Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Nằm im nghe gió thổi


Mưa suốt đêm hôm qua, cho đến gần sáng thì chuyển sang gió, thứ gió âm u tháng Bảy ào ào thổi như muốn đánh thức toàn bộ cỏ cây của trần gian trở giấc, tiếng xào xạc khua động mọi cõi miền của gió làm liên tưởng đến vọng âm của muôn vàn bước chân trở về từ cõi mịt mù, lướt trên cành lá, xuyên bờ dậu, về qua thềm… Tôi nhớ mẹ tôi quá!
 
Thời gian gần đây tôi hay nằm mơ thấy mẹ. Trong mơ, có lúc tôi thấy mẹ tôi đã già, đúng như những năm cuối cùng trước khi bà mất, dáng mẹ gầy gầy, ánh mắt dịu buồn, qua tròng kính lão đôi khi cái nhìn của bà có vẻ ngơ ngác, như thể bà đang băn khoăn trước một chọn lựa nào đó mà nhất thời bà chưa thể tìm ra đáp án, và mẹ tôi cứ ngồi ngẩn ra như vậy với cuốn sách đang đọc dở trên tay. Nhưng cũng có khi tôi mơ thấy mẹ còn trẻ, mẹ chỉ mới khoảng ngoài bốn mươi, những năm bà còn làm việc ở kho Dược của Sở Y tế, bà mặc áo dài gấm sắc hồng thẫm gần như chuyển sang màu nâu đồng, manteau và khăn quàng cổ trắng, tôi như còn nghe thấy mùi đủ loại thuốc men, mùi penicillin mùi menthol xộc lên trong giấc mơ mình, và ở đó, tôi thấy mẹ luôn tươi cười, bà vui vẻ và đẹp rạng ngời! Cũng có giấc mơ tôi thấy bà buồn bã ngồi trong ánh chập chờn bếp lửa mùa đông, mẹ tôi gầy và xanh mướt như tất cả mọi bà mẹ của những mùa đông đói rét thiếu thốn năm 1977-1978, hình như tôi vừa tan học về, mẹ mang cho tôi một tô bánh canh, đúng hơn là một thứ cháo lõng bõng được khuấy bằng bột khoai mì với cá vụn mà mẹ cứ gọi bừa là bánh canh, mẹ cười bảo tôi, mẹ và các em ăn rồi, mẹ dành cho con phần nhiều nhất đó…
 
Thuở bé, tôi gần gũi với mẹ nhiều hơn là với bố. Bố tôi không phải là một người nghiêm khắc, nhưng ông xa xôi và có vẻ ít quan tâm đến việc giáo dục con cái. Hầu như việc quản lý và chăm sóc gia đình ông phó thác hết cho mẹ tôi. Thế nên, tôi cho rằng mọi ảnh hưởng cũng như thiên hướng mà cuộc đời tôi theo đuổi sau này có lẽ xuất phát từ mẹ tôi, dù rằng chưa bao giờ mẹ tôi biểu lộ bất cứ một ý muốn mang tính áp đặt nào của bà lên tương lai của tôi. Từ lúc nào chẳng biết, tôi cũng thích đọc những cuốn sách mà mẹ tôi thích đọc, thích nghe những bản nhạc mà mẹ tôi thích nghe, yêu thích cái đẹp cổ điển mà bà yêu thích và cũng dị ứng với những điều mà bà không ưa… Cái quỹ đạo vô hình mà mẹ tôi âm thầm ảnh hưởng lên tôi từ khi tôi còn bé xíu ấy hình như chỉ bị phá vỡ khi tôi học xong trung học, khi tôi nghĩ rằng tôi đã “vượt qua” được mẹ, khi tôi hướng ra và đuổi theo những điều xa lạ tân kỳ của thế giới bên ngoài…
 
Không ngủ lại được. Nằm im nghe gió thổi. Nhớ ngày xưa có lần mẹ tôi bảo tháng Bảy là tháng xá tội vong nhân, Diêm vương mở cửa âm phủ cho linh hồn người chết được tự do về lại dương trần để tái sinh hoặc siêu thoát, chính vì vậy mà trong hơi gió tháng Bảy ta thường nghe ra niềm lạnh lẽo ai oán bởi chứa quá nhiều âm khí. Trong cuốn phim hoạt hình “Coco” khá hay của Pixar mà gần đây tôi được xem, mới biết ra văn hóa của người bản địa Mexico cũng có ngày lễ dành cho người chết tương tự như ngày xá tội vong nhân ở ta. Vào ngày này, một chiếc cầu nối liền hai cõi âm dương được mở ra, người chết từ thế giới bên kia sẽ được trở về đoàn tụ và ăn uống cùng gia đình, tuy nhiên, những linh hồn không được người thân tưởng nhớ bày ảnh trên bàn thờ sẽ phải ở lại và trải qua ngày lễ trong nỗi hiu quạnh. Mượn xung đột giữa niềm đam mê âm nhạc của cậu bé Miguel với sự cấm đoán từ phía gia đình dẫn đến chuyến phiêu lưu vào thế giới của người chết với những kết quả ly kỳ đầy bất ngờ vào phút chót, nhưng nét đáng nhớ của cuốn phim với tôi lại nằm ở chỗ khác, nó rải rác trong những chi tiết, những câu thoại tưởng chừng bâng quơ, vô thưởng vô phạt. Đoạn kể linh hồn cụ cố nhạc sĩ Hector dẫn Miguel đi mượn đàn ở khu ổ chuột dành cho những linh hồn bị bỏ rơi, chẳng hạn. Ở đoạn này, người bạn cũ Chicharron của Hector ra điều kiện sẽ cho mượn đàn nếu cụ cố chịu đàn cho ông ta nghe một bài, bất kỳ là bài gì. Sau khi nghe xong bản nhạc, linh hồn Chicharron tan đi như một làn khói. Trước sự ngạc nhiên của Miguel, Hector cho biết: “Là do ông ấy đã bị quên lãng. Khi không còn ai ở trần thế còn nhớ đến cháu, cháu sẽ biến mất khỏi thế giới này, bọn ta gọi đó là cái-chết-sau-cùng”. Lòng băn khoăn, Miguel bảo, thế thì cháu sẽ là người nhớ tới Chicharron, được không, nhưng Hector lắc đầu: “Ký ức về chúng ta, chúng phải được truyền lại bởi những người từng biết ta trong cuộc đời, trong những câu chuyện họ kể về chúng ta. Nhưng... chẳng ai còn sống để kể lại những câu chuyện về Chicharron nữa…”.
 
Tôi trở dậy thắp một nén nhang trên bàn thờ bố mẹ tôi. Con người chỉ thực sự chết đi khi bị quên lãng. Vậy là, không đợi đến khi lang thang tìm lại tiên cảnh và bỏ xác trong rừng, Từ Thức đã chết ngay từ lúc giã cõi tiên trở về nơi cố lý và biết được trên nhân gian không còn ai biết, ai nhớ đến chàng nữa. Vậy là, Joyce Carol Vincent không chết vào năm 2003, ba năm trước khi được mọi người phát hiện cô ngồi chết trên sofa trong lúc xem truyền hình, mà thật ra cô đã chết từ trước đó, trong cô độc và trong sự bàng quan, quên lãng của những người xung quanh (*). Vậy là… việc ấy trước sau gì cũng sẽ xảy ra với tất cả chúng ta, trong phim, Hector kết luận. Đó là một kết luận thê lương. Về cơ bản, có lẽ thế giới này được xây trên thứ chất liệu đầy sầu thảm đó thật: sự quên lãng. Trên hải trình vĩnh cửu của thời gian, chẳng có cái gì đến đích cả, hàng tỉ tỉ những con thuyền khẳm đầy ký ức nhân gian đã chìm đắm và sẽ cứ còn tiếp tục chìm đắm, nhưng tôi không tin và không muốn tin, quên lãng là thứ cốt yếu tạo nên lịch sử loài người! Bởi, có những thứ tình yêu, chỉ khi đã nằm ngoài tầm tay của ta, trở thành quá khứ của ta, ta mới hiểu ra, mới thấy nó bùng lên dữ dội và tiếp tục cháy như ký ức về tình yêu của mẹ đã dành cho tôi...
 
Sáng nay tôi nhớ mẹ tôi quá. Tôi nhớ mẹ tôi ngồi với cuốn sách đọc dở trên tay. Tôi nhớ mẹ tôi mặc áo dài sắc hồng thẫm khoác manteau và khăn quàng cổ. Tôi nhớ mẹ tôi gầy xanh buồn bã ngồi bên bếp lửa mùa đông... Rồi sẽ đến một ngày, có thể mọi ký ức về mẹ tôi cũng sẽ theo tôi chìm đắm như mọi lá thuyền của hữu hạn một đời người, nhưng có quan trọng không, điều đó? Giũ bỏ mọi thắc mắc siêu hình, giũ bỏ hết! Sáng nay nằm im nghe gió thổi. Tôi thấy tôi bé lại, thấy tôi chưa từng rời xa mẹ chạy theo những điều xa lạ tân kỳ của thế giới bên ngoài, tôi vẫn là một đứa trẻ loăng quăng trong cái quỹ đạo vô hình mà ở trung tâm là người mẹ yêu quý của mình, và muốn khóc. Gió tháng Bảy, mi mang gì về cho ta từ cõi xa xôi mịt mùng?
Trần Thanh Sơn (8.2018)



Ảnh trên: From Painting (Eo Omwake)


Không có nhận xét nào: