Thi thoảng tôi thích được ngồi trên ban công nhà, trước trời khuya bao la, không làm gì cả, không vướng bận gì cả, lòng rỗng không, không vui, không buồn, không tương lai cũng chẳng quá khứ, chỉ mình mình với một đêm sao. Ngoại ô Sài Gòn dù khuya vắng vẫn thường trực hiện diện hơi thở của cỗ máy đô thị luôn rì rầm chuyển động. Trong cái quầng sáng chong chong và làm bạc màu cả một góc trời đó, đôi khi ta có thể nhầm ánh nhấp nháy từ đèn hiệu của những chuyến bay đêm liên tục nối tiếp nhau với những vì sao lang thang, vô định.
Từ chỗ tôi ngồi, chếch về phía bên trái, sao Antares trong chòm Bò Cạp đang tỏa sắc đỏ trên nền trời đêm. Bên trên Antares một chút là ánh sáng mù mịt của chòm Thiên Bình. Không tìm thấy Orion đâu cả. Theo thần thoại Hy Lạp, Orion là một thợ săn giỏi nhưng vì ngạo mạn nên đã bị Hera - vợ của thần Zeus sai bọ cạp xuống tìm giết. Bọ cạp giết được Orion nhưng cũng bị chàng thợ săn dùng chân giẫm chết. Thương tiếc Orion, Zeus đã biến chàng thành sao trên trời, còn bọ cạp cũng được hóa thân thành chòm Scorpius. Bởi tích đó, mỗi lần sao Scorpius mọc lên thì Orion lặn xuống như để lánh mặt kẻ cựu thù của mình. Gần sát chân trời là chòm Nam Thập Tự, cao hơn chút nữa là chòm Nhân Mã, dài ngoằng ngang trời là chòm Cự Xà, rồi Cung Thủ, Xà Phu… Những tên sao với âm gọi vừa xa xôi vừa bí ẩn, khơi gợi bao nỗi niềm khuya khoắt! Người ta bảo, trong cái lấp lánh của hằng hà tinh tú kia có ánh lấp lánh của những vì sao đã chết từ cổ độ. Tưởng tượng ánh sáng là tiếng nói của một người, tiếng gọi tên ta là tiếng gọi của người đã chết, gọi xuyên qua những ngàn những vạn những triệu năm... Trong một cuốn sách, tôi nhớ, để nói về sự vô cùng của vũ trụ, tác giả bảo người đọc hãy thử mường tượng, bằng tốc độ ánh sáng, tia lấp lánh sao đến với mắt ta đêm nay có thể đã phải khởi hành từ vời vợi những vì sao kia khi trên trái đất này còn chưa xuất hiện bóng dáng con người. So với sự vĩnh hằng của bóng tối, sự thăm thẳm của thời gian, tồn tại của nhân loài có vẻ không hơn một vết lập lòe đom đóm là mấy!
Từ chỗ tôi ngồi, chếch về phía bên trái, sao Antares trong chòm Bò Cạp đang tỏa sắc đỏ trên nền trời đêm. Bên trên Antares một chút là ánh sáng mù mịt của chòm Thiên Bình. Không tìm thấy Orion đâu cả. Theo thần thoại Hy Lạp, Orion là một thợ săn giỏi nhưng vì ngạo mạn nên đã bị Hera - vợ của thần Zeus sai bọ cạp xuống tìm giết. Bọ cạp giết được Orion nhưng cũng bị chàng thợ săn dùng chân giẫm chết. Thương tiếc Orion, Zeus đã biến chàng thành sao trên trời, còn bọ cạp cũng được hóa thân thành chòm Scorpius. Bởi tích đó, mỗi lần sao Scorpius mọc lên thì Orion lặn xuống như để lánh mặt kẻ cựu thù của mình. Gần sát chân trời là chòm Nam Thập Tự, cao hơn chút nữa là chòm Nhân Mã, dài ngoằng ngang trời là chòm Cự Xà, rồi Cung Thủ, Xà Phu… Những tên sao với âm gọi vừa xa xôi vừa bí ẩn, khơi gợi bao nỗi niềm khuya khoắt! Người ta bảo, trong cái lấp lánh của hằng hà tinh tú kia có ánh lấp lánh của những vì sao đã chết từ cổ độ. Tưởng tượng ánh sáng là tiếng nói của một người, tiếng gọi tên ta là tiếng gọi của người đã chết, gọi xuyên qua những ngàn những vạn những triệu năm... Trong một cuốn sách, tôi nhớ, để nói về sự vô cùng của vũ trụ, tác giả bảo người đọc hãy thử mường tượng, bằng tốc độ ánh sáng, tia lấp lánh sao đến với mắt ta đêm nay có thể đã phải khởi hành từ vời vợi những vì sao kia khi trên trái đất này còn chưa xuất hiện bóng dáng con người. So với sự vĩnh hằng của bóng tối, sự thăm thẳm của thời gian, tồn tại của nhân loài có vẻ không hơn một vết lập lòe đom đóm là mấy!
Vào những đêm rét ngọt trên cao nguyên, tôi nhớ, sao sáng một cách kỳ dị. Trong cái tĩnh lặng mênh mông ấy, ta tưởng chừng có thể nghe được tiếng vụn vỡ của những vì sao dội đến tai ta, và cũng vậy, với một ly rượu nhỏ, ta có thể nghe được tiếng máu của ta rì rào chảy trong huyết quản. Tôi chưa bao giờ nghe được tiếng sao vỡ trong khuya Sài Gòn, và những cuộc rượu, dù có nốc đến hàng đống, chẳng khi nào tôi nghe được tiếng máu của mình reo lên. Phải chăng, đám đông luôn làm hỏng thính giác của ta, như nó vẫn thường làm hỏng mọi giá trị tương tự nơi bản ngã riêng của mỗi cá nhân con người?
Ngồi với đêm bao la cùng một trời sao chi chít, tôi cũng thường nhớ đến âm nhạc Vũ Mãn Triệt (1). Có không ít nhạc sĩ đã viết về sao, về các vì tinh tú, nhưng tôi thích nhất tác phẩm của nhà soạn nhạc Nhật Bản này. Vũ Mãn Triệt có cả một series nhạc phẩm lấy cảm hứng từ những chòm sao: Asterism, Cassiopeia, Gémeaux, Orion, Orion và Pleiades… Nhạc tứ và cấu trúc trong các tác phẩm này của ông sâu thẳm, phức tạp như chính cái vô hạn mà nó muốn giả lập và gợi mở cho người nghe. Có thể ta đang sống trong một căn phòng bít bùng, có thể ta đang chìm trong một đêm mưa dầm thê thảm mùa thu, hãy cứ thử nghe - tỉ như Cassiopeia chẳng hạn - nhắm mắt lại, ta vẫn có thể choáng ngợp có riêng cho mình một đêm bao la cùng một trời sao lấp lánh. Đã quá xa xôi tuổi mơ màng cùng gã mục đồng trong thiên mộng “Những vì sao” của Alphonse Daudet, cũng đã quá xa xôi tuổi tập tành theo đuổi giấc tang bồng hồ hải với sao trời, tinh vân và gió cát muôn trùng kiểu Saint-Ex. Cuộc đời vùn vụt trôi chẳng biết qua những ngõ nào nẻo nào, chưa kịp nhận đường định hướng thì thoắt một cái đã thấy ta đứng vào tuyệt lộ. Bao nhiêu đam mê khát vọng chẳng nhẽ rốt cuộc chỉ là mộng huyễn? Những vì sao trên trời, hằng đêm vẫn vạch những cung đường vô hình đầy mê hoặc của mình lên nền bao la. Còn ta? Đường ngang lối dọc nào ta đã rong qua? Những nét vạch vô hình nào còn để lại? Và bằng cách nào ta đã tới đây? “Niệm thiên địa chi du du/ Độc sảng nhiên nhi thế hạ”(2)... Đôi khi tự nhủ với mình, đừng ngoái lại, đừng ngoái lại, tốt nhất là đừng ngoái lại!
Có một vệt sao vừa lướt ngang trời. Không còn đủ thơ ngây để có thể tin rằng người ta sẽ đạt được sở nguyện nếu kịp nhắm mắt lại và đọc trọn được điều ước của mình mỗi khi nhìn thấy một vì sao băng, dù vậy đêm nay, một mình với trời khuya bao la, tôi vẫn muốn một lần nữa được sống lại với niềm tin dân gian tuy đơn sơ nhưng đẹp đẽ đó. Con người chỉ có thể nhìn thấy sao trời khi còn biết ước mơ, còn hy vọng và không chỉ biết suốt ngày cam chịu cúi gằm mặt xuống đất. Trong lúc chờ lượt sao băng kế tiếp, tôi sẽ chuẩn bị điều ước cho mình. Một điều ước, một điều ước, một điều ước... Nhưng mà, ước gì nhỉ?
Trần Thanh Sơn (6.2018)
(1) Nghe nhạc Vũ Mãn Triệt
(2) Ngẫm đất trời bao la vô tận, bất giác sầu u mà nhỏ lệ (Đăng U Châu đài ca - Trần Tử Ngang)
(2) Ngẫm đất trời bao la vô tận, bất giác sầu u mà nhỏ lệ (Đăng U Châu đài ca - Trần Tử Ngang)
Toru Takemitsu - Cassiopeia for Percussion and Orchestra
Japan Philharmonic Symphony Orchestra - Seiji Ozawa
Ảnh trên: From "Verre de vin" (Claude Venard)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét