Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Đẹp ghê rợn!


Đẹp-ghê-rợn là một chuỗi tính từ mang đầy tính ngoa dụ. Tôi có người bạn cùng khóa thời học Tổng hợp, khi muốn diễn tả nỗi choáng ngợp của mình trước một sự thể nào đó, anh thường chêm chúng vào cuối câu nói bằng giọng trầm trồ, giả như: Biển đêm đẹp ghê rợn! Câu lục bát đẹp ghê rợn! Hoặc, ngõ nhà mình có con nhỏ vừa dọn đến ở, đẹp ghê rợn!… Hôm qua, nghe Symphony No.1 của Poul Ruders (1) - còn được tác giả đặt kèm một tên gọi nữa bằng tiếng Đức dài ngoằng, “Himmelhoch Jauchzend - zum Tode betrübt”, tra bác Gúc mới biết ra đấy là câu thơ trích từ vở kịch Egmont của Goethe (2), có thể tạm dịch: Hân hoan ngút trời sầu u chết điếng. Bản giao hưởng quyến rũ, đặc dị, nhất là ở hành âm cuối cùng: Maschera funerale. Nghe chương nhạc này, thiếu chút nữa tôi đã buột miệng nói: Khúc nhạc đẹp ghê rợn!

Thần thoại Hy Lạp có nàng Méduse xinh đẹp đến độ bất cứ người đàn ông nào nhìn thẳng vào mắt nàng cũng đều bị biến thành tượng đá; Đông phương thì có chuyện hồ ly tinh tu luyện nghìn năm có thể hóa thành mỹ nữ, mà hiện thân như Đắc Kỷ chẳng hạn, nhan sắc có thể hủy diệt cả một vương triều. Có lẽ đây là những truyền thuyết chỉ nhằm để cụ thể hóa cái sự đẹp-ghê-rợn. Người xưa sợ cái gì thái quá nên đã nghĩ ra những chuyện đại loại như vậy để cảnh giác ta chăng? Một đồng nghiệp đi Mỹ về kể tôi nghe cái cảm nhận kỳ lạ của anh về sự bé mọn thảm hại của con người khi đứng trước cảnh quan hùng vĩ Niagara, nhưng đáng sợ nhất, theo anh, là sức hút ma mị của cái vực thẳm ngầu bọt và thiên thu gào rú ấy, nó như bản hợp xướng khổng lồ của bầy Sirène không ngớt thôi miên ta, dụ hoặc ta, rủ rê ta nhắm mắt buông mình nhảy cắm đầu xuống đó! Tôi chưa từng được đến thác Niagara, nhưng nghe chuyện thì bỗng nhớ đến lần đứng trên đỉnh đèo cao nguyên đá Hà Giang trong một dịp rong chơi. Giữa trưa biếc nhìn xuống dòng Nho Quế như sợi chỉ mảnh nằm dưới ngàn thước vực sâu hun hút dưới chân, ngắm trời cao đất thẳm gió hú buồn rầu nghĩ về cuộc đời nhỏ bé ti tiện của mình rồi bỗng dưng… muốn chết? Khi đặt bút viết: “Sẽ tốt biết mấy nếu con người có thể chết bằng cách tự ném mình vào khoảng không vô tận” (3), ngoài việc là khúc tụng ca dâng tặng hư vô, phải chăng Cioran, nơi sâu thẳm, còn muốn diễn tả sức hút kinh hoàng của thứ được gọi là cái đẹp mang dáng dấp thiên thu ghê rợn này?

Mỹ học từ Platon cho đến Hegel đã luận nát về cái đẹp, nhưng có vẻ, chỉ đến thế kỷ XX - thế kỷ của những kẻ giết người hàng loạt, nội hàm của cái đẹp mới có những thay đổi lớn, biên độ được mở rộng ra, tiệm cận đến cả cái ghê rợn, cái xấu xa, khủng khiếp và kinh dị, đồng thời vai trò, vị trí, sự tương quan của nó với nhân bản tính mới được đem ra cân đo đong đếm lại. Trả lời phỏng vấn của tờ L'Express khi đề cập đến vấn đề mỹ học, George Stainer bảo, cái đẹp của triết học, văn học hoặc âm nhạc chẳng hề ngăn chặn được những điều xấu xa ghê tởm; trong chiến tranh thế giới thứ II, trại tập trung Buchenwald chỉ cách khu vườn của Goethe vài cây số, và ở Munich, khi thính giả bước vào phòng hòa nhạc để nghe trình diễn âm nhạc Debussy, họ có thể nghe thấy tiếng la khóc của những người bị tống vào trại tù Dachau gần kề ngay đó (4). Vậy thì, trong đêm đen của câu chuyện khủng khiếp mà Stainer kể lại ấy, cái đẹp của âm nhạc Debussy, nó thực sự nằm ở đâu? Một vài khi tôi nghĩ đến những vần thơ tuyệt đẹp của Osip Mandelstam hay những nhạc khúc mỹ lệ của Viktor Ullmann, Pavel Haas (5), những tác phẩm đó có hề cứu được họ thoát khỏi cái chết vì đói rét và hơi ngạt trong những trại tù, trại tập trung của cường quyền đâu nhỉ; và cũng vậy, nghĩ về những cuốn sách, những bức tranh, bức tượng bị đốt bỏ phá hủy trong những cuộc lên đồng nhân danh cách mạng này nọ, nghĩ về thời điểm Alexander Mosolov viết những dòng giai điệu u uẩn cho khúc Elegy mở đầu trong Cello Concerto No.2 của ông - dòng nhạc buồn bã đó có phải chỉ còn là lời ai điếu thảm hại cho tinh thần tiên phong trong những sáng tạo thời tuổi trẻ của ông đã bị vùi dập và bức tử bằng hàng rào kẽm gai của trại tù Gulag? (6) Cái đẹp hóa ra chỉ thật sự là ghê rợn khi nó bị đánh tráo bởi những thứ “đèm đẹp”, “nhờn nhợt màu da”, bị đủ thứ luân lý và chính trị cưỡng bức, lợi dụng; nó cũng chỉ thực sự là ghê rợn khi biến thành một thứ thẩm mỹ mang tính áp đặt ý thức hệ, độc đoán và tự cho mình cái quyền được bóp nghẹt những quan điểm thẩm mỹ không đi cùng hướng, cùng đường với mình. Sự tồn tại của những khái niệm triết học về cái đẹp ở trạng huống ấy xem ra là một bi kịch!

Trở lại với Symphony No.1. Đã lâu tôi không được nghe những bản nhạc mang đến thứ xúc cảm mãnh liệt, tạo cảm giác ngộp thở và… ghê rợn đến thế! Cùng là câu thơ lấy từ khúc hát của nàng Klärchen trong vở Egmont (Act III, Scene II), nhưng “Himmelhoch Jauchzend” của Ruders đã vượt qua được cái rào cản ước định tính chất anh hùng ca (dù tuyệt đẹp!) mà Beethoven đã khởi dựng khi đem bài thơ ra sử dụng cho vở nhạc cảnh cùng tên, đi về hướng gay gắt truy vấn người nghe, đặt ra những câu hỏi sát sạt về lý do hiện hữu của con người trước sự phá hủy kiên trì và tàn bạo của thời gian, lựa chọn nào trong cảnh tối ám ngột ngạt đó khi hư vô luôn ngự trị và áp đảo? Trong chuyển động như thác đổ của dàn nhạc với tốc độ cực cao scherzando prestissimo của hành âm thứ 3, âm nhạc được chuyển thẳng vào chương kết “Death Mask” - chương bi thảm nhất của bản giao hưởng - với cùng tốc độ, gào rú ghê rợn trong tiếng gõ chát chúa như búa nện đinh của 2 cây piano chơi đồng âm theo xu hướng chậm dần cho đến khi âm nhạc gần như hóa đá, đông cứng lại trong băng giá. Ở đó, ta chỉ còn thấy ánh sáng le lói của cặp đôi piano và violin độc tấu yếu ớ́́t nhắc lại giai điệu của khúc Carol đã được trình bày ở chương mở đầu, và câu nhạc đó, không khác gì một lời trăn trối, treo lơ lửng như một câu hỏi ảm đạm không người đáp trả trong sự vắng lặng của dàn nhạc ở những trường canh cuối cùng của bản giao hưởng… 

Tôi đã nghe đi nghe lại chương nhạc này nhiều lần, và lần nào cũng vậy, có cảm giác mình bị ném vào giữa cơn bão dữ, không có chỗ nào để mà bám víu, không còn nơi nào để mà nương thân, hoàn toàn trơ trọi một mình trong khi hư vô hú gọi, đuổi bắt sau lưng. Mùa thu này, tôi thấy trí nhớ của mình bắt đầu sụt giảm đi nhiều. Trước đây tôi có thể thuộc làu làu hàng đống Đường thi từ Lý Bạch đến Vương Duy, đọc vanh vách “Tương tiến tửu” trong nguyên bản từ đầu đến cuối không chút vấp váp, nhưng giờ đây, đó là điều bất khả! Tuần rồi, trong chương trình tập huấn kỹ năng dành cho sinh viên cuối khóa ở trường đại học nơi tôi công tác, có một nhóm nhạc thính phòng đến từ Hàn Quốc đã tình nguyện đến biểu diễn cho sinh viên nghe vào đầu các buổi học. Nhạc mục trình diễn của nhóm là những tác phẩm quen thuộc tôi đoan chắc mình đều đã từng biết từng nghe, vậy mà, có đến gần nửa số đó tôi chịu chết không tài nào nhớ ra được tên tác giả là ai! Nói theo một cách nào đó, làm như hư vô đã đuổi kịp tôi, đến sát ngay sau lưng tôi và hơi thở lạnh toát của nó bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình lên trí não tôi!  Truyền thuyết Celtic có câu chuyện về tiếng hát kỳ lạ và tuyệt đẹp của loài thiên nga trắng vào những giờ phút bí ẩn khi chúng hấp hối, những ai nghe thấy giọng hát này sẽ hiểu được tất cả những gì từ trước đến nay họ chưa hiểu được, nhưng đồng thời cũng sẽ quên hết tất cả những gì từ trước đến nay họ đã từng biết. Đây có lẽ là một trong những ẩn dụ đẹp tuyệt về sự quyến rũ ghê rợn của hư vô, và có lẽ, của cả chính bản thân cái đẹp!

Một người bạn nhỏ trên internet có lần nói với tôi là, cô luôn tin vào cái đẹp, rằng một tác phẩm nghệ thuật giá trị có thể cứu rỗi được vô số thứ... Nhưng hỡi ôi, đấy chẳng phải là cây thập giá nặng trĩu mà bao đời nay con người cứ khăng khăng đặt để lên vai cái đẹp và buộc nó phải mang vác, phải nhận lấy sứ mệnh? Người ta bảo đến một độ tuổi nào đó, con người chỉ còn thuần sống với niềm tuyệt vọng. Nghiệm vào mình, tôi thấy điều đó có lý. Cái đẹp, nếu cũng được xem là mầm của hy vọng, thì cuộc đời tôi, e rằng tôi đã sử dụng quá nhiều quyền được hy vọng của mình rồi! Trong một thời đại có quá nhiều đổ vỡ, khủng hoảng giá trị và khủng hoảng niềm tin như hôm nay, còn một thứ gì có vẻ vĩnh cửu (ngoài tôn giáo) để mà gửi chút mộng tàn (hoặc hy vọng tàn) của chúng ta vào đó thì cũng tốt. Thế nên, như người bạn nhỏ ấy nói, ta chọn cái đẹp chăng?
Trần Thanh Sơn (9.2018)



Note: Như bình thường tôi sẽ post Symphony No.1 của Ruders để mọi người nghe chơi. Tuy nhiên kiểm tra thấy trên youtube cũng có đăng tải bản giao hưởng này, ai quan tâm có thể vào đó nghe thử, vậy nên tôi link một bài khác, có vẻ chẳng liên quan gì đến bài viết này 😊 - bài hát đẹp-ghê-rợn Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ du ca lừng danh một thời Nguyễn Đức Quang - mà thuở bé tôi đặc biệt yêu thích:




(1) Poul Ruders (1949-): Nhà soạn nhạc hiện đại người Đan Mạch.
(2) Johann Wolfgang Goethe (1749-1832): Thi sĩ Đức, đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar. Egmont là vở kịch nổi tiếng của ông, hoàn thành vào năm 1788. Tôi tìm được một bản dịch sang tiếng Anh khúc hát của nàng Clara trong vở kịch như sau: “In joy and in sorrow, be thoughtful/ Long and fearful in suspended pain/ Rejoicing to heaven, grieving to death/ Blessed alone is the soul that loves”.
(3) Emil Cioran - On the Heights of Despair, Despair and the Grotesque, University of Chicago Press, 1994.
(4) Jennifer Tran - Văn hóa không làm tăng tính người (vietbao.com - 6.2.2001)
(5) Osip Mandelstam (1891-1938): Nhà thơ, nhà văn người Nga, tiêu biểu của trường phái thơ Asmeist Nga; chết vì đói và rét trong trại cải tạo ở Vladivostok dưới thời Stalin. Viktor Ullmann (1898-1944): Nhà soạn nhạc người Áo gốc Silesia;  Pavel Haas (1899-1944): Nhà soạn nhạc người Séc. Bị liệt vào danh sách những nhạc sĩ có tác phẩm “âm nhạc thoái hóa” (Entartete Musik), cả hai đều bị sát hại trong trại tập trung Auschwitz của phát-xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai.
(6) Alexander Mosolov (1900-1973): Nhà soạn nhạc Nga, là một trong những nạn nhân của cái gọi là “không tuân thủ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” - thẩm mỹ được xem là chính thống duy nhất dưới thời Stalin. Năm 1937, ông bị buộc tội chống đối nhà nước và kết án 8 năm trong trại cải tạo Gulag. Nhờ sự can thiệp giúp đỡ của Glière và Myaskovsky, ông được tha sớm. Nhưng kể từ 1940 cho đến khi ông qua đời năm 1974, “không còn nhận ra hơi thở tiền phong kiểu Mosolov trong các tác phẩm âm nhạc của ông nữa” (Frolova-Walker). Cello Concerto No.2 được Mosolov viết năm 1946.
Ảnh trên: From Abyss (Rebecca Price)


Không có nhận xét nào: