Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Lại chuyện mộng mị


Tôi có một giấc mơ kỳ cục. Tôi mơ thấy mình đứng xếp hàng, một hàng người dài dằng dặc xếp dọc theo một con phố nửa quen nửa lạ hoang vắng và buồn thảm đâm thẳng xuống một bãi cát mà nơi tận cùng là bờ nước của biển sâu thẳm đang gầm gừ tung bọt trắng. Câm lặng, thản nhiên, vô hồn, hàng người cứ thế nối đuôi nhau đi thẳng xuống biển, hết người này đến người khác, bước xuống nước như thể bước vào một đám sương mù, chìm khuất rồi dần lút mất. Trong mơ, tôi thấy mình chầm chậm bước theo hàng người, cũng câm lặng thản nhiên vô hồn, không sợ hãi mà cũng không một lần tự hỏi dòng người đang kéo nhau đi đâu vậy, và mình, mình đang theo đám người máy móc ấy đi đến nơi đâu? Nước biển không lạnh nhưng đen kịt, quánh đặc như một thứ dung môi được pha trộn giữa hư vô và bóng tối. Thứ dung môi ấy theo dòng dịch chuyển của hàng người nuốt dần tôi từ đầu gối lên thắt lưng rồi đến ngang cổ, trong khoảnh khắc cuối cùng trước khi bị nó nuốt chửng và thức giấc, trong mơ, tôi nhớ mình đã thoáng nghĩ, phải chăng cái chết của mọi con người trên đời cũng tương tự như vậy, một guồng chạy bất khả phản hồi và nhuốm sắc màu phi lý?

Tiếng chim sớm lảnh lót kêu đâu đó trên những rặng cây vườn xa đánh thức tôi. Nhìn đồng hồ, 4 giờ 30 sáng. Phương đông đã phớt ánh hồng nhưng quanh giường tôi vẫn còn tràn ngập bóng tối, như thể biển trong giấc mơ xấu chỉ vừa nhả tôi ra khỏi cái mõm đen kịt của nó mà chưa kịp thu hồi phần lưỡi nhờn nhớt đầy hắc ám của mình trước ngày rạng. Hàng người xếp hàng biến mất. Phố buồn thảm và biển sâu thẳm biến mất. Chỉ còn lại tôi với tâm trạng ơ thờ kỳ cục: câm lặng thản nhiên vô hồn - cái tâm trạng mà dẫu đã thoát khỏi giấc mơ, nó vẫn không chịu tan biến, vẫn ở lại, như thể nó đã cư ngụ trong tôi từ bao nhiêu lâu nay và sẽ còn cư ngụ ở đó mãi mãi, song hành cùng tôi tiếp tục thực hiện cái bước đi vĩnh cửu của hàng hàng lớp lớp nhân loại cứ trực chỉ phía hư vô đang chờ chực sẵn…

Có tận thế không nhỉ? Ngày tận tuyệt của nhân loại có lẽ là câu trù ẻo hay ho nhất mà con người có thể sáng tạo ra trong những phút giờ bi quan nhất của mình, ở một khía cạnh nào đó, không chừng lại là một kết thúc có hậu, một happy-end cho tất cả. Bất giác nghĩ đến một vài cuốn phim thể loại apocalyptic tôi từng được xem: “Melancholia” - sầu muộn u uất rối bời, “2012” - một huyền thoại Noé kiểu Mỹ, hay “Knowing” - tận cùng tối đen tận cùng tuyệt vọng… Cách thức nào là cách thức chúng ta muốn chọn? Một người bạn có lần nửa đùa nửa thật nói với tôi: cái bi kịch bự tổ chảng của thế hệ tụi mình là cứ dằng co chọn lựa giữa hai thái cực, sống như thể có Ông Trời và sống như thể không có Ông Trời, chúng ta cứ loay hoay làm tự làm khổ mình tìm kiếm một con đường không thể có nằm ở đâu đó mà quên mất đi điều chính yếu rằng, dẫu thế nào chăng nữa, tất cả chúng ta, tất cả, đều phải chết, chẳng có ai sống đời! Thường đến một độ tuổi nào đó người ta không nên nói gì về những lựa chọn đúng sai trong cuộc đời mình nữa, bởi, tôi ngờ rằng, cho dù được quay trở lại từ đầu, người ta vẫn chẳng cách nào thoát được khỏi chính mình, như tôi vậy, sẽ vẫn không tránh khỏi tính cách lừng khừng duy cảm của mình, vẫn không thoát nổi cái “bi-kịch-bự-tổ-chảng” của thế hệ mình - như cách nói của người bạn. Xã hội hôm nay là xã hội của những người sống như thể không có Ông Trời, xu thế của thời đại là xu thế của đám đông cho phép mình được quyền làm mọi chuyện, chà đạp lên mọi thứ. Nền đạo hạnh giả hình vắng mặt Thượng đế, không điều răn, không giới luật và cũng chẳng còn kiếp sau đang được thai nghén và tượng hình. Niềm tin cũng được thay bằng sự cuồng tín với những ngẫu tượng được biến đổi sao cho phù hợp với những ước vọng tối tăm nhất của con người. Một lý tưởng đen thui đi cùng thứ đạo hạnh đen thui như vậy, đó là tương lai hay đó là điềm tận chung?

Những sớm thức dậy sau một giấc mơ dữ, như hôm nay - chẳng hạn, tôi hay tự hỏi mình: Mi đang làm gì ở đây? Tại sao? Cớ chi? Răng rứa? Những câu hỏi phiền nhiễu kiểu vậy luôn làm tôi cảm thấy phiền muộn. Bởi, nó chỉ khiến cho tôi cảm thấy sâu xa hơn sự bất lực của mình, và như thể, tôi xấu hổ với sự cam chịu của mình, khi không chỉ trong chiêm bao, tôi hàng phục đứng vào dòng người nín câm như một bầy cừu đi vào nơi kết thúc số phần của mình mà không cần đến một ngọn roi thúc ép nào cả. Lát nữa đây, tôi sẽ dậy rửa mặt, cạo râu, sẽ soi gương, nhìn vào mắt mình như hôm qua, hôm kia, và hôm kia nữa… Thế giới vẫn tiếp tục như thế. Những câu hỏi tôi đang tự vấn mình đây sẽ lại tiếp tục được nhấn xuống một vũng bùn nào đó của trí nhớ. Đành phải vậy với một thực tại không thể nói, không thể biểu lộ và gần như là hết thể chịu đựng nổi. Đành phải vậy. Đó là một cách nói, cũng như thể, cũng đành nhắm mắt soi gương!…
Trần Thanh Sơn (5.2018)

Ảnh trên: From Painting (Pierre Soulages)


Không có nhận xét nào: