi quá chén. Hai chai Cutty Sark chia 5 khiến nửa khuya tôi phải lọ mọ thức dậy uống nước đến mấy lần. Nằm dỗ lại giấc ngủ một cách khó khăn trong tiếng máy điều hòa chốc chốc lại rì rầm trở mình, những hình ảnh nhộn nhạo của thứ mộng mị cụt ngủn và vô nghĩa (hậu quả của whisky) cứ chập chờn chen ngang mà lý trí bất lực không thể xua chúng đi được, sợ làm vợ thức giấc, tôi đành trở dậy.
Xuống bếp với cái miệng khô đắng. Mở tủ lạnh, bỗng thèm được uống một gàu nước mát lành kéo lên từ lòng giếng khơi, không phải thứ nước đóng chai sản xuất dây chuyền đang được xếp đầy trong ngăn tủ. Vườn cũ nhà tôi có cái giếng nước trong và ngọt mát nức tiếng. Ngày xưa, nước máy chưa mấy phổ biến nên nhà nào cũng phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Nhà tôi thì có đến hai cái giếng, một cái để lấy nước uống và một cái chỉ dùng để bơm nước lên bồn sử dụng cho tắm giặt. Cùng là một dải đất ven biển, nhưng mạch nước mỗi nhà mỗi khác. Giếng nhà tôi nổi tiếng không chỉ bởi nước có vị ngọt mát mà còn đặc biệt ở chỗ, cả vào những mùa khô hạn nhất của năm, mực nước vẫn cứ luôn đầy ắp không hề có chút biểu hiện khô cạn như những cái giếng khác trong vùng. Mùa nóng bức, đã thành lệ, một ngày không biết bao lần những nhà quen quanh xóm đến gọi cổng để xin đôi ba thùng nước về uống. Mà không chỉ vậy, ký ức tuổi thơ của tôi còn nhớ, vào những ngày hè nắng gắt, tôi cứ thường phải chạy ra mở cổng cho một người khách bộ hành nào đó ở phố trên hay xóm dưới đi ngang qua vào xin nước uống. Vì đã quen, tôi cũng chẳng mấy thấy phiền hà. Tôi đưa họ ra bờ giếng sau nhà, dưới bóng mát của những tàng cây xanh um, người khách sẽ tự tay kéo nước từ dưới giếng lên, sẽ liếm đôi môi khô của mình trước gàu nước sóng sánh rồi mới cúi xuống uống trực tiếp trên thành gàu cái thứ chất lỏng có khả năng xua tan đi mọi mệt mỏi, oi nồng. Cả tôi nữa, sau những trận nô đùa mệt lử, người ngợm nhễ nhại mồ hôi, được ôm gàu uống đến thỏa thuê thứ nước mát lành ấy là một điều tuyệt thú. Sau này, đọc Saint-Exupery, đoạn tả cái giếng nước tưởng tượng giữa sa mạc Sahara của ông luôn làm tôi nhớ về cái giếng nước trong ngôi nhà thời thơ ấu của mình. Thời đại tân tiến nhưng nhân tâm nhiễu loạn như bây giờ, còn ai đi xin nước giếng để uống và còn ai dám mở cửa cho người lạ vào nhà mình uống nước nữa chăng?
Cốc nước lạnh tạm giúp đẩy lùi cơn khát và sự váng vất do rượu. Đã lâu lắm, lâu lắm, lâu lắm rồi, tôi không uống Cutty Sark. Người bạn, chủ nhân hai chai Cutty Sark 18 xách tay từ Mỹ về bảo tôi đây là thứ whisky yêu thích của đương kim tổng thống Donald Trump. Tôi ít khi uống Cutty nhưng cũng có một vài kỷ niệm nhỏ nhỏ với nhãn rượu này. Thập niên 1990, trước khi nghiêng về và chỉ thuần Chivas, NS. Từ Huy bảo ông rất thích Cutty. Chai Cutty đầu tiên tôi được uống là của NS. Từ Huy. Ngày đó tôi thì biết quái gì về rượu, ngưu ẩm là chính, nhưng nghe ông khen ngon thì cũng gật gù khen ngon, vậy thôi! Cũng nhãn rượu này, một lần, ông M. - người bạn vong niên lập dị của tôi nhắn tôi lên nhà chơi. Ông hứng khởi bảo ông còn hơn nửa chai Cutty được người quen tặng để dành lại cho tôi. Hai anh em uống sạch chai rượu, tôi ngà ngà say, còn ông, ông tiếp tục tì tì uống thêm thứ rượu gừng tự ngâm cay xè của mình rồi ngồi vào đàn. Tối hôm ấy, lần đầu tiên tôi thấy ông M. không chơi Prokofiev như vẫn thường làm vậy, khi say, mà ông tự đệm cho mình hát bằng giọng hát lè nhè một khúc ca rền rĩ và thảm sầu, ông bảo: nhạc Orlandus Lassus... Tôi trở lại giường nằm nhưng vẫn không tài nào ngủ lại được. Đeo headphone, mở nhạc, tìm Orlandus Lassus. Trong đêm im, âm nhạc Phục hưng thoặt nghe thật dễ chịu, nhưng hồi lâu lại có cảm giác ta đang nghe những bản nhạc cầu hồn dành cho chính mình! Chuyển sang Johannes Ockeghem, Adriaan Willaert, rồi Philippe Rogier (1), vẫn vậy, đêm đen như cái chết theo những khúc hát polyphony nặng nề giăng bủa… Đành tắt máy!
Lại chuyện giếng nước. Có một cái giếng cổ nằm trên đường tôi đi học. Thời cấp II, tôi phải chuyển trường rất nhiều lần chỉ vì sau giải phóng, trường học thiếu giáo viên Pháp văn trầm trọng. Đám học sinh đang học lỡ dở tiếng Pháp liên tục bị dồn lớp, hoặc như tôi, phải chuyển sang trường khác học. Do phải đi học xa hơn, tôi tình cờ phát hiện một lối tắt có thể giúp tôi rút ngắn được rất nhiều quãng đường đến trường, đó là con đường đất nhỏ đi xuyên qua một khu vực có tên gọi là “Địa phương”. Tên gọi này có lẽ để phân biệt vùng đất của dân cố cựu đã sống truyền đời ở đây từ rất lâu với khu phố mới và những trại định cư được dựng trên vùng đất cồn dành cho dân chạy loạn từ các vùng chiến cuộc về sinh sống. Từ các khu phố mới, những trại định cư xấu xí rập khuôn như bàn cờ phía bên ngoài, bước vào “Địa phương” như bước vào một thế giới khác. Đó là một vùng quê xanh mát, yên tĩnh với những ngõ nhỏ rợp bóng tre, những mái ngói đầy rêu bên những bờ dậu hoa vàng, và đàn bướm trắng, và tiếng chim cu gù trên những rặng mù u thẫm tối… Cái giếng cổ nằm ở vị trí trung tâm, nơi giao nhau giữa hai con đường tạo thành một khoảnh đất hao hao giống một cái bùng binh nhỏ, được trồng tre và mù u xanh mát bao quanh. Trên đường đi học về - buổi trưa, thường là vậy, thể nào tôi dừng lại bên bờ giếng để nghỉ chân, mơ màng tí chút, nhìn xuống lòng giếng sâu nước trong vắt phản chiếu lấp lánh khoảng trời xanh nhỏ ẩn hiện phía trên những vòm cây, đôi khi là một cụm mây trắng lười biếng trôi ngang... Tôi cũng đã từng nhiều lần thử uống nước của cái giếng cổ này rồi. Giếng không có sẵn gàu, dân quanh đó muốn lấy nước thì phải mang gàu của nhà mình ra. Có lần tôi xin nước từ một ông cụ, ông đưa gàu cho tôi uống rồi cười bảo: “Cháu uống nước cái giếng có từ thời ngài Nguyễn Tri Phương lập đồn đánh Pháp đó nghe”. Một lần khác đi học về, chẳng hiểu vì sao tôi nảy ý định ném xuống giếng một viên sỏi có khắc tên mình để làm kỷ niệm, và tôi đã làm đúng như vậy. Thoắt một cái, mấy chục năm vèo trôi qua. Khoảng cuối những năm 2000 có dịp về qua chốn cũ, ngôi làng mộng mị ngày xưa chẳng còn chút dấu tích, cái giếng cổ có chứa viên sỏi khắc tên tôi cũng chìm lấp từ lâu dưới những mịt mù của đổi dời. Giữa đêm đen, trong giấc ngủ lỡ, tôi tưởng chừng còn nghe được tiếng của viên sỏi tôi ném vào lòng giếng xưa vẫn còn âm vọng...
Lại nghĩ, uống mưa bây giờ là chuyện trong mơ, chỉ có trong mơ. Ở Sài Gòn chẳng mấy đứa trẻ còn được cha mẹ cho tắm mưa. Không khí ô nhiễm, mưa kiềm, mưa axit, tắm mưa còn chết huống là uống mưa. Giếng đào thì chắc là chẳng còn. Tôi tin đến 99% bọn trẻ thành phố cho đến tận cả khi vào đại học chưa chắc đã một lần được nhìn thấy một cái giếng khơi đúng nghĩa, có chăng là thấy giếng qua mấy phim kinh dị, kiểu như tiểu thuyết Suzuki Koji (2), chẳng hạn! Kỷ niệm có lẽ cũng là một cái giếng khơi. Đôi khi chỉ dăm ba ngụm nước mát dịu từ lòng giếng quá khứ cũng giúp được con người có thêm sức lực vượt qua được những dặm đời đang hồi khô hạn và bĩ cực. Nhưng cũng thế, đấy có thể là một lòng giếng chỉ chứa đựng những tối tăm và niềm cay đắng, giếng kỷ niệm khi đó sẽ là cái giếng kinh hoàng của Koji. Kết thúc tất cả những chuyện miên man vớ vẩn đợi ngủ nãy giờ, có lẽ tôi sẽ rút ra một kinh nghiệm cho riêng mình: chống buồn ngủ thay vì cà phê có thể dùng Cutty Sark!
Trần Thanh Sơn (4.2018)
(1) Orlandus Lassus, Johannes Ockeghem, Adriaan Willaert, Philippe Rogier: một số nhà soạn nhạc nổi tiếng thời kỳ Phục hưng (bắt đầu vào khoảng thế kỷ XV, kết thúc vào khoảng thế kỷ XVII)
(2) Susuki Koji (1957-): Nhà văn viết truyện kinh dị người Nhật Bản, nổi tiếng với chùm tiểu thuyết Ring, được dựng thành phim rất ăn khách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét