Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Súp bắp cải và đất quy hoạch

 
 
Ngày xửa ngày xưa (nên chăng bắt đầu câu chuyện như vậy?) có đôi bạn già là hàng xóm của nhau tại một vùng ngoại ô yên tĩnh. Họ sống hạnh phúc với niềm vui điền viên dù có vẻ giản đơn và thô lậu của mình: chăm sóc vườn tược, trồng trọt chăn nuôi, đêm đêm ngồi trước sân nhà uống rượu, ăn súp bắp cải, tán phét, đàn ca hát xướng và thi nhau… đánh rắm! Khuya nọ, sau một cuộc rượu say tít cung thang với nhau, một trong hai người chợt thức vì phát hiện có một chiếc đĩa bay sáng rực vừa đáp xuống vườn rau nhà mình… Đây là đoạn mở đầu cuốn phim “La soupe aux choux” do danh hài Louis de Funès (1) thủ vai chính mà tôi được xem vào khoảng cuối thập niên 1980 trên chiếc TV đen trắng cũ mèm của gia đình, và như tôi còn nhớ loáng thoáng, phim được chiếu trong chương trình phim nước ngoài hàng tuần của Đài Truyền hình Thành phố. Hơn tháng nay, chuyện đất đai quy hoạch là vấn đề cháy bỏng đang được dư luận cả nước quan tâm đề cập tới trên rất-rất-nhiều các phương tiện truyền thông và thông tin đại chúng. Theo dõi tin tức, thốt nhiên tôi nhớ tới cuốn phim mình tình cờ được xem cách đây đã nhiều chục năm này…
 
Trở lại với “La soupe aux choux”. Chiếc đĩa bay đáp xuống mang theo một người khách đến từ hành tinh Oxo. Dù ban đầu gây kinh ngạc và sợ hãi, nhưng sau đó người khách ngoài trái đất đã được Glaude - chủ nhà, tiếp đón nồng hậu bằng món súp bắp cải truyền thống của mình. Chẳng những như vậy, anh ta còn được tặng thêm một hộp lớn đựng đầy súp bắp cải khi ra về. Món súp bắp cải bình dân đã tạo ra một tình bạn kỳ dị giữa Glaude và người ngoài trái đất (mà Glaude tự đặt tên cho là Denrée), bởi trên hành tinh Oxo, vốn chỉ quen xơi khoáng chất, súp bắp cải là một phát hiện tuyệt vời! Thích mê món súp do Glaude nấu, Denrée cứ trở đi trở lại nhà Glaude và còn đề nghị ông đến sống tại Oxo, nơi tuổi thọ có thể kéo dài tới 200 năm để tiếp tục trồng bắp cải và thực hiện món súp hấp dẫn. Nhằm tỏ thiện ý, Denrée dùng khoa học tiên tiến giúp người vợ quá cố của Glaude hồi sinh lại ở tuổi 20 (cô này ngay lập tức trốn đi cùng chàng nhân tình trẻ), đồng thời nhân bản đồng tiền vàng của Glaude lên hàng ngàn lần giúp ông trở nên giàu có. Tuy vậy, Glaude vẫn khăng khăng từ chối. Trong khi đó, thị trưởng vùng đất nơi hai người bạn già cư ngụ đã quyết định quy hoạch đô thị hóa vùng nông thôn này bằng các dự án nhà ở cao tầng. Khuyên nhủ lẫn đe dọa vẫn không thuyết phục được đôi bạn từ bỏ đất đai của mình, ngài thị trưởng đã ra lệnh cứ xây dựng thành phố mới và dùng hàng rào quây kín khu đất của họ lại như một cái chuồng khỉ trong vườn bách thú. Sự bình yên của cuộc sống điền viên không còn nữa. Glaude và Bombé bị cô lập, bị những cư dân mới đến dèm pha, diễu cợt và ném bỏng ngô, vỏ đậu phộng vào người mỗi khi họ bước ra khỏi nhà. Cùng đường, đôi bạn đành phải chấp nhận lời đề nghị của Denrée - người ngoài trái đất. Cuốn phim kết thúc bằng cảnh chiếc đĩa bay khổng lồ mang Glaude, Bombé - người bạn hàng xóm, con mèo của họ, luôn cả ngôi nhà và khoảnh vườn bay vào không gian hướng về hành tinh Exo, để lại một chiếc hố sâu hoắm giữa lòng đô thị hiện đại mới được xây dựng.
 
Những năm 1980, khái niệm đất quy hoạch, đất giải tỏa là những khái niệm chưa hề có trong đầu người dân Việt Nam, thế nên, khá buồn cười, trong phần giới thiệu ngắn của BTV chương trình trước khi vào phim, nội dung “La soupe aux choux” được giải thích là phản ánh cuộc đấu tranh không cân sức giữa giai cấp nông dân nghèo khổ bị trị với giới cầm quyền giàu có nhiều thế lực trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Thẳng thắn mà nói, “La soupe aux choux” chẳng phải là một cuốn phim xuất sắc gì về mặt nghệ thuật! Bên dưới những hài hước, cà rỡn (với diễn xuất tuyệt giỏi của Louis de Funès và Jean Carmet), cộng thêm chút éo le của số phận hai nhân vật chính trong phim, thông điệp chính của bộ phim có lẽ chỉ là sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, sự đánh đổi bắt buộc khi phải lựa chọn giữa truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, cuốn phim, nếu được soi rọi bằng lăng kính của ngày hôm nay, có lẽ người xem Việt Nam sẽ nhìn ra những điều trớ trêu, những liên tưởng, những so sánh tréo ngoe mà xưa kia họ không thể thấy được, không thể nhận ra được. Than ôi, chẳng biết đó là điều nên vui hay nên buồn!
 
Tính đến nay, đã có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu kiếp người phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, đất tổ cha ông lâm vào cảnh khốn cùng để nhường chỗ cho những dự án tăm tối mượn danh nghĩa đất-quy-hoạch vì sự phát triển chung của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, đất nước? Tính đến nay đã có bao nhiêu những quan chức lớn nhỏ trở thành đại gia nhờ vào những quy-hoạch-máu, đuổi người dân ra khỏi mảnh đất của họ với tiền đền bù áp đặt bằng tên gọi đất-nông-nghiệp chỉ vài chục triệu bạc, sau đó dùng quyền lực đổi tên gọi thành đất-thổ-cư phân lô xây biệt thự, xây lầu đài bán ra hàng ngàn tỉ đồng? Cuộc đấu tranh này có lẽ mới chính là một cuộc đấu tranh không cân sức, vì người dân Việt Nam - dù muốn - không thể “gàn dở” ôm cứng mảnh vườn của mình như Glaude, như Bombé trong phim “La soupe aux choux” cho dù họ sẵn lòng sống trong “cái chuồng khỉ giữa vườn bách thú”, bởi họ sẽ bị những nhóm-lợi-ích này mượn quyền lực nhà nước một cách phi pháp để cưỡng chế, để “thu hồi”, hay tồi tệ hơn, chụp lên đầu họ chiếc mũ to tướng: “chống đối, phản động”! Chúng ta đang trên đường phát triển, nhưng sự phát triển đó không thể là sự phát triển bằng mọi giá, sẵn lòng chà đạp lên hằng hà những số phận con người. Người xưa bảo, chỉ có máu và nước mắt mới làm dịch chuyển được bánh xe lịch sử. Quá nhiều rồi! Xin đủ.
 
Thế nên, hãy xem việc chuyện đất đai quy hoạch đang được các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng và dư luận cả nước xới lên gần một tháng nay là một tín hiệu tốt. Bởi, như Martin Luther King (2) từng nói, thảm cảnh lớn nhất của một giai đoạn biến đổi xã hội không phải là tiếng gào rú của kẻ xấu mà là sự im lặng kinh hoàng của những người tốt. “Của tin còn một chút này”, hãy đọc câu Kiều này và hy vọng rằng, dẫu thật có hành tinh Oxo cùng những anh chàng Denrée thích món súp bình dân củ cải như trong phim “La soupe aux choux”, sẽ không phải có một cái hố sâu hoắm nào để lại trên mặt đất của chúng ta. Bằng không, chẳng tìm đâu ra đủ đất cát để lấp đầy những chiếc hố như vậy trên khắp cùng đất nước, đặc biệt là những hố thẳm trong lòng những con người khi đã mất hẳn niềm tin.
Trần Thanh Sơn (5.2018) 

 
(1) Louis de Funès (1914-1983): Diễn viên, biên kịch và đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Pháp thập niên 1960-1970, các bộ phim có Funès tham gia đã thu hút tới hơn 150 triệu lượt khán giả chỉ trong hai thập niên này.
(3) Martin Luther King, Jr. (1929-1968): Mục sư Baptist, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, Giải Nobel Hoà bình 1964.

Ảnh trên: From Summer Fields (Joan Eardley)
 
 


Không có nhận xét nào: