Tôi đến với âm
nhạc trễ tràng: 16 tuổi, độ tuổi mà những nhà sư phạm âm nhạc nếu được hỏi
đều sẽ phán như đinh đóng cột là rất ít cơ may để có thể học tập và trở
thành một nhà soạn nhạc cho “ra ngô ra khoai”. Kỹ năng soạn nhạc là tổng
hòa của hàng loạt những kỹ năng phải được học tập và rèn luyện từ
rất sớm, nó không thể hình thành một sớm một chiều kiểu như bất giác
lĩnh hội được võ công thượng thừa của các chàng hiệp khách trong tiểu
thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Và vì vậy, cái danh xưng nhạc sĩ mà sau này tôi vơ
vào mình khá nghiệp dư, nó thiên về ngoại diên của danh từ đó với các phẩm
tính đơn thuần của một tay chơi tài tử lớt phớt, một kẻ mê nhạc, nhiều hơn
là một người nhạc sĩ chuyên nghiệp về cả năng lực, thái độ lẫn tinh thần làm việc.
Nhạc sĩ Quốc Bảo năm xưa một trong những lần trò chuyện thân tình ở bàn cà phê
cũng đã từng cười diễu tôi, đại loại: “S. làm việc amateur quá, như đa phần các
nhạc sĩ ta hồi nào đến giờ, sáng tác là cứ phải mơ mộng, phải chờ cảm hứng.
Để phát triển, nền âm nhạc chúng ta bây giờ cần những người viết mang tác phong
làm việc của xã hội công nghiệp”…
Hè năm lớp Mười,
trong một đợt học sinh phải đi lao động dài ngày ở nông thôn (ngày ấy gọi là
lao động XHCN), tôi mới đột ngột nhận ra mình chẳng hề biết chơi một thứ nhạc cụ
quái nào cả và bị hấp dẫn bởi cây đàn mà M. - người bạn cùng lớp thường ngất
nghểu ngồi trên những đụn rơm mỗi buổi chiều tà khi xong việc - gảy phừng phừng
và cất tiếng hát những bài bình ca kiểu ai-bảo-chăn-trâu-là-khổ hoặc sướt
mướt như tôi-ca-không-hay-tôi-đàn-nghe-cũng-dở... Tôi thích mê, lẽo đẽo đi
theo M. nài bạn dạy cho mình sử dụng thứ nhạc cụ diệu kỳ ấy: guitar. Và như
tôi nhớ, dù không chỉ được gì nhiều cho tôi ngoài Am-Dm-E7-Am - cái vòng
chuyển hợp âm gần như duy nhất trên guitar của mọi bài ca bolero đại chúng
- nhưng M. lại rất sẵn lòng hào phóng cho tôi mượn đàn để tự học, mỗi lần
cho mượn cả tuần liền! Cánh cửa mở ra cho tôi bước vào với thế giới âm nhạc
bắt đầu đại loại như vậy…
Công bằng mà
nói, tôi nghĩ mình cũng không phải thuộc dạng người hoàn toàn không có khiếu âm
nhạc. Từ bé xíu, tôi đã có khả năng “đánh đàn miệng” đúng bóc một giai điệu nhạc
không lời nào đó chỉ sau từ một đến hai lần nghe; tôi dễ dàng thuộc và hát theo
y xì mọi bài hát mà mình nghe qua radio, truyền hình hay máy hát của gia đình;
và như thế, tôi thấy mình cũng có thể liệt vào loại người… có chút xíu thiên tư!
Cái cớ sự khiến sau đó tôi gần như chỉ dám đứng ngó từ xa xa, “kính nhi viễn
chi” cái thế giới tuyệt diệu của âm thanh có lẽ bắt nguồn từ một buổi học Pháp
văn năm tôi vào lớp Bảy. Thầy Tr. dạy tiếng Pháp lớp tôi và cũng là thầy phụ
trách đội văn nghệ trường đã tuyển thành viên cho đội văn nghệ bằng cách lần lượt
vào cuối mỗi buổi học bắt đám học trò phải đứng lên hát cho cả lớp nghe một
bài. Đến lượt tôi, giờ đây tôi không còn nhớ nổi mình đã chọn bài hát nào và chẳng
hiểu tôi đã ngoác mồm ca hát ra sao, chỉ biết sau đó tôi nghe thầy T. cười khà
khà và nửa đùa nửa thật bảo: “Cảm ơn bạn S! Bạn hát nghe… cũng được! Tuy
nhiên, thầy nghĩ, có lẽ âm nhạc không phải là sở trường của em”. Đó là một gáo nước lạnh
rõ to. Tuy cụt hứng nhưng tôi cũng chẳng mấy thấy tự ái, vì những năm học cấp
II ấy, tôi chỉ mộng mị lớn lên mình sẽ trở thành một họa sĩ (!).
Quay trở lại cái
đam mê âm nhạc đến muộn của tôi. Đó là những năm tháng khó khăn ghê gớm. Sở hữu guitar là một giấc mơ xa vời vợi. Chẳng biết nhặt được ở
đâu một cuốn hướng dẫn tự học tây ban cầm rách bươm, để học chuyển hợp âm theo sách cho thành
thục không thể cứ muối mặt đi mượn đàn của bạn mãi, tôi cắt một tấm
ván bìa theo hình dạng một cây guitar có cả cần đàn hẳn hoi, trên đó
tôi lấy bút kẻ những hàng phím bấm tượng trưng rồi căng dây cước lên
mà luyện tập. Với cây guitar đầu tiên, tôi phải nhịn ăn sáng, dành dụm mọi
khoản tiền mình có được từ những việc lặt vặt như phụ bốc gạch, thu nhặt ve
chai, vân vân và vân vân trong suốt gần một năm trời mới mua được. Ngày ôm cây guitar
từ tiệm đàn về nhà đối với tôi là một ngày trọng đại kinh khủng mà mãi mãi chẳng bao giờ tôi quên. Cuộc đời tôi
sau này dù sắm được hàng đống những thứ có giá trị gấp ngàn, gấp vạn lần cây đàn
guitar hàng chợ đó, nhưng chẳng bao giờ tôi còn có được cảm giác
sung sướng hân hoan đến như vậy. Đêm ấy, tôi nhớ mình không ngủ được, chốc chốc
lại ngồi dậy ngắm nghía cây đàn treo trên vách tường, lòng dạ tôi lâng lâng,
lâng lâng… Thế nhưng, cũng chính với cây đàn đầu tiên, do không đủ tiền sắm
một cây guitar cổ điển, tôi đã phá nát đôi tay của mình khi ngu dốt lẫn dại dột lao vào tập chơi classic trên cây đàn hoàn toàn không phù hợp này. Về sau, dù có điều
kiện đặt đóng cho mình nhiều cây guitar đắt tiền, tốt hơn và đúng điệu hơn, nhưng khả năng cầm
thủ của tôi như cái cây non đã bị uốn sai không thể phát triển được nữa, nó mãi mãi dừng lại ở mức trung bình, hoặc đánh giá một cách nghiêm khắc hơn, dưới trung bình một chút!
Và vậy là,
thông qua cây đàn guitar hàng chợ, tôi bước vào thế giới mênh mông và diễm ảo của
âm nhạc. Bên cạnh những bài tập vỡ lòng, những ca khúc Pháp lời Việt phổ thông như Donna, Bang Bang, Les feuilles mortes hay Scarborough Fair mà thời đó hầu hết những người mới võ vẽ học đàn đều biết, tôi bắt đầu chập chững làm quen với
Bach, với Mozart, với Gluck, Handel, Brahms… qua những bài chuyển soạn cho
guitar của Andres Segovia. Âm nhạc cùng đống sách cũ mà tôi lưu giữ được đã
giúp tôi vượt qua được những mùa đông dài thăm thẳm cuối thập niên 1970 đen tối.
Tôi nhớ căn phòng lạnh căm căm mùa đông của mình. Nhớ khung cửa sổ nhìn ra khu
vườn bên hông nhà với những rặng nhãn không ngớt rền rĩ trong gió mùa Đông Bắc.
Nhớ bóng chiều xám xịt như nước dần dâng phủ lên chiếc bàn giấy cũ với những chồng
sách nằm như đóng băng trong bóng tối. Nhớ những dòng cầm phổ chập
chờn nhòe nhoẹt dưới ánh đèn dầu những đêm cúp điện. Và trong căn phòng đó, trong mùa đông cuối
cùng của tôi ở căn nhà miền Trung xa ngái đó, tôi bắt đầu mày mò tẩy xóa viết
lên trang giấy học trò những nốt nhạc đầu tiên cho ca khúc đầu tay non nớt
của mình, ca khúc về mối tình đơn phương với những người yêu trong mộng tưởng, ở đó có mái tóc dài óng ả của X - cô gái
học chung trường, có ánh mắt đen sâu thẳm của Y - cô bạn xinh đẹp cùng lớp, có gót chân son trên
đường về của Z - người bạn gái nhà ở cùng phố, và, tất cả những đôi môi hồng, những nụ cười
xinh tươi từng gặp mà trí tưởng tượng tôi có thể gọi tên, có thể triệu hồi về được, tôi giam tất cả vào bài hát ấy. Chao
ơi, giá như tôi còn lưu giữ được những khúc tình ca của thời thơ dại này…
Trần Thanh Sơn (7.2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét